Người tích lũy nhiều kinh nghiệm sống đã
đúc kết: “Có ba điều không nên tiếc nhớ: Ngày hôm qua. Cuộc tình đã ra đi. Một
người bạn không ra gì”. Trịnh Cung đã làm như thế và Trịnh Công Sơn cũng đã làm
như thế trong thơ và nhạc.
"Ừ thôi em về
Chiều mưa giông tới
Bây giờ anh vui
Hai bàn tay đói
Bây giờ anh vui
Hai bàn chân mỏi
Thời gian nơi đây
Bây giờ anh vui
Một linh hồn rỗi
Tình yêu xứ này".
Trịnh Cung đã làm như thế vì tuyệt vọng
trong tình trường, muốn quên đi một hình bóng giai nhân đã dứt áo ra đi, lấy
chồng theo sự ép buộc của cha mẹ, không đoái hoài đến niềm si mê của chàng
thanh niên thi sĩ.
Thuở ấy “Ở Đại học Văn khoa Huế, có cô
Trần Thị Nh. H. Cô không nằm trong danh sách người đẹp, nhưng hay mặc áo dài
tím, dáng đi mềm mại như tơ, hát hay, nên H. rất được mến mộ. Họa sĩ Trịnh Cung
lúc còn học ở Mỹ Thuật Huế rất mê nhưng gia đình nàng không chấp nhận. Vì tuyệt
vọng, anh đã làm bài thơ “Cuối cùng cho một tình yêu”.
"Một lần
yêu thương
Một đời
bão nổi
Giã từ
giã từ
Chiều
mưa giông tới
Em ơi,
em ơi
Sầu
thôi xuống đầy
Làm sao
em biết
Mưa
ngoài song bay
Lời ca
anh nhỏ
Nỗi
lòng anh đây".
(thơ Trịnh Cung, năm 1958)
Bài thơ bốn chữ, dung lượng vừa phải, ngôn
từ giản dị, chân thành, tứ thơ nhẹ nhàng, cụ thể về một tình yêu tuyệt vọng,
cam chịu… Song với từ ngữ, hình ảnh mới mẻ, lạ lẫm; những so sánh, ẩn dụ rất
hình tượng, đầy sức ám ảnh: em về/mưa giông tới; một lần yêu thương/một đời bão
nổi. Hay, nỗi sầu được thi vị hóa bằng hình ảnh, âm thanh lên xuống đột ngột,
đầy biến động, tạo được hiệu ứng cho nội dung cần chuyển tải.
Trịnh Cung cho biết: “Tôi gặp Trịnh Công
Sơn năm 1958 tại Huế, lúc đó Sơn 17 và tôi 18 tuổi. Chúng tôi chơi với nhau vì
cùng tâm hồn thi ca, và bởi vì lúc đó tôi chưa hề là họa sĩ... Sơn thích thơ của tôi và đã phổ bài “Cuối cùng cho một tình yêu” trong năm đó…Khi Sơn phổ nhạc bài thơ của tôi, nhạc của
Sơn bắt đầu một chương khác, do ngôn ngữ bài thơ lúc đó rất mới. Tôi đã dùng
những chữ “đói”, “mỏi” trong thơ, mà lúc này Sơn lại thích bài thơ đó”.
Trịnh Công Sơn đồng cảm và thích giọng
điệu của bài thơ ấy, bởi cũng đồng tâm trạng buồn tình, đau khổ vì yêu trước
đó, thể hiện qua các bài hát “Ướt mi”, “Thương một người” và “Nhìn những mùa
thu đi”.
*
Giai điệu bài hát được mở đầu bắng hai nốt
cao. Gần như cao nhất ở các quãng trong những ô nhịp của bản nhạc. Đó như một
tiếng kêu thảng thốt, một cam chịu, một thực tiễn đớn đau về một tình yêu đã
trở thành giông bão...
"Ừ thôi… em về (rế rế… la fa)
Chiều mưa giông tới"
Sau đó, giai điệu chuyển dần xuống thấp,
trầm, nhẹ nhàng, như đang thầm thĩ về nỗi buồn, về sự mất mát lớn lao của đời
mình:
"Bây giờ, anh vui - hai bàn tay đói
Bây giờ anh vui - hai bàn chân mỏi
Bây giờ anh vui - một linh hồn rỗi
Tình yêu xứ này".
Nhịp 3/4, điệu Boston (hoặc Valse), tone Re (D), âm giai
trưởng, nhẹ nhàng, khuynh hướng vui, làm dịu bớt nỗi sầu đau, tuyệt vọng. Chỉ
còn là lời thở than, cam chịu… như tính cách thanh niên, nam nữ ứng xử trong
tình yêu thời bấy giờ.
Đoạn cuối bài nhạc, giai điệu trở lại
những nốt cao, như một sự thao thức, trăn trở về cuộc tình đã ra đi trong một
ngày giông bão. Bão nổi ngoài trời hay bão nổi trong đời mình!
"Một lần yêu thương
Một đời bão nổi
Giã từ giã từ
Chiều mưa giông tới
Em ơi, em ơi!"
Các nốt nhạc như nhảy nhót, lên xuống bất
thường trong các khuông nhạc… tạo ra hiệu ứng về sự thay đổi đột ngột, mãnh liệt
trong tâm trạng của kẻ thất tình:
"Sầu thôi xuống đầy
Làm sao em biết
Mưa ngoài song bay
Lời ca anh nhỏ
Nỗi lòng anh đây."
*
Đây là bản nhạc hiếm hoi được Trịnh Công
Sơn phổ nhạc, trong gia tài trên dưới 600 bài
hát của nhạc sĩ! vì tình cảm bạn bè, vì duyên văn nghệ là chính; bù lại
Trịnh Cung cũng họa lại một hai ảnh chân dung nghệ thuật nhạc sĩ họ Trịnh trong
lúc cảm hứng. [...]
Dù vậy, thân phận âm nhạc “Cuối cùng cho
một tình yêu” vẫn đầy sức sống, vẫn đẹp, vẫn thu hút người thụ hưởng bởi nét
nhạc tài hoa của nhạc sĩ họ Trịnh! Tôi và bạn bè trang lứa thời trai trẻ, nhiều
lần đã hát, đã nghe, đã lắng chìm trong âm nhạc của bài hát này. Lần nào cũng
vậy, thấy lòng nhẹ nhõm, thấy được cảm thông và chia sẻ nỗi buồn trong tình
yêu, thân phận.
Một phần cũng nhờ vào ca từ có tính văn
chương nhưng phần lớn là giai điệu, nhẹ nhàng, ngọt ngào, du dương, thấm đẫm.
Câu nhạc kết bài là điểm đặc sắc, sáng tạo, ngẫu hứng của nhạc sĩ; cũng là câu
nhạc hay nhất, tạo ấn tượng mạnh mẽ nhất cho bản nhạc:
"Sầu thôi xuống đầy (la rế la sol)
Sầu thôi… xuống… đầy (la mí… đô…
la… sol… mi… rề…)"
Một chuỗi âm thanh chuyển dịch nhẹ nhàng,
trầm bổng một cách uyển chuyển, độc đáo… như chuyển động của một nửa hình sin, như
âm điệu của một quả bóng xì hết hơi, như hơi của một tiếng thở dài thườn thượt… về
một tình yêu đã ra đi, để nỗi sầu buồn lặng chìm trong đáy mắt !
HỮU DU
_________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét