Vụ án hình sự ly
kỳ, hấp dẫn đã gây cho nhiều người quan tâm vào giữa thập niên 30 của thế kỷ trước.
Chuyện xảy ra giữa
một người vợ tên Nguyễn Thị Loan, con của ông bà Hai ở phố Mới và chồng là Thân
con ông bà Phán Lợi ở ấp Thái Hà (Hà Nội).
Gia đình nghèo
nhưng ông bà Hai cố gắng nuôi Loan ăn học đến hết bậc cao đẳng, còn Thân tuy
con nhà giàu có quyền thế nhưng học vấn kém. Hai bên đã giao ước cho đôi trai
gái kết duyên chồng vợ. Ông bà Hai có mượn tiền gia đình ông bà Phán Lợi nên
quyết tâm gả Loan cho Thân để một phần giảm căng thẳng về mặt nợ nần. Loan
không thuận lấy Thân trái lại âm thầm thương Dũng một bạn trai học thức, nghèo,
có tinh thần cách mạng. “Áo mặc không qua khỏi đầu”, dù cự tuyệt, sau rồi Loan
cũng đành cam phận về làm vợ Thân.
Cuộc hôn nhân miễn
cưỡng khiến suốt những năm dài chung sống biến Nguyễn Thị Loan thành người phụ
nữ vô cảm, xem gia đình chồng là địa ngục. Mâu thuẫn xảy ra thường xuyên giữa
hai luồng tư tưởng cũ/ mới: bên nhà Thân thì bảo thủ phong kiến; cá nhân Loan
theo trường phái tân học tiến bộ nên không khí gia đình luôn bị nhiễu động, từ
bất hòa gây ra rạn nứt sau cùng thành vụ án hình sự.
Gay gắt nhất kể
từ khi đứa con trai của Nguyễn Thị Loan sinh ra không lâu bị bệnh chết do gia
đình chồng không cho mang thằng bé vào bệnh viện chữa trị mà bắt phải dùng bùa
chú của các thầy lang. Lúc sinh do cơ địa khó không cho phép Loan sanh thêm nữa,
nàng bị triệt đường sinh sản mất hy vọng tạo lại thành viên mới cho gia đình chồng.
Để có cháu nội nối dõi tông đường, bên chồng bắt Loan đứng ra cưới Tuất, một cô
gái trẻ gần nhà, làm vợ lẽ cho Thân. Tuất sinh được đứa con trai, tỏ ra “kẻ
trên”. Phía chồng ngày càng khinh miệt Loan hơn, xem nàng như một loại nô dịch
không công, một “chiếc máy đẻ" trục trặc, vô hồn không còn tác dụng duy
trì nòi giống!
Quá ư cay nghiệt
khiến lòng người phụ nữ mang nhiều nỗi ức ách, Nguyễn Thị Loan không thiết chiều
lụy thêm cái đại gia đình chồng hà khắc bất công nữa, nhiều phen nàng muốn làm
một cuộc bức phá bỏ quách cái cảnh sống tù ngục đọa đày ấy mà ra đi. Nhưng phận
“chim lồng cá chậu” không dễ thoát thân. Dùng dằng mãi...
Rồi một đêm, định
mệnh đến, hai bên gây gổ giằng co, Thân ngã vào người Loan bị cây dao rọc giấy
nàng cầm trên tay kết liễu mạng sống. Chấm dứt cuộc tình éo le đeo mang bạc bẽo.
Nguyễn Thị Loan bị bắt.
Cuối cùng Nguyễn
Thị Loan được một quan tòa người Pháp ở Hà Nội năm đó xử trắng án. Loan được tự
do thoát khỏi nhà tù và nhà chồng.
Vụ án hình sự ấy,
đã thành đề tài cảm xúc để nhiều người bàn luận xưa nay mà phần lớn người ta có
thiện ý ủng hộ Nguyễn Thị Loan, hài lòng với cái chết của Thân theo chiều hướng
có hậu.
Theo “tài liệu”
ghi lại đêm xảy ra án như sau:
- Mợ tắt đèn!
- Để tôi đọc nốt
đọan nầy đã!
- Sao bảo mợ tắt
đèn mợ không tắt đèn?
- Ô hay! Cậu cứ
đi ngủ đi, tôi cần đèn để xem sách.
- Mợ để đèn tôi
không ngủ được.
- Cậu xoay mặt
vào tường mà ngủ.
- Tôi bảo mợ
không nghe à? Phép ở đâu thế?
- Tôi xin cậu để
yên cho tôi xem. Cậu muốn tắt đèn thì ra mà tắt.
Yên lặng một
chút rồi Loan thấy chồng giật lấy quyển sách ở tay nàng vứt mạnh xuống đất.
Loan đặt con dao
lên bàn, cúi xuống nhặt sách, phủi bụi rồi lẳng lặng giở ra đọc, làm như không
xảy ra sự gì cả. Loan thấy Thân ngồi nhỏm dậy, liền quay lại hỏi:
- Cậu làm gì thế
?
- Mợ không được
láo.
- Tôi láo cái
gì?
Thân đập mạnh
hai tay xuống chiếu quát:
- Mợ cãi à?
Rồi tiện chân đạp
mạnh vào lưng Loan, làm Loan ngã lăn xuống đất. Nàng vừa lóp ngóp dậy đương vấn
lại tóc thì ở ngoài có tiếng bà Phán:
- Làm cái gì mà
huỳnh huỵch trong ấy thế ? Có dạy vợ thì lúc khác hãy dạy, để yên cho người ta ngủ.
Loan nói:
- Ai dạy ai? Động
một tí thì dạy. Tôi không cần ai dạy tôi.
Thân cầm cái gối
lăm le ném vào Loan:
- Phải, có thế mới
là đồ mất dạy.
Loan đáp:
- Mất dạy là
đánh người đàn bà yếu ớt, hèn nhát một lũ...
Bà Phán vội quá,
đi chân đất vào buồng, nhìn Loan hỏi:
- Mợ nói gì thế?...
Mày nói gì thế, con kia?
Loan quay mặt
vào trong không đáp. Bà Phán nói tiếp:
- Bà thử đánh
mày một cái tát thử xem mày còn bảo là hèn nhát nữa không?
Loan nói:
- Không ai có
quyền chửi tôi, không ai có quyền đánh tôi.
- Tao có quyền,
mày cứ chửi lại xem nào.
Loan quay lại:
- Tôi không quen chửi. Chửi người khác tức bẩn mồm mình.
...
Rồi bà vừa thở vừa
bảo Thân:
- Tao không thèm
tát nữa bẩn tay. Mày dần xác nó ra cho tao.
Loan vuốt tóc ngửng
lên nhìn thẳng vào mặt mẹ chồng:
- Bà cũng là người
tôi cũng là người không ai thua kém ai. Bà đánh tôi, tôi không...
Nói chưa dứt lời,
Loan giật mạnh tay ra, đứng lùi lại sau. Bà Phán ôm lấy ngực rồi nằm vật xuống
giường kêu:
- Trời ơi! Nó
đánh chết tôi!
Loan nói:
- Bà đừng vu
oan.
Rồi thấy Thân chạy
lại, Loan bảo:
- Tôi xin cậu đừng
chạm vào người tôi.
Vừa nói hết câu
thì một cái đấm mạnh vào ngực làm Loan chau mày, cúi gục đầu vào tường, rồi người
nàng bị đẩy ngã lăn xuống đất. Nàng cố sức đứng dậy đi lùi vào góc giường và cảm
thấy cái phẩm giá mình lúc ấy không bằng phẩm giá một con vật.
- Mợ muốn sống
thì đứng lại!
Bà Phán đã ngồi
dậy trỏ tay, mồm nói:
- Đánh chết nó
đi cho tôi. Chết đã có tôi chịu tội.
Loan vẫn lùi.
Thân hục hặc nhìn quanh, rồi tiện tay cầm ngay lấy cái lọ đồng sấn lại phía
nàng. Loan thấy Thân đã đến gần mình, trong lúc hốt hoảng liền vớ ngay con dao
díp rọc sách để ở bàn định giơ đỡ, Thân như con hổ dữ đạp đổ một cái lọ đồng đập
vào Loan. Loan né mình tránh được và trượt chân ngã xuống giường, con dao cầm
chắc trong tay. Thân quá đà cũng ngã mạnh vào người Loan, Loan thấy cái cán dao
ấn mạnh lên tay nàng và Thân kêu lên một tiếng…Loan buông dao, rút mạnh tay đứng
dậy, còn Thân thì nằm ngửa ra hai tay ôm ngực. Bỗng Loan mở to mắt nhìn một vết
đỏ loang trên áo Thân. Nàng sợ hãi đưa tay lên che mồm, bỗng dừng lại: mấy ngón
tay nàng vấy máu đỏ lòe…
Làm xong biên bản,
người sen đầm theo lệnh ông dự thẩm cho còng xích vào tay Loan. Vòng sắt lạnh
làm Loan rùng mình, cúi đầu, nhắm mắt, nhưng nàng ngửng lên ngay, thản nhiên
nhìn mọi người... Nàng lẳng lặng theo người sen đầm ra cửa không quay mặt lại...Tuy
hai tay bị xích và thân mình sắp bị giam cầm, lúc Loan bước qua ngưỡng cửa,
nàng vẫn có cái cảm tưởng rằng vừa bước ra khỏi một nơi tù tội...
Phiên
tòa tại Hà Nội năm đó do người Pháp xử Nguyễn Thị Loan diễn biến như sau:
Loan
cất tiếng trả lời ông chánh án bằng tiếng Pháp một cách dõng dạc, điềm đạm.
Nàng cứ thông thả kể lại một cách rõ ràng những việc xảy ra. Nàng không nhận đã
giết người, nàng chỉ tỏ ý hối hận rằng vì muốn giữ mình mà một người phải chết
oan...
...
Đến
lượt bà Phán lên kể, thì những việc lại xảy ra một cách khác hẳn. Bà nói là
Loan đã định tâm từ lâu và hôm đó trước khi sinh sự, vờ xem sách để tiện có con
dao giết chồng.
...
Ông chưởng lý,
sau khi từ tốn kể lại việc đã xảy ra, bỗng giơ thẳng tay vào mặt Loan và cao tiếng
buộc tội:
Người này đã giết!
Tay người đã nhuộm máu của một người chồng, một người chồng hiền lành, cả đời
chỉ có một cái lỗi là cái lỗi lấy phải một người ác. Thị Loan này đã có đi học,
mà đi học đến năm thứ tư bậc Cao đẳng tiểu học, ở xã hội An Nam, như thế hẳn là
một người thông minh. Đã là một người thông minh có lẽ nào để cho hết thảy mọi
người trong nhà, trong họ, không một ai là không chê, không ghét. Chỉ tại Thị
Loan vì thông minh nên sinh ra kiêu hãnh, không ai coi ra gì cả. Khinh mẹ chồng,
khinh chồng, khinh bố chồng. Người nào Thị cũng cho là vô học thức, các ngài hẳn
hiểu rõ cái đại học tiểu thuyết của bọn thanh niên biết tiếng Pháp; một luồng
gió lãng mạn cuối mùa thổi qua để lại biết bao tai hại. Vì kiêu căng, vì lãng mạn,
lại vì so sánh những cảnh thần tiên thấy trong tiểu thuyết với sự thực tầm thường
trước mắt, nên Thị Loan tìm cách thoát ly.
Cho là Thị Loan
muốn thoát ly nữa, nhưng thiếu gì cách. Thị không nghĩ thế. Thị nỡ giết chồng
trong một lúc giận dữ. Thị dùng một cách thoát ly nhẫn tâm, vô nhân đạo. Lúc đó
Thị chỉ cốt cho hả giận riêng. Thị không biết rằng người làm Thị giận lại chính
là Thị đó. Thị Loan không thể cãi rằng không định tâm giết chồng. Nói rằng cầm
dao để đỡ cái lọ đồng trong khi né mình tránh khỏi là một sự vô lý. Mà không có
cái gì tỏ ra rằng người chồng vác lọ đồng để đánh chết vợ, một người vợ đã hỗn
với mẹ mình! Thị Loan đã khôn khéo, phải, rất khôn khéo, vì đã giết chồng mà
khéo làm ra như là chồng tự giết mình. Tôi rất phục. Nhưng cái khéo đó là của một
người nham hiểm, một người gian trá.
Tôi xin tòa trị
tội thật nặng để làm gương cho người khác. Thị Loan là một người có tội với gia
đình. Nhưng cái tội lớn của Thị là tội giết người, cố ý giết người.
Đối lại Nguyễn
Thị Loan được ông trạng sư bào chữa:
Loan không giết
chồng! Điều đó là một sự tự nhiên rồi. Giấy chứng của đốc tờ, lời khai sự thực
của con sen đúng với sự thực của bị cáo nhận, đã tỏ ra một cách rõ ràng rằng,
những lời khai khác hẳn nhau của gia nhân người thiệt mạng toàn là những lời vu
khống vì thù ghét. Còn như Thị Loan cầm dao, đó không phải là một cái tội. Cái
lọ đồng kia có thể làm chết người. Thị Loan có quyền giữ mình, giữ mình bằng
cách nào cũng được. Tôi vừa nói đến chữ thù ghét, và nếu tôi không lầm, thì lúc
nãy ông chưởng lý cũng nói rằng cả nhà ghét Thị Loan. Nhưng không có gì tỏ rằng
lỗi đó về cả phần Thị Loan. Người ta lại ghét Thị, đó không phải là một chứng cớ
rằng Thị kiêu hãnh. Thị Loan là một cô gái có học, nghĩa là một cô gái tiến, nhưng
tiến không phải một nghĩa với lãng mạn. Thị Loan là một cô gái mới mà đã vui
lòng nghe theo lời mẹ đi lấy một người chồng cổ, sống trong một gia đình cổ.
Tôi nói thế là dựa theo chứng cớ hẳn hoi.
Rồi trạng sư giơ
một tờ giấy và nói tiếp:
Đây là bức thư của
Thị Loan viết cho một người bạn là bà giáo Thảo hiện có mặt tại đây. Tôi xin đọc
một câu của Thị Loan viết trong đó:“Em sẽ sống như mọi người khác, em sẽ cố thuần
thục, lấy gia đình chồng làm gia đình mình, coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ, biết
đâu em sẽ không thấy được hạnh phúc ở chỗ đó”.
Đấy các ngài
nghe rõ chưa? Thị Loan muốn yên mà người ta không để Thị yên. Tôi không muốn nhắc
đến người đã thiệt mạng, mà nhất là nhắc đến một cách không hay ho cho người đó,
nhưng các ngài hãy nhìn lại Thị Loan ngồi đây; một người có nhan sắc như Thị
Loan...
... Phải, tôi cần
phải nhắc đến nhan sắc của Thị Loan. Thị Loan có học thức, có nhan sắc, đương
vào tuổi chan chứa lòng nguyện ước về một cuộc đời tốt đẹp, thế mà vì hiếu với
cha mẹ đã vui lòng lấy một người chồng dốt nát và bao năm đã cố yên vui với số
phận mình. Và hơn nữa, Thị Loan, một cô gái mới, vì không có con nên đã lấy vợ
lẽ cho chồng để gia đình nhà chồng có người nối dõi! Một người như thế không phải
là một gái non quay cuồng như ông chưởng lý đã nói.
Trong bao nhiêu
năm Thị Loan đã chịu bao nhiêu điều khổ sở cay đắng. Tôi chỉ xin nhắc lại việc
đứa con trai của Thị Loan chết oan.
Chính bà mẹ chồng
đã giết cháu bà mà không biết. Mà lại đổ cho Thị Loan cái tội giết con! Đến nay
bà đổ cho Thị Loan tội giết chồng, nhưng bà có biết đâu, con bà chết là lỗi ở
bà, lỗi ở cái luân lý trái mùa và quá ư nghiêm ngặt kia. Người có tội chính là
bà mẹ chồng Thị Loan và cái luân lý cổ hủ kia.
Giữ lấy gia
đình! Nhưng xin đừng lầm giữ lấy gia đình với giữ lấy nô lệ. Cái chế độ nô lệ bỏ
từ lâu, mỗi lần ta nghĩ đến không khỏi rùng mình ghê sợ... Những người đã được
hấp thụ văn hóa mới đã được tiêm nhiễm những ý tưởng về nhân đạo, về cái quyền
tự do cá nhân, lẽ cố nhiên là tìm cách thoát ly ra ngoài chế độ đó, ý muốn ấy
chánh đáng lắm. Nhưng thoát ly không phải dễ dàng như ta tưởng. Ngoài những người
nhẫn nại sống trong sự phục tùng như Thị Loan đây, biết bao nhiêu người không
chịu nổi cái chế độ cay nghiệt ấy đã liều mình hy sinh cho thoát nợ... Buộc cho
Thị Loan cái tội giết người ư? Thị Loan không giết người!...Tha cho Thị Loan tức
là các ngài làm một việc công bằng, tức
là tỏ ra rằng cái chế độ gia đình vô nhân đạo kia đã đến ngày tàn và phải nhường
chỗ cho một chế độ gia đình khác hợp với cái đời mới bây giờ, hợp với quan niệm
của những người có học mới. Các ngài tha cho Thị Loan tức là tha cho một người đã
bị buộc tội oan, tha cho một người đau khổ vì đã bị phí cả một đời thanh xuân
và đã đem thân hy sinh cho cái xã hội mới cũ khắt khe nầy...
Nguyễn Thị Loan được
quan tòa mời đứng lên nói lời sau cùng:
Đến lúc ông
chánh án hỏi bị cáo nhân có muốn nói gì thêm không, Loan lạnh lùng đứng dậy, ra
vịn vào vành móng ngựa và thông thả nói:
- Trạng sư đã
nói thay cho tôi. Những ý tưởng về mới, cũ trạng sư vừa phân bày rất đúng với
tình cảnh bọn chị em bạn gái mới chúng tôi. Tôi tiếc rằng chính tôi là người ở
trong cảnh mà không có giọng hùng hồn để nói cho mọi người cảm thấy rõ những nỗi
thống khổ mà chúng tôi đã phải chịu. Không phải tôi cốt để tòa rủ lòng thương
riêng đến một mình tôi, vì tôi đã đành cam chịu lấy hết các thứ hình phạt mà xã
hội bắt tôi phải chịu...
Rồi Loan quay lại
phía bà Phán:
- Tôi xin lỗi bà
và rất hối hận rằng vì tôi mà con bà bị thiệt mạng oan. Đến bây giờ, tôi không
còn là con dâu bà nữa, tôi có thể nói ra một cách chân thực cảm tưởng của tôi đối
với bà trong bao lâu. Bà với tôi là hai người không thể hiểu nhau được. Đã như
thế mà phải ở với nhau, tất không sao tránh được sự xung đột. Lỗi đó không phải
ở ai cả. Biết vậy nên dẫu có bị tù tội chăng nữa, tôi cũng không oán hờn ai
chút nào, còn như bà, nếu như bà vẫn coi tôi như kẻ thù, đó là quyền riêng của
bà. Tôi xin lỗi cô Hai đã vì tôi mà góa bụa, trên tay còn đứa con thơ mồ côi
cha sớm. Tôi xin hết cả những người trong họ chồng tôi nghĩ lại và nếu không hiểu
được tôi chăng nữa, thì cũng nên khoan dung mà biết cho rằng trong hết thảy những
người bấy lâu phải xô xát nhau, vì không hiểu nhau, tôi là người chịu nhiều đau
đớn nhất, là người đáng thương nhất.
Loan cúi đầu yên
lặng. Ông chánh án ân cần hỏi:
-
Cô còn muốn nói gì nữa không?
-
Tôi nói thế đủ rồi.
Rồi
Loan lại thông thả về ngồi chỗ cũ.
Và
phiên tòa kết thúc có hậu:
Ông chánh án
quay mặt hỏi ông bồi thẩm, rồi đứng lên. Cả tòa cùng đứng dậy một loạt tiếng người
rào rào lẫn với tiếng hô bồng súng...
Tòa
tha trắng án cho Loan...
*
Xem lại vụ án
Nguyễn Thị Loan, ta thấy đây là một phiên tòa lôi cuốn, cả phía công tố và trạng
sư bên nào bào chữa cũng sắc bén cho thân chủ mình, nêu bậc được quan điểm hai
phía: bảo thủ và đổi mới.
Lúc ấy ai theo
dõi phiên tòa chắc cũng cảm thấy vui mừng khi tòa cho Nguyễn Thị Loan trắng án
và hả dạ khi Thân một tên vũ phu sống trong một gia đình phong kiến hủ bại thối
nát đã đền tội xứng đáng bù lại sức chịu đựng của người phụ nữ một con trẻ đẹp,
có học thức, duyên dáng dễ yêu…
Tuy nhiên việc xử
trắng án cho Nguyễn Thị Loan trong thời gian ngắn ấy có thể vấp phải vấn đề về
công tác điều tra vội vã? Có bỏ sót tội không khi thu thập chứng cứ và các tình
tiết, tình cảm, tâm lý bị cáo? Tòa án thời
Pháp thuộc có hời hợt không trong các vụ xử án hình sự? Hay do xã hội lúc ấy
quá nghiêng tình cảm về phía Nguyễn Thị Loan mà không nghĩ các vụ án hình sự thường
là phức tạp “thấy vậy chớ có khi không phải vậy”? Nghĩ rằng Nguyễn Thị Loan đấu tranh đòi hỏi cái mới, xóa bỏ cái cũ
là chánh đáng mà quên đi Thân cũng là một mạng người luật pháp cần bảo vệ làm
cho ra lẽ! (Kẻ trộm chó và người đánh chết kẻ trộm chó đều chịu sự chi phối của
luật pháp!). Dựa vào “tài liệu” thì tình huống rõ ràng là Nguyễn Thị Loan ngộ
sát chớ không cố ý giết chồng. Nhưng nếu phiên tòa có cái nhìn cặn kẽ, có sự điều
tra về sự rạn nứt giữa Loan với Thân, giữa Loan với cái đại gia đình tàn nhẫn
bên chồng, riêng với Thân mà Loan luôn cho rằng không có chút gì yêu thương và
trong thời gian chung sống nàng công khai bày tỏ với bạn bè là luôn yêu Dũng và
xác định mình có “ngoại tình bằng tư tưởng”… để kéo dài cho đến ngày vụ án xảy
ra bao nhiều quá khứ phũ phàng ê chề trong cuộc sống vợ chồng giữa Loan và Thân
chẳng lẽ không có gì để chủ tọa phiên tòa lưu tâm đến lời vị chưởng lý kết tội
Loan? Vợ chồng hay gây cấn mà Loan không cẩn thận khi để con dao rọc giấy trước
mặt, rồi dùng nó như để tự vệ với chồng trong cơn cả hai nóng giận khiến hậu quả
xảy ra dễ bị người ta nghi ngờ cho sự “vượt quá mức phòng vệ chánh đáng” thay
vì trong tình huống ấy Loan có thể chạy thoát ra ngoài để kêu la?
Mặc dù sự đời
cái gì tốt cuối cùng rồi cũng đến với người có thái độ thật. Với Nguyễn Thị
Loan không mang tâm địa cố sát nhưng kết thúc vội vàng của một phiên tòa hình sự
như vậy là quá đơn giản? Người ta có quyền kết luận Nguyễn Thị Loan có sự chuẩn
bị con dao hay nói một cách dị đoan “là điềm xui xẻo dễ bị ma quỉ xúi giục” để
làm chết chồng! Dù ngẫu nhiên hay cố tình thì Nguyễn Thị Loan cũng bị khép tội,
nhẹ nhất cũng…tù treo?!
Ở thời đại chúng
ta những phiên tòa hình sự không thể dễ dàng như thế trong bối cảnh vợ chồng
mâu thuẫn, phản trắc nhau. Trong quá trình điều tra xét hỏi, dựng lại hiện trường
các vụ án đốt chồng, thuốc chồng, tiêm thuốc độc vào mạch máu chồng hay những vụ
ngộ sát khác người ta làm rất kỹ, làm nghiêm túc chứ không phải bị chi phối
tình cảm xử theo cảm tính như phiên tòa xử Nguyễn Thị Loan năm xưa.
Việc tha bỗng gọn
gàng nhanh chống một nghi phạm trong vụ án hình sự chết người mà mầm móng xung
đột đã xảy ra liên tục từ ngày đối tượng gặp nhau với phía bên kia là nhà chồng,
chưa “kiểm định” nội tâm người vợ trẻ ấy ra sao, chỉ dựa trên lời khai và dư luận
có phần nghiêng thiện cảm về phía Loan do nàng bị quá nhiều áp bức. Tòa án xử
như vậy là “chưa đúng trình tự thủ tục pháp lý cần phải trả hồ sơ về làm lại"?
Đối với tòa án thì phải dựa vào luật, phải làm cho kỹ trắng đen, phải căn cứ
vào điều 1, điều 2... để quyết định chớ không vì tình cảm. (Ở đây có thể do quá
thông cảm cho cuộc đời bất hạnh của Nguyễn Thị Loan mà hời hợt với sinh mạng
Thân?). Thực tế nhiều vị quan tòa khi kết tội xong một vụ án nghe trong lòng rưng
rưng thông cảm cho hoàn cảnh bị can bị cáo do một ẩn khúc nào đó mà gây án nhưng
luật pháp đã đứng trên tình cảm...
*
Dở lại vụ án
Nguyễn Thị Loan 79 năm trước có người thấy cái gì còn lờ mờ. 79 năm một chặng đường
dài nhưng đối với nghiệp vụ pháp luật không thể lơ là cho nó vào dĩ vãng. Lúc vụ
án xảy ra Nguyễn Thị Loan đã ngoài đôi mươi đến giờ nếu còn sống đã thành một
bà lão xem xem trăm tuổi chống gậy trong nhà không còn nét xuân xưa nữa hoặc
“nàng” đã nằm yên trong lòng đất trở về với cát bụi. Nhưng nếu có nghi ngờ “bỏ
lọt tội” thì người ta cũng có thể dựng lại “hiện trường” để xử dẫu với… một
linh hồn không phảng phất khói hương (trừ khi vụ án được qui định có thời hiệu)?
Tiếc thay góa phụ
Nguyễn Thị Loan trong vụ án chết chồng xưa nay được nhiều người lưu ý đưa lên
sách báo bình luận, làm kịch bản, soạn thành cải lương… lại là một phụ nữ đặc
biệt trong cõi người ta, sinh ra đời không bằng xương bằng thịt mà chỉ là một…
nhân vật hư cấu trong quyển tiểu thuyết Đoạn Tuyệt của nhà văn Nhất Linh!
Nhất Linh có
công sáng lập nhóm Tự Lực Văn Đoàn với xu hướng cổ xúy xóa bỏ chế độ phong kiến
hủ bại không còn hợp lẽ để nhằm hướng đến xây dựng một xã hội tốt lành hơn, một
cuộc đời đẹp đẽ nhân bản hơn.
Và Đoạn Tuyệt là
cuốn tiểu thuyết luận đề cho phép tác giả đưa ra sự kiện để cuối cùng hóa giải
theo chiều hướng trường phái đổi mới. Do đó vụ án Nguyễn Thị Loan dẫu là ngẫu
nhiên, ngộ sát nhưng cũng đưa đến mục đích giải quyết sự việc như một cảnh báo
đối với những ai ở thời đại mới mà mãi mang tư tưởng khắt khe hẹp hòi không còn
phù hợp với xu thế văn minh tiến bộ của loài người thì cần phải thay đổi tư tưởng
sống ngay lúc ấy. Đoạn Tuyệt là cuốn
tiểu thuyết hay về quan điểm, tâm lý, giá trị văn chương mà mãi đến bây giờ đọc
lên ta nghe vẫn thích. Nhất Linh một nhân tài văn học Việt Nam mất ngày 07/07/1963.
-------------------------------------
(*) Những đoạn in nghiêng
trích trong tiểu thuyết "Đoạn Tuyệt" của nhà văn Nhất Linh, xuất bản năm 1936 đến nay 79 năm.
THÀNH NAM
_______________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét