Có lẽ hình ảnh con vật
nhỏ sinh động đeo mang với tôi ngoài các côn trùng như kiến, dán, muỗi ... ra
là con thằn lằn. Thằn lằn đã như vừa là bạn vừa là kẻ
thù tôi từ tuổi thơ vụng dại đến trưởng thành rồi già đi qua tháng lụn năm dài.
Trong mái lá tồi tàn hồi nhỏ thằn lằn có mặt với tôi đều khắp: đeo trên kèo
nhà, đẻ trứng trong vách, bò vào nồi cơm hũ mỡ chia phần với tôi... Chúng từng
bị tôi bắt ngắt đuôi.
Đuôi thằn lằn đứt lìa ngoài cơ thể vẫn nằm loăng quăn duy
trì hoạt động hằng giờ không ảnh hưởng gì đến việc cần cung cấp máu, dưỡng khí,
năng lượng... Tôi thường vẽ màu sơn lên cơ thể con thằn lằn để theo dõi thời
gian sau đứt nó tái tạo chiếc đuôi mới như thế nào. Tuy không hoàn hảo như chiếc
đuôi cũ nhưng nghiệm ra một điều: tạo hoá có công ích trong việc làm ra những
giống nòi hoặc sự sáng lập của từng nòi giống về cơ thể mình một cách kỳ diệu,
điều mà bản thân con người không tự làm được, có chăng ta phải nhờ người khác.
Ta không thể cầu trời khẩn phật để có lại một chiếc chân bị mất do tai nạn, nếu
có phải do bác sĩ, do cơ quan phục hồi chức năng... giải phẫu khâu may hoặc làm
giả cho. Khác với con thằn lằn tự thân khắc phục phần mất mát cho cơ thể mình!
Thằn lằn dễ yêu khi nó giúp ta bắt mấy
con thiêu thân, nhiều nhất lúc các vụ lúa thời kỳ phát triển bị nông dân xịt
thuốc sâu tả tơi phải bay vào nhà tìm ánh sáng. Thằn lằn còn tạo ra không gian
huyễn hoặc kỳ bí khi cho ta tiếng tắc luỡi nhỏ to. Chúng còn đùa nhau như hạnh
phúc trên đầu, nhìn chúng ta giảm "xì-trét" lúc vợ chồng cự cãi; giảm
cô đơn lúc lăn lộn một mình với gối chăn; lúc bệnh tật không đi đứng nổi phải nằm
nhìn lên trần...
Thằn lằn gây hại là chúng câu bắt các
con cá lia thia ta cưng nuôi kỹ lưỡng trong keo lọ. Và một điều tôi thù ghét thằn
lằn nhất hơn mọi côn trùng khác trong nhà là chúng tiêu tiểu vô trật tự trên
vách, bàn thờ, bàn học, máy móc, tập vở, mâm cơm, ly nước thậm chí trên đầu! Thằn
lằn xem mọi vật thể trong nhà không chỗ nào làm được chiếc "cầu vệ
sinh" chứa phân chúng tốt bằng cái đầu tôi? Không biết do vi phạm mồ ông tổ
cha gì hồi tiền kiếp hoặc do tôi ngắt đuôi, mà thằn lằn hay bò lại nhắm ngay đầu
tôi thải phân và nước tiểu xuống như có dịp trả thù? Có thể là thú vui của
chúng? Hoặc một lý do huyền thoại mơ hồ mà người ta hay kể về cái ông Thạch
Sùng nào đó thời xa xưa đánh mất tài sản vào tay kẻ khác sinh ra thất tình, chết
hoá kiếp thành thằn lằn ôm cột tắc lưỡi thở than gặp ai là thù nấy? Mỗi đêm tôi
phải dùng cây và dây thun thọt bắn lên trần nhà có con bị thương quẳng chạy do
chúng hay "ị" xuống chiếc máy vi tính cổ lỗ làm vấy loạn mực in khi
tôi quên đậy lại bằng tấm vải mỏng.
Ở đây, ngoài trời rét đậm, những chiếc
buynh-đinh vuông vứt cao vời choáng màu gạch nung đỏ ít tô vẽ, không gian mờ mờ
nhân ảnh, có hôm tuyết rơi đầy mắt như hoa bưởi rụng ở quê nhà. Tuyết cao khỏi
chân người, lấp đầy nhà cửa mui xe... Mọi người đều có dáng đi hối hả như chạy.
Người nào cũng gấp gáp về phòng kín của mình nơi chung cư, trong
"hao" biệt lập sau giờ làm việc, không ai muốn nhìn thấy ai giữa muôn
trùng lân cận, người da trắng da màu bản xứ, người Việt, người Tàu, người Mễ,
người Trung Đông... sống chen chúc trong các cao ốc bít chịt, đối diện nhau cả
chục năm qua khoảng cách nội thất vài mét cũng chưa một lần trò chuyện. Tốt lắm
là gặp nhau "ha", "thanh-kiều", "gút-nai",
"gút-bai", "xó-ri"... Người đồng hương gặp nhau rất mừng
trong ánh mắt khi "nhận diện" qua ngôn ngữ mẹ nhưng cũng chỉ
"bai" một cái rồi trở lại làm ra giây phút hững hờ, ai cũng sợ kéo
dài cái tâm sự gặp gỡ gây thất thoát thời gian và phiền muộn người khác. Người
ta dễ thu mình vào thế giới nhỏ hẹp của cá nhân giữa không gian vật thể cái gì cũng
lớn. Người Việt quen với bản sắc tình cảm dễ nhận nỗi cô đơn tột cùng khi hụt hẫng
thân nhân bên cạnh, có người muốn tìm người để lấp nỗi trống huơ trống hoác ở
tâm hồn. Vào cái độ U.50, U.60 bên xứ nhà đa phần ta xoay quanh cuộc đời với bộn
bề con cháu, bọc thuốc trị tiểu đường cao huyết áp... Thì một số người già tha
hương cô độc năm mươi, sáu mươi tuổi ở đây, cả nam lẫn nữ, còn muốn kiếm một nửa
mình bằng cách đăng báo "tìm bạn bốn phương" và "nếu hạp sẽ đi đến
hôn nhân an ủi quãng đời còn lại!" Phải chăng cô đơn là điều đau khổ và sỉ
nhục cho mọi người? Điều đó nên rất thông cảm.
Có lúc ngồi trong căn phòng ấm nhờ chiếc
máy sưởi tôi nhìn lên trần tìm cho ra một con thằn lằn. Không thấy chúng đâu.
Trên trái đất nơi nào có nước là có cá kể cả vùng băng giá, còn ở đây vẫn có
không khí sao thằn lằn lại vắng đi? Tôi không muốn tìm hiểu về đặc tính loài thằn
lằn phù hợp sinh thái thế nào, tôi sợ giải thích của khoa học dễ làm mất đi cái
lãng mạn cần cho tâm hồn mình, như "Cung trăng không phải là chị Hằng chú
Cuội". Chỉ biết đôi lúc ở độ cô đơn cao nhứt, con thằn lằn có khi cũng cần
cho ta làm bạn!
Khi ta xa rời một không gian quen thuộc
nào đó dù nhỏ dù lớn nó vẫn là hoài niệm của sự mất đi. Xa rời một kỷ niệm lớn
như quê hương, tình yêu... thì đau đớn biết chừng nào!
THÀNH NAM
_____________
trong phòng của con có vài con thằn lằn, cũng giống y chang thằn lằn bên Việt Nam. Có khi con mua trái nectarines, để trong phòng cho thơm nức nở. Mình không muốn ăn để cho thơm tho căn phòng, mà thằn lằn nỡ ăn tuốt tuồn tuột, cắn nham nhở lòi hột. Giận quá, quấn tờ báo lại để lùa đuổi nó ra khỏi phòng. Vậy mà ban khuya nó lại mò vào, tặc lưỡi, chắc là nhớ mùi trái nectarines, hay nhớ mình quá đỗi?
Trả lờiXóaCám ơn. Xin phép hỏi bạn thằn lằn xứ nào vậy?
XóaKhi ta xa rời một không gian quen thuộc nào đó dù nhỏ dù lớn nó vẫn là hoài niệm của sự mất đi. Xa rời một kỷ niệm lớn như quê hương, tình yêu... thì đau đớn biết chừng nào!
Trả lờiXóaĐọc Ở một nơi không thấy bóng thằn lằn,nghe sao buồn quá như thèm ra balcon đếm xem có bao người đi bộ mà có làm được đâu.Lạnh qíu luôn! Mà nếu có ráng ...cũng khó có bóng người cho ta đếm ..Xin chia sẻ cùng Anh Thành Nam .HHT
Cám ơn chị HHT có cảm nhận sâu lắng với bài ỎMNKTBTL. Chúc chị nhiều sức khoẻ. Xin tặng chị bài thơ để chia sẻ (xẻ) nỗi đồng cảm:
XóaHéo hắt vòng tay
-------------------------
Tuyết ơi! Em mềm như vải
Mà thiếu cái gì
Canh cánh của mùa đông.
Tuyết không rơi vào lòng
Mà tim lạnh cắt!
Bên nầy
Qua rồi mùa thu
Cây vẫn trụi lá
Tuyết xối xả mịt mù
Như đàn cá trắng rủ nhau bay.
Không gian mềm hơn bột
Mà võ vàng héo hắt những vòng tay (TN)
Cám ơn Anh Thành Nam đã tặng bài thơ Héo hắt vòng tay.
Trả lờiXóaXin gửi anh chút lòng của một người xa xứ (nhưng có lẽ tiện nẻo đi về hơn Anh)
Rời quê nhà theo chồng đi xứ khác
Nắng hàng cau héo hắt những bờ vui
Xa lăn lắc không ngoái nhìn vẫn biết
Bóng một người ...vời vợi mắt nghiêng theo !
Bìm bịp kêu nhớ từng con nước lớn
Tháng chạp về rộn rã tiếng chày khuya
Nào ai biết bao mùa xuân viễn xứ
Thăm thẳm lòng ta đắm đuối mắt quê nhà.HHT
Đã đọc rất cám ơn chị. Thích các câu thơ:
XóaXa lăn lắc không ngoái nhìn vẫn biết
Bóng một người... vời mắt nghiêng theo!
...
Nào ai biết bao mùa xuan viễn xứ
Thăm thẳm lòng ta đắm đuối mắt quê nhà.