Những năm gần đây, nhiều tác giả trẻ đã tạo nên một làn sóng mới trong làng Văn với những tác phẩm có văn phong, phong cách và suy nghĩ phóng khoáng, gần gũi độc giả, nhất là độc giả trẻ. Các tác phẩm của họ luôn đạt kỷ lục về lượng phát hành và kinh doanh. Thế nhưng, có nhiều luồng ý kiến trái chiều xung quanh những hiện tượng văn học mới này.
* Nở rộ "hiện tượng văn học"
Với số lượng 200.000 bản in cho 4 tác phẩm đã ra mắt: "Ngày trôi về phía cũ", "Đường hai ngả người thương thành lạ", "Buồn làm sao buông" và "Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và… em", tác giả Anh Khang là cây bút trẻ có số lượng bản in nhiều nhất đến thời điểm hiện tại. Khoảng 3 năm qua, Anh Khang được bạn đọc trẻ xem là "hiện tượng" ở thể loại tản văn. Tác giả Hamlet Trương từng nỗ lực bước chân vào làng nhạc Việt từ khi còn là sinh viên ngành Luật nhưng chưa thật sự nổi bật. Chỉ đến khi ra mắt cuốn sách đầu tay "Thời gian để yêu", Hamlet Trương mới được giới trẻ chú ý. Và anh chỉ thật sự trở thành "hiện tượng văn học" khi kết hợp với cây bút nữ Iris Cao viết: "Thương nhau để đó", "Tay tìm tay níu tay", "Yêu đi rồi khóc", "Ai rồi cũng khác" và mới nhất là "Mỉm cười cho qua", ra mắt tại Cần Thơ vào cuối tháng bảy vừa qua.
Ngoài ra, còn có những cây bút gần đây cũng được độc giả trẻ yêu thích như: Jun Phạm (thành viên nhóm nhạc 365band) với "Có ai giữ dùm những lãng quên", Phong Việt với "Có bao nhiêu người đi qua thương nhớ mà quên được nhau"… Mới đây nhất, nữ tác giả Đinh Hằng ra mắt cuốn "Quá trẻ để chết" cũng được xem là "hiện tượng đình đám".
Có thể thấy, chủ đề mà các tác giả trẻ này chọn thể hiện, chủ yếu xoay quanh tình yêu, tình bạn và chuyện du ký. Không gian trong sách gắn liền với đời sống đô thị, với những con người trẻ sành điệu, hợp thời. Không sâu sắc và nhiều triết lý, những tác phẩm đó dễ đọc, dễ hiểu nhưng mau quên. Có hai nguyên nhân để các tác phẩm, tác giả trẻ này được dư luận chú ý. Thứ nhất, xuất phát điểm của họ đều là những nghệ sĩ hoặc người làm trong lĩnh vực truyền thông nên có "bệ phóng" sẵn. Thứ hai, công nghệ quảng cáo, PR quá tốt của các nhà xuất bản cũng như cá nhân tác giả. Việc gắn kết với hệ thống cà phê sách, hội sách hay các tác giả tự bắt tay quảng bá cho nhau đã tạo được hiệu quả. Nhờ vậy mà nhiều độc giả tìm mua sách của họ chỉ để giải tỏa thắc mắc "coi họ viết cái gì".
* Có thật sự là "hiện tượng"?
Thật ra, văn học Việt thời kỳ nào cũng có hiện tượng thể hiện cái nhìn sâu sắc về thời cuộc, phản ánh những thay đổi về xã hội, kinh tế, tư duy, ý thức hệ, như phong trào Thơ mới, dòng văn học hiện thực phê phán, dòng văn học cách mạng... Sau 1975, văn đàn Việt từng có những "đợt sóng trào" với những tác phẩm gây xôn xao dư luận khi ra mắt như: "Cù lao Chàm" (Nguyễn Mạnh Tuấn), "Mùa lá rụng trong vườn" (Ma Văn Kháng)… vào những năm 1980; "Nỗi buồn chiến tranh" (Bảo Ninh), "Mảnh đất lắm người nhiều ma" (Nguyễn Khắc Trường), "Bến không chồng" (Dương Hướng)… vào những năm 1990. Những tác phẩm ấy phản ánh những vấn đề thời cuộc nóng bỏng, thể hiện cái nhìn đa nhiều về cuộc sống… nên thật sự trở thành những hiện tượng. Còn với các tác giả trẻ hiện nay, nhiều người băn khoăn liệu có quá sớm để cho đó là "hiện tượng".
Một nhà văn của An Giang thẳng thắn: Họ "ồn ào" chứ không "nổi tiếng", dư luận quan tâm tác giả và số lượng phát hành hơn là tác phẩm. Chính bạn đọc trẻ và giới truyền thông đã tạo nên sự ồn ào đó. Đồng tình với quan điểm này, tác giả trẻ Vĩnh Thông- 1 trong 3 tác giả đầu tiên của cả nước có tác phẩm được chọn in trong "Tủ sách 9X", nhận định: "Tôi không cho rằng họ khám phá những điều mới. Các tác phẩm na ná nhau xoay quanh những cảm xúc về người mới, người cũ, người thứ ba…". Quả vậy, nhiều tác giả sa đà yếu tố câu khách khi chỉ tập trung yếu tố tình dục, ma quái trong tác phẩm của mình. Tác giả Thiên Di trong "Những giao diện ẩn" đã cho nhân vật của mình chết, hóa thành hồn ma và quan sát cuộc đời trước kia của chính mình; Phan Ý Yên trong "Đời đời kiếp kiếp" kể về hồn ma ngăn cản tình yêu của người yêu còn sống. Cái chết trong những trang viết ấy thật đáng lo vì có thể gây ngộ nhận về ý nghĩa của sự sống và ảnh hưởng xấu đến tâm lý, suy nghĩ của người trẻ hiện nay.
Ngược lại, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không nên vội phê phán, công phá những tác giả trẻ này bởi dù sao, họ vẫn tạo được một luồng gió mới cho văn học nước nhà. Tác giả trẻ Lê Quang Trạng (An Giang), chia sẻ, họ đánh động được giới trẻ với những suy nghĩ bắt kịp thời đại, ngôn ngữ của tác phẩm gần gũi, mang chất "teen", dễ hiểu, dễ nhớ. "Các cây bút đó tạo thêm một dòng văn mới: văn học thị trường hay văn học giải trí. Vì sách của họ có hiệu ứng thị trường, có giá trị nhất định về nhu cầu giải trí đối với một bộ phận người đọc tại một thời điểm nhất định"- Lê Quang Trạng nói.
Để dung hòa giữa chất lượng nghệ thuật và thị hiếu khán giả đối với các tác giả trẻ hiện nay là điều không dễ. Tác giả Vĩnh Thông phân tích, khó nhất là sự tương tác giữa người viết và người đọc. Người viết phải tự làm mới, tìm tòi, phá cách… Người đọc cũng cần phải có trình độ tư duy. Song, độc giả trẻ hiện nay thường chọn những lối dễ đi: tác phẩm viết về những điều đơn giản trong cuộc sống với cách viết "huỵch toẹt", nói nhanh, hiểu lẹ. Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ là nhu cầu của độc giả chi phối tác giả viết cái gì, viết như thế nào mà nó còn đòi hỏi bản lĩnh của người viết để biết đào sâu suy nghĩ, khơi gợi, mở rộng đề tài để chuyển tải được những thông điệp nhân văn, giàu ý nghĩa. Là người có thâm niên viết lách ở Cần Thơ, nhà văn Nhật Hồng bày tỏ, dòng văn học trẻ muốn tồn tại và phát triển nên dung hòa giữa cái mới của văn học thế giới và nền văn học bản địa của ta để từng bước đi lên vững vàng nhưng theo kịp thời đại.
ĐĂNG HUỲNH
________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét