Mỗi đêm, cứ đến khoảng 10 giờ tối, em Phạm Mỹ Dung (sinh viên năm thứ 3, ngành Việt Nam học, Trường đại học An Giang) lại quanh quẩn ở nơi đặt những thùng rác quanh khu vực ký túc xá nhặt vỏ chai nhựa mang đi bán kiếm thêm thu nhập để trang trải việc học, chia sẻ bớt gánh nặng cho cha mẹ vì còn phải lo cho 3 đứa em nhỏ cũng đang ở tuổi ăn tuổi học.
Gia đình em Phạm Mỹ Dung không có đất canh tác, cũng không có đất cất nhà nên phải sống nhờ nhà người cậu tại xã Thoại Giang (Thoại Sơn). Khoảng 10 năm gần đây, gia đình Mỹ Dung chuyển về thị trấn Núi Sập sinh sống, được một gia đình tốt bụng tại thị trấn cho mượn miếng đất bỏ trống dựng lên một ngôi nhà tạm bợ che mưa, che nắng.
Dù hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, nhưng chị em Mỹ Dung vẫn được cha mẹ cho đến trường học tập. Dung tâm sự: “Cha mẹ em muốn các con được học hành đầy đủ để sau này cải thiện cuộc sống”. Mong muốn là vậy, nhưng với số tiền vài chục ngàn đồng do người mẹ kiếm được từ việc phụ bán rau ở chợ chỉ đủ để lo cho cái ăn của cả gia đình 6 người. Còn chi phí cho việc học của chị em Mỹ Dung cũng là một vấn đề không nhỏ.
Hiểu được sự mong mỏi của cha mẹ, trong suốt các cấp học, Mỹ Dung luôn giữ vị trí nhất, nhì lớp. Từ những thành tích đó, em đã giành được nhiều phần thưởng, cùng với làm thêm việc chạy bàn tại các quán cơm ở gần nhà, em đã tự lo được cho việc học của mình để cha mẹ tập trung lo tiền cho các em đi học. Mỹ Dung kể: “Khi tốt nghiệp THPT, thấy công việc bốc vác của cha ngày càng khó khăn hơn, cả nhà phải trông cậy chủ yếu vào mẹ, em thật không dám nghĩ đến việc ra thành phố học đại học. Nhưng được bạn bè động viên nên em mượn tài liệu của các anh chị thi năm trước mang về học. May mắn là em lại thi đậu. Cha mẹ mừng vui nhưng lại rất lo vì không có tiền trang trải chi phí học tập cho em”.
Thế là, ngay từ năm thứ nhất đại học, tranh thủ thời gian ngoài giờ đến lớp, Mỹ Dung dạy kèm, dọn dẹp nhà thuê khi có người cần để kiếm tiền lo cho việc học. “Cũng từ đó, những bữa cơm hàng ngày của Dung dần được thay thế bằng những tô mì gói để ăn nhanh, giúp tiết kiệm tiền và thời gian để làm thêm việc”- các sinh viên cùng ký túc xá với Mỹ Dung xót xa kể. Khó khăn vất vả là vậy, nhưng thành tích học tập của Mỹ Dung luôn nằm trong top 5 những sinh viên đứng đầu lớp. Nói về việc nhặt vỏ chai nhựa mỗi tối của mình, Mỹ Dung kể: “Bắt đầu từ mùa hè năm vừa rồi, thấy mấy bạn sinh viên thu dọn đồ đạc về quê, đã bỏ nhiều vật dụng bằng nhựa nên em nảy ra ý định nhặt để bán, thấy việc này cũng kiếm thêm được thu nhập nên em làm luôn đến giờ”.
Hiện, Mỹ Dung còn hai đứa em gái đang học lớp 10 và lớp 3, cùng một đứa em trai đang chuẩn bị vào lớp một. Gia đình lại đang rơi vào hoàn cảnh không có đất ở, vì chủ đất đang cần lấy lại mảnh đất để sử dụng. Nói đến vấn đề này, nỗi buồn hiện rõ trên gương mặt Mỹ Dung: “Cha mẹ em đang rầu lắm, không biết sẽ phải ở đâu. Nếu thuê chỗ để ở thì sợ không thể lo được tiền để trả. Em chỉ mong sao nhanh chóng kết thúc 4 năm học để tốt nghiệp ra trường, tìm việc làm đỡ đần cha mẹ và lo cho các em học đến nơi đến chốn”.
Vì bản thân có hoàn cảnh khó khăn nên Mỹ Dung luôn đồng cảm với những người có hoàn cảnh như mình. Những ngày hè, có nhiều thời gian rảnh, Mỹ Dung cùng các bạn sinh viên khác của trường tham gia dạy kèm cho các em học sinh tiểu học và THCS có hoàn cảnh khó khăn khác. Vì bản tính hiền lành, chăm chỉ, tốt bụng nên Mỹ Dung rất được bạn bè thương mến, giúp đỡ. Tuy nhiên, các em sinh viên cũng chỉ giúp được lon gạo, vài gói mì vì bản thân các em còn phải sống nhờ vào gia đình. Hy vọng các Mạnh Thường Quân, các nhà hảo tâm gần xa giúp đỡ để em Phạm Mỹ Dung giảm bớt phần gánh nặng, có điều kiện hoàn thành tốt khóa học.
Độc giả hảo tâm muốn giúp đỡ hoàn cảnh trên, xin liên hệ: Phạm Mỹ Dung - sinh viên năm 3 ngành Việt Nam học - Đại học An Giang (18 Ung Văn Khiêm, Đông Xuyên, TP.Long Xuyên, AG). Hoặc Ban chủ nhiệm W.BT tài khoản số 070041176693 tại Ngân hàng Sacombank chi nhánh An Giang. |
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét