“Người đàn bà nhặt chữ nuôi thơ” là ai? Rõ
ràng là một nữ thi nhân.
Tác giả đem hình ảnh người đàn bà làm ruộng để gởi hình ảnh người làm thơ vào
đó. Người làm ruộng thì chất phát, chân lấm tay bùn. Người làm thơ thì nho nhã,
thanh tao. Hai mẫu người đối nghịch nhau. Vậy mà nó hóa một, không phải chỉ
trong một bức tranh, mà cả trong hoạt cảnh một đời người:
“Có người đàn bà nhặt chữ nuôi thơ.
Nhặt đến mòn hơi, góc đời riêng một niềm mơ cháy bỏng.
Tháng bảy mưa giông đồng trần gian ướt sũng.
Vẫn oằn mình lận đận cấy rủi may.
Mỏng manh sợi rơm nhà ai rớt rơi chìm nổi.
Níu lấy mỉm cười ôm hy vọng lắt lay.”
Nhặt chữ mà say, say đến nỗi cánh cửa đời
“rệu rã lung lay” mà vẫn cho là “có sao đâu? Nào có sao đâu?”. Vậy là người nầy
yêu thơ đến độ quên hết thân mình:
“Có người đàn bà nhặt chữ… say say say.
Cần mẩn đêm ngày như cái kiến nhỏ côi chầm chậm lê chân trên những ngã đường xa
ngái.
Giật mình nhìn lại.
Cánh cửa đời rệu rã lung lay.
Có sao đâu? Nào có sao đâu?”
Vì nhặt chữ nuôi thơ, người đàn bà phải tự
mình sống ẩn nhẩn, chịu thiệt thòi, chống chọi biết bao nhiêu biến cố của cuộc
đời. Vậy là người nữ thi sĩ có đầy đủ sự hy sinh, lòng kiên nhẫn, niềm đam mê
để giữ vững tình yêu thơ mà vượt qua nghịch cảnh, vượt qua mọi bất công mà đời
đem đến:
“Mặc thế nhân giàu sang lịch lãm, người đàn bà phơi
gương mặt trần không một lần điểm phấn tô son.
Lặng căm nhìn thiên hạ mỏi mòn thủ vai hung ác.
Khoảng sân đời bé tẹo mà mặt nạ - mặt người thật giả đan xen.
Khoảng trời thơ xanh êm mà ai nỡ phân ranh mây hồng mây trắng.
Có con mắt trần gian ngày đêm rình rập
Có con mắt như sao trời nhấp nháy cười vì định rõ vàng – thau.”
Người đàn bà đam mê nhặt chữ đến nỗi quên
hết mọi sự kiện xảy ra trong nội tâm và ngoại cảnh. Thứ tình yêu thơ đó vô biên
và đắm say hơn cả cứu cánh của đời trần và cứu cánh của tâm linh. Đó là thứ
tình yêu thiêng liêng vượt trên đời và vượt cao hơn đạo:
“Tháng bảy, đêm lao xao, phố lao xao, những chiếc xe
ầm ào thả ga gầm rú.
Người đàn bà vẫn nhẩn nha một đời… nhặt chữ.
Mặc nỗi buồn đang dâng đầy ứ.
Mặc chó tru, mặc lũ mèo hoang gọi nhau rền rĩ dưới mái tôn.
Mặc đôi thạch sùng hiên ngang dán bẹp tình yêu nhỏ nhoi lên vách.
Mặc nghĩa nhân mỏng dánh như cánh chuồn chuồn.”
Trong tháng bảy mưa tuôn, người đàn bà chợt
nhìn lại đời mình, Nữ thi nhân không ân hận vì cuộc đời làm thơ dư thừa đa
đoan, mà thỏa lòng vì thấy cuộc đời làm thơ dư thừa cái đẹp, vì biết yêu những
điều trong sáng, thanh tao, quyến luyến, bình dị mà chỉ con người làm thơ mới
có được:
“Tháng bảy mưa tuôn
Lâu lắm rồi người đàn bà móc túi bày ra dăm nụ cười héo hắt.
Thương cho đời mình dẫu nghệch ngờ tiền bạc bon chen nhưng dư thừa đa đoan, sến
súa.
Dư thừa tình yêu cho cánh cò, gié lúa, ngọn rau.
À ơi…ráng chiều bóng đổ hanh hao.”
Người đàn bà nhặt chữ nuôi thơ phải đãi chữ
như người đãi vàng. Hình ảnh sống động đó dựng nên hình tượng cao qúy của thơ.
Thơ là vàng, làm nên bởi vô vàn nỗi gian nan như người đãi cát tìm kim. Người
đàn bà hay nhà thơ đã đãi ra vàng, vàng đó là thơ. Thế nhưng khác với người đãi
vàng, người đãi chữ ra thơ phải sống thanh cao, bình thản giữa đời để nuôi tâm
hồn thánh thiện. Có như thế thì thơ mới như hạt ngọc Trời cho, cũng như Trời
cho người đàn bà làm ruộng đã “dãi dầu níu sợi rơm vàng” để có hạt lúa cho
mình;
“Người đàn bà đãi chữ nuôi thơ như người ta tìm vàng
đãi cát.
“Khổ công sàng sảy, ăn thẳng nói ngay chớ không mặt hoa mà lòng dạ như da tắc
kè lúc xanh lúc xám.
Người đàn bà nhẩn nha nuôi hồn thiên cảm.
Dẫu mưa nắng dãi dầu níu sợi rơm vàng chờ con chữ sang trang.”
Tôi không muốn viết gì thêm bởi vì viết dài
mấy cũng không nói hết được những gì cô đọng trong thơ. Bài thơ như một kho
tàng mà người đàn bà nhặt chữ nuôi thơ đã chất chứa chử vàng chữ ngọc mà mình
đã dành dụm cả một đời vào đó.
Tôi nghĩ bài thơ rất xứng đáng được nhận giải nhất của “Trung Tâm Unesco Khoa
Học Nhân Văn và Cộng Đồng tổ chức lần thứ 2 năm 2018”.
Châu Thạch
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét