|
Ảnh Internet |
Ngày xưa ở thời phong kiến, các Nho sỹ
thường cố gắng học hành thật giỏi, để rồi lều chõng đi thi, mong đạt được cái
danh, trước là "vinh thân" (giành lấy vinh quang cho chính mình), sau
đó là “phì gia” (làm cho gia đình mình giàu sang phú quý), nghĩ cũng chẳng có
gì là sai. Những cái danh như: ông Nghè (Tiến sĩ), ông Cống (Cử nhân) được ghi
vào bia đá, bảng vàng, được "vinh quy bái tổ", chẳng phải là khát
vọng của biết bao nho sĩ mọi thời đại đó ư?
Tuy nhiên, các nhà Nho quân tử chính danh,
không chỉ lấy sự “vinh thân phì gia” làm mục tiêu tối thượng, mà họ muốn đạt
tới mục đích cao cả hơn, đó là đem tài năng của mình phụng sự đất nước, làm cho
đất nước ngày một rạng rỡ hơn lên. Đó chính là sự nghiệp phò vua giúp nước,
“kinh bang tế thế” vô cùng cao đẹp của các nho sĩ. Nho giáo cho rằng “Dân vi
quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Nghĩa là, dân mới đáng quý nhất, là hàng
đầu; sau đến xã tắc (đất nước); còn vua chúa thì thường thôi! Quả đúng thật vậy
nếu không có dân thì làm gì có xã tắc, làm gì có vua? Vậy nên nhân dân mới là
đối tượng được tôn vinh hàng đầu. Suy rộng ra, dân là nước, là đấng tối thượng,
mới xứng đáng được tôn vinh trước nhất. Cho nên, mất lòng dân là mất tất cả! Dẫu
vậy, thực tế thì mỗi thời mỗi khác. Thời thịnh thì thường có những bậc quân tử
chính danh, họ đã góp phần làm cho giang sơn xà tắc thịnh. Thời suy mạt thì
danh và thực thường lẫn lộn, gạch ngói lẫn với vàng thau. Khối kẻ bất tài nhưng
háo danh, cố tìm mọi cách để đạt được một chút danh nào đó, cho dù đó chỉ là
cái danh bất chính, hòng mưu lấy cái lợi của kẻ tiểu nhân đắc chí. Những kẻ mưu
lợi cá nhân, thường tìm kiếm cái danh làm phương tiện để leo cao vươn xa, đã
góp phần không nhỏ làm cho đất nước suy yếu, thế nước đi xuống. Trong cuộc sống
cái danh cái lợi đối với một số người vô cùng quan trọng. Cụ Nguyễn Công
Trứ ngày xưa đã từng nói: “Đã mang tiếng
ở trong trời đất, Phải có danh gì với núi sông.”. Nói về danh thì có nhiều
lắm như: danh dự, danh hiệu, danh nghĩa, danh chính, danh xưng và danh vọng... Như
ta gọi “Ông quan thanh liêm”, đây là danh xưng tốt đẹp. Nó đối nghịch với quan
tham là danh xưng xấu. Nhưng trong cuộc sống chúng ta có rất nhiều người sống
vì Danh và chữ danh đối với họ nó còn quan trọng hơn chính bản thân họ. Vì danh
vọng mà họ đã dẫm đạp lên tất cả mọi luân thường đạo lý, chẳng kể chi đến tình
phụ tử, nghĩa phu thê, ngay cả đến tình huynh đệ cũng biến thành “Nồi da xáo thịt”, chà đạp lên tình bằng
hữu để tiến thân cũng vì cái danh. Cái Lợi đối với một số người cũng không kém.
Vì lợi hay là quyền lợi mà họ có thể làm chia rẻ tình huynh đệ, làm sứt mẻ tình
bằng hữu, làm suy tàn nghĩa cha con... Trong ca dao tục ngữ Việt Nam có
câu: “Thớt có tanh tao ruồi mới đậu/ Chén
không mật mỡ kiến bò chi”. Chẳng thế mà cụ Nguyễn Công Trứ đã nói: “Ra trường danh lợi vinh liền nhục/ Vào cuộc
trần ai khóc trước cười”. Cho nên khi vinh chớ đắc ý mà phải nghĩ đến cái
nhục tiếp theo. Ngược lại khi nhục đừng bi quan mà sẽ có ngày thái lai. Tóm
lại, quan hệ xã hội xoay quanh hai chữ DANH và LỢI. Cái danh tốt thì: để lại
tiếng thơm cho hậu thế. Còn cái danh xấu: “Ngàn
năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Nếu nói đến danh và lợi mà bỏ qua chữ Tham
thì đó quả là một sai lầm. Nếu như con người chúng ta không tham lam quá độ biết
dừng lại, hay nói khác hơn biết tìm kiếm cái danh vừa phải hay cái lợi cơ bản
thì xã hội sẽ tốt đẹp biết bao. Nhưng suy cho cùng tham Danh và tham Lợi cũng
đều xuất phát từ lòng tham mà ra cả. Ở đời phàm việc gì cũng vậy nếu là kẻ hám
danh quá thì sẽ chết vì danh, người tham lợi quá thì sẽ bị lợi lộc làm mờ mắt
và rồi sớm muộn gì cũng sẽ vào vòng lao lý. Hãy thử nghĩ mà xem Danh và Lợi
không thể bền chặt với Con người được, nó thực ra là những thứ phù du. Tích lũy
nó thì lâu, nhưng đánh mất nó chỉ là chuyện một sớm một chiều. Chẳng phải người
xưa đã từng nói: “Mua danh ba vạn, bán
danh một đồng” đó sao!
Người xưa đã từng dạy rằng “Danh vọng, tiền
tài không mang được xuống mồ, cái còn lại của một đời người là ta đã sống như
thế nào để khi chết không cảm thấy thẹn với tổ tông dưới suối vàng, lại càng
không thẹn với hậu nhân còn lại trên dương thế.”. Thế mới biết “Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có
tình thương để lại đời”.
Võ Hoàng Nam
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét