“Mùa thu không trở lại” - bài nhạc nổi
tiếng ở Việt Nam và ở Pháp - của Phạm Trọng Cầu, được nhạc sĩ sáng tác năm 1962, khi còn đang học ở Nhạc
viện Paris. Giai điệu slow nhẹ nhàng, bay bổng, thấp thoáng nét nhạc và hình ảnh, cảnh sắc phương Tây mà cụ thể là thủ đô Paris, nước Pháp. Lồng trong tâm cảnh ngơ ngẩn, u sầu của chàng sinh viên nhạc viện đa cảm khi chia tay với bạn gái yêu thương, không hẹn ngày gặp lại… là hình ảnh đẹp buồn cố hữu, nổi tiếng của mùa thu nước Pháp.
"Em ra đi mùa thu
Mùa thu không trở lại
Em ra đi mùa thu
Sương mờ giăng âm u
Em ra đi mùa thu
Mùa thu không còn nữa
Đếm lá úa mùa thu
Đo sầu ngập tim tôi"
Ở đoạn nhạc này (đoạn A, gồm hai tiểu
đoạn) với câu nhạc đề “Em ra đi mùa thu”, ý nhạc, ca từ đã được phát triển,
mở rộng ra với không gian, thời gian,
tâm tưởng một cách hợp lý, tinh tế. Em ra đi! Mùa thu đã theo em đi! Mùa thu
không trở lại; mùa thu không còn nữa; sương mờ giăng khắp chốn, lá rụng trải
muôn nơi; nỗi sầu không đo đếm được!
Các câu nhạc năm chữ, ngắn, gọn, nhẹ
nhàng, chậm rãi, nốt nhạc ở cao độ vừa phải, đôi lúc nhẹ lên cao… như những lời
tự tình, gửi gắm nỗi buồn chìm vào không gian mùa thu, lá úa tàn và sương lạnh. Bài nhạc có điệu thức trưởng nên giai
điệu buồn có phần nào được giảm nhẹ, tâm trạng chỉ còn là nỗi tiếc nhớ, sầu
buồn nhẹ nhàng thấm đẫm, mang màu sắc lãng mạn phương Tây.
Sang đoạn điệp khúc (đoạn B, gồm hai
tiểu đoạn), trường độ, nhịp độ các nốt nhạc không thay đổi song cao độ, cường
độ mạnh mẽ hơn, cao vút hơn, có chỗ lên đến nốt sol cao, quãng tám; ca từ,
ý nhạc sôi nổi, chất chứa nỗi buồn… vô
hạn.
"Ngày em đi
Nghe chơi vơi não nề
Qua vườn Luxembourg
Sương rơi che phủ mờ
Buồn này ai có mua?"
Bây giờ thì nỗi buồn nhân thế và nét
buồn man mác của mùa thu Paris
như được tô vẽ đủ nét hơn, cộng hưởng hơn, sống động hơn và cũng… sướt mướt
hơn. Vườn Luxembourg - khu vườn lãng mạn của tình yêu - nơi trai gái Paris thường lui tới để
bày tỏ tình yêu, nay đã vào thu, lá úa vàng bủa vây khắp nẻo cũng khiến tâm
trạng người chia ly cảm thấy hụt hẫng, chơi vơi, não nề…
Nhạc sĩ thổ lộ: “Thời ấy mình có yêu
một cô bạn gái có mái tóc đen dài, đôi mắt buồn vời vợi. Tình yêu vào độ trăng
rằm thì cô nàng về nước kể từ đó không bao giờ trở lại Paris nữa. Hôm tiễn đưa nàng đi rồi, mình trở
về, bước từng bước như người say rượu, ngang vườn Luxembourg. Khi thấy những chếc lá
vàng rơi, miệng lẩm nhẩm… Từ đó nét nhạc trỗi lên thay lời: "Em ra đi mùa thu /
Mùa thu không trở lại / Đếm lá úa mùa thu / Đo sầu ngập tim tôi”. (theo Nhà báo Hoàng Hữu Quyết - Đà Nẵng,
1997)
Tình yêu chấp cánh cho ca từ, ý nhạc
và kiến thức âm nhạc được đào tạo bài bản của Phạm Trọng Cầu, đã giúp nhạc sĩ
chuyển tải thành giai điệu mượt mà, da diết đậm chất lãng mạn phương Tây nhưng
vẫn mang nặng hồn thơ đất Việt bởi những ca từ tượng thanh, tượng hình đầy sức
biểu cảm.
"Từ chia ly
Nghe rơi bao lá vàng
Ngập dòng nước sông Seine
Mưa rơi trên phím đàn
Chừng nào cho tôi quên?"
Lá vàng ngập dòng nước sông Seine, mưa
rơi trên phím đàn… là cách nói bóng bẩy, là cách diễn đạt bay bổng để nói về một
hiện thực ngập tràn niềm thương nỗi nhớ… trong bối cảnh lá vẫn rơi, mưa vẫn rơi,
dòng Seine ngập tràn lá úa! Mùa thu, sông Seine đẹp buồn, đã gợi hồn thơ cho
bao thi sĩ: “Thu sẽ dậy men / Lá rơi vàng
kín mặt sông Seine / Hồn anh sẽ đọng dài trên
lá / Để giúp em màu đan áo len” (Vũ Hoàng Chương).
"Hôm…
Em ra đi mùa thu
Mùa thu không trở lại
Lá úa khóc người đi
Sương mờ dâng lên mi
Em ra đi mùa thu
Mùa lá rơi ngập ngừng
Đếm lá úa sầu lên
Bao giờ cho tôi quên?"
Đoạn kết thúc bài nhạc nêu trên (đoạn
A, gồm hai tiểu đoạn), từ “hôm” với âm điệu kéo dài nằm quãng giữa của hai
đoạn B, A’ là nhịp cầu êm ái kết nốt uyển chuyển hai đoạn nhạc, để trở về giai
điệu cũ một cách rất riêng, rất hay. Ý nhạc vẫn là hình ảnh cuộc chia ly, là lá
úa, là nước mắt, là tiếng thời gian rời rã, là tiếng con tim ngập ngừng hơi
thở.
Năm 1962 - 2015, nửa thế kỷ đã trôi qua,
năm mươi mùa thu đã lặp đi lặp lại điệp khúc: lá vàng úa, rụng đầy trong vườn Luxembourg, nước dòng Seine
vẫn chở nặng những chiếc lá vàng… mùa thu ấy. Song với người nghe, với tôi hình
như “Mùa thu đã trở lại”. Trở lại, trở lại hằng năm… để chào tạm biệt một mối
tình lãng đãng!
HỮU DU
____________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét