Năm 2015 tôi đọc thấy nỗi buồn chung
cho giới văn học nghệ thuật nước nhà đó là hai vụ được cho là "đạo
thơ" kỳ lạ xảy ra cách nhau không đầy một tháng:
- Cuối tháng 09/2015 vụ Ngô Xuân
Phúc tố Nguyễn Phan Quế Mai đạo bài thơ "Tổ quốc gọi tên mình". Hai
bên đưa ra chứng cứ biện minh bảo vệ quyền mình sáng tác.
- Trong khi dư luận vụ thứ nhất còn
râm ran thì một vụ khác nổ ra vào trung tuần tháng 10/2015 giữa nhà thơ Phan
Huyền Thư (bài "Bạch lộ") và Phan Ngọc Thường Đoan (bài "Buổi
sáng").
Cũng nên nhắc lại, trước đó có dư
luận cho là PHT đã "đạo" một câu thơ của nhà thơ Du Tử Lê. Và vào
đầu năm 2014 đã xảy ra một vụ lùm xùm giữa nhạc sĩ Phạm Hồng Phước (bài hát
"Khi chúng ta già") bị nhà thơ nữ Việt Hà cho là lấy thơ mình phổ
nhạc mà không xin phép, PHP đã xin lỗi VH và gở bài hát, đã được tác giả bài
thơ rộng lượng bỏ qua.
Gần cuối năm 2015 mọi xôn xao về các
hiện tượng trên đã chìm xuống. Đúng ra không ai nên khơi lại âm hưởng của nỗi
buồn chung đó. Song cuối năm nhắc lại chuyện cũ làm bài học quí giá để bước
sang năm mới mình cẩn thận hơn có khi cũng cần và biết đâu nó tải được một cái
nhìn dung dị trong anh chị em, chuyển hết mọi ám ảnh không may cho vào dĩ vãng.
Bởi trong cùng hàng ngũ một chiến sĩ nào dù mất đi với tai nạn nào dù là sơ ý
kỹ thuật do bản thân đó cũng là nỗi đau cho những người còn lại. Một nhà văn
nhà thơ do va vấp, do xui rủi hay do cố tình dẫn đến hậu quả tiếng tai không
đẹp lần đầu để phải ngã khuỵ buông văn buông thơ cũng là sự mất mát đáng tiếc,
cần làm một động tác "hô hấp" để trái tim họ ấm dần trở lại, vị tha
ấy là thuộc tính của người cầm bút, mất hai trong bốn nhà thơ kể trên đều nuối
tiếc.
Việc "đạo thơ" nếu hẳn
nhiên do cố tình thì người làm động tác "sao chép" ấy bắt buộc phải
nói lời xin lỗi, thừa nhận khuyết điểm và tùy lòng quãng đại hay khắt khe tác
giả chính và dư luận tha thứ hay không, bởi vi phạm bản quyền là một hành vi
xấu và nặng có khi phải đối mặt với pháp lý, là điều theo ta nghĩ ai cũng phải
học thuộc như một pháp lệnh trước khi được kết nạp vào Hội Nhà văn. Nhưng nếu
hiện tượng "đạo thơ" mang tính mập mờ mà chính người vi phạm có khi
vô tình không hay biết thì sao? Nhiều người cho rằng dựa vào yếu tố thời gian,
lưu giữ bản gốc... bài thơ nào làm trước, có bằng chứng... thì là "chính
nghĩa". Ta giả định người viết sau chưa một lần gặp bài thơ của người viết
trước mà tự tác sáng theo tâm thức của mình bỗng dưng trùng cả ý cả câu một
cách lạ kỳ. Ai cũng nói làm sao có chuyện đó được, thực tế có trường hợp người
bị tố "đạo thơ" quả quyết rằng không và thách thức mọi thứ. Ta thử
làm một cuộc giải mã vui để lắm khi biết đâu chính bản thân mình lúc nào đó
bỗng dưng mang tiếng "đạo thơ" như chuyện từ trời rơi xuống.
Ta biết trên hành tinh mình hiện nay
có gần bảy tỷ người, mỗi người mang một "gen" di truyền nào đó và có
cặp người giống nhau kỳ lạ không ai tưởng tượng nổi lại đã xảy ra. Có người
sanh ra khác cha khác mẹ ở cách xa nhau hằnh nghìn, hằng chục nghìn cây số lại
giống nhau một cách lạ đời về diện mạo, dáng đi, tính tình, sinh hoạt, thậm chí
trùng tên, trùng tuổi, trùng ngày sanh, trùng cả tên tuổi của vợ con hai bên và
chết cùng ngày cùng tai nạn... Nói chung cá nhân nầy là "bản sao" của
cá nhân kia một cách huyền bí hoàn hảo. Ngôi sao nữ Elizabetth Taylor ở Anh
quốc cũng có một phụ nữ giống y như bà khiến người phụ nữ kia bị các tay
parazzi theo đuổi như một hình phạt thay cho Taylor thật! Năm 1903 có hai phạm
nhân tai trại tù Leavenworth ở Kansas giống nhau như đúc lại trùng cả tên và
năm sanh khiến viên cai quản luôn điên đầu vì họ chỉ có một điểm duy nhất khác
nhau là vân tay! Hai tổng thống đương nhiệm quyền lực của thế giới là Putin của
Nga và Obama của Mỹ cũng có người giống các ông như in khiến các sĩ quan cận vệ
phải ngỡ ngàng khi gặp. Gần đây trên mạng có nói đến cặp đàn ông xa lạ ở bên
Anh tình cờ đi chung máy bay ngồi sát ghế giống nhau về tướng hình cả tóc, râu,
răng, nụ cười, áo mặc một màu một kiểu, cả hai không hẹn mà đến cùng một quán
ăn, ngủ cùng một khách sạn! Kỳ lạ hơn nữa có bốn cô gái tên là Niamh, Karen,
Irene (ở Ireland) và Louisa (ở Ý) giống nhau như bốn giọt nước lại trùng cả cá
tính tìm đến nhau và kết thân! Và nhiều trường hợp trùng khớp lạ kỳ khác... Mỗi
cá nhân ta có lẽ cũng có người giống như một nhưng do không phải là nhân vật
nổi tiếng nên không ai phát hiện?
Có nhà khoa học giải thích các hiện
tượng giống nhau trăm phần trăm ấy là do cấu trúc "gen" mà tạo hoá đã
dành cho mỗi người một hoặc nhiều "bản sao" trong tự nhiên. Điều đó
chẳng biết đúng sai nhưng đi giữa muôn trùng con người với trên trăm sắc dân
toàn cầu tựu về thành phố lớn nhất nứơc Mỹ thỉnh thoảng tôi thấy một vài người
rất giống bà con giòng họ mình bên quê nhà là điều có thật! (Có cô gái giống
trăm phần trăm người yêu đầu đời nhưng tôi cho đó là sức gợi lại của một loại
nhân ảnh!).
Tìm hiểu tính chất trùng nhau như
một giữa các cá nhân để ta hy vọng có được cứu cánh cho trường hợp nhà thơ nào
đó thực sự không đạo thơ ai bỗng dưng có người phát hiện? Bởi "gen"
đã làm nhiệm vụ cho hai hoặc nhiều người giống nhau mọi thứ về nhân thể, cuộc
đời thì biết đâu "gen" cũng góp phần tạo nên sự rất giống nhau về tâm
thức, suy tư, cảm thụ, sáng tạo... mà ta có thể tạm gọi là "bản sao ký
ức" là hiện tượng mang tiếng "đạo thơ" mà không "đạo"?
Ngày xưa đi học thầy cô giáo bắt ta học thuộc lòng những bài văn bài thơ xuất
sắc nhằm giúp não bộ ta phong phú dồi dào từ ngữ hay, nếu là người dở văn
chương ta dựa vào đó để viết thành bài na ná mà vẫn được cho điểm, dựa vào đó
lớn lên đầu óc phát triển ta thành nhà văn nhà thơ sáng tác theo cái mới của
mình và một người, nhiều người nào đó trên cõi đời nầy cũng học giống ta, hai
người lớn lên cùng yêu thơ, làm thơ, cùng với sự chiêm nghiệm đọc tới đọc lui
nghe qua nghe lại hằng nghìn hằng vạn những câu ca dao, tục ngữ, hò vè, câu
đối, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên... rồi nhiều bài thơ văn hay của các cây bút
tiền bối, bạn bè... biết đâu muôn trùng tình cảm lẩn quất thâm nhập sâu vào bài
viết mà ta không biết nó giống với bài người khác làm trước như hai cá thể xa
lạ trên địa cầu giống nhau mọi thứ, giống đến đến đỗi khi chết cũng
trùng tai nạn trùng ngày trùng nghĩa địa? Do đó có khi muốn kết luận một vụ
"đạo thơ" mà hai bên không ai "đầu hàng", theo tôi, người
có trách nhiệm phải chịu khổ nỗi làm kỹ như một vụ án hình sự để tránh nỗi oan
sai?
Tôi tham gia viết thơ từ trẻ cho đến
già vẫn chưa có một bài nào nổi tiếng nhưng vẫn thích viết. Tôi tự cho mình là
nhà thơ dở. Có lúc tôi ngồi làm thơ ở một nơi ngoài trời đầy tuyết trắng bay
bay, da thịt lạnh như cắt, cây rừng trụi lá qua một trận tàn thu nhường lại cho
tiết vào đông và biết chắc bên nhà mùa xuân đang đến bạn bè đang bận rộn viết.
Có lúc tôi ngồi viết dưới ánh mặt trời sắp lặn của một hoàng hôn và biết chắc
bên nhà giờ đó bạn bè cũng đang ngồi viết trước ánh bình minh ló dạng. Tôi đã
ôm tình thơ, tình quê hương qua nửa địa cầu. Tôi hiểu không một đất nước nào có
nhiều người yêu thơ làm nhiều thơ bằng Tổ quốc mình. Nhiều người làm thơ với
nhiều bài thơ hay, mỗi tác giả ít nhất có một bài hay, mỗi bài thơ ít nhất có một
câu thơ hay là đặc thù của nền thơ Việt. Tôi tự hào đã là con của một đất nước
"triệu thơ" nên không ngại ngần giới thiệu với mọi người trên trái
đất gốc gác của mình khi họ hỏi và háo hức muốn được giới thiệu như vậy. Không
nếm trải hồn thơ từ tự tình dân tộc, quên nơi chôn nhau cắt rốn, thơ ta đẻ ra
dễ trở thành dị dạng và đi về một ngã rẽ cô đơn.
Hồn thơ vô tận lai láng mà ta không
mang ra sáng tác cố tình "phô-tô" từ nguyên bản hoặc bê nguyên xi ý
tưởng người khác là quá dở. Bằng như trùng hợp ấy là vô tình do có sự giao
thoa, đồng dạng trong tiềm thức thuở nào thì nên thông cảm với một từ nghe như
thơ mà nhiều nước luôn sử dụng trên miệng để vị tha nhau: "Sorry"!
THÀNH NAM
______________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét