Nắng ngoài song cửa cứ nhảy múa, những
ánh vàng chao đảo, chao đảo rồi ào qua cửa, Hân hốt hoảng nép mình vào một góc
nhỏ. Trong căn phòng trọ đơn sơ, Hân chợt nhận ra nỗi thất vọng chán chường
đang bao phủ. Căn phòng chưa tới mươi mét vuông, đủ cho một chỗ nằm và một lối
đi từ cửa vào toilet.
Đã mấy năm học đại học sư phạm, Hân trọ tại căn phòng
này, trước đây Hân sắp xếp thêm một chiếc bàn học nho nhỏ, bây giờ thì không
còn nữa, không cần nữa. Hân đã ra trường với tấm bằng loại khá và một tình yêu.
Chiếc điện thoại di động nằm bất động dưới nắng. Hân phủi nắng, mở nhạc. Bài
hát ngày xưa vang lên xua đi nỗi buồn đang ẩn nấp trong Hân.
Khi mới đặt chân
tới ngưỡng cửa trường đại học, trong lúc chờ nộp hồ sơ làm thủ tục nhập học,
bài hát vang lên từ chiếc loa của trường đã theo Hân suốt bốn
năm học và đi vào ký ức của Hân với bao hạnh phúc và những ước mơ tươi đẹp. Bài
hát làm con nắng lắng lại, dịu dàng hơn, trên ánh mắt Hân một nụ cười vừa hé
mở. Hân nhẩm theo lời bài hát “Yêu biết mấy mái trường và em nhỏ. Nhìn về tương
lai lòng tôi thấy rộn ràng...”. Tiếng chuông điện thoại gọi Hân về thực
tại.
- A lô! Anh hả?
- Anh đây, ngày mai em có rảnh không?
Chúng mình gặp nhau nhé?
- Tới nhà em đi!
Hân đã xem căn phòng trọ này là nhà từ năm thứ hai
kia. Một năm học Hân chỉ về quê có một lần, chỉ độ hơn một tuần trong những
tháng nghỉ hè. Nếu tính từ thành phố này đến nhà Hân ở thì xa lăng lắc, đi
đường phải mất một ngày một đêm bằng xe ô tô, một ngày đi xe máy và hơn nửa buổi
đi bộ.
Quê Hân, Tây Giang, là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Hân sinh ra và lớn lên trong
một gia đình nghèo, sống dựa vào mảnh ruộng bậc thang quanh năm thiếu nước.
Được sự thương yêu và tạo mọi điều kiện của thầy cô giáo trong trường, Hân đã
nỗ lực trong học tập và thi đỗ vào đại học. Hân chọn học ngành sư phạm một phần
vì trong trái tim Hân hình ảnh của thầy cô giáo có lẽ là hình ảnh sang trọng, đẹp đẽ duy nhất mà Hân
đã gặp. Sau năm học đầu tiên ở ký túc xá, Hân đã hòa nhập với bạn bè, hòa nhập
với cuộc sống sôi động ồn ào của thành phố. Để dễ dàng hơn trong việc làm thêm
tự nuôi mình ăn học, Hân đã đến ở trọ tại căn phòng này.
Nắng đã tắt tự bao
giờ, Hân bật đèn, đóng cửa, lên giường trùm chăn kín mặt chẳng thèm ăn uống gì.
Phiền muộn lại kéo về. Đã hơn mấy tháng tìm việc nhưng vẫn không có kết quả.
Tấm bằng Đại học Sư phạm Văn loại khá còn thơm mùi giấy mới, đối với thành phố
đông dân này hình như chưa thuyết phục được nhà tuyển dụng. Đã có lần Hân nghĩ
đến chuyện về quê, nhưng còn Trí, anh ấy có nghĩ như Hân không?
Quen Trí được
hai năm, tình bạn rồi tình yêu, Hân rất hiểu Trí. Anh ấy muốn ở lại thành phố,
anh đã từng nói với Hân chính thành phố năng động này mới là chỗ để anh thể
hiện tài năng. Hân rất yêu Trí muốn giúp anh ấy thực hiện được ước mơ. Có lẽ không thể nào khác được, Hân phải bám lấy thành phố này
nếu không muốn mất Trí. Nhưng đã mấy tháng rồi, gần nửa năm rồi, cả hai đứa vẫn
chạy quanh bỏ cả công việc làm thêm để tự nuôi sống trong những ngày chờ đợi.
Con
thằn lằn đập đuôi vào máng đèn kêu lộp bộp nghe thật khó chịu. Hân trở mình,
cái giường quá cũ kêu răng rắc càng làm tăng nỗi bực mình. Tung chăn ngồi bật
dậy, định gọi điện cho Trí, nhưng Hân lại mở nhạc. Bài hát ngày xưa vang lên
nhè nhẹ, Hân dựa vào vách tường nhẩm theo lời bài hát: “Chim hót ca vang đón
mừng mùa xuân sang. Tiếng các em tôi hát rộn trường làng. Yêu biết mấy mái trường và em nhỏ. Nhìn về tương
lai lòng tôi thấy rộn ràng...”. Nhè nhẹ đặt lưng xuống giường, men theo
từng câu hát, Hân trở về với những ngôi trường ngày xưa ở vùng quê heo hút, trở
về với những ngày đầu tiên đặt chân đến trường đại học. Hàng cây sân trường đại
học lung linh nắng còn nguyên trong Hân mỗi khi bài hát vang lên. Hân thiếp đi trong giấc ngủ muộn
màng.
* * *
Quán cà phê vườn hôm nay thưa khách. Hồ cá cảnh hình
bán nguyệt có đường kính khoảng hơn bốn mét với hòn giả sơn thật đẹp, những chú
cá lý ngư màu đỏ lững thững tìm mồi. Tiếng nước róc rách men theo hòn giả sơn
rơi trên mặt hồ xua đi cái yên lặng ngột ngạt giữa hai người bạn trẻ. Khuấy
nhanh ly cà phê, mắt nhìn lơ đãng, Trí chậm rãi:
- Ngày mai thứ bảy, anh và em đi miệt vườn chơi cho
khuây khỏa, du lịch sinh thái giúp chúng mình thư giãn.
- Em không đi đâu cả, buồn muốn rã cả chân tay làm
sao đi nổi!
- Em cứ kiên nhẫn chờ đợi, anh sẽ tìm được việc làm
cho cả hai đứa.
Hân rụt rè nhìn Trí:
- Hay chúng ta về quê anh nhé. Em đang cần việc làm
mà quê thì cũng cần em nữa. Ở đó giáo viên còn thiếu nhiều lắm, nhiều thầy cô
giáo công tác hơn mười năm mà vẫn chưa về xuôi được...
- Đó là chuyện của người ta, mình có chuyện của mình.
Em muốn giam mình vào cái xứ núi đó thì cứ về, mặc kệ anh vậy!
Hớp một tí nước cam vắt mà Hân nghe đắng ngắt, cố dịu
giọng:
- Chúng ta
cùng về quê...
- Tôi đã
bảo rồi, cứ mặc tôi.
Trí dứt
khoát đứng lên, nhưng rồi lại ngồi xuống thuyết phục:
- Sao em nghĩ hẹp vậy. Chúng ta sinh ra từ miền quê
nghèo, vất vả vào đây ăn học, tìm việc làm để không giàu có hơn ai thì cũng
thoát được cái nghèo chứ!
Hân yên lặng. Giọng Trí lúc nào cũng đầy thuyết phục.
Trí có đôi mắt đầy quyết đoán, gương mặt cương nghị dễ nhìn, Trí sinh ra và lớn
lên ở thành phố Tam Kỳ, một thành phố mới của tỉnh Quảng Nam, cách quê của Hân
khoảng gần trăm cây số đường bộ. Hân nhẹ nhàng:
- Tam Kỳ dạo này thay đổi nhiều lắm, biết bao nhiêu
công trình mới đang được xây dựng, phù hợp với nghề nghiệp của anh, nghe nói đã
có đường ô tô từ Tam Kỳ đến Tây Giang, một buổi đường là chúng ta có thể gặp
nhau.
Trí dịu giọng:
- Gặp nhau để than khổ than nghèo thì gặp nhau làm gì
chứ?!
- Sao anh lại nói vậy!? Tụi bạn mình khối đứa về quê
đó, thằng Chương con Yến giờ đã có công ăn việc làm cả, em mới nhận thư của tụi
nó.
- Anh cũng mới nhận thư của thằng Trung, nó đang dở
khóc dở cười vì đi xin việc ở quê đó, họ hoạnh họe đủ điều chứ không như em
nghĩ đâu, Thôi đừng nói chuyện ấy nữa.
Tiếng nước vẫn róc rách chảy, con lý ngư vẫn bình
thản lượn quanh hồ tìm mồi, sao chúng vô tâm đến thế! Hòn giả sơn thật đẹp, ai
đó đã tạo nên con đường mòn từ chân đến lưng chừng ngọn núi, giống hệt con
đường từ nhà Hân đến trường thuở nhỏ. Trước mắt Hân là một vùng quê êm đềm thân
thuộc. Mỗi sáng mây là đà quanh núi, sương ướt cả lối đi. Chiều về cái se lạnh
ôm gọn cả núi rừng. Phía xa là những nóc nhà trong sương, bên cạnh là những
mảnh ruộng xanh non cao thấp, con đường, ôi con đường quê sao mà thân quen...
- Em nghĩ
gì vậy? Mình về đi!
Hân vẫn
bất động. Nỗi nhớ quê đang ùa về tràn ngập trong Hân. Mẹ ném đôi đũa xới cơm
chạy ra ôm Hân vào lòng, cha Hân lật đật bỏ ruộng chạy về, con chó đã lâu không
gặp vẫy đuôi mừng rỡ, mùi cỏ mùi rơm mùi đất ngai ngái khắp nhà, ôi ngày trở
về...
Ngước mắt
nhìn lên không thấy Trí, Hân giật mình ngơ ngác. Chắc anh ấy giận bỏ đi rồi. Xa
Trí, Hân thấy mình hụt hẫng trống vắng. Cuộc sống sẽ ra sao khi không có anh
ấy. Quán cà-phê đã đông khách, cái nhộn nhịp sôi động của thành phố kéo Hân về
với thực tại. Không thể được, không thể được... Hân vội vàng đi tìm Trí.
* * *
Thế là hai đứa lại làm lành, lại đưa nhau đi thư giãn
khu du lịch sinh thái ven đô. Khu du lịch sinh thái được xây dựng trên một vùng
đất rộng cũng trên năm chục hec ta, có đầy đủ sông, suối, núi, đồi. Rừng cây
được chăm sóc mới xanh tốt làm sao! Hôm nay không phải là ngày nghỉ nên rất
vắng khách. Trí rất vui vì thấy Hân đã quên hẳn chuyện về quê, anh luôn miệng
kể về tương lai của hai đứa. Họ sẽ làm đám cưới ở một nhà hàng trung tâm thành
phố, trước mắt thuê một căn nhà rộng hơn để ở, sau đó để dành tiền mua một căn
hộ ở chung cư. Hân thấy lòng rộn lên niềm vui khó tả. Niềm tin vào sự sắp xếp
của Trí đã biến Hân của ngày hôm qua thành một Hân rất mới, hoạt bát hơn, yêu
đời hơn. Hai đứa đi quanh một ngọn đồi nhỏ dưới bóng cây râm mát hàng giờ, quên
cả mệt nhọc và cái bụng rỗng không.
- Em ngồi nghỉ ở đây, anh đi kiếm thứ gì lót bụng
nhé!
Hân ngước nhìn lên, tán cây xanh ôm cả một vùng đồi
rộng lớn. Hân ngả người dưới gốc cây, mắt nhắm lại hít sâu vào lồng ngực cả
không gian yên bình, cả mùi hương núi đồi sông suối. Cứ ngỡ như mình đang sống
ở quê vậy, gió rười rượi mát thổi từ con suối vắt lửng lưng đồi. Tiếng chim, không
rõ loại chim gì nghe véo von đến nao lòng. Ừ, sau nhà Hân cũng có tiếng chim
này, cứ nắng hơi nghiêng mé đồi là lúc chim cất tiếng hót như chiếc đồng hồ báo
giờ vậy. Khi ấy mẹ bắt đầu thổi cơm trưa. Bên tai Hân tiếng của mẹ:
- Hình như con có khách đến thăm.
Hân sững sờ đến kinh ngạc, trước mắt Hân là một cô
gái mắt sáng như đèn pha, trên đầu là chiếc mũ rộng vành có gắn hình chim lạc,
tay cầm thanh kiếm dài. Hân nhủ thầm, mình đã gặp người này rồi, ở đâu nhỉ? À,
bà Trưng Trắc trong sách Lịch sử.
- Đừng gọi ta là bà, cứ gọi ta là chị, ta chỉ hơn em
mấy tuổi thôi.
- Vâng thưa chị!
- Quê em đẹp lắm, hùng vĩ lắm, không khác gì quê của
chị đâu. Đã một thời chị và Thi Sách sánh vai nhau đi vòng theo chân núi, ánh
trăng khuya lung linh huyền ảo, thế mà...
- Em biết anh ấy và chị đã hy sinh tình yêu, tình
chồng vợ, cùng ba quân tướng sĩ đánh tan giặc ngoại xâm.
- Bên tai chị vẫn còn vang vọng tiếng trống đồng giục
giã xuất quân và tiếng của anh ấy trong giờ phút chia ly.
Tiếng trồng đồng vang xa dội vào vách núi, giọng một
người con gái rất ngọt ngào:
- Cho ta
trò chuyện với!
Bước ra từ
sau vòm lá là một công chúa đẹp tuyệt trần, mái tóc chảy dài xuống vai, đôi mắt
buồn rười rượi, hương từ tấm áo choàng tỏa ra thơm ngát.
Trưng Trắc
ngạc nhiên:
- Mỵ Châu!
- Ta nghe
tiếng trống đồng chợt nhớ chuyện năm xưa...
- Chuyện
cánh nỏ thần đã mất?
- Ta đã
thơ dại trao nỏ thần vào tay giặc nên sông núi phải điêu tàn!
Giọng
Trưng Trắc đầy oán trách:
- Nàng quá
tin vào tình yêu, quên nghĩa nước nặng tình nhà.
Mỵ Châu:
- Từ giếng
ngọc ta đã ôm hận sầu tủi biết bao nhiêu. Nhưng ta đã nhìn thấy Trưng Trắc dấy binh
trừ giặc, lòng ta cũng đã nguôi ngoai.
- Trên
ngực nàng vẫn còn dấu gươm cha, vết máu vẫn còn loang lổ, dẫu đã mấy trăm năm rồi
đó nhỉ?
Hân chợt
chen vào:
- Đã mấy
ngàn năm rồi chứ!
Mỵ Châu
quay lưng bước đi, máu từ ngực Mỵ Châu trào ra, Hân rú lên sợ hãi. Trưng Trắc ôm
lấy Hân:
- Tỉnh lại
đi em!
Hân mở
bừng mắt, Trí đang nhìn Hân ái ngại:
- Em mệt
phải không? Ăn một miếng cho khỏe!
Hân vẫn
còn nghe mùi hương từ tấm áo của Mỵ Châu phảng phất đâu đây, tai vẫn còn vọng tiếng
trống thúc quân. Phía trước vẫn là núi đồi và những hàng cây cao tỏa bóng mát,
nhưng Mỵ Châu đâu, Trưng Trắc đâu, mẹ đâu không thấy. Vẫn là Trí thôi. Vẫn chỉ
là Hân và Trí đơn độc giữa núi non sông suối giả tạo này. Hân nhìn Trí:
- Ta chia
tay nhau anh nhé! Ngày mai em về quê.
Trong Hân,
không còn nữa câu trả lời của Trí. Chỉ còn âm vọng bản giao hưởng núi đồi thời thơ
ấu giục giã ngày trở về.
NGUYỄN BÁ HÒA
____________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét