- Vía Bà mua chim phóng sanh cậu sẽ được nhiều ơn đức giống
như cậu tha tù cho người ta vậy. Chim bị nhốt trong lồng là số phận. Tiền bạc
cậu làm ra phải biết xài đúng chỗ. Ăn nhậu cho “gái gú” sẽ mất hết, làm đại
nghĩa vĩnh viễn không mất. Phóng sanh chim thì cha mẹ vợ con cậu sẽ sống dai!
Vang nhìn chiếc lồng sắt nhỏ nhốt lố nhố mấy chục con chim
yến. Chúng mệt mỏi rã rượi, có con lừ đừ không còn khả năng vùng vẫy. Những vết
máu bầm đen đọng lại trên các mỏ chim xinh xắn, chứng tỏ chúng cố vượt khỏi
cảnh “chim lồng”. Thương thay đôi cánh yếu ớt đôi chân khẳng khiu của chúng
không thực hiện thành công trước cái lồng sắt cứng nhắt chật chội vô hồn. Chúng
khó tự thân làm lay chuyển số phận, ngoài một trông đợi: có người mua chúng
giải cứu trở về với không gian vô tận, để chúng bay lên liệng xuống làm tăng sắc
màu cho những mùa xuân huyền ảo chứa chan. Hai là chúng sẽ trở thành những sinh
linh “đầu thai kiếp khác làm ăn”. Trường hợp sau người ta sẽ nhổ lông, cắt cổ,
mổ bụng… lấy thân chúng ngâm rượu, lấy máu uống để tăng cường sinh lực thể hiện
bản lĩnh đàn ông trước đàn bà!
Vang mường tượng bà bán chim như mẹ mình, bà mẹ chân quê
cũng đã làm đủ nghề, chắt chiu từng đồng tiền bát gạo dành dụm nuôi con ăn học.
Vang hỏi:
- Mẹ nhốt chúng chi rồi mời con mua?
- Mẹ có bắt nhốt chúng đâu. Người ta bắt nhốt rồi mang bán
cho mẹ. Mẹ nghèo mua qua bán lại cho khách thập phương kiếm đồng lời nuôi thân.
Mẹ nào muốn nhìn chúng bị nhốt, gần chùa miếu mẹ thương chúng lắm chớ, nhìn
chúng trong lồng giương đôi mắt khẩn cầu mẹ cũng xót xa. Mẹ có đứa con gái ngày
ấy mỏng mảnh, mắt xếch, tính nết thư thái như loài chim nầy, bị bọn Pôn Pốt
cuồng sát lúc mới bốn tuổi ở Ba Chúc, nhìn chim mẹ tưởng như hồn con mình nhập
vào chúng.
Bà bán chim úp mặt vào hai bàn tay khóc nức nở. Nếu vậy bà
đã khóc mấy chục năm rồi? Hư thực không hiểu sao nhưng Vang bỗng nghe thông cảm
xót xa cùng bà. Vang đưa tay đỡ bà gượng dậy an ủi:
- Thôi mẹ ơi! Mẹ nén thương đau như thế cũng là kiên cường
lắm rồi. Con mua cái lồng chim nầy cho mẹ nhá! Mẹ đừng buồn nữa. Bao nhiêu tiền
hả mẹ?
Bà già hai tay run run cầm khăn vừa lau nước mắt vừa sung
sướng:
- Hai trăm rưởi nghìn, vốn mẹ hai trăm ba rồi. Con cho mẹ
lời hai chục nghìn mua gạo.
Vang trao tiền rồi mở cửa lồng chim. Một số bay nhanh vút
lên trời cố thoát thân, một số nhảy ra ngoài lựng khựng vừa muốn bay vừa muốn
đứng như những người tù đột ngột được phóng thích không hiểu vì sao. Rồi chúng
cũng bay ba phương bốn hướng, tất cả gần như được tự do trên bầu trời xanh mát,
còn vỏn vẹn một con, nó quá yếu, nhảy khập khiểng. Vang nhẹ tay đỡ chim, tung nó
lên cao. Chim không bay, rớt xuống. Đám nhỏ bán vé số chạy lại giành chim. Hai
bên giành nhau một số phận. Nếu Vang lơi đi, đầu hàng bọn trẻ, biết đâu không
lâu con chim sẽ bị nướng vào bếp lửa. Vang la to:
- Thế giới văn minh người ta đang bảo vệ loài vật, bọn bây
biết không, tại sao bắt chim của tao?
Một thằng nhóc cao to la lại:
- Ông thả nó về trời, nó không bay rơi xuống, tụi tui bắt là
“sở hữu” của tụi tui, sao ông cự? Tụi tui có cướp từ tay ông đâu?
- Nhưng tao đã mua nó, nó là của tao, mấy thằng bây không
hiểu luật pháp gì cả!
Một thằng lùn mập đen đúa chỉ ngón tay cái vào ngực mình:
- Ông nói sao? Ê đừng khi dễ mấy thằng bán vé số nầy nhen!
Hồi bốn năm tuổi tụi tui đã biết trèo rào xem ti-vi “khính” nhà người ta bị dây
chì gai đâm tét háng rồi! Cải lương vọng cổ Ming Vương Lệ thủy, giải đáp pháp
luật gì tụi tui cũng biết. Vợ của ông ăn ở lâu năm mà không “mần” hôn thú người
khác bắt “dìa” nhà nuôi cơm, mua quần áo cho “bặn”, cho đi học bổ túc văn hóa
đậu tú tài làm việc, người ta “cứ” luôn ông cũng không có quyền cự nữa nhen!
Ông ghen “quánh” người ta ông ở tù ngược chớ đừng giỡn.
Một thằng ốm tóc cháy vàng xen vô:
- Chùa miếu không cho tụi tui vô bán vé số, sợ tụi tui làm
bộ vô móc túi “ngừ” ta, bảo vệ “dượt” tụi tui chạy, bị bắt thì năn nỉ, không
thả thì ôm chồng vé số ngồi khóc, mấy ổng nắm cần cổ đứt nút áo thì “dìa” mượn
kim đơm lại, hoàn toàn không cự, là tụi tui biết luật pháp chớ bộ?
Một thằng nhỏ nhất trong đám:
- Chim trời cá nước Hội Đồng Dư nói, vô tay ai là của người
đó. Về quê ngoại tui ở Ô Môn, Cần Thơ hả người ta tát mương bắt không hết cá mình
có quyền “bắt hôi”, được con cá lóc bành ki cũng không ai đòi lại!
Vang thấy mình cần nhượng bộ bọn trẻ để giải cứa chim. Vang
hạ giọng:
- Thôi các em bán lại cho anh đi!
- Ừ thà ông nói vậy. (Một thằng khác xen vô).
- Các em bán bao nhiêu?
Thằng to nhất hồi nãy phát biểu:
- Mà ông mua nó về để cắt cổ lấy máu ngâm rượu uống cho
“sung” để đi với “ghệ nhí” hay gì? Nó dễ thương ông thấy không? Bệnh tật bay
không được. Nếu vậy tụi yui không bán. Tụi tui mang nó về trị bịnh làm lồng đẹp
nuôi, lúc đói khát nhìn nó cho vui đỡ đói!
- Không anh sẽ trả nó về với trời xanh bao la.
- Vậy thôi, em nói cho anh nghe nè! Cho mấy em sáu ngàn mua
ba ly trà đá chia nhau uống được rồi. Bán vé số bị người ta rượt từ sáng tới
giờ ế ẩm khát nước quá, chớ thôi cho anh khỏi lấy đồng nào. Anh gặp mấy ông nhà
giàu hả, viết vài cái tên cầu an, sao hạn, tam tai cho vợ lớn vợ nhỏ thôi là
“cúng” mấy trăm ngàn trong khi tụi tui chạy hở đầu gối xin vài ngàn ông tiếc
gì?
- “Ô kê”! Cám ơn bọn em…
Vang không hiểu loài chim thể hiện sự vui mừng cực độ như
thế nào khi chúng thoát vòng “tù tội” hay “tử hình”? Con người thì anh biết: khi
thoát vòng lao lý về với cộng đồng, họ muốn ôm cả bầu trời để hôn lên, họ thiết
tha đến từng cục đất, từng nhành cây ngọn cỏ, từng bông hoa dại trên đường về.
Họ rung động từ tâm hồn ra chân tóc, họ yêu cả cái hữu hạn lẫn vô hình, cái nào
tạo nên tự do cho cõi sống là họ yêu. Chim chắc cũng vui lắm, có con cố bay
nhanh sợ người ta bắt lại, con thì ngập ngừng thiếu tự tin: “Con sáo sổ lồng,
con sáo bay cao” còn “chim đa đa ngậm ngùi” rồi mới “đành bay xa”…
Ôm chim yến như người yêu nhỏ bé vào lòng, Vang nghe tim
mình rưng rức, một chút thôi, một chút lơ là không thiết tha số phận chim yến
sẽ ra xương, hay tồn tại chăng cũng sẽ trong cái hũ đầy rượu! Yến có thể tồn
tại bằng một thân phận cay nồng để “nâng chất hạnh phúc lứa đôi” mang tính
hoang đường cho chúng sanh nhiều dục vọng. Bọn nhỏ bán vé số có thái độ tích
cực đối với chim đáng ra cũng được trân trọng, nhưng biết đâu chúng nói một
đường làm một nẻo? Giã từ khung trời huyền bí, Vang mang về một con chim. Vang
cẩn trọng mua cho nó một chiếc lồng tre sơn phết khá đẹp.
Không hiểu nhiều về đặc tính loài chim nầy vì Vang không
phải là nhà “điểu học”. Vang có nghe người ta kể những mẫu chuyện huyền thoại
về chúng, vua chúa ngày xưa hay sử dụng chim yến giúp tăng cường khả năng tình dục
để “ăn ở” một một lượt với nhiều người. Ăn yến sào người già sắp chết cũng thọ
thêm. Huyết yến, tổ yến ngày xưa chỉ dành cho giới vua chúa thượng lưu trưởng
giả, Vang chỉ biết hương vị nó qua các hộp nước lấy từ các tổ yến ở Khánh Hòa.
Có lần bạn bè rủ anh uống nước yến tinh nguyên cắt cổ con chim cho máu chảy vào
vào ly rượu, Vang từ chối. Vang nghe sao loài người dã man quá! Ngày xưa vua
chúa là “con trời”, là “động vật cấp cao” nên muốn làm gì làm, muốn giết người
không thích thì xử trảm, “tru di cửu tộc”, muốn ăn óc khỉ thì đưa cái đầu nó
vào bộ ván khoét lỗ lấy dao bén xởn ngang sọ não nặn chanh muối dùng muỗng múc
óc sống đang tươm máu ăn ngon lành mặc cho con vật thét gào khản giọng, giãy
giụa đến tàn hơi, đau đớn tột cùng số phận! Vang hình dung cảnh ăn uống như vậy
anh rùng mình nhắm mắt lại cho qua một thước phim kinh dị.
Những chuyến tham quan trước trên đường về dù mệt mỏi, Vang
nghe tinh thần thoải mái không vướng bận, anh nhìn trời mây, cảnh vật, nhà cửa,
phụ nữ… Lần nầy anh không vô tư như vậy. Vài ba phút anh lại nhìn con chim yến
quí của mình. Yến không ngủ cứ đứng sàng qua sàng lại trong lồng theo mỗi nhịp
gồ ghề của bánh xe lăn qua. Yến không kêu, không bay, không nhảy. Vang quyết
tâm trị bệnh xong thả nó về trời. Vang cùng chim yêu thương có một cuộc hành trình
mệt mỏi. Về nhà anh mở cửa đặt lồng chim lên bàn cẩn thận sợ gặp “bọn ác” khác.
Căn nhà ấm cúng nầy đã nuôi dưỡng anh qua mấy chục mùa mưa
nắng. Cha mẹ công tác xa để lại một mình anh giữ gìn. Bên kia là chợ Trà Nóc
nhỏ, cổ kính với hai dãy nhà san sát, năm xưa có mấy căn hộ bỗng dưng lở ùm
xuống sông. Vang tiếp tay trục vớt nhà cửa, vật dụng giúp bà con gặp nạn. Một
con mèo nhỏ “ngao ngao” trong đóng gạch vụn gần một căn nhà bị sụp. Con mèo ướt
sũng lạnh cóng, chân run không ai quan tâm tới. Biết chắc nó bị bỏ rơi, Vang ôm
về nhà hơ lửa, ủ ấm, cho ăn. Từ đó con mèo ở lại với anh như một tri kỷ.
Con mèo lớn dần, giỏi giang, thường tha về những con chuột
cơm mập ú, có khi ngoạm cổ lôi cả một con cống nhum to gần bằng trọng lượng cơ
thể nó mà nó bỏ công rình mò suốt đêm ở những bờ cỏ gần sân bay Cần Thơ. Nhiều
lần nó ăn không hết chuột bỏ lại một đống thịt bầy nhầy hôi thúi. Vang không
giận mèo xem nó như người thân. Tình cảm của Vang đối với con vật gần thành
định mệnh.
Vang đang tắm “đùng” một cái, rồi “chép”. Tiềng chim kêu yếu
ớt. Biết có chuyện chẳng lành Vang chạy ra. Chiếc lồng chim rơi xuống gạch móp
méo. Con chim vẫn còn trong lồng, vài chiếc lông bay lả tả.
Con mèo, chính hắn là thủ phạm đang đứng dựng lông, giương
râu mép, miệng kêu “ngao ngao” hung hăng và quyết liệt. Nó không hiểu con chim
từ đâu đến, con chim là vật cưng của Vang như cuộc đời nó trước đây. Có thể mèo
nghi chim là con vật vô lại nào vào nhà phá hoại tình cảm nó với chủ hoặc muốn ăn thịt chim thay cho món chuột
đã nhàm chán như con người “chán cơm thèm phở”?
Ừ mà tại sao có tiếng chim kêu nhỉ? Con chim từ lúc gặp Vang
đến giờ đâu nghe kêu? Hay giữa muôn trùng loài vật có sợi dây vô hình gây nỗi sợ
hãi đa cấp nên chim mới phát ra được tiếng kêu theo bản năng gọi đàn giữa đại
ngàn rừng thiêng mây gió?
Vang xách chiếc nồi nhôm tung cái “rổn” về phía con mèo. “Bố
mẹ mầy đồ khốn kiếp!” Không trúng! Con mèo chạt phắt ra vườn. Vang rất cưng con
mèo nhưng phải hành xử như vậy. Phải trấn áp con mèo hung hãn để bảo vệ sự an
toàn cho con chim yến yếu đuối. May là Vang dể chim trong lồng chớ phải ở ngoài
thì rồi đời “con bé” đáng thương!
Tới tối Vang vẫn chưa thấy con mèo quay về, Vang lo lắng, có
thể nó giận anh bỏ theo… chuột luôn không chừng? Sao có chuyện đó? Mèo là kẻ thù
truyền kiếp của chuột mà? Con nít trong phim còn biết nói điều đó, Vang hơi vớ
vẩn? Vang mang chim yến ra ngoài lau sạch các đốm máu khô đọng trên mỏ, vuốt
lại những chiếc lông khó xếp trên đuôi, cánh. Vang nghe chim kêu “chép chép”
thêm vài tiếng có lẽ nó dần phục hồi sau tai nạn hụt chết khủng khiếp? Chim
cũng có cuộc sống kỳ diệu như người ai biết được? Vang tung chim lên trời. Lần
nầy nó bay được một đoạn rồi đậu vào đám mía cạnh bờ ao cá vườn anh. Những con
cá trê phi to khỏe khát mồi Vang nuôi lâu chúng có khả năng tiêu diệt gọn một
con chó không may rớt xuống thậm chí cả đứa con nít. Chim rớt xuống không quá
hai giây là tất cả vào gọn trong bụng chúng kể cả lông lá. Vang hồi hộp gần vỡ tim.
“Xoạc” trời ơi trong đám mía con mèo nhảy lên như tên lửa
định đớp con chim lần nữa. Nó phóng không tới chỗ chim đậu rồi buông mình rơi
xuống như cá heo làm xiếc. Con chim bay lên, con mèo rớt “bũm” xuống ao, đám
trê phi nhào “ầm ầm” định “phân chia tài sản” nhưng con mèo nhanh nhẹn bơi trèo
lên bờ chạy vụt vào nhà ướt nhẹp, đuôi đứt một khúc máu chảy lê theo! Vang thấy
chim bay tương đối vững, anh tin tưởng nó sẽ đủ sức hội nhập trở lại với không
gian bao la.
Trở lại chuyện con mèo, nó có nhiều vết máu, Vang lôi ra
chùi lông cho khô ráo, sát thuốc đỏ tránh nhiễm trùng, đợi sáng ra mang đến
trạm thú y. Vang nói chuyện với mèo như tâm sự với mình hay ai:
“Tại sao mầy đeo đuổi không buông tha con yến yêu dấu của
tao? Nó cũng là con vật gặp nạn đáng thương như mầy ngày nào. Sao tụi bây không
thông cảm chia sẻ sự sống vui buồn cho nhau? Chút nữa mầy cũng không còn một
miếng xác để tao nhặt lên làm mồi bẫy chuột nhắt đâu, đám trê phi nó dữ lắm,
mày không thấy tao rào kỹ chung quanh sợ con nít rớt xuống à? Nó có cả năng xé
xác tao luôn huống hồ mầy. Một kiếp trần ai cũng có phạm vi vừa phải để làm “cha”
thôi con! Tạo hóa cho loài nầy ăn thịt loài kia theo bản năng để sinh tồn có
khi ngài chọn giải pháp sai lầm thiếu cân nhắc từ trong khởi thủy? Mà không vậy
sao cân bằng sinh thái? Nếu ngài cho muôn loài kể cả loài người ăn cỏ hết thì
trái đất sẽ xảy ra cuộc chiến tranh giành cỏ tương tàn triền miên, có khi nặng
nề khủng khiếp hơn các cuộc chiến bây giờ! Tao đồng ý cho mầy thực thi quyền
sống do tạo hóa ban cho nhưng đừng quá dã man. Sự sống có giá trị khi bị sự chết
đe dọa. Mầy ăn chuột kệ cha mầy tao không nói, chuột là loài phá hoại mùa màng nên
chó mèo gặp là rượt đuổi thấy bà cố, còn con chim yến nó duyên dáng dễ thương, có nó bầu trời đẹp
hơn, nhân gian vui vẻ mầy cũng không tha. Đừng làm vậy nữa con! Mầy giỏi đi bắt
ốc bươu vàng giúp nông dân đi! Mỗi năm chúng gây tiêu hao hằng tỷ tỷ tiền bạc
của bà con diệt hoài không hết. Từ đây trở đi, nếu mầy ngoan cố tao sẽ tống cổ
sang bên kia người ta nấu thuốc Bắc làm món “tiểu hổ” thay thế cho loài cọp bị
thế giới nghiêm cấm bắt giết, đừng hận tao sao bạc tình với mầy nhé! Mầy biết
bảo tồn mạng sống cho bản thân trước kẻ thù trê phi sao không xót thương con
chim yến nhỏ bé? Đồ quỷ dịch! Mầy quá giang xe đò lên Sài Gòn tìm bác sĩ thú y
trị cái đuôi đi, nhớ đừng “ngao ngao” tài xế nghe sợ xui đẩy mầy xuống đường
mấy con chó hung hãn đuổi theo vật mầy chết đấy! Ở trển có nhiều con chó được
chủ cưng chăm sóc như vua chúa, tao thua xa, tao thương mầy nhưng nghèo cho
uống vài viên trụ sinh thôi có chết đừng hận tao!”
*
Đêm nay Vang mất ngủ, anh mở cửa nhìn trăng sao trên bầu trời
bát ngát mây trôi lòng trĩu nặng ưu tư về con chim yến bé bỏng. Vang miên man
suy nghĩ: “Nó có thực sự yên lành trên bầu trời bao la chưa hay rớt xuống một
nơi nào rồi? Người ta có thể bắt nó làm thịt hoặc nó chết khô trên cành cây làm
mồi cho lũ kiến vàng đói thịt?
Vang quan sát mãi bầu trời, tâm linh thầm bảo: “Có lẽ trời
không an bài cho con yến đâu?”. Nghĩ đến đấy, Vang đưa hai tay lên ngực, thành
tâm làm dấu cầu an và thì thầm giống như đang đọc câu thần chú theo một nghi
thức rất riêng, rất mới của mình: “Yến đã bay, xin bình yên cho loài hoang dã!
Xin bình yên cho loài hoang dã…”
THÀNH NAM (tác giả giữ bản quyền)
_________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét