Đang là mùa thu, một sáng
nghe “Chiếc lá thu phai” qua giọng ca Tuấn Ngọc bỗng thấy cô đơn quá trong cuộc
đời này… Lòng rũ buồn, thấm nhiễm những ca từ mộng mị, đầy ám ảnh trong bài hát
này của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
“Chiều hôm thức dậy
Ngồi ôm tóc dài
Chập chờn lau trắng
trong tay”
Vẫn
biết đời người như giấc mộng, như cơn gió thoảng qua trong tuyệt mù mênh mông của
vũ trụ. Song, bất chợt một phút giây nào đó, nhận ra những dấu hiệu tàn phai của
cuộc sống, của cuộc đời, Trịnh Công Sơn thảng thốt giật mình, tiếc nuối:
“Mùa
xuân quá vội
Mười năm tắm gội
Giật mình, ôi chiếc lá
thu phai”.
Những cuộc tình đến rồi đi, những đợi
chờ nôn nóng, những buồn vui rụt rè, thoáng chốc… làm hao tổn thần xác vốn đã mỏng
manh, gầy yếu của nhạc sĩ:
“Về
đây đứng ngồi
Đường xa quá ngại
Để
lòng theo chút nắng bên ngoài
Người đâu mất người
Đời tôi ngốc dại
Tự làm khô héo tôi đây!”
Buồn phiền khi nhận ra sự ngây dại của đời
mình khi đuổi theo những điều vốn “sắc sắc, không không” trong cuộc tình này,
như có lần ông đã bộc bạch:
“Từng người tình bỏ ta đi
Như những dòng sông nhỏ
Lời hẹn thề là những
cơn mưa”
Hồn
người giờ đây như “Chiếc lá thu phai”:
“Như đời mình, như cuộc tình
Làm sao em biết đời sống buồn tênh”.
Niền đau thân phận, thật ra mới lớn lao và
quan trọng hơn tình yêu trong nhạc Trịnh. Với Trịnh Công Sơn, thân phận, kiếp
người; những hạnh phúc, những nỗi đau trần thế luôn hiện hữu, bàng bạc trong
giai điệu, ca từ ở các nhạc phẩm của ông, cũng là nguồn ủi an chân thành rất mực
với cuộc đời này…
“Về thu xếp lại
Ngày trong nếp ngày
Vội vàng thêm những lúc yêu người”.
Bởi vì,
quỹ thời gian đời mình sắp cạn; bởi vì cánh chim giang hồ “cuồng phong đã mỏi”,
xuân cũng đã tàn phai, chỉ còn thời khắc của buồn thương , ly biệt, nghe như có
“điệu kèn ai buốt trong tôi”
“Về bên núi đợi
Ngậm ngùi! Ôi đá cũng
thương thay”.
Có nhận định
về ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn: “Phần lời được đánh giá cao nhờ đậm chất
thơ, bề ngoài trông mộc mạc nhưng rất thâm trầm sâu sắc, đôi khi mang những những
yêu tố tượng trưng, siêu thực”.
Nhưng
trên hết, đáng quan tâm hơn hết vẫn là một tình yêu đậm đà, da diết với cuộc sống,
với tình yêu; buồn nhưng không bi lụy. Khi nhạc sĩ nhìn ra “Cuộc đời đó có bao
lâu mà hững hờ” thì thấy mình cần được sống, cần được yêu; yêu mãi vẫn còn yêu,
cả đến khi sức tàn, lực kiệt thì tình yêu vẫn cất lời hoan ca, hò hẹn:
“Mùi hương phấn
người
Một hôm nhớ lại
Hẹn ngày mai sẽ mua vui”.
Chiếc lá thu phai, cũng chỉ để… chờ mùa đông
qua và mùa xuân lại đến!
HỮU DU
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét