“Trong gương soi anh soi hết nỗi buồn”! Câu
thơ đẹp nhất, buồn nhất kết thúc bài thơ khiến người đọc cảm hoài. Bởi đó là
nỗi buồn thân phận, nỗi buồn tình yêu và cả nỗi buồn cho quê hương những năm
tháng còn chiến tranh, chia cách…
MỘT CHIẾC GƯƠNG SOI - Vũ Hữu Định
“Mua cho em chiếc gương tròn bỏ túi
Với số tiền còn lại ngày ở Sài Gòn
Em sẽ soi gương mỉm cười rẽ tóc
Em sẽ nhìn để nhớ anh hôn
Buổi trưa nắng trong vườn xanh Đại Nội
Em sẽ vì anh tô lại môi thơm
Để em nhớ hàm răng em có ngọc
Mắt đa tình em sẽ soi gương
Để nhớ anh những ngày xa cách
Tập lại duyên cài lại tóc hoa hường.
Anh còn lại năm mươi đồng trong túi
Không mua được gì ngoài một chiếc
gương
Bởi anh nghĩ xa nhau còn để nhớ
Trong gương soi anh soi hết nỗi buồn.
Tôi đọc bài thơ này từ thời sinh viên, ghi
danh dự học hàm thụ trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, với nhiều xúc cảm và ám
ảnh, vì cùng có nỗi buồn thời thế! Hơn bốn thập niên rồi còn gì, điều nhớ, điều
quên, kể cả câu chữ của bài thơ nguyên bản! Nhưng những cảm thông, rung động về
hình ảnh, từ ngữ, giọng thơ trong bài thơ, với tôi như vẫn còn tinh khôi, mới
mẽ.
Giản dị, chân thành và thật thà hết mực
khi dám thổ lộ với người thân (người yêu hay người vợ?) sự kém cỏi, bất lực của
người đàn ông đang đứng chân giữa thành phố Sài Gòn hoa lệ:
"Mua cho em chiếc gương tròn bỏ túi
Với số tiền còn lại ngày ở Sài Gòn"
Món quà cho người yêu ở quê nhà, đất kinh
kỳ xứ Huế! Món quà nhỏ nhoi, ít giá trị, nói đúng ra là một thứ đồ hàng rẻ tiền
của phụ nữ, có giá mua bằng một nắm xôi.
Cũng bởi Vũ Hữu Định là nhà thơ nghèo; cả
đời là một cuộc rong ruổi giang hồ, khao khát kiếm tìm hạnh phúc…mà chỉ có nỗi
buồn, rượu và thơ làm bạn.
"Anh là một gã giang hồ tới
Lòng hoang như con lộ không đèn
Ngồi với hồn sầu ly rượu cạn
Sao mới vài ly mà đã say?"
(Trích “Cũng Có Khi Nào" - Vũ Hữu Định)
Cũng có những lúc mỏi gối, chồn chân, muốn về lại quê mà lòng chua xót:
Chiều nay dựng mùa đông mây xám ngắt
Núi cao trời thấp có ta về
Giang hồ đâu có ai phong ấn
Mà nghĩ từ quan trở lại quê.
(Trích “Chẳng Hay" - Vũ Hữu Định)
Sinh năm 1942 ở Thừa Thiên - Huế, song ông
sống cuộc đời lang bạt, rày đây mai đó: ở Đà Nẵng, Tây Nguyên, Sài Gòn…với bạn
bè, thân hữu hay những kẻ yêu thơ. Duyên may đến khi bài thơ “Còn Chút Gì Để Nhớ”
của ông được nhạc sĩ Phạm Duy để mắt và phổ nhạc năm 1970. Và, tên tuổi nhà thơ
được nhiều người biết đến.
Những năm 1971-1973, ở Sài Gòn, ông trốn
quân dịch, sống lẩn lút khi thì ở Cô Giang, lúc thì ở Trương Minh Giảng, Lê Văn
Duyệt. Nhà Văn Nguyễn Nhật Ánh kể: “Hồi Vũ Hữu Định trốn lính ở Sài Gòn, Nguyễn
Nhật Ánh cũng hết tiền nhưng không biết mượn ai, bèn nhắn tin trên Tạp chí Văn
để gặp Vũ Hữu Định. Hồi đó năm 1973 làm chi có điện thoại liên lạc với nhau như
chừ. Thấy tin nhắn cần gặp, Vũ Hữu Định tìm đến nhà trọ Nguyễn Nhật Ánh. Không
ngờ Vũ Hữu Định tìm gặp Nguyễn Nhật Ánh để mượn tiền. Gặp nhau cả hai ngớ người
ra” (theo Báo Thanh Niên).
"Anh
còn lại năm mươi đồng trong túi
Không mua được gì ngoài một chiếc
gương."
Không gì buồn hơn, xót xa hơn khi không
thể thực hiện những điều nhỏ nhặt nhất để làm đẹp cho tình yêu trong xa
cách-trùng phùng. Vậy mà, nhà thơ vẫn dịu
dàng, lạc quan…gửi gắm bao kỳ vọng, yêu thương và cả lời nhắn nhủ ân
tình:
"Em sẽ soi gương mỉm cười rẽ tóc
Em sẽ nhìn để nhớ anh hôn"
Và
nhiều nữa, nhiều nữa những tình cảm dấu yêu:
"Buổi trưa nắng trong vườn xanh Đại Nội
Em sẽ vì anh tô lại môi thơm
Để em nhớ hàm răng em có ngọc
Mắt đa tình em sẽ soi gương"
Và…
"Tập lại duyên cài lại tóc hoa hồng"
Quá
thơ mộng, quá yêu thương và quá tình tứ phải không? Chiếc gương soi ấy,
nhỏ thôi, tròn, đường kính như ở quả cam lại là cả một trời yêu thương; hội tụ
những tinh hoa của trời đất, của sắc đẹp, của sự tươi duyên. Như một phép màu,
tất cả đều hiện lên trong chiếc gương soi: vườn xanh lá trong kinh thành Huế cổ
xưa, mắt đa tình luyến láy làm duyên, làn tóc ướp hương hoa hồng cài trên mái, môi
thơm, hàm răng trắng trong, ngà ngọc và cả nụ hôn ngày cũ…
Thi vị hóa để lạc quan vậy thôi! Nhà thơ đã
rất khó khăn, can đảm để trở về với thực tế đời sống, thực tại lòng mình:
"Anh còn lại năm mươi đồng trong túi
Không mua được gì ngoài một chiếc
gương"
Chiếc gương soi ấy, giờ là biểu tượng của
tình yêu, là cả tấm chân tình của nhà thơ dành cho người người yêu ở chốn quê
nhà. Biểu tượng ấy được xây đắp bằng tình yêu thương chân thật, bằng cả “vốn
liếng” tài chính của thi sĩ nghèo nơi đất khách. Đó cũng là sự tín nghĩa của
một người tử tế đối với cuộc sống, đối với con người…dù trong tim vẫn còn nặng
trĩu một nỗi buồn nhân thế!
"Bởi
anh nghĩ xa nhau còn để nhớ
Trong
gương soi anh soi hết nỗi buồn"
Niềm vui - nỗi buồn của người nhận - người cho
tương phản, song hành trong một mặt gương soi làm người đọc suy tưởng và cảm
hoài.
Những tháng ngày u tối nặng nề ấy đã qua.
Hôm nay, cuộc sống hòa bình của đất nước đã trả lại cho những đôi tình nhân,
những cặp vợ chồng khoảng không gian rộng mở, bình yên và thú vị hơn trong tình
yêu. Song, với tôi, “Một Chiếc Gương Soi” vẫn mãi là một biểu tượng trong sáng
tuyệt vời về tình yêu vượt qua nghèo khó, nghịch cảnh; về sự lạc quan, mạnh mẽ
trong cuộc sống, và nhất là nét đẹp bình dị, chân thật, nhẹ nhàng của những vần
thơ.
HỮU DU
____________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét