Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Các tác phẩm của nhà thơ Nguyễn An Bình đã xuất bản cho đến tập thơ ĐÀ LẠT, TÌNH TÔI NGƯỜI LỮ KHÁCH tổng cộng là 12 đầu sách (thơ) 05 đầu sách (thơ phổ nhạc), 01 tập truyện ngắn và rất nhiều sách in chung (nhiều tác giả).
Đọc tựa tập thơ tôi hết sức ấn tượng. Bởi vì anh không sinh trưởng tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng mà anh lại dành trọn vẹn một tập thơ viết về vùng đất cao nguyên này với rất nhiều địa danh của tỉnh Lâm Đồng mà thành phố Đà Lạt là địa danh chính để dệt nên những bài thơ tình lãng mạn.
Mở đầu cho một tập thơ viết về Đà Lạt anh chọn địa danh hồ Tuyền Lâm ở Đà Lạt là bài thơ đầu tiên trong tập thơ. Phải chăng kỷ niệm đã thôi thúc nhà thơ không thể nào không tìm lại em của mười lăm năm về trước. Nhà thơ đi tìm để thấy nỗi lòng buồn bã như câu thơ than thở “ thời gian thành vết sẹo dài đó em. Tình yêu mà ví von như một vết sẹo dài thì ắt hẳn tình yêu đó chẳng bao giờ quên được. Vết sẹo là ấn tượng cho một vết hằn, mà đã là vết hằn thì muôn đời còn để lại dấu vết, hẳn nhà thơ sẽ đau thương vô cùng. Nhưng yêu mà không nhớ không buồn thì chẳng phải là tình yêu. Cho dù bóng chim trời có bay đi thì những dòng thơ anh vẫn dệt vẫn viết cho người. Ta hãy nghe dòng thơ anh tâm sự:
Về đây tìm lại một người
Mười lăm năm bóng chim trời đã bay
Hàng cây trốn gió chiều nay
Thời gian thành vết sẹo dài đó em
(Bên hồ Tuyền Lâm)
Thế rồi những hẹn hò lại dẫn dắt thơ anh từ Đà Lạt xuống B’ Lao (Bảo Lộc) với khoảng cách 115 km. Và từ Bảo Lộc đi vào Đại Bình khoảng 15km. Nhưng khi đã yêu thì như ông bà cha ta đã nói “Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”. Vậy thì 130 km có là bao khi mà người tình đã hẹn.
Người hẹn ta về phố núi
Đợi nhau lên dốc Đại Bình
Sa-Pung một màu sương đục
Cùng chờ tia sáng bình minh
(B’Lao tình đất tình người)
Tình yêu thực màu nhiệm khiến người ta luôn thốt lên câu cảm ơn bao quát cả một địa danh. Em ở Đà Lạt cho tôi phải cám ơn người Đà Lạt. Những từ thật hay và lãng mạn như: “Tóc người ngái ngủ / tím sương hồ”. Để chứng minh cho tấm lòng của mình, thì Nguyễn An Bình cũng vậy...
Lại nhớ rồi. Em, một sớm mai
Tóc người - ngái ngủ ở trên vai
Mấy chiếc lá. Bay, tràn qua ngõ
Chắc tím sương hồ - vào tối nay
Cho tôi cám ơn. Người Đà Lạt
Đến giữa đời nhau. Thật bao dung
Núi đồi. Cứ giữ tình tôi nhé
Dù mới xa rời. Mấy bước chân
(Cám ơn người Đà Lạt)
Nhà thơ luôn tự hỏi về tất cả... nào hoa lá nào cỏ cây. Liệu “Trăm năm biết có bể dâu tương phùng”. Tình yêu luôn là những điều tự hỏi rồi được trả lời trong thinh lặng cùng nỗi lòng tưởng tượng. Phải có những nỗi niềm như thế mới là yêu và nhà thơ mới có được những bài thơ tình lãng mạn cho người đời đọc...Đà Lạt là xứ hoa đào đẹp lãng mạn cũng đã đi vào thơ của Nguyễn An Bình, nhà thơ ví như hoa thả trên vai em rồi “rụng xuống hồ hồng cả cõi thiên thu”.
Người về vui với cỏ hoa
Có hay chiếc lá thương tà áo bay
.
Rồi mai nắng quái lưng đèo
Mưa đêm Đức Trọng sương chiều B’ Lao
.
Bên hồ lặng ngắm mưa ngâu
Trăm năm biết có bể dâu tương phùng
(Cỏ hoa cùng người)
Chẳng phải loài hoa nào cũng níu giữ mùi hương
Níu cả nhớ thương đi qua quảng đời trai trẻ
Có phải em ngồi ngắm hoa đào – vừa nở sáng nay
Lại hãi sợ ngày mai biết đâu không còn nữa
Sợ những cánh đào phai sẽ rụng đầy trước cửa
Bên bờ Xuân Hương, nhuộm cả nước Tuyền Lâm.
Ngày sắp hết trên ngọn đồi thênh thang gió
Những cánh hoa đào – thả trên vai em bỏ ngỏ
Chao rụng xuống hồ hồng cả cõi thiên thu.
(Có mùa hoa đào giấu trong mắt em)
Núi đồi Đà Lạt luôn là hình tượng cho người thơ thêu dệt một mối tình. Từ một quán nhỏ ven hồ bên ly cà phê nóng và cả đến màu áo, sợi tóc cũng cho người thơ những câu thơ tình tuyệt đẹp và thơ mộng.
Ta cùng quán nhỏ ven hồ
Ly cà phê nóng cuộc trò chuyện vui
Ghế thôi đã lạnh chỗ ngồi
Biết ai xuống núi lên đồi tìm nhau.
(Còn ai xuống núi lên đồi tìm nhau)
Nói đến Đà Lạt là người ta luôn liên tưởng đến núi đồi, thác ghềnh và những loài hoa tuyệt đẹp tượng trưng cho Đà Lạt như hoa đào, mimosa, phượng tím. Hầu như tới mùa hoa nở ai cũng muốn mình có dịp đến để ngắm hoa và chụp những tấm hình làm kỷ niệm. Với nhà thơ Nguyễn An Bình tình yêu cũng đã đan xen vào mùa phượng tím lãng mạn trữ tình dù chỉ là phượng tím cuối mùa còn sót lại. Nhưng tình yêu thì vẫn trinh nguyên lời hẹn. Hầu như đa số địa danh anh đã đi qua. Nhất là những cơn mưa phùn Đà Lạt vừa lạnh, vừa đẹp, vừa buồn và kể cả phải chia tay nhau cho dù xót xa nhưng câu thơ vẫn đẹp và mộng mị. Với anh. Đà Lạt dường như nơi nào anh cũng có quá nhiều kỷ niệm để dệt nên những bài thơ vương vấn.
Cành phượng tím đã tàn chưa em nhỉ?
Đã bao năm em chẳng nhớ nơi nầy
Mimosa vàng cả một trời mộng mị
Tôi bốn mùa vẫn giữ nụ tình phai.
Người về đâu qua bao mùa hạ trắng
Ngủ trong tôi một giấc mộng dài lâu
Thương phượng tím cuối mùa còn sót lại
Vẫn trinh nguyên lời hẹn thuở ban đầu.
(Cuối mùa phượng tím)
Thơ Nguyễn An Bình là những dòng thơ trữ tình du dương mật ngọt. Cho dù có phải chia xa thì lời thơ anh cũng vẫn vỗ về em cho ta linh cảm dù chia xa nhưng anh vẫn mong ngày gặp lại. Nhất là phải chia xa vào những ngày mưa phùn Đà Lạt nó đẹp và thơ biết chừng nào. Phải chăng lời chia tay của nhà thơ vào cơn mưa phùn Đà Lạt chỉ là những dỗi hờn trong chốc lát. Để niềm đau hạnh ngộ chắc hẳn sẽ không như thơ và tình yêu sẽ trở về. Nên những bài thơ của tác giả vẫn cứ lần lượt ra đời với bao nỗi yêu thương và nhớ nhung về Đà Lạt.
Những con dốc một thời em đã đi qua
Cố giấu nỗi buồn và tiếng thở dài xa ngái
Tôi gởi lại núi đồi những buổi chiều mê ngủ
Dây hoa móng rồng xanh níu chân khách lữ
Có mấy bậc thang rêu phong của từng con dốc
Không tìm thấy người thiếu phụ đi tìm bông hoa
Mang tên hạnh phúc cho cuộc đời mình
Mỗi người chúng ta đều giữ trong lòng một ước mơ thầm kín
Ngát hương của một thời tuổi trẻ
Tôi sẽ chẳng còn gặp em ở bất cứ đâu bất cứ nơi nào
Trong một Đà Lạt khói sương trùng trùng mộng dữ
Niềm đau hạnh ngộ sẽ không dành cho một ai
Trong hai chúng ta khi thời gian
Viễn du vào không gian đầy huyễn hoặc
Chia tay cơn mưa phùn Đà Lạt
Chia tay em nhé.
(Chia tay em cơn mưa phùn Đà Lạt)
Thơ Nguyễn An Bình mỗi câu thơ đọc lên âm vang như lời của nhạc. Cho nên vì thế mà phải nói rằng anh rất bén duyên với đa số nhạc sĩ. Thơ anh được phổ nhạc rất nhiều. Tôi được biết tính đến nay ( tháng 9/2021). Anh đã có cả ngàn bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc. Tiện đây tôi cũng xin chúc mừng anh. Vì không phải ai cũng có duyên được các nhạc sĩ phổ thơ của mình.
Với Đà Lạt / Lâm Đồng cứ đến mùa hoa quỳ thì hai bên đường những nơi nào còn cỏ mọc thì nơi đó còn những bụi hoa dã quỳ vàng rực nhìn đẹp đến nao lòng. Bởi vậy nhà thơ Nguyễn An Bình đã dành cho loài hoa dại ở xứ cao nguyên những câu thơ hết sức ấn tượng và người thi sĩ trong thơ đã phủ phục trước một loài hoa dại đầy đắm mê này cho dù những câu thơ anh chỉ là chiêm bao ma mị.
Xin cho tôi hôn từng cánh hoa dã quỳ
Dẫu biết đó chỉ là giấc chiêm bao
Dẫu lắt lay trong nắng sớm mưa chiều và từng đêm trở gió
Vẫn thấy em ngụ trong tim làm tôi ngạt thở
Khi xe vừa lăn qua Liên Khương, Đức Trọng, Di Linh
Khi xe vừa cắm cúi xuống đèo Bảo Lộc, Đèo Chuối
Đem tôi về lại đồng bằng gió bụi mênh mông
Ôi cánh đồng hoa dã quỳ vẫn nở suốt mùa đông
Và mái tóc em dịu dàng trong chiếc khăn quàng cổ tím
(Dã quỳ thương nhớ)
Nếu là dân Đà Lạt thì ắt hẳn sẽ không ai xa lạ với trái hồng. Đến mùa hồng thì các sạp bán trái cây màu cam đỏ của trái hồng nhìn thật đẹp mắt mà ai nhìn thấy cũng muốn mua về thưởng thức hoặc để làm quà cho người thân.
Không biết những tình cảm đã dẫn dắt và níu kéo như thế nào mà nhà thơ đã thốt nên những câu thơ dành cho em thật thiết tha và trìu mến. Ôi bàn tay em trẩy quả hồng đầu tiên vừa chín tới với lời hẹn ước tháng chạp trở lại tại D’ran đầy thương yêu và nhung nhớ.
Vườn hồng nhà ai vừa chín tới
Phải em – người trẩy quả đầu tiên
Xanh mướt su hào quanh triền núi
Mượt mà như thể bàn tay em?
Tháng chạp ước gì anh trở lại
Nhìn sắc hoa vàng nhớ áo em
Chút tình gới lại D’ran phố
Đồi núi sương mờ trong bóng đêm.
(D’ ran chút tình gởi lại)
Khi đã yêu thì hầu như bất kỳ điều nhỏ nhặt nào cũng khiến người ta yêu và nhớ rồi nhắc nhở. Nguyễn An Bình cứ đi từ cõi đê mê này qua cõi đê mê khác và cảm tất cả những gì nơi em đang sống và thi sĩ đã ví em như nàng tiên từ cổ tích bước ra. Tất cả những điều đó đã là nỗi nhớ quắt quay và nỗi nhớ ấy đã đi theo thi nhân vào giấc ngủ mà khi trở mình nhà thơ đã cảm như “ Đêm trở mình sợi tóc cũng tương tư”. Ôi một câu thơ hay đầy nỗi trăn trở của lòng người mà chỉ có tình yêu mới có thể cảm nhận được.
Tôi vẫn thích ngắm nhìn em như thế
Như nàng tiên từ cổ tích bước ra
Mùi khoai nướng thơm lừng trong cái rét
Đêm trở mình sợi tóc cũng tương tư.
Đà Lạt không quên những ngày mưa cuối
Một người quen ngồi thả lá bên cầu
Trong sương khói bàn tay còn chút ấm
Lạnh đất trời một thuở có tìm nhau?
(Đà Lạt, những ngày mưa cuối)
Nhà thơ Nguyễn An Bình đã viết ĐÀ LẠT, TÌNH TÔI NGƯỜI LỮ KHÁCH với một tập thơ tình đầy lãng mạn về núi đồi cao nguyên Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng. Một tập thơ hầu như bài nào cũng hay. Cho nên trích dẫn thực sự tôi cũng không biết phải chọn như thế nào. Bỏ câu nào tôi cũng tiếc. Nhưng cuối cùng tôi cũng không thể nào trích hết vì quá nhiều câu hay. Thôi thì để dành cho bạn đọc sẽ đọc và cảm nhận như những bản nhạc tình đưa hồn mình về với cõi yêu thương nhung nhớ...
Mùa phượng tím rũ xuống đời lầm lũi
Từng giọt buồn lay động tiếng mưa rơi.
Mai xa lắc đồi thông reo xanh mướt
Cà phê thơm môi ngọt tiếng em cười
(Đêm giã từ Đà Lạt).
Em đến nơi nầy từ những cánh rừng mưa
Đà Lạt vấn vương gieo neo tình em ở lại
Tôi lữ khách đâu hiểu hết lòng con gái
Như hoa móng rồng sáng nắng lại chiều mưa
(Đi tìm mùa hoa móng rồng)
Lại nhớ em – những cơn mưa Đà Lạt
Nhớ con đường hồng nhuộm áo đỗ quyên
Khi yêu nhà thơ thường tự hỏi không biết mình nhớ điều gì. Chàng thi sĩ không hỏi em của tình yêu mà hỏi cả một Đà Lạt thân thương khi có bóng hình người yêu mình ở đó. Hẳn là người Đà Lạt thì cà phê Tùng - một quán cà phê mà ai cũng biết, như Hồ Xuân Hương vì đó là những nơi mà người Đà Lạt thường tìm niềm vui bên tách cà phê hay đi dạo trên ven bờ hồ ngắm cảnh nước trời mênh mông dưới hàng cây lãng mạn và chụp những tấm hình ghi một vài kỷ niệm.
Vùng núi đồi Lang Biang tuyệt mỹ theo truyền thuyết của đôi tình nhân mà ai đi Đà Lạt cũng hiếu kỳ muốn biết. Nơi nào cũng là những dấu chân kỷ niệm của nhà thơ. Nên bài thơ nào của anh cũng cứ bâng khuâng hoài niệm về một mối tình tưởng sẽ chia xa, nhưng rồi lại tìm về. Phải chăng đó là nỗi niềm của nhà thơ “Đà Lạt tình tôi người lữ khách”. Vâng, cái vương vương đó là nỗi lòng của nhà thơ. Bởi cái gì mình không thể nào có được trong thực tại thì nó đẹp vô vàn.
Nói như Hồ Dzếnh trong bài thơ Ngập ngừng:
“Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn đang dở”
Dù đó chỉ là một câu nói trấn an cho một mối tình không trọn vẹn. Chứ ai không mong cầu một hạnh phúc vẹn toàn. Bởi thế mà nhà thơ luôn có những áng thơ tuyệt mỹ về vùng cao nguyên này cho chúng ta cùng thưởng thức. Nơi nào anh cũng đi qua và cũng đong đầy kỷ niệm. Ta hãy cùng nhau đọc những đoạn thơ tình của anh qua rất nhiều địa danh...để hiểu anh đã nhớ thương như thế nào... nhưng sao không là người con của Đà Lạt mà cứ mãi hoài là lữ khách...
Đà Lạt có gì – sao anh nhớ
Giây phút dừng chân chợt nhói lòng
Phải lòng con gái cao nguyên ấy
Một đời thơ thẩn giữa ngàn thông.
(Giữa ngàn thông Đà Lạt)
... Lặng bên hồ Xuân Hương
Con ngựa thồ mắt ướt
Nhớ chiếc bàn cũ kỹ
Trong quán cà phê Tùng
Nghe mùi thơm bốc khói
Lặng lẽ màu thủy chung.
(Lại nhớ về Đà Lạt)
Trở lại Lang Biang núi đã bạc đầu
Nghe trời đất kể chuyện tình bất tử
Ta buồn bã đem trái sầu xuống núi
Mất lối về quạnh quẽ cả ngàn lau.
(Lang Biang ngày trở lại)
Mùa hoa cũ lạc về đâu em nhỉ
Tôi lang thang trôi mất một mùa hè
Em giấu tình trong nụ hoa chưa kịp nở
Để đường về lòng rợp bóng mây
(Những mùa hoa oải hương)
Tạ ơn em - Đà Lạt
Tìm chi dấu thời gian
Thương loài cây trốn gió
Cuộc tình thuở nào tan?
(Tạ ơn người Đà Lạt)
...Tím chi tím quá phượng ơi
Để người phố núi ngậm ngùi chia tay.
Không còn ai mượn bờ vai
Nên se sắt lạnh - Sóng đầy mắt nhau
Bình yên em nhé – Ngày sau
Môi thơm còn giữ một màu tím xưa.
(Thuở Đà Lạt, dịu đang màu phượng tím)
Một Đà Lạt thơ mộng trữ tình đã đi vào thơ của Nguyễn An Bình đến nồng say mê đắm trong những đêm thảo nguyên mênh mông huyền hoặc. Nào mơ về em một mùa cỏ hồng mà người đã trôi theo mùa trăng cổ tích cùng tiếng gió đại ngàn còn thổn thức mãi với thời gian. Phải chăng bãi cỏ là những kỷ niệm một thời yêu nhau mà kết cỏ làm nhẫn. Nhà thơ nhắc khá nhiều về hoa phượng tím. Một loài hoa đến mùa nở mà ai cũng phải trầm trồ. Hoa đẹp và lãng mạn như vậy thì đôi tình nhân nào không một hay nhiều lần ghé đến. Ắt hẳn nhà thơ cũng có rất nhiều kỷ niệm với loài hoa này. Ôi một Đà Lạt cứ để thi nhân phải yêu người ngóng núi... mà không thoát ra khỏi sự nhớ thương...đến rồi đi rồi chờ rồi đợi và tự hỏi ly rượu này đêm nay ai sẽ cùng ta uống cạn...
Đêm thảo nguyên mênh mông đầy huyền hoặc
Sao ngang trời lấp lánh xuống đồi trăng
Trái yêu đương đã qua mùa quả ngọt
Mùa cỏ hồng em có kịp về không?
Người yêu người trôi mùa trăng cổ tích
Gió đại ngàn ngậm tiếng thở thời gian.
(Trăng trên đồi cỏ hồng)
Bao mùa hạt cỏ bay đi
Có ươm lại kiếp xuân thì cho nhau
Đất cằn, khô dấu, mai sau
Vết chân chim, rụng, kiếp nào đã quên.
Vê nghe cỏ hát dưới chân
Vẫn xanh như kiếp tình nhân thuở nào
Tóc người thơm mãi ngàn sau
Một thời nhẫn cỏ hằn đau da người.
(Về nghe cỏ hát)
Đêm Đà Lạt ngày cuối năm ẩm ướt
Mưa bụi giăng giăng hết một kiếp sầu
Hòn sỏi nhỏ ném xuống hồ thinh lặng
Âm sóng vô tình giấu kín vết đau.
Khi ta về nằm trên đồi phượng tím
Đón một vì sao vừa rụng nơi nầy
Hương cỏ dại tiễn chân người xa ngái
Ly rượu buồn ai uống cạn đêm nay.
(Viết trên đồi phượng tím)
Ta yêu người ngóng núi
Yêu sương tím ven hồ
Con sông buồn tiếc nuối
Một cuộc tình vừa xa.
(Yêu người ngóng núi)
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã viết: “Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi...”. Phải chăng vì thế mà Nguyễn An Bình đã trở thành NGƯỜI LỮ KHÁCH TRÊN NHỮNG DỐC TÌNH ĐÀ LẠT. Một Đà Lạt đắm say và đẹp đến nao lòng thì làm sao mà nhà thơ có thể chia xa được. Thôi thì định mệnh có thể đã không cho nhà thơ được một tình yêu trọn vẹn thì xin cho thi nhân cứ mãi hoài làm lữ khách để lâu lâu thi nhân có dịp tìm về đi trên những con đường “nghe chiều rơi” và bâng khuâng nhớ về một thuở. Một thuở em và tôi đã cùng nhau trác tuyệt trong một mối tình...
Saigon, Sep 23, 2021
Dung Thị Vân
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét