Bệnh là Khổ, là Dukkha. Ai cũng công nhận bệnh là khổ vì
người nào cũng nói Bị Bệnh, chẳng ai nói Được Bệnh. Trong khi Sinh chẳng mấy
người thấy đó là khổ vì không bao người nói mình Bị Sinh ra!
Nói đến bệnh là lo lắng và sợ hãi, ở Việt Nam càng hãi hùng hơn nữa. Nhiều
người bị bệnh nhưng chẳng muốn bước vào bệnh viện, nhà thương, ở đây không nói
đến thái độ đối xử với bệnh nhân của các y bác sĩ, không nói đến chi phí chữa
bệnh, chỉ nó đến lượng bệnh nhân đông phát khiếp khiến người ta phải ngán ngẫm
khi bước vào đây! Hãy nhìn bệnh nhân nằm la liệt khắp nơi trong bệnh viện Ung
Bướu đường Nơ Trang Long. Hãy nhìn khối lượng người chờ đợi khám chữa bệnh hàng
ngày ở các bệnh viện trong thành phố ai chẳng hãi hùng! Bệnh viện quá tải có lẽ
là từ ngữ vẫn chưa diễn tả hết !
Bên cạnh các bệnh viện Tây y, tại Việt Nam vẫn tồn tại hệ
thông chữa trị bằng y học cổ truyền, đặc biệt là vùng nông thôn miền Tây Nam
Bộ, thông qua các phòng thuốc Nam. Những phòng thuốc Nam ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
hầu như tất cả đều miễn phí. Bạn đừng cho rằng vì chữa không hiệu quả nên không
lấy tiền, đó là một kết luận vội vàng! Chữa bệnh bằng thuốc Nam tất nhiên vẫn
có nhược điểm nhưng không phải vì vậy mà nó không đáp ứng được nhu cầu của
người bệnh.
Buổi sáng 29/7/2014 chúng tôi có dịp đến thăm một nơi chữa bệnh bằng thuốc Nam
tại ấp Bình Quý, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú tỉnh An Giang, đó là phòng chữa
trị Đông Y Dân Lập Tư Ngoan.
|
Lương y Tư Ngoan |
|
Phát thuốc |
Nằm trên khu đất rộng khoảng 5000 mét vuông, phòng thuốc Tư
Ngoan vừa là nơi chế biến vừa là nơi khám chửa bệnh. Đi từ xa bạn đã có thể
ngữi được mùi thuốc Nam
rất đặc trưng. Bước vào phòng thuốc bạn sẽ choáng vì lượng bệnh nhân nơi đây
đông không kém BV Đại Học Y Dược hay Trung Tâm Y Khoa Medic 254 - Quận 10. Khoảng
1200 bệnh nhân trong 1 ngày!
Có khoảng 100 nhân viên thường trực làm việc tại phòng
thuốc, không kể những người đến đây làm công quả ngắn ngày. Có một nhà ăn phục
vụ bệnh nhân thường trực. Cơm, nước, thuốc… tất cả đều miễn phí. Có rất nhiều
đội đi tìm kiếm thuốc nam khắp các tỉnh trong cả nước và nước bạn Camphuchia để
đem về phục vụ người bệnh. Thuốc nam đem về đây chất cao như núi, sau đó được
sơ chế, vào bao.
Phòng thuốc nam Tư Ngoan được thành lập cách đây 20 năm.
Người sáng lập là ông Ba Dẫu (một kỳ nhân dị sĩ miền Nam mà tôi có dịp gặp vào năm 2005)
và bà Tám. Ngày nay cả hai người đều lớn tuổi, công việc được thế hệ đi sau kế
thừa. Hiện nay phòng thuốc Tư Ngoan co thể được xem là phòng thuốc Nam lớn nhất
miền Tây Nam Bộ.
Là người Sài Gòn ai chẳng mơ ước có được một bệnh viện hoàn
toàn miễn phí. Điều này có quá khó không? Tại sao giữa một vùng nông thôn sông
nước với những người nông dân ít học họ có thể làm được một phòng thuốc lớn như
thế lại hoàn toàn miễn phí? Có phải vì họ có chung một niềm tin và tình người
trên đất này được đâm chồi phát triển mạnh mẽ khác thường, nếu so với những nơi
khác?
Ước mơ có được một bệnh viện hoàn toàn miễn phí - gọi là nhà thương thí cũng
được - với những người phục vụ theo đúng nghĩa “Thiên thần áo trắng” giữa đất
kinh kỳ, có lẽ mãi mãi vẫn chỉ là ước mơ.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét