An Giang nổi danh với nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực văn thơ như nhà thơ Viễn Phương, nhà văn Anh Đức, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài… Những năm gần đây, một thế hệ tác giả trẻ trưởng thành từ vùng đất Thất Sơn đã góp thêm cho văn đàn Việt Nam nhiều tác phẩm giá trị.
Tài hoa
Không khó để điểm tên những gương mặt văn chương trẻ tuổi An Giang: Võ Diệu Thanh, Nguyễn Đức Phú Thọ, Trần Sang, Trương Chí Hùng, Vĩnh Thông, Lê Quang Trạng, Nguyễn Bàng… Mỗi cây bút theo đuổi một sở trường và chủ đề khác nhau, song dấu ấn của sự thể nghiệm, khám phá là điểm chung của họ.
Lê Quang Trạng, hiện là sinh viên năm nhất của Trường Đại học An Giang, là một điển hình cho lối viết phóng khoáng và sâu sắc. Từ khi còn là học sinh trung học cơ sở, chàng trai Chợ Mới đã có tác phẩm đăng các báo, tạp chí chuyên ngành về văn học. Đến nay, Trạng đã có hàng trăm tác phẩm, trong đó đạt nhiều giải thưởng. Cũng viết về quê hương, nông thôn như nhiều cây bút đồng bằng khác nhưng Lê Quang Trạng hấp dẫn người đọc bởi cách dùng từ lạ mà không sáo rỗng:
“Mùa về con cúm núm kêu chiều
Những khóm mây phù sa trôi thành dòng tím
Nước ròng dòng kinh phơi bụng
Kéo ký ức lũ cá linh đi rong”
Đến với thơ của Nguyễn Đức Phú Thọ, chàng trai sinh năm 1986, hiện đang công tác tại Tạp chí Thất Sơn- Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật tỉnh An Giang, người đọc lạ lẫm với những vần thơ vượt ra ngoài khuôn khổ của từ ngữ, thể thức. Đó là sự phá cách cả trong cách thể hiện lẫn nội dung biểu đạt. Giới văn chương hay gọi Phú Thọ là làm mới những hình ảnh quen thuộc, với lối viết “se sắt nỗi niềm” nhưng “không dễ dãi ngôn từ”. Bài thơ “Chân dung” là một điển hình như thế:
“Bàn tay tôi chỉ xin nhẹ nâng chiếc lá
Xốp trên khuôn gầy
Ký tự em chớm xanh chiều diệp lục
Thu buồn trắng tay”
Ở lĩnh vực văn xuôi, nổi lên những tác giả: Võ Diệu Thanh, Vĩnh Thông… Sau thành công với quyển “Cô con gái ngỗ ngược” – tác phẩm đạt giải thưởng cuộc thi Sáng tác Văn học Tuổi 20, Võ Diệu Thanh lại ghi dấu ấn với tiểu thuyết “Lần đầu thấy trăng” (NXB Phụ nữ, 2013). Cô giáo quê xứ lụa Tân Châu không cường điệu, cũng chẳng phê phán, mà chỉ phơi bày những sai lầm của xã hội đương đại và bên trang sách, người đọc phải suy nghĩ, gật gù. Một chàng nông dân quanh năm lam lũ, chưa một lần ngẩng mặt nhìn trăng; một cô gái “buôn phấn bán hương” trượt dài trong tội lỗi để rồi sự cùng cực của kiếp người phơi bày dưới trăng… Đó là lần đầu họ thấy trăng; trăng soi rọi những mảnh đời rổ rá…
Từ những vườn ươm
Cuối năm 2011, chúng tôi có dịp tham dự một buổi ra mắt CLB Văn - Thơ trẻ An Giang và ấn tượng với phát biểu của nhà văn Hoàng Đình Quang, chủ tịch Hội đồng văn xuôi – Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh: “Đây là cách làm hay, chắp cánh ước mơ cho những cây bút trẻ”. Thật vậy, hơn 4 năm qua, CLB Văn – Thơ An Giang đã là sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ thích văn chương, mang những tên tuổi: Nguyễn Đức Phú Thọ, Trương Chí Hùng, Trần Sang… vang xa. Hiện, CLB vẫn hoạt động rất đều đặn và thu hút hàng trăm hội viên.
Ở An Giang còn có một CLB Văn – Thơ trẻ trực thuộc Trường Đại học An Giang cũng thu hút rất đông hội viên. Người có công duy trì hoạt động của CLB và dõi theo từng bước đi của CLB là nhà văn Trần Tùng Chinh – Trưởng bộ môn Ngữ Văn, khoa Sư phạm, Đại học An Giang. Các cây bút: Nguyễn Bàng, Nguyễn Đức Phú Thọ, Lê Quang Trạng… đều đang hoặc từng là hội viên CLB. Ngoài ra, tất các các huyện, thị xã, thành phố của An Giang đều có phân hội văn học – nghệ thuật riêng, có ấn phẩm định kỳ nên có sự gặp gỡ, giao thoa giữa nhiều thế hệ tác giả An Giang. Tác giả trẻ Lê Quang Trạng cho biết: “Sự trưởng thành của các cây bút trẻ An Giang là nhờ thế hệ tác giả đi trước luôn nhiệt tình động viên, giúp đỡ thế hệ sau”.
Cũng theo Lê Quang Trạng, An Giang đang có một đội ngũ viết trẻ tâm huyết, trình độ, có điều kiện học hỏi, giao lưu qua nhiều kênh thông tin, tạo nên một dòng văn học trẻ An Giang đầy triển vọng. Tuy nhiên, vấn đề thường gặp ở các tác giả trẻ hiện nay là sa vào lối viết cũ, ảnh hưởng ít nhiều từ lớp người đi trước, chưa thoát ra được những hình ảnh, câu chữ cũ. “Văn học cũng như đời sống, luôn vận động đổi mới. Người viết cũng cần phải theo kịp với sự phát triển của xã hội và tìm ra giọng điệu mới, để lại ấn tượng của cá nhân mình” – Lê Quang Trạng nhấn mạnh. Bởi thế theo Trạng, người viết trẻ cần học hỏi, cầu thị, khó tính với chính mình, kỹ tính với sáng tạo thì tác phẩm mới có thể đọng lại lâu dài trong lòng độc giả.
Đồng tình với quan điểm này, tác giả trẻ Vĩnh Thông cho rằng, điều quan trọng không phải viết về đề tài gì, mà viết như thế nào, đọng lại điều gì, tác động thế nào đến người đọc… Vĩnh Thông cũng chỉ ra cái khó của văn học trẻ hiện nay là quá đông người đọc trẻ ưa chuộng loại sách viết về những tâm sự vu vơ, những đồng cảm nhất thời, những đề tài gây sốc, nội dung vô thưởng vô phạt… Thực tế đó làm thui chột những người sáng tạo, bởi thành quả của họ không được trân trọng so với những dòng cảm nghĩ chắp nối và lối hành văn sáo rỗng.
ĐĂNG HUỲNH
________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét