Khi
còn làm việc ở một cơ quan quản lí giáo dục cấp tỉnh, tôi tham gia viết bài cho
các tập san - bản tin như: Khuyến Học, Giáo Chức, Văn Nghệ tỉnh… dưới góc độ phục vụ công việc chuyên môn. Đến năm
2012 được nghỉ hưu, ít giao tiếp, ít viết lách cho chuyên môn, nên ngày tháng
rỗi rãi rộng mở, quỹ thời gian dường như vô tận. Và, ngày tháng dần qua, yên
tĩnh nhưng khá tẻ nhạt… Cho đến khi có duyên may, bắt gặp một nơi chốn có thể
đi - về bình yên, ấm áp cho tâm tưởng, đó là website văn học nghệ thuật Bông
Tràm!
Qua những bài viết của mình được đăng tải
ở trang mạng văn nghệ Bông Tràm, tôi như được tiếp thêm sức sống, thỏa chí vẫy
vùng trong những lĩnh vực mình yêu thích và có cảm hứng sáng tác, như âm nhạc,
văn học, thi ca, nhiếp ảnh, hội họa…
Ở đó, tôi có nhiều “đất” dành cho sáng
tác, lý luận phê bình, nghệ thuật và đời sống, làng văn nghệ… Qua đó, trao cho
tôi cơ hội để rèn giũa ngòi bút, bồi dưỡng tình cảm, nhận thức, biết thận trọng
trong từng con chữ, ý tưởng, lỗi chính tả, dấu câu, ngữ nghĩa và nhất là nội
dung, tư tưởng cần chuyển tải… xem có mang lại lợi ích cho đời sống xã hội, cho
sự tươi mát của tâm hồn người đọc trong
từng bài viết của mình.
Ở đó, tôi bắt gặp và ngưỡng mộ sự làm việc
chu đáo, chỉnh chu của những thành viên Ban chủ nhiệm Bông Tràm. Từ khâu biên
tập, lên bài vở đến việc trả lời thư, sắp xếp, bố trí các chương mục khác, vừa
mang tính khoa học lại vừa đáp ứng được tính thẩm mỹ cần có của trang văn học nghệ
thuật, cho tôi bài học về sự mẫu mực trong công việc, giao tiếp.
Ở đó, tôi được dịp giao lưu, cảm thụ các
sáng tác văn học nghệ thuật của những cây bút trẻ tuổi đầy tiềm năng, đến những
tác giả có nhiều sáng tác được đắng tải cho đến những nhà văn, nhà thơ thành
danh trên văn đàn. Những Nguyễn Nhật Ánh, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Đại Bường,
Nguyễn Bá Hòa, Trịnh Bửu Hoài, Trương Nam Hương, Phan Trang Hy, Du Tử Lê, Phù
Sa Lộc, Lê Huy Mậu, Phan Võ Hoài Nam, Lê Thiếu Nhơn, Vũ Quần Phương, Đỗ Trung
Quân, Trịnh Sơn, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Ngọc Trà, Nguyễn Ngọc Tư, Từ Kế Tường,
Hàn Hữu Yên, và rất nhiều nửa… để bồi dưỡng tình cảm và tìm cảm hứng sáng tác
cho mình.
Ở đó, tôi có dịp thả hồn mình về với thời
gian, không gian văn hóa của miền sông nước Cửu Long thanh bình, dạt dào, đầy
sức sống mà bình dị, chân quê, dễ hòa hợp qua nội dung phản ảnh trong các tác
phẩm văn học. Tôi như được sống lại trong các buổi đờn ca tài tử, nghe lại những
bài ca vọng cổ; được chìm đắm trong điệu buồn bản Dạ Cổ Hoài Lang của cố nhạc
sĩ Cao Văn Lầu, được lênh đênh trên dòng sông Hậu… về đến tận Cà Mau, nghe nhà
văn nữ Nam bộ Nguyễn Ngọc Tư kể chuyện đời người nơi Đất Mũi.
Nơi ấy - văn nghệ Bông Tràm - sau năm năm
hình thành và phát triển (2011 - 2016) bây giờ, đối với tôi là nơi chốn bình
yên… giữa dòng đời xuôi ngược, nổi trôi, khô lạnh.
Nơi ấy, mỗi ngày sau những công việc thường
nhật, tôi có thể chậm rãi, từ tốn hít thở không khí trong lành, thanh sạch của
tình người, tình đất qua các trang viết. Có thể giọng văn, lời thơ, lời bình
chưa được trau chuốt, bóng bẩy, cuốn hút như những cây bút tài hoa, nhưng chắc
chắn đó là tiếng lòng, tiếng sóng nước Cửu Long hiền hòa cuộn chảy… như thế và
mãi mãi như thế trong dòng chảy và nhịp điệu bất tận của thời gian.
Nơi chốn ấy bình yên!
HỮU DU
___________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
5 MÙA HOA PHƯƠNG NAM
>> Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh phía dưới để vào mục lục số đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét