-
Anh mang cho em nhiều quà thế?
-
Sao em cho rằng anh không quan tâm? Hay cần phải mang thêm cho một chàng trẻ,
khỏe, đẹp trai, có quyền lực?
-
Thôi “ông cố”, em cần thứ khác.
-
Tiền có khi em cũng không nhận. Đòi gì?
Cuộc
trao đổi giữa đôi tình nhân: chàng là doanh nhân, nàng là một nhà thơ. Doanh
nhân dĩ nhiên là giàu, nhà thơ nữ nầy nghèo. Ngày Tình nhân chàng mang quà tặng
nàng. Đa số nhà thơ, nhà văn
không thích tiền từ khi loài người có tiền! Yêu Quang là do con
tim nàng rung động thực sự. Yêu cũng là “nhân quyền”. Nam nữ độc thân dù già dù
trẻ, dù giàu dù nghèo, dù nghề gì cũng kệ, miễn không phải là nghề bất lương
thì được phép yêu nhau, lấy nhau cho đến trọn đời trọn kiếp. Hồi xưa ít khi
người giàu yêu và chiều chuộng kẻ nghèo như vậy. Chuyện hoàng tử yêu cô gái
sáng chăn bò chiều cắt cỏ thường thể hiện trong ước mơ những cuộc đời khốn khó
cho người ta viết tiểu thuyết, soạn cải lương, làm phim, đóng kịch… Thời nầy đã
hết rồi chuyện “môn đăng hộ đối”, con trai nhà giàu
có khi phải năn nỉ con gái nhà nghèo để được yêu, được nâng chân đỡ gót, nàng
không chịu, chàng thất tình ngồi khóc rắm rức, lắm lúc đòi tự tử! Bởi
vàng có khi còn nguồn khai thác, phụ nữ trái đất đến một lúc điêu tàn đào bới
đâu ra?
Nhà
thơ nữ ôm con gấu bông vào lòng, thẩn thơ nhìn dòng xe nối đuôi nhau qua ngõ, mỗi
chiếc không cách nhau quá hai mét nhả đầy khói thải và inh ỏi những tiếng còi
“hồn nhiên”. Xô bồ dòng xe, dòng người, dòng đời… miên man bất tận giữa độ chưa tàn xuân. Nhà thơ nữ bức xúc muốn lấy giấy ra viết. Xã
hội phát triển đáng mừng, ngược lại cũng tạo ra nhiều thương tổn, độc hại, hủy
hoại… khiến nhà thơ cảm giác bị “ô nhiễm” muốn viết những vần điệu làm sáng
lên, đẹp hơn cho bầu trời, quê hương mình sống... Còn Quang trầm ngâm, ngồi cạnh
nàng mà mày mò lật lại hồ sơ kinh doanh. Nàng cũng bận rộn việc nhà, việc xã hội…
mà không việc nào quan tâm hơn việc làm thơ. Từ chỗ mê thơ, yêu thơ, làm thơ có lúc
Quang thấy nàng lơ…thơ, nhứt là những khi nhà thơ tìm thấy trong lòng mình một
cái gì bàng bạc, xốn xang, quặn thắt… dù nửa đêm nàng cũng
lòm còm ngồi dậy. Những lúc ấy hồn thơ lai láng, nàng viết một mạch. Mỗi lần
nhìn nàng ngồi làm thơ lòng Quang như
con thuyền chao đảo trong cái lăn tăn của sóng mắt.
-
Ê mà nhà thơ nè! Cho anh đi dự “đêm thơ” để nghe bài thơ tình trắc ẩn của em với
người nào đó được không?
-
Anh yêu thơ cái con khỉ! Trắng ra nhờ em duyên dáng, ở vào thời kỳ trái đất cạn
kiệt phụ nữ… chớ nghe nói con gái làm thơ viết văn là bà con, giòng họ, gia
đình, cả đáy lòng anh có chút bỉ bạc, muốn bàn ra rồi?
-
Anh hỏi thiệt, em viết mỗi bài thơ được đăng báo nhuận bút bao nhiêu?
- Bình quân năm chục ngàn đến một trăm.
- Em về làm kế toán công ty anh trả mỗi
tháng năm triệu?
Nhà thơ chậm rãi:
-
Có những nghiệp dĩ mà người ta không thể phản bội được dù nó không đủ sức tái
tạo năng lượng cho mình.…Vài ba chục ngàn hay vài ba trăm ngàn đồng không đủ
mang về cho em hơi hám của lá phổi thải ra, không mang lại đủ cho em cái ấm lạnh
của con tim âm thầm trầy xước trong buồng ngực… Là doanh nghiệp anh đam mê
thành quả, sung sướng với lợi nhuận, đã cái bụng khi làm tốt nghĩa vụ được tôn
vinh… Em cũng vậy, nghe lòng sung sướng đến rưng rức mỗi khi thấy sách báo in
trân trọng bài mình, dự thi đoạt giải... Viết lên tình cảm thiết tha, man mác
đượm buồn, sầu đau trăn trở, vị tha, nhân bản… cũng là tích cực: để mong cuộc sống
tốt hơn... Anh đóng góp vật chất cho đời, em thổi hồn vào đó để quân bình cõi sống.
-
Đầu óc em dường như không thích ứng cuộc sống hôm nay? Kinh doanh người ta năng
động, làm kinh tế quay đồng vốn vèo vèo thúc đẩy phát triển, chu cấp cho xã hội
nhiều sản phẩm, hương vị từ miếng vàng SJC đến quần lót áo che, con cá con mắm,
trái cà trái ớt… Còn em “lu xà bù” chuyện mơ màng sương khói, èo uột gối chăn,
lạnh lùng cơm áo, rủ rỉ nhỏ to, than mây trách gió, ủ ê phận người…
-
Anh xúc phạm em đó nhen!
-
Nhưng em cũng hơi “phân biệt đối xử” với anh? Đất nước đang cần những người
giàu tích cực, chính họ cũng góp phần xây dựng Tổ quốc nầy bằng thuế má, bằng tấm
lòng nhân ái chăm lo những người bất hạnh...
Hai
người tự dưng im lặng. Một hồi, Quang ghẹo:
-
Nhà thơ lãng mạn đa tình “tỷ lệ phản bội, xác suất lầm lỡ” cao hơn doanh nhân
nghen trời!
Nàng
trừng đôi mắt thương yêu:
- Không ai cho phép phản bội và lầm lỡ, chỉ
thông cảm một phần nhỏ hợp lý. Mỗi người mỗi vị trí, anh biết giá trị tâm hồn
mua bao nhiêu không?
- Nửa công ty anh là cùng!
- Con khỉ! Vô giá. Hơn.
- Hơn thế nào?
- Cả nước, cả thành phố mình giờ anh đếm nổi
bao nhiêu nhà tỷ phú? Tới tận làng, tận ấp sâu cũng bạt ngàn tỷ phú. Tỷ phú
kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt... Còn nhà thơ nhà văn thực tài anh đếm bao
nhiêu? Muốn làm tỷ phú em phấn đấu có thể dễ hơn nếu anh cho mượn vốn. Em chấp
cả đời anh viết được một bài văn, bài thơ ca ngợi tình yêu đôi lứa đi! Anh chấm
phết loạn xà ngầu, dấu than anh “chơi” dấu hỏi, nội dung ca ngợi ái tình nồng
cháy bay bổng trên mây đưa qua ngòi bút chuyên ký tên đóng dấu của anh nó hóa
ra nghi ngờ, lãng xẹt, vô duyên, chết âm đức...!
Nhà
thơ vụt đứng dậy bước ra ngoài đọc “chảnh chọe” vài câu:
Nếu
bán hết tình yêu,
Lòng tôi là tỷ phú.
Như
những tỷ phú đời thường,
Ngàn hạt bọt
Phù
du…
Quang kéo tay nhà thơ lại. Bất
chợt anh hôn thật sâu vào má nàng. Nhà thơ trẻ có đôi mắt bồ câu sắc bén, đôi
môi mộng ướt, mái tóc dài uốn dợn, thân hình gợi cảm… Quang muốn giữ hơi ấm nồng
nàn ấy cho thật lâu để quên đi những tất bật hằng ngày trong công việc. Nhà thơ cảm thấy hạnh phúc dâng
tràn, nhìn đắm đuối Quang, nói :
- Ít có người yêu hay ông chồng
bà vợ nào thích cho người yêu hay bà vợ ông chồng mình đeo đuổi sự nghiệp văn
chương, vì có khi họ chỉ lo ôm văn, ôm thơ mà quên bổn phận ôm... bạn đời! Phải
không anh?
- Anh nhớ nhiều lúc em vào chỗ anh mua hàng hiền khô
như cục đất, nói giá bao nhiêu mua bấy nhiêu, sao giờ lý lẽ quá vậy?
- Nói thách là bẩm sinh xấu
muôn đời của giới thương buôn. Lỡ
nghèo rồi, anh có bán mắc cho em chút đỉnh, nghèo thêm vài bậc là cùng, trả giá
chi?
- Chớ không phải bản chất nhà
văn nhà thơ là phải hiền?
- Một phần như vậy. Thật tình
em biết anh lâu nay là người quản lý tốt, bán hàng chất lượng cao, “nói cái gì
ra cái gì chớ không ra cái nấy”, tạo được uy tín nên mua không trả giá. Có những
nơi không thật tình: quảng cáo hàng giảm giá mấy chục phần trăm mà khách
hàng có biết giá vốn là bao nhiêu? Rao ì xèo hàng rẻ tận âm ty, bán vài cái hô
hết, dụ người ta vào mua các thứ khác! Bán một món tặng nhiều món nhưng cộng tiền
lên. Điện thoại thuộc đời tư của người ta cũng nhắn tin xọt xịa quảng cáo bia bọt,
quần thun áo lót, dưa leo, cà phổi, hột vịt lộn... bất chấp chủ thuê bao có cho
phép hay không. Bán
viên “thực phẩm chức năng” giá vài ngàn đồng cho ông lão nghèo một triệu, ổng
phải cầm cố ruộng đất mua uống hy vọng kéo dài
sự sống!...
Vơ vét như vậy để giàu lên, tiền xài không hết làm cái gì? Anh mà thủ đoạn,
chiêu bài, mị dân trong kinh doanh như vậy em sẽ bỏ anh, đừng giận, em nghèo mà
gan!
Quang
vuốt nhẹ trán người yêu:
- Tuột “tăng-xông” đi bà nội! Nhà thơ lại xúc
phạm thị trường nữa! Dường như em cũng
háo chỉ trích?
- Em nói thiệt để xây dựng nét văn hóa trong
kinh doanh cho các anh. Chỉ trích người yêu đâu có nghĩa diệt tình yêu, trừ khi
anh ngoan cố! Góp ý với thương trường đâu có nghiã là bài xích thị trường?
Quang
và nhà thơ say đắm nhau hơn. Trong ánh mắt si tình qua lại,
hình ảnh hai con người: một bên cặm cụi làm thơ chu cấp nỗi lòng;
một bên cặm cụi tạo ra sản phẩm cung ứng cho đời… đã tìm lại và gần nhau.
THÀNH NAM (tác giả giữ bản quyền)
________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét