Mười năm sau khi qua đời, Saul Bellow (12-6-1915 – 5-4-2005), nhà văn Mỹ đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1-7 và giải Nobel Văn học cùng năm, vẫn được coi là nhà văn Mỹ phong cách vĩ đại nhất thế kỷ XX.
Năm 1964, ở tuổi 49, với ấn phẩm Herzog (Herzog), Saul Bellow trở nên giàu có, trở thành tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất ở Mỹ. Ông ôm trọn ba giải thưởng văn học đình đám, Giải thưởng Sách quốc gia (National Book Awards), Giải thưởng Pulitzer (Pulitzer prize) và Giải thưởng Formentor (Formentor prize). Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn học Mỹ còn trao Huy chương Vàng cho tiểu thuyết của ông.
Đến năm 1976, Bellow ẵm Giải Nobel Văn học. Philip Roth, tác giả Mỹ gốc Do Thái, đặt Bellow ngang hàng với William Faulkner (nhà văn Mỹ, chủ nhân Nobel Văn học năm 1949), xem cả hai là “xương sống mạnh mẽ của văn học Mỹ thế kỷ XX”, có phong cách văn xuôi “đa dạng và khuấy động như Melville (nhà văn Mỹ, tác giả Moby Dick)”. James Wood, nhà văn, nhà phê bình Anh, gọi Bellow là “nhà tạo tác văn xuôi Mỹ vĩ đại nhất thế kỷ XX”. Mười năm sau khi Bellow qua đời, tác phẩm và danh tiếng của ông vẫn không hề suy giảm.
Ngoài Herzog, các tác phẩm then chốt, thành công trên trường thương mại của Bellow còn Ông Hoàng Mưa Henderson (Henderson the Rain King, 1959), Hành tinh của ông Sammler (Mr Sammler’s Planet, 1970), Quà tặng của Humboldt (Humboldt’s Gift, 1975) và Ravelstein (Ravelstein, 2000), xuất bản năm tác giả 85 tuổi. Tuy nhiên, nếu được hỏi nên bắt đầu với tác phẩm nào của Bellow, tôi sẽ trả lời đó là Những câu chuyện được lượm lặt (Stories Collected, 2001). Đó là bộ sưu tập những truyện ngắn của Bellow, trong đó có Giáo phái Bellarosa (The Bellarosa Connection,1989), một thiền định rực rỡ trên các tác động tâm linh của vụ Thảm sát Holocaust (thảm sát người Do Thái của Đức Quốc xã trong thế chiến II) tại châu Âu, Mỹ và Israel. Truyện và tiểu thuyết của Bellow, như ông tuyên bố, được viết “ở trên cùng hình thức của tôi”.
Bellow ra đời cách đây tròn 100 năm, ngày 10 tháng 6 năm 1915 tại Lachine, Quebec, một thị trấn yên bình của tầng lớp lao động nằm phía tây nam Montreal, Canada. Cha mẹ, hai anh trai và một chị gái Bellow, là người nhập cư Nga - Do Thái đến từ St Petersburg (Nga). Khi Bellow ba tuổi, gia đình chuyển từ Lachine đến trung tâm huyện Montreal’s Jewish, nơi anh hùng của tác phẩm Herzog, Moses Herzog, cũng sống thời thơ ấu. Trong ký ức của Moses Herzog, huyện Montreal’s Jewish “thối rữa, chểnh mảng, điên loạn và bẩn thỉu, bị chọc thủng và đánh bầm dập bởi thời tiết khắc nghiệt”nhưng lại có “một phạm vi cảm xúc con người rộng lớn hơn bất cứ nơi nào anh từng tìm thấy”.
Tại Canada, người cha ngọt ngào và tàn bạo của Bellow thất bại ở mọi thứ, bất kể là nông dân hay thợ làm bánh, nhân viên bán hàng khô, thương nhân, nhà sản xuất, đại lý rác thải, môi giới hôn nhân, bán bảo hiểm và buôn lậu rượu. Năm 1923, bị Phòng thuế nội địa Canada truy đuổi, ông trốn từ Montreal sang Chicago, Hoa Kỳ. Những tháng sau đó, ông bốc dần các thành viên khác của gia đình sang Mỹ bằng cách đi lậu qua biên giới. Bellow trở thành cư dân bất hợp pháp ở Mỹ.
Gia đình Bellow cư trú tại phía Tây Bắc Chicago. Ở đây, Bellow được đi học và trở thành một người Mỹ trong khi vẫn trung thành với dòng dõi Nga, Canada và Do Thái của mình. Ông nói, “Tôi không bao giờ cảm thấy cần phải hy sinh một nhận dạng nào. Tôi chưa bao giờ nói tôi không phải người Canada. Tôi chưa bao giờ nói tôi không phải người Do Thái. Tôi cũng chưa bao giờ nói tôi không phải một người Mỹ. Tôi ôm giữ tất cả những thứ này như chuyện đương nhiên, và trong tôi có một đạo luật hội nhập điêu luyện kết hợp tất cả các yếu tố lại với nhau. Tôi không hề cảm thấy có xung đột nào hết. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bất kỳ sự bất tiện nào. Tôi hiển nhiên chấp nhận chúng vì chúng là một phần lai lịch của tôi… Tôi trung thành với những gì tôi được cho. Tôi sống theo cách đó và cố gắng để viết theo cách đó”.
Có thể nói nó là cơ sở cho phong cách trưởng thành của ông. Ở nhà, Bellow nói chuyện với cha mẹ bằng tiếng Do Thái. Ở trường, Bellow nói bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Khi còn bé, Bellow “không biết gì về ngôn ngữ tôi nói và tôi không hiểu liệu có sự phân biệt nào giữa các ngôn ngữ khác nhau không”.
Tại Chicago, Bellow học thêm các ngôn từ đường phố. Theo ông, nó “lanh canh, vui tươi, tràn đầy năng lượng” và “không thể cưỡng lại”.
Ở độ tuổi 20, Bellow xuất bản hai tiểu thuyết, Người lơ lửng (Dangling man, 1944) và Nạn nhân (Victim, 1947), và sớm trở thành một phần của giới trí thức văn học, chính trị và triết học. Ông đọc nhiều các tiểu thuyết gia Mỹ thế kỷ XX, tiểu thuyết gia châu Âu thế kỷ XIX và các triết gia, nhà lý thuyết chính trị, chủ yếu là chủ nghĩa Mác. Các ảnh hưởng của Nga, cả trong văn học lẫn lý luận chính trị, tác động mạnh tới Bellow. “Khi đến tuổi thanh niên, tôi thường đọc những tiểu thuyết bất thường của Nga”.
Không chỉ riêng mình Bellow mà hầu hết trẻ em nhập cư trong các trường trung học tại Chicago cũng đều đọc văn học Nga. Bellow viết rằng, trong khi phải nghiên cứu vở kịch Macbeth (Macbeth) của William Shakespeare, hay tập thơL’Allegro (L’Allegro) của John Milton, bọn trẻ lén đọc Tolstoy và Dostoevsky cũng như Nhà nước và Cách mạng (State and Revolution) của Lenin. Bellow cũng mê mẩn đọc Linh hồn chết (Dead Souls) của Gogol trong thư viện địa phương. Ông đọc Chiến tranh và Hòa bình (War and Peace) của Tolstoy, và Lũ người quỷ ám (The Possessed) của Dostoevsky khi mới 10 tuổi.
Bellow rất đam mê sách và điều này đi theo suốt cuộc đời ông. Trong suốt hơn 30 năm, ông thường dùng hai hoặc ba buổi chiều mỗi tuần để giảng dạy và thảo luận về các công trình có ảnh hưởng của văn học, triết học và lý luận phê bình tại Đại học Chicago. Nhà chính trị Mỹ, Gore Vidal, gọi Bellow là “trí thức Mỹ chỉ đọc sách”.
Bellow có tham vọng trở thành nhà văn và nhà tư tưởng từ thời trung học, và kiên quyết theo đuổi cho bằng được. Bellow từng tâm sự với nhà văn Norman Manea (Rumani), “Tôi trở nên rất ngoan cố tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Tôi biết những gì cần thiết để duy trì vai trò một nhà văn và tôi sẽ không cho phép bất cứ thứ gì cản trở nó”.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Bellow theo học Đại học Chicago, Đại học Northwestern, Đại học Wisconsin trước khi trở về Chicago tiếp tục sự nghiệp viết lách. Không được cha và các anh chị ủng hộ, nhưng ông được nhà vợ nâng đỡ. Giữa những năm tuổi 20, anh lần đầu tiên đến New York, được giới thiệu với nhà văn, nhà phê bình Alfred Kazin (Mỹ). Kazin nói rằng ấn tượng đầu tiên của ông về Bellow là chàng trai này có định mệnh trở thành một tiểu thuyết gia. Và rằng Bellow là nhà văn đầu tiên trong thế hệ này có thể ngang hàng với Lawrence (Anh) và Joyce (Anh), Hemingway (Mỹ) và Fitzgerald (Mỹ).
Sự tự tin của Bellow khiến Kazin cảm thấy thú vị. Ông nói Bellow rất thân thiện, khiêm tốn, hài hước và đầy tham vọng, điều mà Kazin chưa từng thấy ở một nhà trí thức Do Thái đô thị nào khác. Tuy nhiên, nếu không được thừa nhận, Bellow có thể ngay lập tức bị tổn thương. Anh trở nên im lặng kinh khủng chỉ vì những lời chỉ trích hết sức nhẹ nhàng.
Năm 1949, Bellow là tiểu thuyết gia có văn phong đặc biệt tại Paris, Pháp, chuẩn bị cho ra một tiểu thuyết mới. Nhưng cũng trong thời gian này, Bellow cảm thấy bị mắc kẹt trong cuộc sống hôn nhân, vỡ mộng với các chính trị gia cánh tả và kinh hoàng trước viễn cảnh phải trở lại với công việc giảng dạy ở trường đại học. Một buổi sáng, khi bước vào phòng viết ở Paris, ông nhìn thấy đám công nhân đang làm sạch đường phố. Họ rửa đường bằng vòi nước và để nước chảy dọc theo lề đường.
Đột nhiên, Bellow cảm thấy ánh nắng trong dòng nước thật kỳ lạ. Phấn kích, ông nghĩ rằng bác sĩ tâm thần sẽ nói đây có thể là một loại trị liệu thủy sinh - nước chảy giải thoát nhà văn khỏi gánh nặng của trầm cảm. Và Bellow tự hỏi, sao không nghỉ ngơi một chút để bản thân được tự do như nước? Phải thoát khỏi “bệnh viện tiểu thuyết” này, nơi đầu độc cuộc đời ông. Nhưng ngay sau đó, Bellow nhận ra suy nghĩ này không thể chấp nhận được. Ông chỉ đang trốn tránh và điều đó thật nhục nhã. Những ký ức tuổi thơ hiện về. Bellow nhớ tới người bạn thân có họ là August. Cậu ấy rất đẹp trai, là đứa trẻ tự do, rất hay la lên khi cùng Bellow chơi cờ rằng: “Tôi có một mưu đồ”.
Ngay lập tức, nhà văn quyết định viết về cuộc sống tưởng tượng của cậu bạn này và gia đình cậu ta, những người mà Bellow từng gặp trong những năm 1920. “Quyết định đến với tôi như một trong những bước nhảy lớn. Đối tượng và ngôn từ xuất hiện cùng một lúc. Câu chữ ngay lập tức nhảy ra. Tôi không thể nói nó đã đến như thế nào nhưng tôi bất ngờ bởi sự giàu có của từ và các cụm từ. Sự u ám rời khỏi tôi và tôi đột ngột tìm được bản thân”. Cái đột ngột này với Bellow giống như “một vòi nước giữa mùa hè”.
Khá giống trường hợp của nhà thơ Anh, William Wordsworth. Năm 1799, Samuel Taylor Coleridge (nhà thơ Anh) rủ Wordsworth tới Đức. Coleridge biết nói tiếng Đức còn Wordsworth thì không. Ông cảm thấy bơ vơ và chán nản, sau đó nghĩ ngợi về tuổi thơ và bùng nổ những tứ thơ tuyệt vời. Nhưng Bellow không bị cô lập nhiều như Wordsworth. Ông biết tiếng Pháp, có nhiều người quen. Dù sao, bốn năm sau, Những cuộc phiêu lưu của Augie March (The Adventures of Augie March) cũng ra đời, kể về cuộc đời của nhân vật chính Augie March từ thơ ấu đến trưởng thành.
Trong tác phẩm, Belllow tập trung vào người nhập cư và những nhà kinh doanh trẻ. Ngôn ngữ của tiểu thuyết dao động từ vỉa hè đến tháp ngà cao sang. Ngay từ mở đầu câu chuyện, Bellow đã khẳng định “Tôi là một người Mỹ, sinh ra ở Chicago, Chicago - thành phố ảm đạm, đi vào sự việc như tôi đã nhủ bản thân, tự do và sẽ viết theo cách của mình: đầu tiên là gõ cửa, đầu tiên là thừa nhận; đôi khi là tiếng gõ vô tội, đôi khi không vô tội”. Với những lời này, vào năm 1949 tại Paris, Bellow mặc nhiên bị gắn nhãn kẻ nổi loạn chống lại “tiêu chuẩn Jamesian” (tiêu chuẩn văn chương Henry James, nhà văn rất được tôn trọng trong những năm 1940, đặc biệt là với giới trí thức Do Thái).
Dù vậy, trong nửa đầu của sự nghiệp văn chương, trước khi Herzog ra đời (1964), Bellow chống chọi rất tốt, đánh bại mọi cản trở đối với phong cách văn bản của mình. Ngay từ tiểu thuyết đầu tay, Người lơ lửng, ông đã nói, “Bạn có cảm xúc không? Hãy bóp nghẹt chúng. Nếu bạn vì khó khăn, phải vật lộn với chúng âm thầm mà chấp nhận lời dạy bảo của chúng thì hãy xuống địa ngục với chúng luôn đi. Tôi có dự định để nói về mình”.
Nạn nhân, tiểu thuyết thứ hai của Bellow cũng liên quan đến cuộc chiến đấu chống lại những hạn chế từ bên ngoài và trở ngại bên trong. Dù chưa thành thạo, hai tiểu thuyết vẫn có sức ảnh hưởng. Ngay cả trước khi Những cuộc phiêu lưu của Augie March được công bố, Lionel Trilling, một nhà phê bình Mỹ, đã tuyên bố Bellow là nhà văn tài năng nhất trong thế hệ mình.
Ở nửa thứ hai của sự nghiệp, từ 1965 đến 2005, Bellow liên tục bị săn đuổi bởi sự nổi tiếng. Ông bị phân tâm vì sự cám dỗ. Thế giới dưới con mắt Bellow ngày càng vượt ra ngoài vật chất, đôi khi thoáng giống khoảng khắc phát quang của John Cheever, nhà văn Mỹ. Sự huyền nhiệm được thể hiện nhiều trong các tiểu thuyết và truyện ngắn sau này, dù chúng vẫn được thiết lập trong bối cảnh thế giới suy đồi.
Bất kể thế nào, thời điểm phát quang đẹp nhất của Bellow vẫn là tại Paris năm 1949, khi ông nhìn thấy ánh nắng trong dòng nước chảy trên các máng xối, và Những cuộc phiêu lưu của Augie March tràn tới như lũ. “Tất cả những gì tôi phải làm là lấy xô ra mà hứng”.
ZACCHARY LEADER (Anh)
_________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét