Quê tôi có nhiều hương thơm đặc
biệt lắm. Tôi thực khó có thể tưởng tượng được đó lại là những mùi hương thấm
sâu vào máu thịt, vào tâm hồn con người. Một chiều đầy nắng và gió, không khó để
bắt gặp rơm rạ trải khắp mọi miền quê sau mùa gặt. Những ngày đầu mùa hạ những
bước chân lạc nhịp của những người nông dân dường như cũng rộn ràng hơn theo nhịp
điệu rộn ràng của mùa gặt, mùa lúa mới.
Không phải ngẫu nhiên mà người dân miền Trung quê tôi luôn mong nắng
lên, nắng phải thật giòn, thật rực rỡ. Để thóc lúa được tưới mình dưới làn nắng
bỏng rát da thịt. Để thân hình của những bông lúa đã quá lứa lỡ thì được đắm
mình trong màu nắng trưa hè. Những bước chân đi qua làng quê, những khuôn mặt sẽ
giáp mặt với nhau, những gánh rơm sẽ va quệt vào nhau. Thương rơm, chăm sóc
rơm, gắn bó với rơm: đó chính là cốt cách, là công việc muôn đời nay của những
bước chân trên làng quê.
Mùi rơm nồng nàn lang nhẹ trên đôi môi đầu mùa hạ, cho ta cảm giác yêu
thương say nồng. Đứng ở giữa làng nghe âm hưởng của khúc nhạc vàng của mùa lúa,
đánh thức những kí ức ngày ấy, đong đầy những ảo vọng tương lai. Bất chợt tôi
nhớ đến bài thơ của thi sĩ Trần Đăng Khoa đã làm rung động đã làm rung động tâm
hồn cho những mảnh đời của một thời khói lửa: “Có
hương sen thơm / Trong hồ nước đầy /
Có lời mẹ hát / Ngọt bùi đắng cay...”. Về với thực tại tôi càng trở
nên trân trọng, ngày xưa thi vị như thế, ngày nay càng chan chứa tình người.
Gió ru nhẹ rơm, rơm bùi nhùi lại phảng
phất trong con tim những giá trị bé nhỏ mà khắc sâu tâm con, chiếm trọn linh hồn,
khát vọng chia sẻ của những phận người nghèo khổ luôn gắn bó “thương người như
thể thương thân”.
Được về với nơi chôn nhau cắt rốn, được cầm hái đi gặt là niềm hạnh
phúc giản dị của những phận người gắn liền với đồng quê. Trong nhà, ra ngõ,
ngoài đồng hiện lên một một màu nâu buồn gắn chặt với niềm vui trong bội thu của
mùa màng. Miệng đắng khi nghĩ về rơm nhưng lại nồng nàn một hương thơm diệu kì
mà ta được thưởng thức cả cuộc đời. Khói đốt đồng buổi chiều quê như thấm chặt
vào từng giấc mơ, những kí ức tươi đẹp, những giấc mơ diệu kì. Rơm cháy. Rơm lại
làm tốt cho đất, đất mẹ cho ta những nhánh lúa vàng ươm trên từng nụ cười, những
tấm lòng thơm thảo. Rơm không cháy, rơm có xót nhưng mang lại cho mỗi người cảm
giác bình yên lắm thay.
Lặng bước trên con đường làng mà ngỡ thời gian như dừng lại chỉ còn ta
với rơm rạ mùa. Có lẽ không nhà nào không có một cây rơm. Đầu thôn, cuối xóm
rơm như ngự trị và vươn cao có khi bằng mái nhà, cột ăng ten. Rơm to, rơm nhỏ đều
tự cho nó có một hình hài, một chỗ đứng chễm chệ bên từng ngôi nhà, từng góc
sân, từng khoảng vườn. Gom rơm, phơi rơm rồi chăm chút để cho ra một cây rơm cho
đàn trâu được ấm trong những ngày rét. Đồng quê gắn bó với ta, ta với rơm lại
hài hoà một cách tự nhiên mà đầy lặng lẽ, khó nhạt phai.
Nắng bất chợt lên, bất chợt tắt, rơm rạ vẫn nằm đó, vẫn là hiện thân của
chén cơm đầy cho ta một cái bụng no. Đã bao giờ bạn tìm đến đống rơm để chơi
đùa, để lăn từ trên xuống đất ? Những cảm giác của tuổi thơ khó phai mờ trong
tâm trí mỗi người. Dẫu đường đời có đưa ta đi xa muôn lối với một nền văn minh
lộng lẫy vượt xa những điều bạn nghĩ. Nhưng rơm rạ vẫn là nơi chan chứa những
niềm tin và khát vọng, ba mẹ làm nông chỉ mong chờ thóc lúa đầy kho để còn nuôi
cho những đứa con ăn học. Những người dân quê lam lũ luôn mong cho mưa thuận
gió hoà, mùa màng bội thu để gieo mầm cho những ước vọng. Vì thế họ trân trọng
mọi thứ, dẫu chỉ là cọng rơm nhỏ nhoi có thể làm bỏng rát da tay. Ở một miền xa
nào đó, nơi tôi tới chắc chắn rơm rạ sẽ không thể nào thiếu, nó là một phần của
tình người, hồn đất nước.
PHAN NAM
_____________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét