Trưa
hè, đang nóng oi ả bỗng dưng trời đổ mưa. Cơn mưa như trút nước ập tới làm cho
con người, cây cối giật mình. Đang mải miên man trong cơn mưa, tôi bỗng nghe
thấy tiếng lạch xạch phía dưới vườn nhà.
Âm thanh mỗi lúc một gần nghe như ai
đang lạch nước. Đội nón ra ngoài xem, tôi nửa ngỡ ngàng, nửa chợt hiểu ngay.
Thì ra đó là đàn cá rô dưới mương đang tìm đường rạch lên cạn theo dòng nước
mưa trong vườn. Bất chợt, kí ức tuổi thơ quê mùa của tôi ùa về nhanh hơn cả cơn
mưa hè hôm ấy. Có gì đâu sang trọng, chỉ là kí ức với mấy chú rô đồng thuở nào.
Ngày
bé, mỗi khi trời mưa rào tháo trận, không chịu ở trong nhà, lũ trẻ chúng tôi
vui mừng lắm vì đây là cơ hội cho thú bắt cá rô. Nào rọ đeo bên mình, nào vợt,
nào dao, tất cả sẵn sàng khi cơn mưa ập tới. Như hẹn trước giữa người và cá. Lũ
cá rô thấy nước về là khoan khoái rủ nhau “vượt vũ môn”, cố ngoi lên cạn để
thay đổi không khí. Mưa mùa hạ nặng hạt, kéo dài, làm cho đồng ruộng, bờ mương,
bờ cỏ tràn trề nước. Rình sẵn trên bờ, khoảng hơn một giờ đồng hồ trời mưa, lũ
cá rô cả to cả bé, đội nước rạch lên những thảm cỏ cạnh con mương, rạch lên
vườn theo đường nước mưa chảy. Lũ trẻ đã thú, lũ cá còn vui hơn khi vượt cạn.
Con nào con nấy, người vàng ươm, có thêm một chấm đen đằng đuôi để khẳng định
“thương hiệu” rô đồng, vây trên sống lưng và ngạnh hai bên căng lên nhọn hoắt
như lưỡi cưa. Hình như chúng vừa tự vệ, vừa để lấy đà ngược dòng. Cả lũ thấy
thế, reo hò ầm ĩ, đứa lấy vợt, đứa lấy dao, đứa dùng tay vồ lấy những chú rô
đồng đang hung hăng. Cầm lên tay rồi vẫn thấy chúng ngoe nguẩy, vùng vẫy, vẩy
bám vào lòng bàn tay thấy ram ráp, có đứa còn bị hàng răng cưa đâm chảy máu.
Bắt hồi lâu, chẳng mấy mà được đầu giọ toàn cá rô.
Đấy
là trời mưa, còn khi trời nắng, những trưa hè rủ nhau trốn giấc trưa, lũ chúng
tôi đi săn rô đồng dưới con mương đầu nhà. Biết trời nắng, bọn rô rủ nhau tung
tăng “hóng mát” dưới những lùm cây mua, chúng tôi chuẩn bị cần câu nhỏ tí và cả
lưỡi câu cũng nhỏ để dụ bắt được bọn rô đồng. Tìm lật những luống đất để bắt
những chú giun nhỏ làm mồi câu vì chúng tôi biết cá rô đồng rất khoái khẩu món
này. Chỉ cần thả cần câu quá mặt nước một chút, đàn cá rô háu mồi đã kéo nhau
lại đông không kể xiết. Những con to khôn hơn nên đề phòng, chúng chạm vào lưỡi
câu rồi lại buông ra còn bọn rô bé háu ăn lao vào chiến luôn. Thế là mắc bẫy
câu, mấy con to đôi khi không làm chủ được cũng lao vào đớp mồi nên dễ dàng bị
nhấc lên. Được con nào, chúng tôi xâu vào dây cỏ, chẳng mấy chốc đã được một
xâu cá toàn rô đồng vàng ươm, treo lủng lẳng trên đầu cây vác về.
Ở
quê tôi ngày xưa còn có nhiều cách bắt rô đồng dễ dàng hơn. Bố đan cho chúng
tôi những chiếc đó tre để bẫy cá. Tìm những thửa ruộng đầy nước, nơi có rô đồng
trú ngụ, chúng tôi be kín bờ, chỉ để một chỗ thoát nước duy nhất sau đó lấy cây
lá cắm xung quanh tạo bóng mát và đặt chiếc đó tre ngay cửa. Trời nắng, lũ rô
đồng thi nhau tìm bóng trú ngụ, thấy bụi cây râm mát, chẳng cần suy tính, chúng
lao vào tức khắc. Thế là trúng bẫy, đã vào đó thì chỉ có đường vào mà không ra
được. Thỉnh thoảng chúng tôi ra khám thính đó, nhấc lên, cá rô lớn nhỏ rãy lạch
xạch nghe thích thú.
Những
chiều hè, với chiến lợi phẩm những chú rô ron béo căng, vàng ươm trên tay,
chúng tôi được mẹ chế biến cho những món ăn quê đậm đà dư vị. Mẹ mổ cá, để vả
vẩy rửa sạch cho vào chảo mỡ rán giòn. Những chú rô béo cong lên vàng suộm,
thịt trắng và thơm nhường nào. Chúng tôi ra vườn hái thêm húng láng, rau mùi
tàu, kinh giới để ăn kèm với cá rô rán. Mẹ còn kho cá rô với kế, món ăn chỉ có
ở nhà quê. Khế và cá rô hòa quyện nhau vừa thơm vừa bùi, ăn vào tốn cơm phải
biết. Trưa hè nóng bức, mẹ nấu cá rô với chuối xanh ăn ngon không kém. Chan
canh vào bát cơm trắng ngần, tràn đầy hương vị quê, cắn quả cà pháo giòn tan
như xua đi bao giọt mồ hôi, như lùa vào miệng tất cả sự thảo thơm và ngọt bùi
của ẩm thực đồng quê.
Chúng
tôi lớn lên theo năm tháng, thú vui bắt rô đồng cũng xa dần tuổi thơ. Nhưng có
lẽ, từ trong kí ức sâu thẳm, nỗi nhớ đồng quê nơi có con cua con cá chẳng thể
phai mờ theo thời gian.
NGUYỄN THẾ LƯỢNG (tác giả giữ bản quyền)
__________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét