Văn chương Việt đang hình thành một ranh giới với cây bút trẻ. Bằng chứng là luôn tồn tại những tên gọi nhà văn trẻ, nhà thơ trẻ, cây bút trẻ và từng có thời tồn tại một tờ báo Văn nghệ trẻ. Trẻ luôn hứa hẹn những điều mới mẻ. Sở dĩ chúng ta có niềm tin như vậy bởi bản thân những cây bút mới ấy luôn tiềm ẩn những khả năng như: Phản ứng lại với những cách viết cũ; nhàm chán trước cách diễn đạt cũ; tìm cách diễn đạt, nhận thức lại các giá trị cũ. Đồng thời họ cũng dễ thích nghi trước cái mới, coi cái mới là cứu cánh và mục tiêu sáng tạo. Tuy nhiên, để bàn tới từng khía cạnh cụ thể thì không hề đơn giản.
Từ nhà văn trẻ…
Khái niệm cây bút trẻ lâu nay được chúng ta nhận thức khá mơ hồ. Trước hết, đó là những người viết trẻ tuổi. Đội ngũ này hoặc được học qua các khoa sáng tác, văn học, ngữ văn, các lớp bồi dưỡng sáng tác. Đó là những Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Quỳnh Trang, Hồ Huy Sơn… và cả những cây bút không học qua các khoa chuyên ngành như: Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Thị Kim Hòa, Hoàng Anh Tuấn…
Ở một cách nhìn khác, người ta coi khái niệm trẻ là những cây bút chưa có bề dày kinh nghiệm hay sự ổn định về phong cách. Điều này thường được gắn cho các cây bút trưởng thành sau đổi mới và đầu thế kỉ XXI. Nội hàm khái niệm trẻ ở đây khác biệt so với “thơ trẻ chống Mỹ” - những người mang danh trẻ nhưng đã được khẳng định, thành danh ngay từ khi mới xuất hiện.
Thêm một cách nhìn khác, danh xưng nhà văn, nhà thơ trẻ còn được gắn cho các tác giả chưa được kết nạp vào hội chuyên ngành TW (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam), thậm chí chưa có mặt trong các hội ở địa phương. Đó là trường hợp của những: “nhà thơ trẻ Trương Xuân Thiên” (được nhắc đến trong các bài viết: Đêm trình diễn thực” của nhà thơ trẻ Trương Xuân Thiên: ta cúi đầu bên hoa... của Dương Trọng Nghĩa; Đổi mới không có nghĩa là tỏ ra khác biệt của Dương Xuân; Vẻ đẹp của yêu tinh - Đỗ Anh Vũ); “nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa” (được nhắc đến trong các bài viết: Viết bằng trái tim phụ nữ - Huy Sơn; Nguyễn Thị Kim Hòa: Với nhà văn, cần thiết nhất là tài năng và tấm lòng - Thanh Thúy; Văn chương tiếp thêm nguồn sống - Lê Văn Nghệ)…
Có thể đi tới một nhận định chung, nhà văn trẻ là những cây bút trẻ về tuổi đời, chịu sự ảnh hưởng của các hệ tư tưởng đương thời và mới được công chúng đón nhận. Quan trọng hơn, bản thân họ đã đem tới cho người đọc một ấn tượng mới. Nhưng không phải ấn tượng ấy cũng là một phong cách riêng hay trình độ nhận thức cao hơn.
…đến phong cách mới
Nói tới sự đóng góp của một nhà văn không thể không nhắc tới phong cách nghệ thuật. Bởi thế, phong cách luôn có sự gắn bó mật thiết với sự mới mẻ: mới là đem tới phong cách mới. Tuy nhiên, không phải lúc nào cây bút mới cũng đồng nghĩa với phong cách mới bởi đó là hai phạm trù không thể đồng nhất như nhiều người vẫn cảm nhận.
Ấn tượng mới là những gì khác biệt so với những ấn tượng cũ, đem tới cho người đọc “khẩu vị” mới cho dù họ đã được đọc những tác phẩm định cao. Khác và lạ ở đây với nghĩa là sự bất ngờ, sự ngắm nghía, suy ngẫm trước các thể nghiệm ấy chứ không có nghĩa là đã chiếm được tình cảm của bạn đọc, cạnh tranh được với những giá trị cũ. Trong trường hợp này chẳng khó khăn gì để chúng ta nhận ra những hiện tượng các bài thơ của Lê Thị Khiêm (Manh Manh nữ sĩ); bài Chân dung của Lê Huy Quang; tập thơ Khát của Vi Thùy Linh… Mặc dù trong số ấy có hiện tượng chỉ là thể nghiệm mở đường, có hiện tượng chưa thể tổng kết.
Trong khi ấy, có những cách nhận thức, cách nhìn đã “mới” từ chống Mỹ, từ thời văn học đổi mới nhưng đến nay vẫn chưa bị cũ đi, chưa bị đánh bật ra khỏi suy nghĩ của người đọc bằng một nhận thức mới. Những bài thơ giàu tính triết luận của Thanh Thảo về bổn phận sống, về lẽ sống vẫn đủ nhức nhối, đủ thuyết phục con người hôm nay: Đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt/ Chỉ riêng cho Người, chúng tôi dám chết (Thử nói về hạnh phúc - Thanh Thảo). Hay những quan niệm về con người của Nguyễn Minh Châu (con người tự đối diện với chính mình).
Có thể thấy rằng, những năm gần đây, các cây bút khi xuất hiện đều ý thức sâu sắc được trọng trách làm mới văn chương hay không tự để tên tuổi mình bị vùi lấp bởi những gì trùng hợp, xưa cũ. Có thể cái mới đến bằng bộ trang phục cũ nhưng phong thái, điệu bộ mới như những câu lục bát của Nguyễn Bính, Nguyễn Duy. Cũng có khi, phải mất một thời gian để sàng lọc giữa những hỗn độn giả cách để nhận ra chân giá trị của văn chương. Khi ấy cái mới phải chịu thiệt thòi phủ bụi thời gian, bị rẻ rúm như bức Chân dung tự họa của Van Gogh ở chuồng chim câu. Nhưng có thể đi tới một nhận định: cây bút trẻ và sự mới mẻ không phải lúc nào cũng đồng nhất. Cho dù chúng ta luôn hi vọng những nhà văn trẻ đủ sức đem tới những gì mới mẻ cho văn chương.
BÙI VIỆT PHƯƠNG
___________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét