Dân mê cải lương, hẳn ai cũng thuộc nằm lòng vài câu hát trong bài vọng cổ "Võ Đông Sơ" của soạn giả Viễn Châu: "Trời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu…Hà…". Thế nhưng, nguồn gốc về thiên tình sử lãng mạn nhưng bi tráng này không nhiều người biết.
Từ tiểu thuyết
Mới đây, chúng tôi đã sưu tầm được quyển tiểu thuyết "Giọt máu chung tình" của nhà văn Tân Dân Tử do Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp Tiền Giang tái bản. Đây là bản in gần nhất và cũng được xem là gần nhất với nguyên tác của bản in do chính tác giả hiệu đính cách đây gần 100 năm.
Theo nhiều tài liệu, Tân Dân Tử (1875-1955) tên thật là Nguyễn Hữu Ngỡi (trại âm từ Nghĩa), người gốc Thủ Đức, Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh). Ông từng làm kinh lịch ở Chợ Lớn và được ban chức "Huyện hàm". Ông là một trong những tiểu thuyết gia cùng thời với nhà văn Hồ Biểu Chánh, Phú Đức,… Ngoài tiểu thuyết "Giọt máu chung tình", Tân Dân Tử còn có ba tiểu thuyết lịch sử khác khá nổi tiếng là "Gia Long tẩu quốc", "Gia Long phục quốc" và "Hoàng tử Cảnh như Tây".
"Giọt máu chung tình" kể về chuyện tình của chàng trai tinh văn thạo võ Võ Đông Sơ và cô con gái của Thượng thư Bạch Công- Bạch Thu Hà. Vốn có hiềm khích từ cuộc thi Hội vì Võ Đông Sơ đã giành ngôi Tiến sĩ, anh trai của Bạch Thu Hà là Bạch Xuân Phương đã ép gả em gái cho Vương Bích, một công tử rượu chè, trác táng. Bạch Thu Hà bỏ nhà trốn đi để giữ tròn lời hứa chung tình với Võ Đông Sơ. Sau nhiều biến cố, ngỡ rằng Thu Hà và Đông Sơ sẽ nên duyên nhưng rồi Võ Đông Sơ bị tử trận trong lần ra trận bảo vệ biên cương. Bạch Thu Hà đã tự vẫn theo người thương. Trong tiểu thuyết còn có nhân vật Triệu Dõng, bạn Võ Đông Sơ, cũng là một người chính nghĩa, cùng Đông Sơ đánh giặc ngoại xâm.
Bản in tiểu thuyết "Giọt máu chung tình" ra mắt đầu tiên vào năm 1926 do Nguyễn Văn Viết xuất bản tại Sài Gòn với tên gọi "Giọt máu chung tình, Tòng đình thảm kịch". Trong bản in này, có "Lời phụ thuyết" của Châu Sơn Nguyễn Đăng Cao ở Thủ Đức và "Lời tự" của chính tác giả Tân Dân Tử. Trọn bộ tiểu thuyết chia làm 28 hồi. Từ khoảng năm 1926-1950, "Giọt máu chung tình" đã tái bản đến 8 lần, là tác phẩm bán chạy nhất thời bấy giờ, sánh kịp tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, nhóm Tự lực Văn đoàn.
"Giọt máu chung tình" thu hút độc giả bởi lời văn trau chuốt, giọng văn giàu nhạc điệu, có nhiều tình tiết hấp dẫn. Cách "thắt nút", "mở nút" trong kỹ thuật viết tiểu thuyết được tác giả vận dụng sáng tạo. Nhưng điểm khiến người đọc đương thời thích thú là bởi Tân Dân Tử đã sáng tạo một hình mẫu nhân vật lý tưởng trượng nghĩa, dẹp bỏ tình riêng vì quốc gia đại sự. Trong chính "Lời tự" của mình, tác giả Tân Dân Tử đã viết:
"Trong quyển tiểu thuyết nầy có ba điều đại yếu:
1. Trai như Đông Sơ là một trai có tinh thần đởm lược khí phách anh hùng, chỉ biết lấy gan đởm mà đền đáp nợ nước ơn nhà, cho rồi phận sự tu mi đứng trong hoàng võ.
2. Gái như Thu Hà là một gái tính tình cao thượng, biết lấy một sự trung trinh tiết hạnh mà đối đãi với chồng cho khỏi tiếng sỉ tiết ô danh, tồi phong bại tục.
3. Triệu Dõng là bạn giao tình kết nghĩa song cùng giữ một lòng nhiệt thành chữ tín, mà đối đãi với cố hữu thân bằng, hoạn nạn chung cùng, xem dường anh em đồng bào cốt nhục".
Rõ ràng, khi sáng tác "Giọt máu chung tình", Tân Dân Tử muốn đề cao tinh thần trượng nghĩa, khẳng khái, trung thành, không ngại cường quyền của dân Việt nói chung, người Nam bộ nói riêng.
Đến cảm hứng âm nhạc
Ngay sau khi ra mắt, tiểu thuyết "Giọt máu chung tình" đã tạo được hiệu ứng mạnh đối với độc giả. Đi đến đâu mọi người cũng bàn về chuyện tình đẫm nước mắt của đôi trai gái Võ- Bạch. Đặc biệt, tiểu thuyết đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều soạn giả thời bấy giờ.
Theo tác giả Đỗ Dũng trong "Sân khấu cải lương Nam bộ" (NXB Trẻ, 2003), người tiên phong chuyển thể tiểu thuyết này là cụ Nguyễn Tri Khương (1890-1962), cậu ruột của cố Giáo sư Trần Văn Khê. Theo đó, cụ Khương sáng tác vở "Giọt máu chung tình" vào năm 1927 và được dựng trên sân khấu gánh hát Đồng Nữ Ban của cô Ba Viện (tức Trần Ngọc Viện, cô ruột của cố Giáo sư Trần Văn Khê). Năm 2001, Giáo sư Trần Văn Khê đã trao lại nguyên tác kịch bản này cho Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, vở cải lương "Giọt máu chung tình" của soạn giả Mộc Quán- Nguyễn Trọng Quyền, người Cần Thơ, là nổi danh hơn cả. Cụ Mộc Quán viết vở này cho gánh Huỳnh Kỳ I của vợ chồng Bạch công tử Lê Công Phước (tự Phước George)- Phùng Há nhân ngày ra mắt gánh, năm 1928. Sắm vai chính trong vở tuồng là NSND Phùng Há vai Bạch Thu Hà, kép Năm Thiều vai Võ Đông Sơ và Ba Thâu vai Triệu Tuấn. Vở diễn ngay lập tức được giới mộ điệu cải lương đón nhận nồng nhiệt. Cố NSND Sỹ Tiến trong cuốn "Bước đầu tìm hiểu sân khấu cải lương" (NXB TP Hồ Chí Minh, 1984) thuật lại: "Không ai không nhớ đoạn cô (tức Phùng Há - PV) biểu diễn trước quan tài của Võ Đông Sơ, cô đã nói lối trước khi chết theo người yêu đã hy sinh vì nước: Thanh gươm ái quốc chàng treo đó. Giọt máu chung tình thiếp tưới đây…". Trong lần trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Đỉnh, cháu nội cố soạn giả Mộc Quán- Nguyễn Trọng Quyền, có kể rằng: "Khoảng năm 1930- 1940, hễ nghe có tuồng hát Võ Đông Sơ là bà con kéo về chợ Thốt Nốt coi đông nghẹt".
Nhiều giả thuyết về thân thế Võ Đông Sơ
Trong tiểu thuyết “Giọt máu chung tình”, Tân Dân Tử kể Võ Đông Sơ là con Võ Quốc Công - Võ Tánh, người từng được tôn vinh là “Gia Định tam gia” và công chúa Ngọc Du, em gái vua Gia Long. Nhiều người cũng đồng tình với giả thuyết này. Tuy nhiên, một lập luận khác không đồng tình vì cho đó chỉ là nhân vật hư cấu của Tân Dân Tử. Bởi ngoài tiểu thuyết này, không có sử liệu nào chứng nhận. Theo nhiều tài liệu, Võ Tánh và Ngọc Du chỉ có với nhau hai con gái và một người con trai tên là Võ Khánh, làm tới chức Khinh xa đô úy, sau là cha chồng của Lộc Thành công chúa, con vua Minh Mạng.
|
Sau đó, không biết vì lý do gì mà "Giọt máu chung tình" không còn được diễn và kịch bản của cụ Mộc Quán cũng không còn được lưu truyền. Cố nhà văn Sơn Nam trong các công trình biên khảo của mình cũng nhiều lần bày tỏ luyến tiếc về sự mai một của tuồng "Giọt máu chung tình" của cụ Mộc Quán. Cũng vì nỗi niềm đó mà năm 1998, với vai trò cố vấn văn hóa phim "Đất phương Nam", nhà văn Sơn Nam đã đưa vào phim đoạn Bạch Thu Hà độc diễn với một thanh kiếm, một bàn hương án và một mảnh khăn tang, bày tỏ tấm lòng chung thủy sắc son của cô khi khóc Võ Đông Sơ hy sinh ngoài chiến trường. Nghệ sĩ Kiều Oanh đã diễn xuất thần phân đoạn này trong phim.
Không quá lời khi nói rằng, người góp công lớn làm thiên tình sử Võ Đông Sơ- Bạch Thu Hà trở nên bất hủ là soạn giả Bảy Bá- NSND Viễn Châu. Khoảng thập niên 1960, soạn giả Viễn Châu giới thiệu hai bài vọng cổ được viết từ cảm hứng tiểu thuyết "Giọt máu chung tình" là "Võ Đông Sơ" (do Minh Cảnh ca) và "Bạch Thu Hà" (do Lệ Thủy ca). Trong đó, bài vọng cổ "Võ Đông Sơ" nổi tiếng nhất với những ca từ quen thuộc: "Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi - Đường dài mịt mùng em không đến nơi - Mây nước buồn cơn lửa binh - Hết kể chuyện chung tình - Khóc than riêng em một mình…". Đặc biệt, với việc đưa cả một đoạn tân nhạc vào câu 2 của bài vọng cổ này, soạn giả Viễn Châu được xem là người khai mở thể loại tân cổ giao duyên.
*
* *
Từ tiểu thuyết "Giọt máu chung tình" của Tân Dân Tử rồi các kịch bản cải lương và sau này là những bài vọng cổ của NSND Viễn Châu, chuyện tình Võ Đông Sơ- Bạch Thu Hà đã được khắc họa thật đẹp và mang nhiều triết lý, đạo nghĩa. Nhiều thế hệ đã qua nhắc nhớ thiên tình sử ấy như một điển tích về tinh thần hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn, như hai câu thơ kết thúc tiểu thuyết của Tân Dân Tử:
"Thảm thay giọt máu chung tình
Thương người trung liệt, Tùng đình ngày xưa".
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét