Phía sau nhà
Điên Điển có một con kênh nhỏ, hai bên bờ rợp xanh hàng còng và điên điển. Bên
tay phải có một chiếc cầu ván cao cao, xập xệ vắt ngang con kênh để sang xóm
cồn. Ngày nào Điên Điển cũng ra bờ sông giặt áo, xách nước tưới cây…
Đâm quen,
hôm nào không ra, không đụng được dòng nước xanh lơ rượi mát, không được ngắm
nghía cảnh chiều tà… là không chịu được, cứ như thất hẹn với người yêu (dù có
bao giờ cô hẹn hò đâu). Bước ra trước cửa là một thế giới khác, ồn ào tấp nập
xe cộ ngoằn ngoèo inh ỏi suốt ngày phát nhức đầu. Quầy văn phòng phẩm nho nhỏ
của Điên Điển đang mùa rôm rả khách vì sắp tựu trường, nên càng ồn ã hơn. Trông
đến chiều dọn hàng để ra sau hè với dòng kênh, trải lòng mình trong dòng nước,
ngắm lục bình tím vướng vào bụi lau… Nhưng, mẹ bảo, mùa này phải tranh thủ kiếm
thêm nên bán luôn cả tối, chừng nào đóng cửa ngủ thì thôi. Thế là, cứ như một
chùm hoa điên điển ai đó ham hố, hái lên bờ ngó chơi làm hoa héo rũ mất hết sức
sống. Đến nỗi hai đứa em của cô phải nói nhỏ với mẹ :
- Hổng biết chị
hai có bị gì không ? Làm như sau hè có “ghệ” chỉ đang đợi vậy?!
Dù nói xong là
bị bốn cái cốc đầu đau điếng của mẹ và chị.
Cả cái thị trấn
nhỏ như cái lỗ mũi này chỉ có duy nhất một chợ và chỉ nhóm buổi sáng. Chiều tối
chỉ có mấy cô dì bán trái cây, hột sen, đậu phộng… trước cửa chợ, dưới mấy cái
đèn đường. Thông thường, sau khi ngoài bờ kênh không còn ánh sáng, Điên Điển vô
nhà dọn dẹp xong hết thì đóng cửa coi Tivi một chút là hai con mắt nhíu lại ngủ
mất. Từ khi mở hàng đêm, Điên Điển có thêm thói quen mới là mua một lon hột sen
ngồi cắn cho đỡ buồn ngủ, mắt trông sang hướng trường học một cách vô định..
Đường quốc lộ rộng vừa đủ hai chiếc xe tải, và một chiếc xe máy nếu liều mạng
chen thêm vào, nên bên kia đường nói gì, làm gì bên đây đều nghe, thấy. Trường
nằm bên cạnh chợ, may là ban đêm nên không khí không sôi động như buổi sớm đầy
những âm thanh mà ngày nào Điên Điển cũng rất chán, sợ phải nghe nó. Buổi tối,
chợ vắng lặng, chỉ nghe tiếng xe chạy, thi thoảng tiếng mời hàng của mấy cô bán
trái cây… và đúng tám giờ rưỡi mới rộ lên tiếng xao động của mấy đứa học trò đi
học thêm tại trường lục tục ra về. Thấy tụi nó nhao nhao nói đủ thứ chuyện trên
đời, rủ rê nhau đi ăn chè, ăn bún… mà Điên Điển tiếc hùi hụi vì mình đi học hồi
đó tới tận lớp chín cũng chả có lấy một đứa bạn thân để mà rủ này rủ nọ. Đáng
lẽ ngồi bán như thế này cũng phải kiếm chuyện gì đó để bàn tán xôn xao với chị
bảy bán hột sen ngay cột đèn gần cổng trường, đối diện quầy của Điên Điển, hay
với chị ba bán sơ-ri trên chiếc xe đẩy cũng xéo xéo chị bảy. Thế mà Điên Điển
chỉ ngồi nghe hai người ấy nói chuyện với nhau, rồi đến chuyện của bọn học trò,
đến khi tụi nó về hết, biết chắc không còn khách mua thì kéo tủ kiếng vô, đóng
cửa đi ngủ. Ngày lặng lẽ trôi qua ngày như thế.
Khi bông phượng
cuối cùng rơi xuống, Điên Điển nghe một tin nóng hổi của thằng Tủn :
- Chị hai biết
gì hôn? Năm nay em có ông thầy chủ nhiệm mới tinh, đẹp “chai” hết ý! Mà còn
“xì- tai” (style) nữa!!
- “Xì-tai” ? Là
cái gì? – Điên Điển tròn xoe mắt.
- Xời ới, chị
thiệt là lạc hậu gớm ghê! “Xì-tai”… là… là… gì ta? Không rõ nghĩa nhưng ý nói
là một người sành điệu và có phong cách đó mà! Mấy đứa nhỏ bây giờ dùng từ đó
không hà, “tin” (teen) lắm!
- Làm như mình
lớn lắm mà kêu “mấy đứa nhỏ”. Từ ngữ của tụi bây lúc này chị không hiểu nổi!
- Nhưng mà ông
thầy mới của em đẹp chai ve kêu luôn, nghe đâu mới ra trường thì phải.
- Mắc mớ gì chị? Lo đi vô trường kìa để tui còn buôn bán
ông ơi!
- Đây qua đó mấy
hồi chị hai! Để em nói chị nghe, em kêu thầy có cần mua gì thì qua nhà mình mua
rồi đó, chị hai coi chấm điểm thử thầy em nghe!
Nói rồi nó ôm
cặp chạy đi mất, không kịp nhìn thấy cái nhíu mày mím môi của chị nó. Nghe vậy
thôi rồi Điên Điển cũng quên mất những gì Tủn nói. Buổi trưa, đang lui cui căng
tấm vải lên che nắng thì cô nghe tiếng hỏi nhè nhẹ, trong suốt như dòng kênh
xanh:
- Chị ơi, chị có
bán quyển tập dành soạn giáo án không chị?
Điên Điển leo
xuống ghế, ngó nhìn người khách, bàng hoàng trước nét đẹp trẻ trung và ngọt
ngào của cô gái. Điên Điển luống cuống mỉm cười và lấy mấy quyển tập ra cho
khách – chắc là cô giáo - lựa chọn. Đôi mắt trong veo, hàng mi đen dày nũng nịu
nhìn Điên Điển “Cám ơn chị” rồi lướt trên những quyển tập. Khi chọn xong tập
ưng ý và thêm mấy cây viết, cô giáo đưa cho Điên Điển tính tiền và nói như phân
bua :
- Em mới về đây
dạy, bận bịu chuyển đồ đạc lu bu quá nên quên mất chưa mua tập sách. May là chị
bán ở ngay đây! Chắc em còn phải ra mua nhiều lắm, em tên Oanh, từ nay mong chị
giúp đỡ em nhé. Em ở khu tập thể của trường chị ạ.
Điên Điển chỉ biết
mỉm cười “Có gì đâu”, trong bụng thầm nghĩ “giúp đỡ gì được, mua hàng thì trả
tiền chứ mình có cho không đâu cà” nhưng cứ như bị mê hoặc bởi vẻ lịch sự thân
thiện của cô giáo trẻ. Oanh quay lưng đi, Điên Điển mải miết nhìn theo cái dáng
mảnh mai và nhỏ nhắn trong bộ com-plê màu hồng ánh lên dịu dàng dưới nắng trưa.
Chắc cô giáo khoảng hai mươi hai, trẻ lắm. Điên Điển cũng trạc tuổi ấy, mà cô
lại thấy mình già hơn rất nhiều. Nhỏ em gái ra thay chị coi hàng để chị vào nhà
ăn cơm, thấy chị hai cứ nhìn miết về phía trường, chụp vai chị:
- Hù! Chị hai
đang ngó “anh thầy” nào hả?
Giật mình, Điên
Điển quay lại cốc nhẹ em:
- Bậy
nè! Chị chỉ đang suy nghĩ thôi!
- Nghĩ
gì mà nhập tâm quá dạ? Chị nghe lời thằng Tủn giới thiệu ông thầy của nó rồi
nghĩ nghĩ suy suy chớ gì?
- Con nhỏ này, lây bệnh nói “xàm” của
thằng Tủn rồi hả? Thôi, coi chừng hàng đó. Cái nào không biết giá thì kêu chị.
Và mới nửa chén cơm, Lục Bình đã hớt
hơ hớt hải chạy ào vào, lôi tay Điên Điển :
- Chị hai, chị hai… có khách… có
khách!
Điên Điển cố nuốt miếng cơm còn nghẹn
trong cổ họng :
- Trời ơi, chuyện gì ? Có khách thì
bán!
- Nhưng khách này chị hai phải gặp
mới được!
Má ngồi may cái phù hiệu cho thằng
Tủn trên võng, mắng:
- Mày không để chị hai ăn được chén
cơm sao?
- Má ơi, quan trọng lắm, chị hai ra
đi, em ăn cơm dùm cho, í chết, quên, lát chị vô ăn tiếp!
Rồi nó lôi tuột Điên Điển ra quầy,
nơi có một người khách đang đợi. Điên Điển chào khách:
- Da, anh cần mua gì vậy ?
Một cái đầu tóc lạ lùng, hơi giống
đầu đinh nhưng dài tóc hơn và được vuốt thẳng lên thành nhiều tép nhỏ dựng
đứng, nhọn hoắc y như mấy ngọn núi tam giác đều. Nghe tiếng Điên Điển, cặp mắt
một mí nằm thấp thoáng sau cái kính gọng trắng (mà Điên Điển thấy giống con cú
mèo) nhướng lên, môi nở ra một nụ cười răng khểnh:
- À, chào chị! Chị có bán loại tập to
to dùng cho giáo viên soạn bài trước khi lên lớp không chị?
- Tập giáo án phải không? Đó, mời
thầy tha hồ lựa.
Điên Điển chỉ cho người khách chỗ để
tập, khẽ liếc. Nói gì dài dòng, sợ người ta không biết cái gì sao. Lục Bình núp
sau lưng chị, thầm thì :
- Chị hai, thầy của thằng Tủn đó!
- Vậy mà nó khen hết lời đó hả? Thiệt
là… Thôi vô nhà coi mâm cơm dùm chị, mèo nó rinh hết bây giờ. Má may đồ một chút
là ngủ quên đó.
Lục Bình đành vào nhà nhưng còn tiếc
nuối nói với theo:
- Chị hai chấm điểm thử coi bao nhiêu
nghe!
Điên Điển lắc đầu, thấy hai đứa em mình
sao mà giống nhau thế. Còn “anh thầy” ngó nghiêng một hồi, ngước nhìn Điên Điển
xởi lởi:
- Chà, ở nơi xa xôi vầy mà chị bán
đầy đủ quá ha, gì cũng có! Lát chị lấy thêm dùm tôi một thước giấy kiếng bao tập
với nhé! À, mà cô bé hồi nãy là em gái chị hả? Hình như cũng học bên trường mình phải không chị ?
Điên Điển khẽ nhíu mày khó chịu. Hừ,
dân thị xã hay thành phố gì đây mà ăn nói văn vẻ thế. Hay thầy dạy văn nhỉ. Nói
nhiều thật. Cô trả lời nhỏ xíu, lạnh nhạt :
- Dạ, em gái tui học lớp chín bên
trường đó. Thầy mua thêm gì không?
Không để ý thái độ của cô bán hàng,
thầy vẫn liến thoắng :
- Ôi, phải dọn gấp gáp lên đây nên đồ
đạc thiếu nhiều lắm chị ơi! Chị lấy thêm cho tôi chục viết xanh, đỏ và hai cây
thước loại to nhất. À, chị chỉ dùm tôi chỗ mua mùng, chăn, gối… được không chị?
Con trai nên tôi không có gói ghém mấy thứ đó lên theo. Chị chỉ giúp tôi nhé!
Điên Điển đỏ mặt, thấy ông thầy thật
vô duyên. Ai lại hỏi con gái mấy chuyện đó chứ! Dù là thế kỷ hai mươi mốt rồi
nhưng ở cái nơi biên giới heo hút điện lúc có khi không này, những từ “nhạy
cảm” như “chăn gối”… vẫn cấm kỵ với phụ nữ. Dĩ nhiên Điên Điển cũng thế. Cô cau
mày gắt:
- Anh ra chợ mà hỏi. Người ta bán đầy
ra đó! Nè, của anh hết thảy năm mươi tám ngàn, đây gởi anh!
Hơi ngạc nhiên trước thái độ của
cô chủ, anh thầy nhún vai, móc bóp trả tiền, lịch sự :
-
Cám ơn chị nhé! Có cậu bé học trò bảo tôi cần mua gì thì hỏi chị nên tôi mừng
quá hỏi thử, xin lỗi chị nha! Chào chị!
Điên Điển gật đầu nhẹ, tránh nhìn nụ
cười tươi rói của thầy. Thằng Tủn này thiệt tình. Hơi áy náy, Điên Điển nhìn
theo thầy giáo tay xách nách mang, rẽ vào chợ, chắc muốn mua một lượt hết đồ dùng.
Tuy vậy, “thầy giáo đẹp trai” của Tủn chỉ được điểm trung bình vì ngoại hình kỳ
cục và cái miệng nói nhiều. Phải đánh đòn nhỏ Lục Bình mới được, làm mình dở
dang bữa cơm và bực bội với ông thầy “xì- tai” của tụi nó.
Tựu trường, Điên Điển được trở về với
nếp sống bình thường, sáng dọn hàng bán, chiều ra sau nhà giặt đồ, xách nước
tưới cây… hoặc không làm được những việc đó thì cô cũng ngồi thư thái vắt vẻo
trên cội rễ còng già nua to tướng, chân tung tẩy trong dòng nước mát. Tán cây
um tùm nên người khác không nhìn thấy được cô gái đóng vai Tiểu Long Nữ – tuy
không nằm hiên ngang trên sợi dây thừng. Nhưng cô thì thấy hết bờ bên kia và
những ai đi qua cây cầu ván. Thường thì buổi chiều ở đây rất yên tĩnh, chỉ nghe
tiếng chim vịt kêu chiều, gà gáy chào tạm biệt để đi ngủ, hoặc chó sủa gâu gâu
khi thấy mấy chú chim đậu xuống gần đấy. Bây giờ, xen vào những âm thanh đó là
tiếng chào hỏi của anh thầy “xì-tai” kỳ quặc. Nghe Tủn nói, anh ta không ở khu
tập thể của trường vì nhường chỗ cho mấy cô giáo trẻ, mà chạy qua tận xóm cồn ở
nhờ nhà một vị phụ huynh tốt bụng. Bên xóm cồn muốn tới chỗ có nhà cửa phải qua
cầu, rồi vòng hai ba con đường đất mới thấy người, thấy nhà nằm xen giữa những
đám rẫy. Bên đó buồn lắm, vẫn chưa có điện nên ban đêm nhìn sang tối hù, leo
lét thấp thoáng ánh sáng yếu ớt của những ngọn
đèn dầu. Ai mà tin được khu vực này vẫn tồn tại vào cái thời đại “thông
tin công nghệ cao”. Chắc do buồn và chưa quen nên chiều nào anh thầy cũng chạy
xe đạp lọc cọc qua chợ, uống cà phê cà pháo gì đó… Hễ lên tới cầu, anh ta liền
í ới chào bác Tư nhà dưới mép cầu, hoặc rủ theo anh Ba Ngô con của bác ấy đi
chung. Có bữa, thấy chú Năm ròm vất vả đẩy chiếc ba gác chất đầy bắp lên cầu,
anh thầy quăng xe đạp chạy tới giúp chú ấy, vừa đẩy vừa hò dô nghe mắc cười hết
biết. Có hôm thì phụ đóng lại cái sàn nước cho nhà dì Hai kế nhà bác Tư… Mà lần
nào Điên Điển cũng thấy hết, nghe hết. Tự nhiên, Điên Điển dần dần bớt thấy
ghét cái mái tóc “xì-tai” dựng đứng. Một hôm, lên tới giữa cầu, thầy chống xe,
nhìn quanh quất cảnh vật và dừng ánh mắt phía nhà Điên Điển. Hết hồn, Điên Điển
nấp vội sau thân cây ngó coi anh ta làm gì. Bác
tư ăn cơm chiều xong, miệng ngậm
cây tăm, chắp tay sau lưng đi lên cầu. Anh thầy hỏi :
- Bác
Tư ơi, nhà phía ấy là nhà ai vậy bác ?
-
À, nhà của chị Tám, má con Điên Điển bán tập vở đó thầy!
Anh ta ngạc nhiên thích thú :
- Í, chị ấy tên Điên Điển hả bác, ngộ
quá ha!
Bác tư chống hai tay lên thành cầu
cười ha hả:
- Ừ, ở đây chỉ có tên chị em nó ngộ
nhứt. Con chị tên Điên Điển, con em tên Lục Bình, thằng út lại trớt quớt, tên
Tủn, không biết đi học tên gì!
Anh thầy vuốt vuốt cái cằm không có
sợi râu nào:
- Tủn… Tủn… A, học trò con bác Tư ơi!
Cậu bé tên Thanh Giang, cũng đẹp mà bác! Lục Bình thì hình như học lớp của thầy
Thắng nên con không biết cô bé có tên gì trong khai sinh! Nhưng nếu là tên đó
thì cũng đẹp lắm bác ha! Cả ba chị em tên đẹp và có ý nghĩa quá!
- Ừ, không những đẹp mà còn ngon nữa
thầy ơi! Hai loại bông đó chấm mắm kho thì hết xẩy, bữa nào tui kêu má thằng Ba
nấu cho thầy ăn thử cho biết!
Khỏi diễn tả cũng biết vẻ mặt thành
thị của thầy hớn hở, ngạc nhiên, phấn khởi đến mức nào! Trên là bầu trời chiều
tim tím phớt hồng, dưới là dòng kênh xanh trong vắt, bốn bề là cây cỏ nên tiếng
nói cười của hai người một già một trẻ lồng lộng bay vào lỗ tai Điên Điển, đang
đỏ mặt vì tự nhiên thành đề tài cho họ. Ông thầy vô duyên mắc gì hỏi linh tinh,
còn bác tư sao lại kể vô tư cho người lạ nghe vậy không biết! Mà Điên Điển
không rõ là mình đang mắc cỡ hay bực bội nữa, nhưng cô cảm thấy mình muốn là
người nấu mắm kho chấm bông súng, điên điển hay lục bình gì cũng được để ông
thầy phải tròn mắt bái phục “chị của học trò” có tên đẹp, ngon và nấu nướng
cũng hết ý. Kỳ thiệt!
Thứ bảy, hai đứa nhỏ đi học, má đi
đám giỗ ở nhà ngoại nên Điên Điển hưởng thụ không gian yên ắng trong tiếng nhạc
du dương. Dạo này thích nghe nhạc, muốn nghe nhạc. Lâu lâu thằng Tủn mua được
một đĩa nhạc nghe được được, không cà giựt cà tưng như khỉ mắc phong mệt tai
nhức mắt. Điên Điển thích nhất bài “Bên
cầu ngó mong” ca sĩ Quốc Đại hát.
Không biết ông tác giả nào sáng tác mà hay quá chừng! Thêm giọng ca ngọt như
đường cát của ca sĩ. “… Bao lần ước hẹn
bên cầu gặp nhau, em ơi em đẹp làm
sao, hôm nao em vắng lòng nao nao buồn”. Bộ ông nhạc sĩ này đang ở trong
khung cảnh giống như nhà của Điên Điển hay sao mà viết hay ghê, (hổm rày Điên
Điển cũng “nao nao buồn” vì không
thấy ông thầy nhiều chuyện)… Thằng Tủn với Lục Bình chê bài hát gì buồn muốn
chết, Điên Điển mắng lại hai em không biết thưởng thức, hai đứa nhỏ mặc kệ luôn
bà chị ngày nào cũng : chiều thì ra sau hè, lúc bán hàng thì nghe nhạc đến
thuộc lòng. Tụi nó lắc đầu “bó tay”, thất vọng vì âm mưu giới thiệu thầy chủ
nhiệm đẹp trai bất thành nên không đeo theo lải nhải chị nữa. Mà cũng vì Điên
Điển “xua đuổi” đám em khỏi làm phiền mình thưởng thức âm nhạc. Càng yên tĩnh
nghe càng hay. Hôm nay xe cộ cũng thưa hẳn, người ta đi qua thị xã chơi hết rồi
chắc. Đang nhẩm hát theo Cẩm Ly, Điên Điển thấy cô giáo xinh đẹp hôm nọ đến
quầy của mình. Hai tuần nay cô không ghé
chứ mấy tuần trước cô hay ghé mua đồ lỉnh kỉnh, khi thì cho mình khi thì
cho lớp. Cô luôn xinh xắn trong những bộ đồ thời trang, lịch sự. Xa nhà nên cô
hay kể chuyện cho Điên Điển nghe đỡ buồn, kể cả chuyện cô có bạn trai sắp cưới
nhau cùng về đây dạy học. Nói tới đó, vẻ mặt cô ửng hồng rất hạnh phúc và càng
xinh đẹp, làm Điên Điển cũng tưởng tượng đến một ngày được như cô ấy. Hôm nay
Oanh mặc chiếc áo màu xanh mạ non nhưng không chói chang kiểu “mi-nưa” trên hộp
đèn ở mấy quán chè hay cà phê mà rất ngọt ngào nhẹ nhàng. Điên Điển vui vẻ cười
chào khách. Oanh vào chọn mấy cây viết lông dành viết bảng, rồi chờ Điên Điển
tính tiền, Oanh gợi chuyện:
- Dạo
này buôn bán vẫn bình thường hả chị?
- Dạ,
cũng tàm tạm thôi cô. Ủa, mấy ngày nay không thấy cô?
- Dạ,
tụi em sắp cưới rồi chị ạ! Hổm nay em bận lo việc ở nhà.
- Chèn
ơi thiệt hả? Chúc mừng cô nghen!
Oanh chớp chớp
đôi mi dày:
- Dạ,
cám ơn chị! Nhà em xa quá, nên không tiện mời chị, thật có lỗi quá!
Điên Điển lắc
đầu nguầy nguậy:
- Có gì đâu, có
gì đâu, mà tui mừng cho cô quá!
Sực nhớ, Điên
Điển vội đưa hàng cho cô giáo:
- Í
quên, đồ của cô nè, dạ ba cây tổng cộng mười lăm ngàn !
Oanh lấy tiền
trả cho Điên Điển và thỏ thẻ:
- Chị ơi, làm ơn cho em đứng nhờ ở đây một chút để chờ bạn nha chị! Em hẹn
bạn đi mua một ít thứ cần thiết.
Điên Điển hồ hở
mời Oanh :
- Đâu có được,
cô vô trong này mà ngồi, đứng ở đó vừa bụi vừa mỏi chân lắm!
- Dạ em đứng đây được rồi chị ạ! Ngồi
trong kia khuất bạn em không thấy thì nguy! Em cám ơn chị nhiều lắm!
Trong
đầu Điên Điển, người bạn của cô giáo Oanh chắc cũng là một cô giáo trẻ khác.
Điên Điển chạy xẹt vào nhà rót cho Oanh ly nước lọc. Oanh cám ơn rối rít : “Trời ôi, chị chu đáo quá!”. Không nỡ từ
chối tấm lòng của cô chủ tốt bụng, Oanh cầm lấy ly nước, nhưng cô hơi nhíu mày
e dè và bặm môi nhấp khẽ một ít nước rồi để lại trên mặt tủ kiếng, làm Điên
Điển bỗng nhiên thấy ngại và xa lạ quá.
- A,
bạn em tới rồi chị ơi! Tạm biệt chị! Cám ơn chị nha!
Điên
Điển nghiêng người qua tủ kiếng, định gật đầu chào bạn của cô Oanh thì nghe
giọng nói quen thuộc:
- Oanh
chờ anh có lâu không? Vừa hết tiết xong là anh ra liền nè!
Tiếng Oanh nhõng
nhẽo ngọt mát như đường phèn:
-
Anh đó nha, hết tiết sinh hoạt lớp lâu rồi mà giờ này mới ra, người ta vừa đói
vừa khát muốn chết đây!
Điên Điển nghe thót một cái trong
bụng, và hơi quằn quặn lạ lùng. Cái dáng nho nhỏ xinh xinh, cái màu áo sao mà
ngọt, nép sát vào tấm lưng vững chãi mà phía trên đó là cái đầu có mái tóc vuốt
dựng đứng nhọn hoắc những ngọn núi tam giác đều, sao mà xứng đôi quá! “Anh sẽ vì em làm thơ tình ái, anh sẽ gom mây kết thành lâu đài…”. Cẩm
Ly và Quốc Đại còn hát sao ta? Điên Điển lấy cái rờ-mót, bấm lia lịa cho qua khỏi cái bài hát buồn thiu này. Ngồi
thẫn thờ, Điên Điển mặc kệ luôn không bấm nữa, muốn hát gì thì hát. "Anh buồn ai biết anh buồn, anh buồn anh để
lệ tuôn trong lòng…”. Không biết mình có buồn không, nhưng Điên Điển biết
mình sẽ không còn muốn nấu mắm kho nữa, không có ý định kêu thằng Tủn lại nói
nhỏ “Thầy của Tủn cũng đáng được trên trung bình” nữa. Và chắc chắn, Điên Điển
không ra sau nhà để núp sau thân cây còng mà ngó lên cầu nữa. Điên Điển vẫn chỉ
là một loài hoa bé nhỏ, để ngắm chơi, để chấm mắm kho với vị ngọt chát… ăn xong uống nước, súc miệng,
đánh răng với kem P/S hay loại kem
nào đó “sạch miệng thơm lâu” thường quảng cáo trên TV là bay mất thôi. Phải
không, Điên Điển ?
HỒ THY
____________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét