GIỚI THIỆU TÁC GIẢ - CỘNG TÁC VIÊN BÔNG TRÀM
HỮU DU
Năm sinh: 1952. Quê quán: TP. Bà Rịa, tỉnh Bà
Rịa - Vũng Tàu
Tốt nghiệp Ngữ
năn - Trường Đại học Huế. Hội viên Hội VHNT Bà Rịa - Vũng Tàu (chuyên ngành Âm nhạc).
Tác phẩm tiêu biểu: Hương tình yêu
(tập ca khúc, 2005).
Nhiều ca khúc
được đăng ở các tuyển tập, tạp chí, tập san...
Nhiều bài viết lý
luận, nghiên cứu, trao đổi về sáng tác âm nhạc đăng ở các tạp chí và website, trong đó có Bông Tràm.
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM TỰ CHỌN
THĂM “ĐỘNG HOA VÀNG” CỦA PHẠM THIÊN THƯ
Thi phẩm “Động Hoa Vàng” của Phạm Thiên
Thư được nhà xuất bản Cảo Thơm cho ra mắt độc giả miền Nam vào năm 1971. Động
Hoa Vàng gồm 100 đoản thơ, mỗi đoản thơ gồm bốn câu lục bát, được đánh số từ
một đến một trăm. Mỗi đoản thơ là một khung cửa mở, dẫn dắt đến thế giới huyền
diệu của thi ca, của thế giới nội tâm phong phú đến lạ lẫm, bất ngờ của thi sĩ
họ Phạm - một tu sĩ đã hoàn tục.
Trả lời phỏng vấn của nhà báo, ông nói:
“Tôi viết Động Hoa Vàng từ giấc mơ Việt, một giấc mơ khẽ khàng rất Việt:
Đường về hái nụ mù sa
Đưa theo một dải nương cà tím
thôi
Thôi thì em chẳng yêu tôi
Leo lên cành bưởi nhớ người
rưng rưng.” (số 9)
Quê ở Kiến Xương, Thái Bình, ông theo gia
đình di cư vào Nam lúc 14 tuổi. Ở Tân Định, Sài Gòn, ông học xong tú tài, sau đó
theo học ở trường Đại học Phật giáo Vạn Hạnh. Vì thời cuộc, ông trốn vào chùa
ẩn tu, từ năm 1964 đến năm 1973 thì hoàn tục. Chín năm ở cửa Phật, điều kì diệu
đã đến với ông. Ông cho biết: “Tu bất đắc dĩ mà ngộ ra kinh Phật, ngộ ra chuyện
thiền rất nhanh nên tôi thấy mình may mắn, tôi sớm nhận ra điều, nhà chùa không
phải là nơi tôi nương náu để qua cơn bĩ cực mà là một cõi riêng, rất riêng, để
tôi tha hồ bay bổng từ những điều ngộ ra chính mình và cuộc sống chung quanh”.
Và, từ chốn “am mây” ấy, hình vóc Động Hoa
Vàng được hình thành một cách vẹn toàn, như bây giờ ta biết.
Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi
dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ
say. (số 41)
Trốn thời cuộc, trốn cuộc đời, tìm về chốn
thiên nhiên, tĩnh lặng để di dưỡng tâm hồn. Nhưng rồi, ở đây, chốn “bồng lai,
tiên cảnh” này, tình cảm chan hòa với thiên nhiên, với con người, đạo và đời
lại được hòa quyện một cách tự nhiên, như vốn có:
Lên non cuốc sỏi trồng hoa
Xuôi thuyền lá trúc la đà câu
sương
Vớt con cá nhỏ lòng đòng
Mãi vui lại thả xuống dòng
suối thơ. (số 28)
Thiên nhiên nên thơ, tươi đẹp ùa vào đầy
ắp các trang thơ. Chính vẻ đẹp dịu dàng, mong manh ấy, qua cái nhìn của tu sĩ,
lại làm biết bao người ngỡ ngàng, cảm xúc.
Với gió trăng mây nước:
Nụ vàng hương rộ tháng ba
Nửa đêm dậy ngó trăng tà tiêu
tương
Chẳng như cội liễu bờ dương
Tóc xanh mướt giữa vô thường
sắc không. (số 47)
Bóng trăng tịch mặc hiên nhà
Thành đàn nẩy hạt tỳ bà quyện
hương
Gió thu từ độ tha phương
Về trên hốc gỗ bên đường lặng
im. (số 74)
Mây
dù chẳng chất non cao
Đường về dù chẳng sông đào
nông sâu
Đêm đêm lòng giục nẻo sầu
Thềm trăng ngỡ tưởng hoa cau
rụng thầm. (số 94)
Với tình người, chim muôn, hoa lá, bốn
mùa:
Cuối xuân ta lại tìm hoa
Tiểu thư chi mộ thềm hoa dại tàn
Sớm thu ta đánh đò sang
Bên đường cổ mộ lại vàng cúc
hoa. (số 65)
Mùa xuân bỏ vào suối chơi
Nghe chim hót núi gọi trời
xuống hoa
Múc bình nước mát về qua
Ghé thôn mai nọ hỏi trà mạn
xưa. (số 34)
Mùa xuân mặc áo trên ngàn
Mùa thu mặc chú bướm vàng
tương tư. (số 49)
Tất cả tạo vật hình như đã đủ đầy, sẵn có
bên ngoài Động Hoa Vàng; những gió, trăng, mây, nước, núi, sông, dạ lan, hồng
cúc, lá, chim, dế, ngựa, cá, bướm, thuyền, xe…làm nên khung cảnh nên thơ, tuyệt
mỹ:
Xe lăn bánh nhỏ bụi đường
Lao xao vó rụng trên đường
phố mây (số 24)
Chim
nào hót giữa thôn qua
Tay nào hong giữa chiều tà
tóc bay. (số 25)
Hình ảnh, ý tưởng, từ ngữ mới lạ của nhà
thơ đã làm tăng thêm vẻ đẹp, sự phóng khoáng, tầm vóc của câu thơ lục bát Việt
Nam.
Con chim chết giữa cội hoa
Tiếng kêu rụng giữa giang hà
xanh xao (số 12)
Em ơi rủ tóc mây về
Nhìn trăng nỡ để lời thề gió
bay (số 14)
Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Đành như cánh bướm đồi tây hững
hờ (số 15)
Trong Động Hoa Vàng, tư tưởng, triết lý
Phật giáo phảng phất, làm nên vẻ đẹp bí ẩn, lãng mạn của văn chương và sự phong
phú của tâm hồn thi sĩ:
Mười con nhạn trắng về tha
Như lai thường trụ trên tà áo
xuân
Vai nghiêng nghiêng suối tơ
huyền
Đôi gò đào nở trên miền tuyết
thơm. (số 1)
Bông hoa trắng rụng bên đường
Cánh thơm thông điệp vô
thường tuyết băng (số 33)
Em về rửa mặt chân như
Nghiêng soi hạt nước mời hư
không về
Thâu hương hiện kinh bồ đề
Phấn son chìm lắng hạt mê
luân hồi. (số 40)
Động nam hoa có thiền sư
Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống
tràn. ( số 49)
Song, ở Động Hoa vàng, nội dung nổi bật,
chính là một giấc mộng, một tình yêu nhẹ nhàng, kín đáo nhưng không kém phần
sâu sắc, mang mang, thoát tục.
Qua tâm trạng buồn thương, nuối tiếc:
Dù mai lều cỏ chân trời
Khơi hương lò cũ khóc người
trong thơ
Em còn ửng má đào tơ
Tóc xưa dù có bao giờ sương
bay. (số 57)
Ngày xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng đào
rơi
Mùa thu áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo
hoa. (số 8)
Từ hôm em bỏ theo chồng
Áo trắng em cất áo hồng em
mang
Chiều nay giở lại bàng hoàng
Mười năm áo cũ hoe vàng lệ
xanh. (số 62)
Bởi vì “em” là hiện thân của cái đẹp, sự
lung linh diệu kỳ của sự sống:
Gầy em vóc cỏ mây dời
Tay em mai nở chân trời tuyết
pha
Ngày dài ngựa soải cầm ca
Trán cao ngấn nửa trăng tà
ngậm sương. (số 23)
Em nằm ngó cội thu xanh
Môi ươm đào lý một nhành đôi
mươi
Về em vàng phố mây trời
Tay đơm nụ hạ hoa dời gót
xuân. (22)
Cả ni sư, dưới mắt tu sĩ - thi sĩ vẫn có cái
đẹp vẹn nguyên, trong suốt:
Đôi mày là phượng cất cao
Đôi môi chín ửng khóe đào
rừng mơ
Tiếng nàng vỡ bạc thành thơ
Từng dòng kinh kệ trên tờ
khói mây. (số 78)
Và cả cái đẹp dịu dàng, thi tứ:
Cánh sen lá trĩu sương trong
Áo ni xám vạt trời hong buồn
về
Tay nào nghiêng nón thơ che
Tay nào lần chuổi bồ đề xanh
xao. (số 77)
Cho đến khi tàn canh, tỉnh mộng, mới thảng
thốt thở than:
Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng
sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường
thế thôi. (số 22)
Xúc cảm trước những vần thơ đẹp và chuyện
tình thơ mộng ấy của thi sĩ Phạm Thiên Thư, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thành nhạc
phẩm “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng”. Giai điệu nhẹ nhàng, đắm đuối, nổi tiếng thời
ấy qua giọng ca thánh thót, nỉ non của ca sĩ Thái Thanh.
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng
nhớ nhau
Thôi thì em chẳng còn yêu tôi
Leo lên cành bưởi khóc người
rưng rưng
Thôi thì thôi mộ người tà
dương
Thôi thì thôi nhé đoạn trường
thế thôi
…………………………………..
Mai ta chết dưới cội đào
Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên
thu.
Bây giờ thì ông đã về nhà, không còn “lên
non cuốc sỏi trồng hoa” hay “vào non soi nguyệt tầm rùa”, hoặc “lên non tìm
động hoa vàng ngủ say” nữa! Thi sĩ đã ở tuổi bảy mươi lăm rồi. Ông sống ở quán
cà phê gia đình mình với tên quán “Hoa Vàng” đường Hồng Lĩnh, quận 10, thành
phố Hồ Chí Minh. Ở đấy, hằng ngày, dưới bóng cây xanh đầy hoa nắng, ông trầm
ngâm nhớ đến Động Hoa Vàng, nhớ đến những bóng dáng tình yêu, bóng dáng mùa
xuân đã qua đi, không bao giờ trở lại.
Hoa
vàng ta để chờ anh
Hiện thân ta hát trên cành tâm
mai
Trần gian chào cõi mộng này
Sông Ngân tìm một bến này hóa
duyên. (số 100)
HỮU DU
_________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét