Có lẽ lâu rồi tôi mới đọc thơ Dung Thị Vân, nhà thơ ở cái buổi bóng ngã về phía ấy mà thấy thơ chị cứ vẫn nghiêng nghiêng phần trắc ẩn, như có điều gì xa vắng cứ ẩn khuất đâu đây. Đọc tên tập thơ Miên Trầm, tôi tự hỏi mình tại sao lại là Miên Trầm? Phải chăng đó là giấc ngủ có mùi hương trầm hay đốt nén hương trầm cho nỗi ưu tư chìm sâu vào giấc ngủ xa. Cả hai chưa chắc là chủ ý của nhà thơ nhưng tôi thầm nghĩ như vậy và tôi đọc Miên Trầm vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2015.
Dung Thị Vân đã lượng hóa nỗi buồn mùa đông xa xứ, cứ canh cánh trong thẳm sâu những ký ức mà chị viết:
Người quay đi hững hờ trong xác lá
Ta quay về chắp lại những ngày mơ
Chiều rất lạ giật mình hong nỗi nhớ
Rong ruổi xứ người thắp lại nến mùa đông
Không gian, thời gian của Dung Thị Vân là sinh quyển của biết bao kỷ niệm buồn. Cái khoảng thời gian mông lung ấy, canh cánh nỗi niềm đầy trăn trở, cứ muốn xóa đi cái ưu tư đầy đọa tâm can thiếu phụ dù đã ra đi ở một miền xa lắc:
Trong cuộc sống của mỗi một con người đều mang số phận riêng của nó. Có những cuộc đời dào dạt niềm vui, có những cuộc đời rong rủi những nỗi niềm khao khát mà chẳng đi đến niềm vui và có những cuộc đời đa đoan như dòng sông mùa đông.
Ta gom dày những chiều quái nắng
Sao tơ lòng vò nát mỗi mùa đông
Dung Thị Vân nhiếp chính vào những thân phận buồn đau của cuộc đời thi ca như Hàn Mạc Tử trong những chuyện tình day dứt:
Ta thao thức tình yêu Hàn nguyệt kỷ
Người bán trăng sao trăng mãi vặn mình
Ai mua trăng mà tình Hàn đau xé
Ai bán trăng mà trăng khóc Mộng Cầm
Bìa tập thơ Miên trầm của Dung Thị Vân
Nếu như Dung Thị Vân với những suy tư về miền quá khứ về cái lành lạnh của mùa đông viễn xứ và nỗi bất hạnh cùa thi sĩ họ Hàn thì trong sâu lắng vẫn nhớ về mùa cũ:
Đồi hoang khắc vệt nắng mưa năm nào
Trái tim hoang hoải chênh chao
Một đêm ngăn gió đi vào cõi khuya
Cái cõi khuya khoắt đó cứ dằn hắt, suy tư người thiếu phụ từng yêu thương, từng chung những niềm vui, nỗi buồn của một thời lãng mạn.
Có nghĩa là em về với gió
Bỏ lại bên bờ cây cỏ xước triền sâu
Sư ra đi khuyết cả hai miền đất lạ
Người vẽ trên đồi không xóa được dấu chân
Hình như những vần thơ này chị viết cho những chuyến đi đến nơi đất khách quê người hay đi tìm một chân trời mới của riêng tư. Song cái bóng dáng của ngày xưa ơi cứ canh cánh, cái tình quê cú quanh quẩn đâu đây như níu bước chân của kẻ đi xa.
Cái sâu xa của câu chữ trong những câu thơ này hình như chị đã nhận ra ai đó cứ mãi miết đeo đuổi cái bóng dáng của sự mơ hồ rồi sẽ trở về với thực tế hư không.
Ngày mai ta giã từ Phan Thiết
Bỏ cát hoe vàng muống biển gầy leo
Tạm biệt một chuyến đi, Dung Thị Vân có mấy bài thơ về Phan Thiết nó cứ lưu luyến, bâng khâng, lâng lâng như cánh chim chiều trở về tổ ấm... Chị viết những dòng ấy như đang tâm sự với cát, với biển bờ với mình và vẽ tím buồn cát đá.
Đọc Miên Trầm của nhà thơ Dung Thị Vân có một nỗi buồn man mác. Hình tượng ngôn ngữ đã được lượng hóa mới, đằm thắm hơn, nâng cao hơn. Chị biết gạt bỏ những câu chữ bình thường đi đến cái mới hơn, lãng mạn hơn. Có lẽ thi ca đã chọn Dung Thị Vân, ở đó người đàn bà thơ đã viết lên một thứ ngôn ngữ đa cảm và kinh nghiệm từng trải của những buồn vui. Thơ Dung Thị Vân như chính con người của chị, chấp nhận dấn thân vào biển đời, để đời quất vào mình những ngọn sóng bên bến bờ thời gian. Hình như thơ chị đang sống lại tuổi thanh xuân đi tìm một bến đỗ bình yên của tâm hồn, trong mỗi khi vượt qua cái hoang hoải cuộc đời.
NGUYỄN VŨ QUỲNH
_____________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét