Một ngày nóng, tôi lang
thang trên những con đường phố Đà thành bung nở hoa phượng, hoa bằng lăng. Những
cánh phượng vỹ lần lượt rơi xuống kéo tôi về với chùm kí ức xa xăm, nhạt nhoà.
Bất chợt, bên quán ăn ven đường, tôi như tìm về hình ảnh ngày xưa, mát dịu, đầy
yêu thương. Hai đứa trẻ yên giấc nằm ngủ trên chiếc chõng tre đang cảm nhận từng
làn gió mát lạnh từ chiếc quạt của người cha. Trong khi đó mẹ chúng mải miết với
quán mỳ Quảng mưu sinh.
Hình ảnh thật đẹp, thật ấm áp. Tôi như đứng chôn chân
trước khung cảnh hạnh phúc biết chừng nào, nơi góc phố nhỏ. Khung trời tuổi thơ
như vọng về trong trái tim, ở nơi ấy có chiếc chõng tre của bà, bình yên và giản
dị. Tôi lạc bước bởi những xa hoa, bon chen chốn phồn hoa mà vô tình quên mất
tình yêu thương dành cho cháu của bà, nơi cháu lớn lên qua những lần vấp ngã đầu
đời, nơi có bà nâng đỡ, dỗ dành…
Hồi ấy, vào những buổi
trưa hè, tôi thường nằm trên cái chõng tre, cái đầu lắc lắc tựa vào lòng bà. Rồi
bà lại đưa cháu lạc vào xứ sở thần tiên thấm đẫm tình người qua những câu chuyện
cổ tích hay những mẩu chuyện bà đúc kết qua một quãng đời dài. Bà mải mê kể còn
đứa cháu đã ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Chiếc chõng tre õng ẹp đưa cháu đi
đến những giấc mơ tươi đẹp trong những chùm ước vọng xa xôi, những hi vọng đẹp
đẽ bà gửi gắm ở cháu.
Ngày ấy, mái nhà tranh thì làm gì có quạt máy như bây giờ.
Cũng làn gió mát từ bàn tay của bà, cũng lời ru ngọt ngào đưa cháu vào giấc ngủ
buổi trưa hè, từ bàn tay một đời nhọc nhằn của bà. Có lần cháu hỏi: “Tay mà sao
nhăn nheo thế này hả bà, tay bà sao đen thui thế này hả bà, tay bà sao…”. Những
câu hỏi mãi mãi không có câu trả lời của đứa cháu nhỏ, bà chỉ mỉm cười: “Bà già
rồi, tay cũng rút dần rút mòn lại. Sau này bà già rồi bà chết đi cháu phải biết
yêu thương quý trọng cuộc sống, khi không có bà, biết chưa”. Đứa cháu ngơ ngác
chỉ biết nhìn bà: “Bà đừng chết, bà vẫn còn khoẻ mà, bà phải sống với cháu suốt
đời”.
Chiếc chõng tre im lìm lắng nghe câu chuyện không dứt của hai bà cháu.
Chiếc chõng do một tay ông làm được đặt ngay trước hiên nhà, bà ít khi ở trong
nhà, ngày nào cũng ra chiếc chõng tre để cảm nhận hương đồng gió nội thoang thoảng
đâu đây. Mùa thu thì hương lúa ngập tràn, hạ về thì mùi rơm, mùi rạ, hương sen
thơm ngát…
Ở trên chiếc chõng này, ở giữa bà đặt một ấm nước làm bằng gáo dừa
trong thật mộc mạc, một cái cơi đựng trầu, bà thích nhất ăn trầu mà, một chiếc
máy cát sét để ngân nga những vở cải lương sâu lắng. Tâm hồn đứa cháu đã được nuôi
dưỡng từ chiếc chõng tre đơn sơ như vậy, từ những chuyện đời bà dành cho cháu.
Bóng mát từ hàng cây trước ngỏ rủ xuống để che mát cho cháu. Văng vẳng tiếng hát lảnh lót của những chú chim bên cây
xoan đầu vườn. Tất cả, tất cả như hoà quyện vào nhau tạo thành một bản tình ca
của làng quê, ngọt ngào tha thiết. Chiếc chõng tre như góc đời bà dành cho
cháu, những nụ hôn trên trán cháu nào có thể quên.
Những đêm trăng, cũng tại chiếc chõng tre, bọn
trẻ trong xóm vây quanh với bà, với ánh trăng bàng bạc. Một mâm quả với đủ bánh
trái được đặt ngay chính giữa, mấy đứa cháu ngồi thưởng thức món quà đồng quê vừa
nghe bà trò chuyện. Đứa nào cũng gọi bà là “Cố” thân thiết như con cháu trong
nhà. Bà thực sự đã gắn kết trái tim thơ dại của những đứa cháu nhỏ qua mái tóc
bạc, câu chuyện quê, cơi trầu, ấm nước chè… Đứa nào cũng chăm chú bên bà mà
quên mất chị Hằng vừa ghé sang cửa sổ, mỉm cười…
PHAN NAM
____________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét