“Đêm thấy ta là thác đổ” là một giấc mơ - “Giấc
mơ đời hư ảo” - như một câu nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong giấc mơ ấy, Trịnh
Công Sơn dẫn chúng ta về miền kí ức xa xôi, thơ trẻ, êm đềm, đầy mộng tưởng… đẹp
và thoáng qua như giấc mộng ban chiều:
“Một đêm bước chân về gác nhỏ
Chợt nhớ đóa hoa tường vi
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ
Giờ đây đã quên vườn xưa”
Đà Lạt, hay Huế, hay Sài Gòn… với gác trọ,
với hoa tường vi và nỗi cô đơn đã biến thời gian thành kỷ niệm… Ở đó, Trịnh
Công Sơn thấy mình được sống hồn nhiên, vô tư như lá cỏ; được ca hát tự do
trong không gian im lắng, vừa lạ vừa quen nhưng hết sức rộng lượng của thành
phố:
“Đời ta có khi tựa lá cỏ
Ngồi hát ca rất tự do”
Rồi lại thấy mình bé thơ như trẻ nhỏ, rong
chơi với nỗi nhớ nhà, nhớ những mùa xuân êm đềm đã nhẹ bước đi qua đời mình. Để
rồi, thảng thốt kêu lên những lời tiếc nuối:
“Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ
nhà
Từ những phố xưa tôi về
Ngày xuân bước chân người rất
nhẹ
Mùa xuân đã qua bao giờ
Nhiều đêm thấy ta là thác đổ
Tỉnh ra có khi còn nghe”
Đôi khi lại là tiếng reo vui của người
nghệ sĩ khi nhớ về những kí ức đẹp, khi lòng đang rộng mở với thế gian, hay khi
dạo bước giữa chợ đời, hồn nhiên trước những điều mới mẻ!
“Một hôm bước chân về giữa
chợ
Chợt thấy vui như trẻ thơ”
Trong giấc mơ ấy còn có cả nỗi buồn, nỗi
buồn của kiếp người, nỗi buồn thân phận, nỗi buồn hư vô triết học.
“Nhiều khi thấy trăm nghìn
nấm mộ
Tôi nghĩ quanh đây hồ như
Đời ta hết mong điều mới lạ
Tôi đã sống rất ơ hờ”.
Có
phải là dấu mốc phản ảnh những năm tháng chiến tranh; sự khắc nghiệt, tử biệt,
sinh li và cuộc sống lẫn trốn, bị đe dọa bởi thời cuộc đã phả vào tâm hồn ông
những hình ảnh bi quan và thái độ sống buồn chán, tẻ nhạt, leo lét?
“Đời ta có khi là đốm lửa
Một hôm nhuốm trong vườn
khuya”.
Cũng may, còn tình yêu, còn sự xung động
của con tim đã giúp nhạc sĩ gắn kết lại với
cuộc đời. Dù tình yêu ấy có bẽ bàng, phụ bạc, nhưng đó lại là một phần của đời
sống Trịnh Công Sơn! Yêu thương, cam chịu, nhẹ nhàng như dòng suối chảy, như
thể một giấc mơ.
“Lòng tôi có đôi lần khép cửa
Rồi bên vết thương tôi quì
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia”
Nhịp 2/4 chậm rãi, điệu Blue khắc khoải, âm
nhạc của “Đêm thấy ta là thác đổ” thật sự là một điệu buồn. Nó rỉ rả, tha thiết
kể lể với chúng ta về một dòng sông kí ức chảy trôi trong tâm tưởng. Có khúc
sông vui dào dạt, có khúc sông buồn miên man và có khúc cuộn trào như thác đổ… Như
một điệp khúc, nhiều lần, nhiều đêm như vậy, đều “thấy ta là thác đổ”, mãnh
liệt đến nỗi “tỉnh ra còn nghe”.
Góp phần tạo nên sức sống bền bĩ cho “Đêm thấy
ta là thác đổ” là lớp ca từ đầy sức ám ảnh. Với vỏ bọc ngoài nhẹ tênh, giản dị,
đời thường nhưng lại chuyên chở sự nặng chịch của những dụ ngôn nghệ thuật. “Đời
ta hết mong điều mới lạ / Tôi đã sống rất ơ hờ”, “Nhiều đêm thấy ta là thác đổ /
Tỉnh ra có khi còn nghe”…
“Đêm thấy ta là thác đổ” như một bản sao cuộc
sống của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn! Ông đã sống hết mình với âm nhạc, với tình
yêu, với cuộc đời, ầm ào như thác đổ… rồi bình yên về chốn hư vô, cùng với
những giấc mơ đời hư ảo.
HỮU DU
_________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét