Trong nền văn học nước nhà, Sơn Nam là một trong những cây viết xuất
chúng xuyên nhiều thời kỳ ít gặp phải chê trách hay phản ứng từ phía độc giả và
các nhà phê bình. Nhiều người đọc trân trọng tấm lòng và cuộc sống mộc mạc chất
phác của ông, một tài năng hiếm có của vùng đất phương Nam.
Không biết khi qua đời Sơn Nam
có trở thành “thần Nam
bộ học” hay không? Tư chất Sơm Nam đáng như đại diện cho người Nam bộ, nên khi
sinh thời người ta gán cho nhiều biệt danh xứng với phẩm chất và tài năng ông: “Pho
tự điển sống miền Nam”, “Nhà Nam bộ học”, “Ông già Ba Tri”, “Ông già Nam bộ”, “Ông
già đi bộ”...
Sơn Nam
có thời gian học ở Cần Thơ, tên tuổi, tiếng vang, những kỷ niệm về ông bàn bạc
trên mảnh đất Tây đô nầy.
Truyện ngắn “Mùa len trâu” của Sơn Nam đã gây xúc động
cho nhiều người đọc xưa nay, đến đỗi một Việt kiều “tay trơn” về “nghệ thuật
thứ bảy” cũng dựng nên phim mang cùng tựa đoạt nhiều giải thưởng quốc tế và làm
say lòng người xem trong nước.
Nhiều bạn đọc và xem phim, nhiều nhà phê bình văn học
nghệ thuật đã nói, viết về “Mùa len trâu”, xem là một tác phẩm, một cuốn phim
sáng giá và hoàn hảo. Điều đó chắc ta khó phủ nhận. Chúng ta hãy trải lòng với “Mùa
len trâu”.
1/ TRUYỆN NGẮN “MÙA LEN TRÂU”:
Đây là một trong những truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam
trong cuốn “Hương rừng Cà Mau” xuất bản năm 1962, tác giả viết sau khi được trả
tự do từ nhà tù Phú Lợi (Thủ Dầu Một) của chế độ Sài Gòn cũ.
Truyện kể về cuộc sống khắc nghiệt lầm than của những
nông dân trong thời kỳ Pháp thuộc trên vùng châu thổ sông Cửu Long nửa thể kỷ
trước. Họ chịu bao đắng cay cơ cực từ đời cha sang đời con. Những tai ương luôn
rình rập chụp xuống thân phận đói nghèo của tầng lớp nầy, họa đến từ thiên
nhiên khắc nghiệt, đến từ sự đàn áp bóc lột của nhà cầm quyền thực dân, đến từ
những thái độ hành vi bất hảo lừa lọc giữa những người trong cộng đồng khổ ải
với nhau...
Nội dung chính truyện ngắn “Mùa len trâu” nói về hoàn
cảnh gia đình ông Tư Định ở Châu Đốc (An Giang), gia sản lớn nhất chỉ có một
đôi trâu. Hằng năm vào mùa lũ về nước ngập trắng đồng nhận chìm hết mọi loại
rau màu đến cả cỏ dại cũng không còn đủ để trâu ăn, người ta phải len đi xứ
khác tìm nơi cứu chúng. Nhi cậu con trai trần tục của ông bà Tư cũng mang “gien
thân phận” nối nghề cha chăn trâu. Định mệnh đến với Nhi khi cha mẹ quyết định
cho cậu gia nhập đoàn len trâu trôi dạt về vùng Ba Thê - Bảy Núi. Nơi đó lần
đầu Nhi sống chung chạ với đám người hảo hớn của núi rừng, họ là các tay len
trâu, bọn riều đốn củi...
Bao ngày tháng vất vả gian truân, không liên lạc được
với gia đình. Ở nhà thì ông bà Tư ngày đêm héo hắt trông chờ con biền biệt nơi
đất lạ quê người.
Rồi một hôm Nhi về, ông bà Tư mừng như gặp hồn con
sống lại. Đau đớn thay, Nhi chỉ dắt về một con trâu và vác trên vai một tấm da
và cặp sừng trâu hôi thúi của con kia đã chết! Gia sản của ông bà Tư giờ chỉ
còn lại nửa đôi trâu! Ông bà Tư buồn như nhà có tang. Đau lòng hơn nữa khi ông
bà phát hiện ra đứa con trai hiền hậu của mình ngày nào đã lột xác trở thành tên
tệ nạn: hút sách, nghiện ngập, bài bạc, du côn, nói năng thô lỗ tục tằn... Và
cái gia đình khốn khó ấy tiếp tục cuộc đời buốt giá bên con trâu cô độc, bên
chiếc nhà dột cột xiêu, người thì thiếu áo đói cơm, trâu còn có thể tiếp tục
thiếu cỏ phải len đi vào mùa lũ các năm sau...
Đọc “Mùa len trâu” ta thấy hồn đất hồn người vùng sông
nước Nam
bộ xưa như trở về ẩn hiện quanh đây. Ta cảm thương những phận người khi thì gặp
nắng chói khét lẹt thịt da, khi thì bị phong ba nhận chìm trong lũ táp, người
và vật sống chung nhau như cùng một định mệnh có nghĩa vụ, nghĩa tình giữa khôn
cùng trời đất.
Truyện ngắn “Mùa len trâu” thể hiện nhiều mặt, nhiều
khía cạnh sâu thẳm say lòng. Một số vấn đề làm ta tâm đắc:
a/ Về tình yêu đối với loài vật:
Trong cảnh đói lạnh cơ hàn, ông bà Tư quan tâm đến số
phận đôi trâu gần giống bản thân mình và con cái. Thái độ ấy nói lên giá trị ân
sâu nghĩa nặng không những giữa người với người mà cả giữa người với động vật
bằng tình cảm thủy chung chân chất phù hợp với thời đại văn minh ngày nay. Sợ
đôi trâu đói cỏ, ông bà phải suy tư bàn bạc sao cứu nó thoát khỏi giai đoạn lũ
lên cao:
“Chú Tư chờ thằng Nhi vào nhà. Nó cổi áo ướt
mem quăng trên sân: - Xung quanh đây hết cỏ rồi. Làm sao bây giờ hả ba? Trâu
đói nữa, con mắt nó đỏ ghèn hoài. Chú nói: - Bên giồng cát Sóc Xoài… Mầy có qua
tới đó không? – Có mà hết cỏ rồi. Mấy lõm cỏ sau chùa không đủ cho trâu bò ở đó
ăn, đâu có dư tới mình. Trâu mình ốm nhiều. Từ đây tới nước giựt còn trên ba
tháng nữa, làm sao chịu nổi? – Hồi đầu mùa, tao biểu giao trâu mình họ len đi
miệt khác kiếm cỏ. Má mầy ngăn cản. Bây giờ tới nước nầy rồi…”.
Ông bà Tư suy nghĩ cách tốt nhất là mướn các tay len
chuyên nghiệp lùa trâu đi. Nhưng giao trâu cho người lạ ông bà lại lo sợ bị
“phân biệt đối xử”, cuối cùng thống nhất ý kiến cử đứa con trai theo chăm sóc
trâu chu đáo hơn:
“Thiếm Tư
trầm ngâm suy nghĩ, nhìn đôi trâu đã mòn sức, be sườn lòi rõ rệt từng hàng như
vòng cung. Để ở nhà, trâu chết đói, giao cho thiên hạ len đi thì làm sao bảo
đảm được? Trâu của trăm chủ khác nhau gom lại chung một bầy, tha hồ lấn hiếp,
chém lộn bầy trâu gần bốn trăm con mà chỉ có năm sáu người chăn giữ. Đường dài
thăm thẳm, lội nước băng rừng, rủi khi bệnh hoạn thì trâu bỏ mạng nơi xứ lạ quê
người…”.
Đoạn khác tác giả viết:
“Chú tư nói:
-…Tôi buồn lắm. Trâu giúp mình tạo ra hột lúa; bù lại, mình không kiếm đủ cỏ
cho nó ăn no. Như vậy là mình bất nhân”.
b/
Về những tình tiết khởi sắc trong tác phẩm:
Tác giả diễn tả cảnh vật và tâm lý con người, động vật
rất sâu sắc:
+ Tả cảnh: Sơn Nam vẻ cảnh tượng trong “Mùa len trâu”
rất thê lương áo não nhưng thi vị, trời nước bao la, lũ cuồn cuộn... khiến
trạng thái người đọc như muốn trôi theo một thế giới bất an, thương xót cho
người dân ở cái nơi đầu sóng ngọn gió, nhỏ nhoi trước số phận tả tơi, lạnh
lùng:
“Nước tràn bờ
sông Hậu chảy qua. Nước trên trời tuôn xuống. Gió biển triền miên thổi lộng về.
Từ sáng dến chiều, mặt trời biến dạng sau lớp mưa: ánh nắng pha loãng đều đều
không làm chóa mắt kẻ ưu tư đang ngồi hút thuốc mà ngắm mấy lượn sóng chạy dài
tiếp lưng trời. Núi Ba Thê bên này, núi Cấm trước mặt, hòn Sóc, hòn Đất bên kia
bình thường xem hùng vĩ, thơ mộng thì nay trở thành lè tè, bé bỏng trong cảnh
bao la trời nước…”.
Khủng khiếp hơn:
“Giờ này,
dưới đáy nước, sát mặt ruộng, mớ đất cày mềm nhũn, trở mình trắng phau. Gió
thổi mạnh, trôi nhà trôi cửa…; thân lúa đuối sức cố nằm dài trên mặt nước vừa
hấp hối ngột thở là nhánh non nứt ra trong nháy mắt để chào đón cuộc sống. Sau
hè nhà, nước dậy đùng đùng, sóng gợn từng lượn lớn, vỗ lát chát vào vách. Chú
Tư bước nhè nhẹ trên sàn tay vịn mái nhà, tay che mắt rồi cau mày; thằng Nhi
đứa con trai của chú đang cưỡi trâu về… chuồng trâu lúc trước, tuy đã đắp cao
thêm gần một thước vậy mà nước leo lên lé đé…”.
Tả cảnh lùa trâu đi ăn đồng nơi len, không gian u
tịch, dễ làm con người cuốn hút vào nỗi truy hoan, sa ngã:
“Trâu chạy ầm ầm. Không mấy chút, tràm gãy rôm
rốp ngã liệt xuống, lõm rừng trở thành một cái đầm rộng lớn. Người len trâu tạm
nghỉ ngơi vài ngày. Mấy “tay riều” đốn củi gần đó tụ họp lại làm quen, đánh bài
cào, uống rượu, đốt lửa lên bàn chuyện tiếu lâm. Lắm khi họ sắp đặt công việc
đi ăn cướp, ăn cướp kẻ khác và ăn cướp lẫn nhau. Mấy tay len tâu giựt tiền của
tay riều; mấy tay riều xúm nhau giựt tiền của mấy tay len trâu. Rừng lại đẫm
máu”…
“Chú lại vấn thuốc hút. Bên ngoài trời vẫn mưa, sóng
nước vẫn chạy ùa tới đập vào vách nhà. Khói thuốc phun mờ mờ, bay thoảng lên
cao. Chân trời lại hiện ra, lúa nằm dài xanh rờn, nhấp nhô trên ngọn sóng. Và…
đằng xa kia là Bảy Núi, nơi mà giờ này thằng Nhi và hai con trâu của chú đang
tung hoành, sắp lội nước hàng mươi cây số để vượt ra mé biển đến vùng rừng tràm
miệt Linh Quỳnh” .
+ Tả loài vật: Những
tình cảnh éo le cay cực sống động trong “Mùa len trâu” với những tình tiết,
tình huống chi li thể hiện qua tư tưởng tình cảm các nhân vật, một số đọan như:
“Trâu đói
nữa, con mắt nó đỏ ghèn hoài… Trâu vượt qua lộ xe hoặc ngủ tạm trên lộ cho tới
sáng. Lội dưới nước lâu ngày, móng trâu trở nên mềm, đứng trên đá, trâu đau
chân…Trâu ăn cỏ ngẩng đầu coi mây bay lui tới; ngứa lưng thì trâu cọ mình vô
cột đền vua chúa… gãi sồn sột…Ở núi Ba Thê, trâu len ăn cỏ trên đền vua đời xưa”.
+ Diễn tả tâm lý nhân vật: Sơn Nam rất am hiểu cảnh sống qua nỗi
suy tư, trăn trở của các nhân vật trong truyện. Cuộc trao đổi của ông bà Tư lúc
sắp xếp cho con trai theo đoàn len trâu:
“ Thằng Nhi
há miệng ngạc nhiên không dè mùa nước nổi năm nay nó lại được đi du lịch bất
ngờ như vậy… Thiếm Tư hơi giận: - Nghề gì? Nghề chăn trâu mà cũng học nữa à?
Tôi không ham cái nghề đó. - Má nó nói giỡn sao chớ! Chăn trâu còn khó hơn điều
binh khiển tướng. Đời xưa, nhiều người nhờ lúc nhỏ chăn trâu mà tới lớn được
làm vua. Con nít chăn trâu ca hát nghe bậy bạ nhưng nhiều khi linh nghiệm như
sấm truyền, đoán trúng những chuyện quốc sự...”.
Rất quí đôi trâu nhưng bà Tư tỏ ra thâm trầm quí con
hơn quí của:
“Thiếm Tư mếu
máo, mừng vì gặp được con, buồn vì mất hết phân nửa gia sản: - Mô Phật. Mạnh
giỏi hả con? Trời ơi! Con đi theo coi chừng mà làm sao nó chết? Dọc đường con
có đau ốm gì không?...”.
Yếu tố tư tưởng khẳng định nơi ông Tư khi chỉnh bà Tư
phát biểu sai bởi chán nản đang sống trong cảnh đời cơ cực khốn khó, có thể
cũng là quan điểm triệt để nhất về lòng ái quốc sâu sắc của nhà văn Sơn Nam:
“ Thiếm Tư
nhìn cặp sừng và bộ da trâu mà rơi nước mắt: - Thôi! Lần nầy lần chót. Năm tới
bán con trâu còn lại, không làm ruộng nữa. Đất nước gì kỳ cục quá, cái xứ nầy…
Chú Tư nghiêm mặt: - Nói bậy nữa đi. Đất của mình, nước của mình mà bà dám
nguyền rủa hả? Hồi nào cúng vái bà nói bà phục ông bà đất nước lắm mà”…
“Ai bảo chăn trâu là khổ chăn trâu sướng lắm chứ!”. Phải
chăng là câu an ủi mà người đời dành chút ưu ái cho kẻ chăn trâu? Ngụp lặn
trong sình lầy cùng trâu, bị muỗi mòng cắn đốt cùng trâu, đói lạnh cùng trâu,
hôi tanh như trâu… thì sao mà sướng? Đó là tâm trạng của ông Tư không thể phơi
bày trắng trợn gây nản lòng thêm cho bà Tư, thật ra bản thân ông Tư đã khổ quá
nhiều với cuộc đời chăn trâu, len trâu khi đất nước còn đang tận cùng nghèo đói
giữa những đêm trường nô lệ mà ông đã nói với lòng rồi. Một ẩn ý tuyệt vời của
Sơn Nam
trong “Mùa len trâu”:
“Bên kia thềm
nhà, thiếm Tư bắt đầu thở nhẹ rồi ngáy pho pho. Chú Tư mỉm cười, không chút hờn
giận. Vợ mình chán không thèm nghe nữa vì nãy giờ mình nói toàn những chuyện
vui tươi, sung sướng, giấu giếm những nỗi cực nhọc trong nghề chăn trâu. Nhưng
cần gì? Cốt ý là mình nhắc lại cuộc đời len trâu của mình hồi thưở còn nhỏ cho
riêng mình nghe mà thôi”.
May thay, dù sống trong hoàn cảnh cơ cực nào con người
cũng nhìn thấy ánh hạnh phúc như một niềm tin mãnh liệt để tồn tại theo từng
mạch thở rộn rã bên đời, dưới chân hay cả trong những ước mơ viễn vọng. Sơn Nam thể hiện
đúng chất điệu của một người cầm bút khi viết đọan kết trong “Mùa len trâu”:
“Chú ra sân.
Dưới ánh trăng suông, con trâu Pháo bước tung tăng, nhịp móng xuống lớp phù sa
mát rượi, đứng trên mặt đất hôm nay mà sao thấy hơi khác lạ hơn mặt đất hôm
nao, cũng ở chốn nầy. Nó hinh hỉnh lỗ mũi như cố phân biệt mùi thơm của cỏ núi
hoa rừng của mùi thơm của mùi lúa sạ đang độ chín”.
2/ PHIM “MÙA LEN TRÂU”:
“Mùa len trâu” là phim đầu tay của đạo diễn
không chuyên Nguyễn Võ Nghiêm Minh, một Việt kiều Mỹ đứng ra thực hiện, khởi quay từ tháng 9 năm 2003 với sự tham gia của ba
hãng phim lớn: Hãng phim Giải phóng (Việt Nam), 3B Productions (Pháp) và Novak
Prod (Bỉ). Các vai diễn chính là Lê Thế Lữ (vai Kìm), Kra Zan Sram (vai Đẹt),
Nguyễn Thị Kiều Trinh (vai Ban)...
Phim lấy nguyên ý từ hai truyện ngắn “Mùa len
trâu” và “Một cuộc biển dâu” trong cuốn “Hương rừng Cà Mau” của nhà văn Sơn
Nam. Tuy tựa phim là “Mùa len trâu” nhưng đạo diễn xây dựng nhân vật và không
gian phim nổi cộm trong “Một cuộc bể dâu” chịu ảnh hưởng nhiều bởi vùng đất mũi
Cà Mau. (Nhân vật chính Nhi trong
“Mùa len trâu” thay lại Kìm của
truyện ngắn “Một cuộc bể dâu”).
Tóm lược phim:
Kìm, con
trai ông Tư Định được cha cho theo đoàn len trâu do Lập, một tay du đảng làm thủ lĩnh, đi tìm vùng đất không ngập nước còn cỏ để trâu ăn tạm vài tháng lúc chờ khi mùa lũ rút. Vừa khổ cực lo cho
trâu vừa đương đầu với nhiều khắc nghiệt, với phe
cánh hà hiếp đâm chém nhau cộng với bọn tay sai cường quyền ác bá chế độ Pháp thuộc vơ vét từng
phận người lầm than đói khổ.
Gia sản của ông bà Tư trước là
đôi trâu, sau mùa len Kìm trở về chỉ còn một con do nợ nần ông Tư quết định bán
nốt trả, Kìm quá đau ức nghẹn cầm dao định gây án với chủ nợ,
nhưng đành dằn cơn nóng giận cho qua một chuỗi đời... Kìm lại dấn thân theo Đẹt, một bạn thân. Cuộc sống nghiệt ngã đến với Kìm nhiều
mặt ngay cả tình trường: Kìm giỡ trò với Ban vợ của Đẹt, bị nàng cự tuyệt... Sau đó Kìm
được một người bạn khác là Quang kể cho nghe cuộc đời và thân thế: bà mẹ mà Kìm tưởng ruột thịt chỉ là dì ghẻ. Một hôm hay tin cha đau nặng sắp chết nằm một thân trên chiếc thuyền lênh đênh, mẹ lại bỏ đi, Kìm cố tìm về U Minh, gặp cha đang
hấp hối. Trước
khi nhắm mắt xuôi tay cha Kìm
trối trăng và kể
hết những điều thầm kín của đời
cha, đời con.
Ông Tư chết trên vùng nước lũ không nơi chôn cất khiến Kìm thất thần. May nhờ có
một đôi vợ chồng già tốt bụng tên Hai Tích cho mang về
căn chòi lá nổi của mình làm lễ thủy táng. Ông bà Hai Tích tặng luôn gia sản
duy nhất chắt mót cả đời mình là chiếc cối đá xay bột để giữ xác ông Tư khỏi bị
nổi lên khi trương sình.
Lo hậu sự cho cha xong, Kìm luân lạc cố công tạo ra tiền bạc. Được
một số tiền, Kìm tìm lại ông bà
Hai Tích để đền ơn trả nghĩa. Xót xa thay bà Hai đã qua đời, nhà không
còn gì để dằn xác bà xuống nước, ông Hai đành bó xác vợ treo
lơ lửng trên các cây gỗ giữa đồng, lũ bị chim quạ bu lại cắn rỉa xác thân bà Hai!
Kìm xin ông Hai
được làm dưỡng tử, hai người tiếp tục cuộc hành trình không định
hướng trong mái lá tồi tàn lưu lạc giữa bão dông... Thời gian sau ông Hai lại qua
đời, Kìm một thân mang xác ông
chôn cất. Kìm sống đơn
thân với căn
nhà “hương quả”
của ông Hai để lại tiếp tục trôi
nổi bềnh bồng trên sóng nước hững hờ không chọn nơi nào làm bến bờ.
Quá cô dơn Kìm quay đi tìm
Đẹt và Ban. Kìm yêu thương Thiệu đứa con chung của Đẹt và Ban
như núm ruột mình. Đẹt bị Lập hãm hại. Ban
đứng trước đường cùng, mang Thiệu giao cho Kìm nhờ nuôi giúp vì “nó cần một
người cha”... Thêm
một phận đời trẻ thơ trôi nổi, Kìm
ôm Thiệu tiếp tục cuộc hành trình lênh đênh. Còn Ban không biết trôi nổi về đâu?...
Phim “Mùa len trâu” đã được lưu chiếu qua
nhiều quốc gia, đọat được nhiều giải thưởng gía trị. Nhiều người ca ngợi như bộ phim xuất sắc, hoàn hảo, ly kỳ, độc đáo, chặt chẽ,
hiện thực xã hội...
Phim khơi vẽ lại cho người xem bức tranh đen tối của nông thôn miền Nam Việt Nam một giai đoạn lịch sử thời Pháp
thuộc đầu thế kỷ 20, hình ảnh tan tác ở đây là cảnh những nông dân cơ cực vào mỗi mùa nước lũ, nó triền miên dai dẳng,
thân phận con người chìm ngập trong cơ hàn đói lạnh, nhà cửa trống huơ trống
hoác, đất đai không còn nơi nào cao để chôn khi có người qua
đời buộc phải treo xác trên các cọc cây hoặc thảy xuống
sông thủy táng. Tới cả trâu cũng không cỏ ăn phải nhọc nhằn
len đi tìm chỗ
tạm cho chúng dung thân. Hình ảnh
một vùng đất hoang hóa bị thiên nhiên nhận chìm mà bàn tay con người nhỏ bé lúc
ấy chưa thể làm gì thay đổi được, trong khi đó cảnh bọn lính Tây đến hà khắc
dân nghèo trong vùng đất ngập lụt. Cảnh bọn giang hồ hảo hớn chia phe cánh hiếp
đáp người cô thế bần cùng...
Cạnh những khổ ái tang thương, phim “Mùa len trâu” phác họa lại không gian nhiều ẩn khúc pha lẫn tính nhân văn sâu sắc, giàu lòng trắc ẩn của người dân Nam bộ. Cái thế giới muôn màu: sống chết lầm than, phong tục kỳ quái làm lay động nhân tâm, ý chí và nghị lực phi thường của người nông dân chống trả bọn cường
quyền ác bá; nhân sinh quan mãnh liệt để vượt qua những
tấn bi kịch của cuộc đời đau khổ đói nghèo
khiến con người
đồng cảnh lại giành giựt cướp bóc hãm hiếp nhau... Tất cả vẽ nên bằng trái
tim trong sáng của nhà văn Sơn Nam và đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm
Minh một Việt kiều tha hương nặng lòng với Tổ quốc mến yêu.
Nhiều nhà phê bình phim ảnh đến
người thưởng ngoạn nghệ
thuật xem “Mùa len trâu” là một
phim hay, có giá trị quốc tế, nó phản ảnh những hiện thực xã hội sâu sắc giai đọan những năm 1930-1940 ở nông thôn đồng bằng sông
nước Nam Việt Nam.
Từ đầu phim lúc đứa cháu gái ra đồng ngẩn ngơ
nhìn thấy ngoài luống cày có một hài cốt thủy táng cho đến khi Ban giao con cho Kìm rồi chèo ghe đi giữa dòng lũ chảy xiết không
biết về đâu. Những chi tiết hấp dẫn khác là
cảnh trâu đi ăn, đi cày, đi len, trâu chết, trâu bị đánh đập liên tục như sự
quen tay của người cầm roi. Những tên lính thời Pháp
thuộc chạy ca-nô đến thu thuế thân. Cảnh
hút thuốc rê thần thục của các tên len trâu phì khói ra lỗ mũi. Cảnh đám người đánh nhau như trâu. Cảnh các mái lá lợp khéo tay, các ghế cóc bằng cây. Cảnh
bà Hai nấu cơm bằng nồi đất đãi Kìm. Cảnh
tình cảm xảy ra trong lòng Kìm với Ban mang tính trái đạo nhưng rất tâm
lý khó tránh khỏi với những phận người trần tục không phải thánh nhân trên cùng
cuộc đồng hành gian nan nguy khó rày đây mai đó. Cuộc đối đầu vừa tình cảm vừa nghi ngờ
mang chút ghen tương xảy ra giữa Kìm, Đẹt và Ban rất người có lý và dễ thương. Khi Ban nói
về thằng bé Thiệu có cả lòng mình: “Nó
mê chú Kìm..” Đẹt hỏi chanh chua: “Còn em?”
Kìm hỏi: “Anh ghen hả?”... Lời lồng
tiếng của chính đạo diễn vừa ấm nồng, vừa son sắt hài hòa với không gian nhiều
tang tóc trong phim dễ làm người ta rơi lệ.
Cuộc bàn tán giữa ông bà Hai Tích trước khi
quyết định tặng luôn chiếc cối đá cho xác ông Tư vào cõi vĩnh hằng vừa gây cấn vừa là tâm trạng dễ chấp nhận trong những
tình huống éo le mà người cho và bên nhận đều không thể trách cứ nhau: Khi Kìm
hứa sẽ hậu tạ chiếc cối đá thì ông Hai không tin nói một câu nếu không tâm lý dễ gây tự ái cho Kìm và ơn nghĩa của ông dễ trở thành tàn nhẫn:“Dân
len trâu ai mà tin!”. Phũ phàng nhưng Kìm không giận, cố gắng tạo ra tiền của để quay lại đáp nghĩa ông bà Hai, thái độ đượm màu sắc lương nhân vì chính Kìm cũng hiểu rằng trong xã hội đen
đủi của những tay len trâu, việc mất niềm tin với mọi người là điều thực, ắt phải
có kinh nghiệm từ đời cha đến đời con. Thái độ trả nghĩa
của Kìm cho ông bà Hai là một thái độ dung dị, nhân bản lớn, nó phủ nhận định
kiến cho rằng những kẻ chăn trâu thất học là phi đạo lý và nhiều tình tiết khác không thể trải rộng ra hết.
Đối với bộ môn mà
người đời ưu ái gọi
là “nghệ thuật thứ bảy”, rất khó,
khó hơn những loại nghệ thuật khác, đạo diễn thường phải là
những người can đảm lắng nghe thêm từ quần chúng.
Bộ phim đầu tay của một đạo diễn không chuyên mà đáp ứng được thị hiếu người xem là một cố gắng tuyệt vời của
Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Hình ảnh một nông thôn Việt Nam cách hàng nửa thế kỷ mà
đạo diễn khôi phục lại gần xác thực là một kỳ công. Ai đã từng sống giữa đồng bằng sông Cửu Long chứng kiến những mùa nước lũ thường kỳ, có leo lưng trâu, có chạnh lòng mỗi khi mùa màng đến
trâu tập kết về giúp bà con cày bừa, kéo cộ... mới hiểu lòng tác giả Sơn Nam và đạo diễn
Nguyễn Võ Nghiêm Minh.
“Chăn trâu sướng lắm chứ!”. Điều thơ mộng ấy xảy ra khi len lỏi vào đời họ có những bát cơm đầy
khi đói, có mùng mền ngủ khi đêm lạnh về không bị muỗi mòng cắn đốt và những tình yêu mà cuộc đời mang
đến cho họ như một khúc ca riêng...
Hóa trang trong phim “Mùa len trâu” hầu như không được tự nhiên ngoài đời xưa. Như ai cũng mặc một loại áo vải bà ba, quần đen
đều đặn mới may! Trong thực tế vào thời đó cách đây nửa thế kỷ
thì nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long mặc vải màu không nhất thiết giống nhau mà phần lớn là ai có gì mặc nấy vá víu vì ít
khi được lành lặn trong nỗi
thiếu hụt truyền kiếp.
Hình ảnh các cánh đồng lúa trong phim “Mùa len trâu” được dàn dựng trong không gian đậm nét thời nay, nó nổi lên cánh đồng thâm canh tăng
vụ những năm gần
đây: lúa thấp, dầy, xanh rờn... (đặc thù
của ruộng “thần nông”). Nhưng ta cũng
cần thông cảm vào thời điểm quay phim đạo diễn khó tìm khu vực có lúa mùa?.
Nhân vât chính Kìm nên hóa trang da mặt cho sạm màu chút, hoặc thỉnh thỏang phải bị dính sình do đeo bám theo trâu. Một cậu bé sống ở vùng nông thôn sâu từ lúc lọt lòng mẹ, 15 tuổi theo đoàn
len trâu, thường xuyên không thấy đội chiếc nón trên đầu như Kìm mà da mặt luôn
trắng láng từ đầu phim đến hết chỉ có trong huyền thoại hoặc trong... phim! Lúc Kìm ở trần đẹp da như thanh niên được tắm sữa
trắng, tóc hớt theo kiểu nghệ sĩ ngoài đời hiện nay. Kể cả chiếc quần cọc
Kìm mặc cũng nên cẩn thận vì nó giống loại trưng bày ở các shop thời trang... thì sẽ giảm đi cảm xúc dành cho một nhân
vật khổ ải là nông dân cơ cực. Nói thế không có nghĩa
đánh giá nông dân không có người đẹp da, đẹp
tóc. Ở thời đại nầy nhiều người nông dân vẫn đẹp như nghệ sĩ, sau khi họ đi
đồng về tắm rửa sạch sẽ, lúc đi chăn trâu thì mang khẩu trang đội nón rộng
vành...
Trong tác phẩm truyện ngắn của Sơn Nam, tác giả có cho Nhi (Kìm) chửi thề “đ.m” nhưng tác giả chỉ viết tắt hai từ ấy; còn với phim
“Mùa len trâu” đạo diễn cho chửi thẳng
thành âm “đu (có dấu nặng) mẹ” rất dễ ảnh hưởng mặt xây dựng
văn hóa cho phim! Tốt hơn đạo diễn nên cho các nhân vật phát âm “trại từ” một
chút giống như một số bà con Nam bộ ở đây hay sử dụng
cho bớt tục tỉu như “đu (không có dấu nặng) mẹ”;
“đéo mẹ”; “mẹ
nây”... Bởi trong sách báo, trên sân
khấu... người ta tối kỵ dùng từ tục tằn trắng
trợn, nhất là cái từ chửi thề lâu nay được xem là dễ gây nên sự cố đâm chém, còn thực tế
ngoài đời thì lắm lúc khó tránh!?
Kiểu chửi thề của Kìm mỗi khi mở đầu câu chuyện với cha mẹ có hơi gượng gạo dường như đạo diễn cố
tình muốn trình diễn
bản chất lu manh của đám du thủ du thực? Trong
thực tế dù những đứa con côn đồ với ai nhưng khi đàm đạo với ông bà hoặc đấng
thân sinh chúng nói năng cũng rất dè chừng, hạn chế hết mức những phát âm tục
tỉu.
Còn nhiều khía cạnh nhỏ nếu ta cứ khó tính với
phim. Chỉ thông cản rằng sự cố gắng của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh thực
hiện “Mùa len trâu” như thế là quá kỳ công.
Hoàn thiện 100% theo yêu cầu của bộ môn “nghệ thuật thứ bảy” là rất khó
kể cả các bộ phim lớn nước ngoài.
Ngồi đây, ngay đồng bằng sông Cửu Long nầy vào lúc nước
nổi, tuy qua mùa giỗ thứ 6 của nhà văn Sơn Nam, một nhà Nam bộ học hiếm có của
nước Việt, đọc và xem lại phim “Mùa len trâu”, ta cảm nhận có cái gì miên man
như dòng nước lũ xoáy sâu mãi tim mình.
THÀNH NAM
_____________
Cảm ơn tác giả Thành Nam cho mình biết thêm về bộ phim "Mùa Len Trâu". kính Nhân Tâm
Trả lờiXóaBài phân tích rất thú vị và bổ ích, hay lắm tác giả
Trả lờiXóaCám ơn các bạn Nhân Tâm, Son... đồng cảm với mình về bài viết.
Trả lờiXóaThân ái
TNam