Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Hiện nay trên các tờ báo chúng ta vẫn thường thấy Nhà báo viết văn và nhà văn viết báo. Đã có không ít người nghĩ rằng: Hễ đã là nhà văn thì viết báo dễ như chơi! Hay nói cách khác cứ giỏi văn là làm báo sẽ giỏi, ngược lại, đôi khi nhà báo giỏi chưa chắc là đã viết được văn... như vậy không có nghĩa là nhà văn hơn nhà báo? Hay Nhà báo hơn nhà văn? Vậy phải hiểu như thế nào cho thỏa đáng về mối quan hệ giữa nhà văn và nhà báo đây.
Có thể khẳng định rằng: Đã từ lâu trong tâm thức của người Việc Nam chúng ta tự cổ chí kim đều yêu mến văn chương và luôn dành cho văn chương một vị trí trang trọng trong đời sống tinh thần của mình. Phần đông người đọc sẽ khó tiêu hóa nổi một tờ báo nếu không có chất văn chương trong đó. Chính vì thế mà trong mỗi tờ báo ít nhiều đều có bóng dáng của văn chương cụ thể như: thơ, truyện ngắn, tản văn… Nhờ một tình yêu rộng lớn và lâu bền như thế, nên báo chí nghiễm nhiên được coi là cánh đồng màu mỡ để nhà văn đi gieo những hạt giống văn chương được nẩy mầm và gặt hái. Từ đặc điểm các tờ báo thiên về văn chương như vậy cho nên đội ngũ cầm bút họ là người làm báo đồng thời cũng là những người sáng tác văn học. Có lẽ thật hiếm trường hợp nào làm báo mà lại tuyệt đối không biết viết văn và ngược lại. Và mặc nhiên rằng, một tờ báo hay phải có trang văn chương, một bài báo hay phải có chất văn và một người làm báo giỏi cũng phải giỏi văn chương. Đây là một hiện tượng có ý nghĩa đặc thù của người cầm bút trong “làng” báo chí Việt Nam ngay từ những ngày đầu tiên. Trong khoảng thời gian gần đây, do cuộc sống thực tiễn đòi hỏi và do sự phát triển mạnh mẽ của báo chí theo xu thế hiện đại, nền báo chí của ta đang dần hình thành một khuynh hướng một loại hình báo chí sáng tạo chuyên biệt, thông tấn thuần khiết. Trong số những người cầm bút, có người viết giỏi cả báo và văn (trường hợp này không ít) có người chỉ viết được báo, hoặc ngược lại. Nếu không ý thức được sự khác biệt cần thiết này thì sẽ xảy ra hiện tượng “lưỡng cư” nghĩa là viết văn ra báo và viết báo ra văn. Có thể nói chính xác rằng, năng lực viết báo là một phẩm chất lao động nghề nghiệp của những người làm báo chuyên nghiệp, được thể hiện ra bằng những tố chất như: phải đặc biệt mẫn cảm, nhanh nhạy, kịp thời phát hiện đúng và trúng những hiện tượng mới, những vấn đề mới muôn mặt của đời sống xã hội. Tiếp đến phải có khả năng biểu đạt chúng, thành tác phẩm báo chí nhằm cung cấp thông tin cho bạn đọc một cách nhanh chóng, rộng rãi, dễ hiểu. Người làm báo giỏi là người nhìn đâu cũng thấy vấn đề có thể viết được, nhìn ra những điều mà người khác không có khả năng nhìn ra, hoặc đào sâu vào những góc cạnh mà người khác không nghĩ tới. Cặp mắt phải thật tinh tường, nhìn xa, nhìn rộng, nhìn sâu vào đời sống của từng con người và xã hội. Để làm được điều đó, chắc chắn người làm báo phải có nhiều vốn liếng về kiến thức, vốn sống dồi dào, vốn văn hóa sâu rộng, vốn tri thức và kinh nghiệm nghề nghiệp chuyên sâu. Ngoài ra, để có một năng lực làm báo như thế, cũng cần phải có năng khiếu trời cho như: nhanh tay, nhanh tai, nhanh mắt, bút sắc, lòng trong… không ít người hễ cứ thấy trong các tác phẩm báo chí có sử dụng cách nói ví von, ẩn dụ… hoặc có sử dụng các kiến thức thuộc về văn học một chút thì cho rằng tác phẩm đó đã có chất văn. Và nghĩ rằng tác phẩm báo chí có chất văn thì hay hơn tác phẩm không có chất văn. Thực ra đó không phải là ngôn từ văn chương, mà đó là năng lực ngôn từ, là vốn văn hoá, văn học của người làm báo. Vậy nên người cầm bút phải ý thức được viết báo ra viết báo, viết văn ra viết văn. Người viết báo phải nắm bắt các tri thức, kỷ năng nghề nghiệp, để nghề báo ngày một mang tính chuyên nghiệp cao. Còn các nhà văn, vẫn có những trang văn hóa, văn nghệ trên các tờ báo, đặc biệt là trên tờ báo Tết, đó là những mảnh đất màu mỡ dành cho nhà văn, chào mời họ đăng các tác phẩm văn học cho thêm phần thi vị.
Nói tóm lại, đối với nhà văn sứ mệnh của họ phải là cho ra đời những tác phẩm văn học nghệ thuật thật hay. Còn sứ mệnh của các nhà báo là phải có những tác phẩm báo chí thực sự có giá trị, tác động mạnh mẽ và trực tiếp đối với cuộc sống con người và toàn xã hội.
Võ Hoàng Nam
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét