Lý do dẫn anh đến với ý tưởng đó cũng hoàn toàn đơn giản. Anh nhận thấy thời bây giờ cũng lắm kiểu "Số đỏ" lắm, chỉ có cái "mẫu mã" bên ngoài thì khác thời kỳ đầu thế kỷ 20 mà thôi.
Từ đó, tôi bắt đầu chú ý hơn về những bộc lộ của xã hội, đặc biệt của giới trẻ gần với phương Tây, và nhận ra rằng xã hội này thực sự đang chứa đầy những câu chuyện "Số đỏ" thời hiện đại.
Cốt lõi của câu chuyện "Số đỏ" hài hước và sâu cay của Vũ Trọng Phụng bắt nguồn từ một hiện tượng xã hội hiện thực được gọi là công cuộc Âu hóa, khai sáng cho dân Việt Nam ở giai đoạn khoảng 80 năm trước. Bây giờ, xã hội Việt Nam cũng đang đối diện một cuộc "Âu-Mỹ hoá" khác, bằng những đợt sóng dữ dội hơn bởi lẽ thanh niên Việt Nam hiện nay được tiếp xúc với văn hoá ngoại lai dễ dàng hơn từ nhiều phương cách: trực tiếp thẩm thấu từ các chuyến đi du học, du lịch, công tác hoặc gián tiếp nhờ vào công cụ phát tán rộng rãi bậc nhất có tên internet.
Tất nhiên, việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài, và học hỏi nó, là một trong những yếu tố hàng đầu để tiến bộ và không thể bị mang ra để mỉa mai hay chỉ trích như thời của cụ Vũ Trọng Phụng, nhưng trong cách tiếp xúc học hỏi thế giới bên ngoài ấy vẫn ánh lên những tia xạ cho thấy những vấn đề của xã hội hôm nay.
Lướt qua một vòng những diễn đàn nóng trên mạng hiện nay như vấn đề bảo vệ động vật, hay vấn đề "có nên hợp pháp hóa mại dâm", ta dễ thấy giới trẻ của chúng ta hôm nay rất gần với các giá trị văn minh trên thế giới. Họ yêu động vật hơn, họ bắt đầu có cái nhìn hiện đại, hợp thời hơn với ẩm thực, họ đánh giá vấn đề bằng học thức chứ không chỉ khư khư giữ mình trong cái gông mang tên "truyền thống"; "phong tục"; "đạo lý Á Đông khắc khổ".
Tiếng nói của giới trẻ, ở góc độ nào đó, phải thừa nhận là vô cùng cởi mở và đáng nghiên cứu. Tuy nhiên, tất cả những cởi mở, văn minh, đáng nghiên cứu đó hiện thời chỉ dừng lại ở mức độ những vấn đề đô thị mà thôi. Tức là nói thẳng ra, giới trẻ hiện đại chỉ quan tâm tới những gì mang tính thời thượng, gần với môi trường họ đang sống chứ chưa nhìn khắp được vấn đề ở cả các hạng mục, vùng miền khác biệt với môi trường hẹp của họ.
Tất nhiên, không phải tất cả họ đều như vậy nhưng đa số cùng thể hiện một quan tâm tương đồng nhau. Điều đó đồng nghĩa với việc đang hình thành một "thái độ, quan điểm mang tính đô thị" như thể là sự "đô thị hóa" trong tư tưởng của người trẻ hiện đại.
Sẽ là tích cực hơn nhiều nếu như giới trẻ Việt Nam thể hiện sự hiện đại hơn của mình trong hành động, suy nghĩ, quan điểm hướng tới cả những vấn đề vốn dĩ "xa lạ" với họ như những vấn đề phát triển nông thôn, vấn đề thu hẹp khoảng cách về dân trí giữa nông thôn và thành thị thay vì chỉ chăm chú quá vào những vấn đề gần với họ, những vấn đề thể hiện họ là những người cấp tiến thành thị đơn thuần. Chính vì sự xa cách ấy của họ với những thứ vốn gần gụi với văn hóa người Việt, gần gụi với đời sống người Việt đã vô tình biến họ thành một thế hệ kiểu "Số đỏ thời hiện đại", một thế hệ mà có nhiều người bỗng nhiên trở nên hơi dị hợm so với mặt bằng chung dù rằng thực chất họ không đáng bị xem là như vậy.
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta phải cùng nhận thức với nhau rằng những thứ thời thượng, thành thị giống như con thuyền còn những thứ dân dã, gần gũi với đời sống thôn quê giống như nước. Con thuyền không thể tự nâng mình lên được nếu như nước không lên và do đó, mối quan tâm của thời đại cũng phải được thể hiện ở nơi"'nguồn nước". Khi ấy, chính áp lực của mức "nước" kia khiến "thuyền" phải cải thiện mình. Và từ đó, cái hiện đại hoá, văn minh hóa sẽ không chỉ dừng lại ở một bộ phận nhỏ, với tiếng nói yếu ớt nhiều khi đến lạc lõng.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét