|
Sông Lô - ảnh tác giả cung cấp. |
Đã trở thành thói
quen, từ hồi sinh viên, mỗi lần về quê, đi qua thành Tuyên, ngược theo quốc lộ
2 đến đoạn gần Thác Cái tôi lại ngó qua cửa kính của xe ô tô để ngắm sông Lô
với những bãi đá nhấp nhô đang uốn mình mềm mại dọc theo con đường quanh co
dưới những đồi chè xanh biếc. Và cũng từ khi nào chẳng rõ, trong tôi, dòng sông
có những bãi đá nơi ấy đã trở thành một dấu hiệu thân quen để báo cho mình biết
rằng gần về đến nhà rồi đấy.
Bao năm rồi vẫn vậy, ngoại trừ mỗi khi có cơn lũ
đi qua, nước từ thượng nguồn ầm ầm đổ về khiến con sông nhiều chỗ giống như con
ngựa bất kham, khi gặp đá cản dòng nước xé tung ra, lồng lên tung
bờm dựng đứng lao qua đá cản giữa dòng để đem theo phù sa góp vào sông Hồng đắp
bồi cho đôi bờ xanh mướt trong những mùa sau. Ngoài những khi có lũ, bình thường
Lô giang vẫn êm đềm với dòng nước xanh trong lặng lẽ lách luồn qua các bãi đá
để thả mình về xuôi mang theo những nỗi niềm thương nhớ đầy vơi ở nơi thượng
nguồn. Cứ thế, mặc cho tháng năm đi qua, cái dòng xanh trong thương yêu ấy đã in
hình trong nơi sâu thẳm của tâm hồn tôi với hai tiếng ngọt ngào đầy thương nhớ:
sông quê.
Sông Lô, con sông yêu
thương quê tôi đêm ngày ôm bóng những núi đồi chập chùng bên những nương chè
xanh biếc, những vườn cam vàng rực. Và suốt dọc đôi bờ con nước đi qua, chẳng
biết từ bao giờ, đã có không ít những bụi tre, khóm bương, khóm vầu óng ả, xanh
lá in hình trên mặt nước, kẽo kẹt đung đưa theo gió tựa như các nàng thiếu nữ buông
mái tóc huyền, thả dáng, soi bóng xuống mặt gương xanh trong khổng lồ uốn lượn
quanh co. Chẳng hiểu sao, cứ như có duyên nợ từ tiền kiếp với con sông nên có
bao lần về quê là bấy nhiêu lần tôi dừng lại ngắm nhìn cái dòng trôi ấy một
cách không biết mỏi mắt để được mãn nhãn với con nước khi thì cuồn cuộn sóng
trào lúc lại bình yên, đủng đỉnh xuôi dòng với một màu xanh mát nhấp nhô sóng gợn
trên những bãi đá ngầm với muôn hình kỳ quái ẩn hiện giữa lòng sông, đẹp như
một bức tranh thuỷ mặc, nhìn mãi mà chẳng biết chán.
Lại một chiều cuối
thu trở về quê mẹ, bâng khuâng trên bến vắng, lặng lẽ ngắm nhìn dòng nước giữa
bốn bề yên ắng đang được bao phủ bởi một màn khói sương bảng lảng quyện
vào những chòm hoa lau trắng muốt đang nghiêng ngả theo từng làn heo may trên những
bãi bồi giữa dòng và dọc theo đôi bờ nhô ra bên sông khiến lòng lại rộn lên bao
nỗi niềm thương nhớ. Giữa mênh mang sông nuớc, từng chùm bông lau mỏng manh
trắng mịn uốn cong cần câu theo chiều gió thoảng, đung đưa bên sông trên những
thân cành khẳng khiu, gầy guộc khiến cho bức tranh trời chiều càng trở nên mê
luyến. Sông Lô cuối thu xem ra con nước hiền lành và thơ mộng đến vô cùng. Nó
không còn ngầu đục và sùng sục gầm réo, cuồn cuộn lao mình về xuôi như khi mùa
lũ về. Trái lại dòng nước trong xanh; nhẹ nhàng và êm ả đến lạ với những con
sóng lăn tăn, thi nhau xô vào bãi đá nhấp nhô giữa lòng sông y như một dải lụa
dịu dàng, mềm mại. Hình như những con nước ấy cũng đang dùng dằng như chẳng
muốn rời bỏ thượng nguồn đi về phía hạ lưu để được trở về với đại dương bao la.
Có vẻ như dòng nước trong xanh ấy đã biết trước cái chuyến đi này sẽ chẳng có
ngày trở lại cho nên đằng sau cái vẻ êm ả, dịu dàng, thơ mộng ta dường như vẫn
thấy ẩn chứa một nội tâm dữ dội đang luyến nhớ, dùng dằng không muốn chia xa.
Xem thế, hóa ra sông cũng như người. Nó đang mang trong mình bao nỗi niềm và cả
một trời thương nhớ; đầy bịn rịn, lưu luyến chẳng muốn rời xa cái nơi thượng
nguồn.
Con sông quê đẹp và lãng mạng đến nao lòng như
thế. Nó hào hoa từ cái thủa “nằm
nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” với những
“bãi dài ngô lau, núi rừng âm u/ Ru ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc
chìm một màu khói thu”. Nó đã quyến rũ và làm ngây ngất, mê mải biết bao người.
Có lẽ bởi thế mà đất nước của gần bốn trăm con sông này nhưng chưa có một con
sông nào được mệnh danh là con “sông ca” và để lại được nhiều tuyệt phẩm như
dòng Lô thương mến. Không dặm dài mênh mang sóng nước như dòng sông Hồng, không
tráng lệ, hùng vĩ như con sông Đà nhưng sông Lô quê tôi, nơi mồ chôn giặc Pháp
lại có một cái chất thơ riêng mà chẳng con sông nào Việt trên đất này có được: “Lô
giang dòng nước nghiêng trong xanh/ Có nhà mái xinh bên đồi núi cao/ Lô giang
dòng nước êm ru/ Ánh vàng thắm tươi khi trời cười vui”. Giản dị và đơn sơ, chỉ
cần thế thôi, sông Lô cũng đủ để thức dậy và làm đắm say bao tâm hồn nghệ sĩ.
Đứng bên bờ sông vắng lặng dường như ta vẫn thấy vọng lên trong gió “Trường ca
sông Lô” hay “Tiếng hát trên sông Lô” của Văn Cao và Phạm Duy, hai cây đại thụ
nền tân nhạc. Không chỉ vậy mà còn có “Lô giang” của Lương Ngọc Trác, “Chiến sĩ
sông Lô” của Nguyễn Đình Phúc và sau này Minh Quang lại
xuất thần với ca khúc “Sông Lô chiều cuối năm” hay Tố Hữu cũng đã viết những
vần thơ huyền diệu về sông Lô mà sau này vẫn còn được rất nhiều người nhắc đến:
“Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát/ Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca”. Điểm
qua vậy thôi cũng đủ để thấy sự quyến rũ ma mị của dòng “sông ca”. Thế đấy, con sông quê tôi, không chỉ là một dòng trôi với
những bến bờ lịch sử mà còn là con sông ngân vang của những khúc nhạc và thơ.
Sông quê mờ biếc mặc cho cuối trời mây
trắng bay êm ả cùng làn heo may để cho hồn người tương tư, xao xuyến. Thấp
thoáng bên sông, khói lam chiều nhà ai đang nhẹ vương trên tầng không nơi xóm
bến. Con thuyền ai đó mệt mỏi, đang được thảnh thơi gối đầu neo nghỉ dưới khóm
tre già mặc cho dòng nước đủng đỉnh lạc trôi quanh co bên triền đồi, vách núi. Chiều
cuối thu, sông Lô bình yên trong mênh mang, dịu nhẹ trong tĩnh lặng. Thả hồn để
được ngắm nhìn dòng sông cùng đôi bờ xanh biếc sao cứ ngỡ như đang trong giấc
chiêm bao dưới vòm trời huyền thoại đẹp tựa như chốn bồng lai. Dòng sông dịu dàng
đưa nước, bóng núi nhấp nhô trong êm ả sóng chiều hoàng hôn mặc cho ríu rít
chim bay gọi bầy đưa nhau về tổ, kệ cho mây gió la đà trên đỉnh đồi ngọn núi. Dòng
nước và bầu trời mùa thu như thế. Đẹp quá, làm đôi chân đang như bước ngập
ngừng không muốn rời xa. Thế đấy, đời người ai mà chẳng có “một dòng sông để thương, để nhớ”.
Và như thế trong mỗi trái tim, ai mà chẳng có “một dòng sông riêng mình”.
Giang Hiền Sơn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét