Chạnh lòng khi nghe tiếng cám ơn không ngớt của trẻ mồ côi hay cảm phục vì học sinh dù khuyết tật nhưng vẫn tràn đầy nghị lực và tinh thần lạc quan… đó là những gì còn đọng lại trong chúng tôi khi đến thăm Trường Trẻ em khuyết tật (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) và Cơ sở Giáo dục nội trú tình thương Khai Trí (thị trấn Phú Hòa, Thoại Sơn).
Dù có đôi chút rụt rè khi thấy người lạ, nhưng các em vẫn lễ phép cúi đầu chào hỏi khi chúng tôi ghé thăm. Đâu đó có ánh mắt dõi theo chúng tôi xen lẫn sự hồi hộp. Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ nhiệm Cơ sở Giáo dục nội trú tình thương Khai Trí bày tỏ: “Chúng tôi đang nuôi dưỡng 120 em. Mỗi em là một cuộc đời, một nghịch cảnh và biến cố riêng. Nhưng dù hoàn cảnh khác nhau thì thứ các em cần vẫn chỉ có một, đó là tình thương và sự ấm áp của gia đình. Dẫu chẳng phải là cha, mẹ nhưng chúng tôi đang cố sức giúp các em cảm nhận hơi ấm của gia đình khi về sống trong ngôi nhà chung này!”.
Một trong số những trẻ đáng thương tại cơ sở là cặp song sinh tên Nguyễn Thị Yến Nhi và Nguyễn Thị Mỵ (thị trấn Cái Dầu, Châu Phú). “Ba mẹ mất từ khi còn rất nhỏ, hai cháu được bà con cưu mang nhưng cũng trong cảnh thiếu trước hụt sau. Khi mới vào đây, cả hai rất nhút nhát, nhưng dần dần, hơi ấm và sự yêu thương của tất cả mọi người đã giúp hai chị em hoạt bát hơn. Chúng tôi đang đợi hai người em còn lại của các cháu ấy đủ tuổi sẽ nhận vào mái ấm này luôn, cho chị em sum vầy” – ông Thanh chia sẻ.
Ngoài việc được giáo dục văn hóa, những mảnh đời cơ nhỡ ở đây còn được thầy, cô giáo rèn luyện đạo đức, sức khỏe. Thấy mọi người đang bận sắp xếp những phần quà, các em tỏ ra rất hiểu chuyện – không cười đùa, chạy giỡn ồn ào mà chỉ ngồi im lặng. Đến khi được trao tay những món quà nhỏ, các em tỏ ra rất vui mừng. Rồi có em quay sang thắc mắc xem bạn bên cạnh có được nhận quà giống mình không. Biết rằng, những món quà nhỏ không đủ để xoa dịu nỗi đau của các em nhưng phần nào động viên để các em vươn lên trong cuộc sống. Anh Đinh Việt Luân, Bí thư Chi đoàn Văn phòng UBND tỉnh bộc bạch: “Hàng năm, chúng tôi vẫn duy trì việc thăm và trao quà cho các trẻ mồ côi, bất hạnh trong cuộc sống. Tuy không nhiều, nhưng đó là tấm lòng của mọi người gửi gắm đến những mảnh đời không may mắn”.
Bắt gặp nụ cười của cậu bé Nguyễn Phước Thanh (14 tuổi, học lớp 3) từ lúc có quà trên tay, chúng tôi đến gần trò chuyện. “Em vào đây sống được ba năm. Cô chú trong này cưu mang vì thấy em không cha mẹ, không người thân và chẳng còn nơi nào nương tựa. Em đang cố gắng học thật giỏi để đền đáp công ơn của thầy cô”- Thanh nói.
Chia tay những cảnh đời mồ côi, chúng tôi chưa hết xót xa thì lại không kiềm được lòng khi đến thăm Trường Trẻ em khuyết tật. Có em bị khiếm thính, khiếm thị, lại có trường hợp bị thiểu năng trí tuệ nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không tìm thấy bất cứ sự tuyệt vọng nào trên những gương mặt ấy. Phải chăng vì được thầy cô của trường dìu dắt trong tình thương và lúc nào cũng được cộng đồng quan tâm nên các em được an ủi phần nào nỗi bất hạnh bản thân? Em Nguyễn Phước Thọ (học lớp 4) hồn nhiên: “Khi mới sinh ra, em đã không nhìn thấy gì. Em hoàn toàn chẳng biết mọi việc đang diễn ra quanh mình là thế nào. Đến khi vào trường này học, được thầy cô dạy bảo nhiệt tình, bạn bè giúp đỡ, em rất vui vì đã biết được nhiều điều hay và bổ ích. Em đang ra sức học tập thật tốt để cha mẹ tự hào và đền đáp công ơn của các thầy cô giáo!”. Bật mí về ước mơ sau này, Thọ ngượng ngùng cho biết mình muốn trở thành một ca sĩ. Thầy cô của trường giới thiệu, Thọ rất thích hát và có giọng ca khá hay. Em còn là giọng ca của trường trong những buổi liên hoan, tổng kết. Hy vọng, Thọ sẽ có thêm động lực bước tiếp con đường chông gai của số phận.
Thầy Nguyễn Bá Khỏa, Hiệu trưởng Trường Trẻ em khuyết tật cho biết: “Có lẽ vì biết hoàn cảnh mình nên các em đều rất ngoan và chăm chỉ học tập. Bên cạnh đó, nhà trường còn được chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần. Hàng năm, vào các ngày lễ, Tết, chúng tôi luôn lồng ghép những chương trình vui chơi, phát quà cho học sinh. Nhờ vậy, các em không cảm thấy mình bị thiệt thòi hay mặc cảm với bạn bè cùng trang lứa”.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét