Thật sự chúng tôi đã không cầm được lòng mình khi nhìn 2 mẹ con chị khóc. Nhìn những giọt nước mắt rơi trên gương mặt khắc khổ của một người phụ nữ bất hạnh và một nữ sinh ham học nhưng quá nghèo, chúng tôi thấy mình cần phải làm gì đó trước những số phận thiệt thòi này. Chúng tôi mong sẽ có một tia hy vọng từ các tấm lòng nhân ái sẻ chia với chị.
Chúng tôi tìm đến nhà của chị Trần Mỹ Ngọc (44 tuổi, ngụ thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) vào một buổi trưa nắng khi chị vừa đi cấy lúa mướn về. Nhìn căn nhà xiêu vẹo, rách trước, sụp sau trông “mỏng manh” như con người chị. Một người phụ nữ với vẻ ngoài khắc khổ, ốm yếu đang phải từng ngày “vật lộn” với những cơn đau cột sống để kiếm miếng ăn, cái mặc và giữ lấy con chữ cho 2 đứa con. Bởi thế như chị nói, đến bản thân mình và 2 con, chị còn chưa biết có cứu nỗi hay không thì nói chi đến cứu lấy căn nhà đang có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào.
Người ta nói “an cư lạc nghiệp” nhưng với chị Ngọc, căn nhà mà mẹ con chị đang ở vẫn còn phải ở đậu trên đất của người khác, trong khi gạo ăn hàng ngày còn lúc có lúc không thì chuyện “an cư lạc nghiệp” đối với chị Ngọc là một điều gì đó quá xa vời mà trong mơ có lẽ chị cũng không thấy được.
Tiếp chuyện với chúng tôi trong căn nhà xiêu vẹo của mình, chị Ngọc bộc bạch nỗi lòng bằng những giọt nước mắt chua chát và nhiều khổ hạnh. Chị cho biết, chồng chị bỏ đi đã 1, 2 năm nay, không còn quan tâm, lo lắng đến 3 mẹ con chị nữa. Từ lúc đó, gánh nặng cơm áo gạo tiền một mình chị phải gánh lấy.
Để nuôi hai con là cháu Trần Thị Mỹ Linh (lớp 10) và Trần Thị Mỹ Dung (lớp 5) ăn học, chị Ngọc làm tất cả những gì có thể với quyết tâm cho con bám lấy cái chữ để sau này đỡ khổ. Có những hôm nửa đêm, gần sáng chị Ngọc đạp xe cả chục cây số đi làm thuê nhưng không phải ngày nào cũng có việc để kiếm vài chục ngàn đồng mua gạo và dành dụm cho con đến trường. Có bữa làm về nhà đã khuya, nằm chợp mắt chưa được bao lâu, trời vừa sáng chị lại phải dậy, tất tả tìm việc trong bao nỗi lo toan của người làm mẹ. Chị nói với chúng tôi, chị sợ “cái đói, cái dốt” sẽ đến với con mình nếu một ngày chị không kiếm được tiền, chị là mẹ, chị không cam lòng.
Cũng từ những hôm đạp xe cả chục cây số, cũng từ những ngày đứng bóc vỏ tôm, khom lưng cấy lúa mướn, cột sống lưng của chị Ngọc bị đau nhức khiến nhiều lúc chị ngã quỵ. Rồi thêm cái bệnh viêm mũi từ nhiều năm nay những khi trái gió trở trời hành hạ chị thốn đau đã làm cho sức khỏe của người phụ nữ mới ngoài 40 tuổi này kiệt quệ dần.
“Mình nghèo, cơm lo hai bữa còn chưa xong lấy đâu ra tiền trị bệnh hả chú. Đau nhức lắm, tưởng có lúc tui quỵ xuống không dậy nổi nữa rồi, nhưng vì con mà gắng gượng. Không tiền mua thuốc, chỉ có thể lại trạm y tế xã lãnh vài viên thuốc dành cho người có sổ hộ nghèo về uống cho qua cơn đau để mà đi làm tiếp tục nuôi con”, chị Ngọc bùi ngùi.
Chị Ngọc gạt dòng nước mắt đang chảy xuống tới má, rồi lại nghẹn ngào: “Trong nhà có lúc không còn hạt gạo chú à, nhưng không đi mua thiếu được bởi chẳng còn tiền, mà mượn tiền cũng khó bởi mượn nhưng nghèo quá biết có để trả hay không. Vơ vét lại trong túi của 3 mẹ con chỉ đủ tiền mua gói mì tôm. Ba mẹ con nấu lên, mì ít mà nước thì nhiều, vừa ăn vừa ôm nhau khóc cả buổi tối”. Nghe chị nói, đứa con gái lớn của chị ngồi kế bên bật khóc, mắt chúng tôi cũng đỏ hoe theo tiếng khóc của con gái chị.
Cũng vì quá nghèo mà hai đứa con gái của chị cũng gặp nhiều khó khăn khi đến trường. Cháu Trần Thị Mỹ Linh (con gái lớn chị Ngọc) cho biết, nhà cách trường hơn 3km, hàng ngày cháu chở em gái đi học rồi rước về. Có bữa mẹ làm có tiền thì cho hai chị em 10 ngàn đồng đi học. Có ngày mẹ làm ít thì hai chị em được 5 ngàn đủ uống nước. Còn hôm nào mẹ thất nghiệp thì hôm đó hai chị em Linh nhịn đói, nhịn khát. Vậy mà, hai chị em cháu Linh vẫn học rất giỏi.
Trước khó khăn của gia đình, khi trò chuyện với chúng tôi, cháu Linh tâm sự: “Thấy mẹ cực khổ, lại bệnh tật nên cháu định nghỉ học để đi kiếm gì đó làm tiếp mẹ nuôi em nhưng mẹ không cho. Mẹ nói dù khổ mấy cũng chịu, miễn hai chị em cháu học giỏi để sau này có tương lai tốt hơn. Nhờ thầy cô động viên, nhờ mẹ sớm hôm bươn chãi mà hai chị em cháu mới được học đến giờ”. Rồi cháu Linh lấy hàng chục tấm giấy khen của hai chị em cho chúng tôi xem, những tấm giấy khen này là kết quả của sự cố gắng và như là một niềm an ủi của hai chị em Linh dành cho mẹ.
Cháu Linh cho chúng tôi biết, hè vừa rồi, để có tiền cho mẹ uống thuốc và mua đồ cho em cháu đi học, cháu Linh đi lên TPHCM phụ việc khoảng hơn 1 tháng cũng được chừng 2 triệu đồng. Số tiền này có thể là ít ỏi với nhiều người nhưng với cháu Linh, tự thân cháu kiếm được theo cháu nói nó còn quý hơn cả tính mạng của mình vì cũng đã giúp ích cho mẹ.
“Sức khỏe mẹ thì ngày càng yếu đi, bệnh tật của mẹ không biết khi nào mới có tiền để trị được, hai chị em cháu đang tuổi lớn, tuổi ăn học nên cháu sợ lắm. Cháu sợ mẹ không đủ sức lo nữa thì hai chị em cháu biết phải làm sao. Cháu tính những ngày không học cháu kiếm gì đó để làm phụ mẹ cho mẹ khỏe hơn”, cháu Linh nói trong những giọt nước mắt trước cảnh bế tắc của gia đình.
Nghe lời bộc bạch của con gái, chị Ngọc lại sụt sùi khóc. Nhìn những giọt nước mắt của người phụ nữ hơn 40 tuổi với số phận nhiều khổ cực khiến chúng tôi nghẹn cả lòng mình. Chúng tôi thấy chị đưa ánh mắt còn nhòe nước nhìn xa ra phía cửa như đang ngóng tìm một điều gì đó có thể "cứu vớt" 3 mẹ con chị qua cơn khốn khó này. Có lẽ chị cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, chị nói với chúng tôi chị thấy đau lòng lắm, đau lòng bởi chị làm mẹ nhưng không lo được đầy đủ cho con, để có những lúc con chị phải nghỉ đến chuyện bỏ học để lo cho mẹ.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, chị Ngọc chỉ tay lên mái tôn đã bị thủng nhiều chỗ, thêm mấy cột nhà đã xiêu vẹo từ lâu nhưng chẳng biết khi nào có tiền để sửa lại được. Có những hôm mưa giông gió, 3 mẹ con đang ngủ phải tốc mùng bỏ chạy ra ngoài vì sợ nhà sập. Đến khi hết giông vào lại trong nhà thì cả mẹ lẫn con ướt run lên lập cập. “Mẹ con thay đồ rồi lên giường mà vừa nhắm mắt vừa lo nên có lúc phải thức trắng cả đêm. Mình là mẹ thì chịu được, chỉ tội cho hai đứa nhỏ có khi không đủ sức mà đến trường”, chị Ngọc xót xa.
Chúng tôi hỏi chị Ngọc, trước những khó khăn hiện giờ của gia đình, chị có mong muốn điều gì cho 3 mẹ con? Chị Ngọc thở dài nghe đến não lòng: “Giờ tui có mong gì lớn lao hả chú, chỉ mong sao bệnh tật không hành hạ để có sức đi làm nuôi con. Nhìn nhà cửa xiêu vẹo thế này, những khi đi làm thấy trời mưa là lo lắm, lo cho hai con ở trong nhà lỡ có bề gì thì khổ nên cũng mong có ít tiền sửa lại căn nhà cho chắc để 3 mẹ con an tâm hơn”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Chị Trần Mỹ Ngọc, Số nhà 281, ấp Xẻo Chích, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
|
HUỲNH HẢI
________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét