Tuy nhiên, không phải đến Hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2015, các khó khăn của báo chí văn nghệ mới được đề cập. Hai năm trước, tại Hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2013, nhà văn Khuất Quang Thụy - Tổng Biên tập báo Văn nghệngậm ngùi thừa nhận: "Cái thời báo Văn nghệ phát hành hàng vạn bản, có mặt trong mỗi trường học, trong hệ thống thư viện từ trung ương tới cấp xã đã qua lâu rồi. Phát hành báo chí hiện nay vốn là cuộc cạnh tranh khốc liệt. Ở đó, báo Văn nghệ xác định "thua ngay từ đầu" vì ra "chiến trường" mà cái mình có chưa chắc đã là ưu thế cạnh tranh". Hiện nay, số cơ quan báo chí văn học, nghệ thuật có thể tự hạch toán chỉ đếm được trên đầu ngón tay, số còn lại phải duy trì hoạt động trong cảnh "giật gấu vá vai".
Hoạt động của các báo, tạp chí văn nghệ địa phương hầu hết phải trông chờ vào kinh phí hỗ trợ do địa phương cấp, nhưng sự hỗ trợ này rất khiêm tốn. Cá biệt có tờ báo đã phải đóng cửa cả năm trời vì không có kinh phí hoạt động. Nhuận bút của nhiều báo văn nghệ đều ở mức khá thấp, chưa tương xứng với lao động nghệ thuật, khó thu hút cộng tác viên. Bởi vậy một số báo chí văn nghệ địa phương đành bằng lòng với việc trở thành loại ấn phẩm định kỳ chủ yếu là tập hợp sáng tác văn học, còn lại bài vở, tin, ảnh có chất lượng trung bình yếu hoặc thấp, ấn phẩm phát hành trong phạm vi hẹp. Môi trường làm việc khó khăn, thiếu thốn dẫn đến công tác thu hút người tài làm việc cho báo chí văn nghệ cũng bị hạn chế, nên hiện nay lực lượng làm báo chí văn nghệ tương đối mỏng và chủ yếu kiêm nhiệm.
Đối với người làm chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về văn học, nghệ thuật tại các báo, đài lớn, tình hình có phần lạc quan, song, trước áp lực cạnh tranh của cơ chế thị trường, đã và đang xuất hiện xu hướng sa đà vào thông tin tiêu cực, chạy theo tin bài giật gân, khai thác đời tư, quá chú ý đến giới showbiz,... đã có biểu hiện coi nhẹ chức năng, nhiệm vụ của người làm văn hóa - văn nghệ, thậm chí đi ngược thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đã có ý kiến cho rằng: Tình hình sa sút của báo chí văn nghệ đã đến mức báo động khẩn cấp, không thể lùi, tụt dốc hơn được nữa; cần phải dừng lại chấn chỉnh, vực báo chí văn nghệ lên.
Báo chí văn nghệ "cần được nâng niu"
Nhà văn Nguyễn Trí Huân - nguyên Tổng Biên tập báo Văn nghệ, từng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ biến mất của loại hình báo chí văn nghệ: "Thực tế "sự biến mất" đã diễn ra, đang diễn ra chậm chạp và đầy bất trắc đối với số đông độc giả. Sự quay lưng lại với báo chí văn học, nghệ thuật là điều có thực, đẩy chúng ta vào một tình thế nguy hiểm, liên quan đến sự sống còn, ngay cả đối với những tờ báo có bề dày truyền thống 60, 70 năm như báo Văn nghệ". Mối lo ngại của nhà văn Nguyễn Trí Huân đã nhận được sự chia sẻ của nhiều lãnh đạo báo chí văn nghệ. Nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng Biên tập báo Văn nghệ có lý khi khẳng định: "Báo chí văn nghệ nếu muốn đắc dụng thì phải nâng niu, bao bọc chứ không thể phó mặc cho sự đời". Tìm hiểu vấn đề sẽ thấy dường như lâu nay đã xảy ra tình trạng: các báo, tạp chí về văn học, nghệ thuật nói riêng thường chỉ được coi là các "gian phụ, gian cơi nới"; trang văn hóa văn nghệ bị coi là trang "hoa lá cành", phóng viên làm mảng này kém hào hứng? Muốn cơ cấu lại hệ thống báo chí văn nghệ, muốn đổi mới tư duy và công nghệ làm báo phải có nguồn lực con người và tài chính, nhưng cả hai yếu tố này đang còn nhiều bất cập.
Nếu sự biến mất của hệ thống báo chí văn nghệ là một khả năng - theo đánh giá và dự báo của nhà văn Nguyễn Trí Huân - thì chắc sẽ không xảy ra tức thời, nhưng về lâu dài sẽ là một lỗ hổng lớn. Như tại hội nghị giao ban báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2015 vừa diễn ra, nhà văn Khuất Quang Thụy đã so sánh rất hình ảnh: báo chí văn nghệ như chiếc cúc áo, không có cúc người ta vẫn mặc áo, nhưng sẽ không ra người tử tế!
Vậy, cách nào để "cứu" báo chí văn nghệ? Có ý kiến cho rằng cần xếp báo chí văn nghệ vào loại hình tương đương với đơn vị công lập, được Nhà nước hỗ trợ phần lớn kinh phí. Nếu được cơ quan chủ quản tạo điều kiện về cơ chế, nguồn lực tài chính, báo chí văn nghệ sẽ tự chủ được hoạt động, không gặp khó khăn trong việc phát triển cộng tác viên, thu hút bài vở chất lượng cao. Đây là vấn đề lớn, cần được các cơ quan chức năng nghiên cứu.
Trước mắt, công việc cấp thiết của báo chí văn nghệ là phải kiện toàn tổ chức; nâng cao chất lượng đội ngũ làm báo; nâng cao hiệu quả hoạt động, hình thức thể hiện và chất lượng nội dung thông tin để đáp ứng tính thời sự, tính định hướng, tính hấp dẫn, tính thuyết phục. Dù thế nào thì chất lượng tư tưởng - nghệ thuật vẫn là yếu tố tiên quyết xác lập chỗ đứng của sản phẩm báo chí trong bạn đọc, giúp tờ báo tìm được chỗ đứng trên thị trường.
PHONG ĐIỆP
______________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét