- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Mọi vấn đề của đời sống đều có thể trở thành đề thi. Song nhìn vào cách những người ra đề đưa đáp án, và nhất là qua thực tiễn giảng dạy phần nghị luận xã hội ở nhà trường, có lẽ chúng ta đang hướng học sinh trở thành những người bình luận tin nhanh và thay vì định hướng học sinh đưa ra góc nhìn cá nhân của mình, chúng ta đang áp đặt một tư duy chiết trung vô tận trước các vấn đề của đời sống được đưa vào đề thi cùng với việc quy nạp mọi góc nhìn về một thái độ đạo đức. Điều đáng nói đó lại là một thứ đạo đức của số đông, đã định hình, đã sẵn có, đã được thiết chế hóa.
|
Đổi mới đề thi môn Văn chỉ thật sự hiệu quả khi xuất phát từ những đặc trưng của văn chương, từ những khả năng đóng góp của văn chương trong việc kiến tạo các giá trị nhân văn trong đời sống. Bởi các giá trị nhân văn ấy mới là điểm tựa cho sự phát triển hài hòa các mối quan hệ không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với thế giới.
|
Nỗi ám ảnh định lượng
Theo cấu tạo chương trình môn Ngữ Văn ở trường trung học phổ thông hiện nay, trọng tâm nằm ở phần Văn chứ không phải là phần Ngữ. Văn chương vốn không phải là lĩnh vực mà các phương pháp đánh giá định lượng có thể áp dụng hiệu quả. Thế nhưng từ trước đến nay, việc dạy học, ra đề thi, soạn đáp án, chấm điểm môn học này bị ám ảnh quá lớn bởi tính chất định lượng. Hậu quả là giáo viên phải biết quy một tác phẩm văn chương về một vài diễn giải được xem là chuẩn kiến thức, học sinh phải nắm được đầy đủ ngầy ấy đơn vị chuẩn kiến thức để thể hiện trong bài thi của mình, đáp án cũng lượng hóa thang điểm đến mức nhỏ nhất là 0,25 và người chấm thì thường tuân theo chủ trương “đếm ý đo điểm”.
Có thể liệt kê nhiều hệ lụy từ việc dạy và học văn như vậy nhưng ở đây chỉ xin nói thêm hai điểm theo quan sát của một người làm công việc dạy văn ở trường phổ thông: Thứ nhất, đây là nguyên nhân sâu xa và quan trọng của tình trạng học sinh không còn tìm thấy hứng thú ở môn Văn trong nhà trường. Thay vì là môn học khuyến khích bản chất sáng tạo, khuyến khích sự hình thành quan điểm cá nhân và tự do biểu đạt (dù gì thì đến cấp trung học, môn Văn là một “nghệ thuật” duy nhất được giảng dạy chính thức), nó lại biến thành một môn học thuộc với rất nhiều những kỵ húy. Thứ hai, điều oái oăm là trong khi áp dụng phương pháp định lượng để đánh giá học sinh thì chính giáo viên văn lại cảm thấy bối rối bởi sự rạch ròi, chi ly bởi các hình thức lượng hóa. Nhiều giáo viên không ủng hộ hình thức đánh giá lượng hóa triệt để nhất là biến đề thi môn Văn thành đề trắc nghiệm. Các giáo viên cũng rất ngại ngần cho điểm 10 môn Văn bởi luôn mặc định trong đầu, với môn học này, tái hiện kiến thức không thôi là chưa đủ, nêu hết các ý có trong đáp án cũng chưa phải là toàn bích. Cần có thêm “một cái gì đó nữa”. Nhưng đó là cái gì? Sự mơ hồ này khiến việc chấm điểm đánh giá ở môn Văn luôn có yếu tố cảm tính, chủ quan và đây cũng là điều khiến học sinh thường ít tự tin về bài làm Văn của mình sau mỗi kỳ thi.
|
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét