Ở tận miền Hà Tiên (Kiên Giang) xa xôi, có một quần đảo mà đến cái tên của nó khi nhắc tới đã gợi cho người nghe cảm giác tò mò, bí hiểm: Hải Tặc. Khi những nụ mai vàng bắt đầu hé nở, từ phương Bắc xa xôi, tôi đã tìm đến vùng đảo ấy để được nghe những câu chuyện lý thú còn sót lại về một cướp biển lừng danh trong quá khứ, còn con gái của ông thì “gánh đá” xây chùa…
Rời Hà Tiên, chiếc tàu nhỏ đạp sóng đưa chúng tôi vượt 11 hải lý để đến đảo Hải Tặc, nằm ở phía Tây vùng biển Việt Nam (nay là Hòn Đốc thuộc xã đảo Tiên Hải, Hà Tiên, Kiên Giang).
Thấy những vị khách lạ liên tục hỏi về quần đảo, người lái tàu kể rằng Hòn Đốc hợp 14 hòn đảo lân cận hình thành quần đảo Hải Tặc rộng hơn 1.1000 ha. Chuyện xa xưa kể rằng đây là khu vực có băng cướp biển Cánh buồm đen khét tiếng.
Tàu cập bến, đảo Hải Tặc hiện ra hiền hòa, khác hẳn với tên gọi. Anh cán bộ xã có cái tên rất kêu, Thái Trường Tuấn Kiệt hồ hởi dẫn chúng tôi ra tấm bia đá nằm bên bờ biển đã có từ hơn nửa thế kỷ trên đảo, hướng về nước bạn Campuchia. Khối bê tông cao khoảng 3m đã rêu phong, ghi rõ hàng chữ “Quần đảo Hải Tặc” trên tấm bia cùng tọa độ, khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo này.
Theo chỉ dẫn của anh Tuấn Kiệt chúng tôi tìm đến nhà ông Tư Nam (Nguyễn Văn Nam)-cháu ngoại của một cướp biển Cánh buồm đen còn sinh sống tại đảo. Ngồi đợi cả tiếng bên quán nước mới thấy người đàn ông dong dỏng cao, sinh năm 1948 về nhà. Mái tóc đã điểm bạc, gương mặt ông Tư Nam hằn lên nét vất vả, khắc khổ của một đời bôn ba.
Rít điếu thuốc lào, ông Tư Nam chầm chậm nhả khói, rồi kể lõm bõm câu chuyện còn sót lại trong trí nhớ về một cướp biển lừng danh ở quần đảo Hải Tặc. Câu chuyện bập bõm, được lắp ghép lại bởi chính ông Tư Nam cũng chỉ nghe người mẹ là bà Nguyễn Thị Gái (còn gọi bà Mười) đã qua đời ở tuổi ngoài 80 vào tháng 3/2013.
Ông ngoại của Tư Nam xưa có tên là Nguyễn Thanh Vân, rất giỏi võ và từng tham gia băng cướp Cánh buồm đen, sục sạo trên khắp các hòn đảo thuộc Vịnh Thái Lan, thông thuộc vùng biển này như lòng bàn tay. Băng cướp ấy, khi cướp được của đám lái buôn nước ngoài thường đem về chia cho dân nghèo cùng hưởng.
Thế nhưng, số phận an bài, một lần sang đất Thái Lan, cướp biển Nguyễn Thanh Vân gặp một cô gái có sắc đẹp mỹ miều. Tình yêu đã đến với họ, rồi cả hai người cùng nhau về Phú Quốc xây dựng gia đình, giã từ cuộc sống giang hồ. Vào những năm 1950, do sức ép của chế độ cũ, gia đình ông Vân lại dong thuyền tìm đến đảo Hải Tặc để tìm kế sinh tồn.
Chuyện đời cũng trớ trêu. Ông ngoại là cướp biển nhưng ông Tư Nam lại từng là nạn nhân của cướp biển. Vào năm 1994, trong một lần ra khơi, Tư Nam đã bị cướp biển bắt về Campuchia, giam 5 ngày.
Sau đó, ông may mắn vượt ngục thành công về đến cửa khẩu Hà Tiên nhờ biên phòng giúp đỡ. Thời gian ấy, ông bị đánh bầm giập, phải uống thuốc đến cả ba tháng trời. Hay chuyện một lần khác, ông bị hải tặc nổ súng bắn xuyên qua đùi…
Trở lại câu chuyện con gái của cướp biển Nguyễn Thanh Vân. Năm tháng qua đi, những người anh em của bà Mười cũng phiêu bạt nhiều nơi để sinh sống.
Quần đảo Hải Tặc người đi, người mới đến ngày một đông nhưng hầu như họ chỉ biết về câu chuyện khu vực này có cướp biển chứ chẳng hề rõ cụ thể chi tiết. Hơn nữa, cuộc sống miền biển vất vả, lo cái ăn quanh năm còn chưa đủ thì ai có hơi sức đâu mà bới lại chuyện xưa.
Lớn lên, bà Mười là một thiếu nữ sắc nước hương trời, được nhiều người để ý. Xây dựng gia đình, bà sinh hạ được 5 mặt con thì chồng chết. Một tay nuôi con khôn lớn, nhưng trong người phụ nữ ấy lại luôn có một tâm niệm hướng Phật.
Vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, bà Mười quyết tâm dựng một ngôi chùa. Ngày đêm xuống biển lấy cát, đánh bắt hải sản, rau rừng để đổi lấy vữa vôi của lính Ngụy, sau nhiều ngày tháng, tới năm 1964 thì bà Mười cũng xây được một gian chùa nhỏ lấy tên là Sơn Hòa Tự. Gọi là ngôi chùa, nhưng thật ra đó chỉ là một chiếc am nhỏ vài chục mét vuông, dựa lưng vào núi và quay mặt ra biển.
Ông Tư Nam bảo rằng, đặt tên chùa là Sơn Hòa Tự, mẹ ông ngụ ý Sơn là núi, Hòa là hòa bình và Tự vừa có nghĩa là chùa, lại vừa có nghĩa là tự làm ra. Bởi thế, ba chữ Sơn Hòa Tự ra đời với mong muốn đây sẽ là hòn đảo yên bình, không có sự hoành hành của cướp biển, người dân được hưởng cuộc sống trong hòa bình, vui vẻ.
Kể từ khi có chùa, người dân đảo Hải Tặc có chỗ để đến thắp nhang đèn cầu nguyện mỗi khi đi biển hoặc vào những ngày lễ. Khi bà Mười mất, ngôi chùa không ai coi sóc. Nhưng đến ngày lễ, tuần rằm thì người dân lại lên quét dọn, mở cửa để tụng kinh, niệm Phật.
Tôi rời quần đảo Hải Tặc khi mặt trời chỉ còn hắt những tia yếu ớt trên mặt biển phía Tây, những hòn đảo nhỏ dần dần lùi xa trong sương chiều bảng lảng. Lại nhớ đến câu nói của cán bộ xã Thái Trường Tuấn Kiệt: Bà Mười xây chùa đã giúp người dân có nơi cúng tiến nhang đèn, thỏa nguyện tấm lòng hướng Phật.
Đây là một điều tốt và tuy bà mất đi nhưng người dân vẫn sẽ tiếp tục xây dựng Sơn Hòa Tự thành nơi sinh hoạt tâm linh. Việc của bà Mười quả thật không phải ai cũng đủ sức để làm…
TRUNG HIỀN
________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét