Có cảm giác như chiếc xuồng hơi trượt theo con nước đang ròng, lão Tư
nhỏm dậy nghiêng nhìn xuống, miệng lẩm bẩm: “Nước còn đầy, chưa giở chà được đâu!”.
Thuận tay, lão kéo xê tấm lá chằm che bớt ánh nắng chiều chiếu xiên xiên qua
mái lá cong cong, rồi nằm lại. Đấy là lão đang đợi con nước rút thiệt thấp mới
giở chà đăng bắt tôm cá. Mấy chỗ cắm đăng dễ kiếm ăn thì tụi thanh niên giành
hết, lão đành ra mé kinh Hàn làm đỡ, bụng vái “bà cậu” thương cho kiếm ít con tôm càng, cá nâu… bán được tiền mua gạo. Còn
mấy lít trong hũ chiều qua đem cho mẹ con cô Hạnh hết, tội nghiệp! Nhắm chừng
xuồng căng dây, lão đứng lên lấy giỏ đụt, cây dằm đặt sẵn ở mũi rồi lội sình
tháo dây, chầm chậm đẩy trôi theo dòng nước chảy lừ đừ…
… Xách giỏ đệm đựng con cá lóc hơn nửa ký lô, lão Tư rụt rè bước vào ủy
ban xã, hỏi cậu dân quân:
- Cháu biết chỗ nào nhận đơn không vậy?
Theo hướng tay chỉ, lão lột nón lá, bàn chân trần chạm hơi gạch bông mát
lạnh. Chờ anh thư ký ngừng tay bấm điện thoại, ngước lên ra ý hỏi, lão chìa nhẹ
tờ đơn ra, đằng hắng lấy giọng rành mạch:
- Chú em coi giùm tờ đơn của cô Hạnh ấp 5 nhờ tui gởi giúp… Đơn xin trợ
cấp, nhà cô ấy ba mẹ con nghèo khổ lắm…
Xem nhanh những dòng chữ viết trên tờ giấy đôi học trò xong, anh thư ký cau
mày, lắc đầu:
- Cái này không đúng nguyên tắc, tôi hổng dám trình lên trên đâu bác ơi!
Vẻ thất vọng, lão Tư nằn nì:
- Đơn này tui nhờ người ta viết kể rõ hoàn cảnh, may được xã thương cấp cho
mỗi tháng năm, mười ký gạo cũng đỡ khổ. Hai con cô Hạnh tới tuổi lâu rồi mà đi
học có một đứa…
Móc túi lấy bao thuốc lá, nhón một điếu đốt hút, anh thư ký giải thích:
- Chuyện trợ cấp đâu phải dễ! Này nhé… phải có tổ tự quản xác nhận đưa
lên ban chủ nhiệm ấp, họp dân lấy đa số bình xét, rồi tới đợt thì xã còn xác
minh, cân đối chỉ tiêu thu chi xã hội đủ thứ… Nói riêng bác hiểu, xã đang phấn
đấu hoàn thành các tiêu chí để sớm lên Xã văn hóa, nếu còn vướng víu hộ nghèo,
hộ nhận trợ cấp vượt mức thì… không ổn chút nào. Bác thông cảm…
Biết chẳng còn cách nào, lão buồn thiu nói hai tiếng “Cảm ơn” khô khan,
xếp tờ đơn chẳng còn chút giá trị nào vào túi rồi quay ra. Anh thư ký nói vọng
theo:
- Nè bác! Cô Hạnh ở ấp 5 hả? để coi có chùa chiền từ thiện nào gởi gạo
làm phước, tôi ghi tên, ghi phiếu cho…
Không nhìn lại, lão Tư đi luôn. Chần chừ một lúc, lão rẽ vô con đường
đất nhỏ đi miết, trời nắng chang chang. Vùng này ở cuối ấp, nhà cửa thưa thớt, đất
đai nhiễm phèn mặn nên chẳng trồng trọt, canh tác thứ chi ra hồn. Hồi năm kia
nghe đồn sắp có qui hoạch công trình lớn, tiền đền bù tới ba bốn chục triệu một
công đất, bà con mừng. Lão thì thờ ơ, thân ăn nhờ ở tạm, tờ giấy lận lưng hổng
có, mơ nỗi gì? Nghĩ cũng ngộ, đời thuở nông dân cặm cụi một nắng hai sương, bán
mặt cho đất, bán lưng cho trời mà nay không chút luyến tiếc thành quả ông cha.
Lòng người giờ lạnh nhạt, phủ phàng, thay đổi nhiều quá. Lão Tư đi mướt mồ hôi
mới tới căn chòi ọp ẹp dựa nép tấm tường bề thế nhà bà Phủ hồi xưa. Đẩy liếp
cửa bước vào, lão đánh tiếng:
- Cháu Hạnh bữa nay hổng làm cỏ ruộng cho bà Năm Hoành sao?
Đang nằm võng lơ mơ, Hạnh ngồi thẳng lên, quấn lại tóc, ngượng nghịu gật
đầu chào rồi kêu hai đứa con gần đó:
- Thằng Hiếu, thằng Thuận sao không thưa ông Tư?
Đứa nhỏ chừng 8 tuổi đang ngồi xổm mím môi cầm viết chì tô chữ lên quyển
vở, nói lớn:
- Thưa ông Tư!
Đứa lớn bóc cơm nguội trong nồi chấm mắm chưng ăn trệu trạo, tay kia hươ
hươ đuổi ruồi, miệng lúng búng chi đó. Chợt nhớ, Hạnh nhìn lão Tư, giọng rầu
rầu:
- Hồi sớm này con tính đi làm, ra tới cửa xây xẩm mặt mày, gượng hoài
hổng được… đành phải nghỉ! May nhờ mấy lít gạo bác cho…
Mở giỏ đệm lấy ra con cá lóc, xỏ dây vào mang, móc lên mé vách, lão Tư
cười:
- Gởi mấy mẹ con con cá này để nấu canh hay kho tiêu gì đó thì tùy… Cháu
bệnh mà có uống thuốc chưa?
Ngó con cá còn sống quẫy đuôi lúc lắc, Hạnh thở dài:
- Nhà còn mấy viên thuốc cảm bác cho hôm nọ, uống rồi đỡ đỡ. Sao bác
hổng để bán, cho chi con cá lớn quá. Thiệt trước nay mang ơn bác Tư, biết làm
sao trả…
Móc túi lấy mấy cái kẹo đưa hai đứa nhỏ, lão Tư cười gượng gạo:
- Bậy! thấy gia cảnh cháu thì ai mà không xót, không giúp… Bây đừng nói
ơn nghĩa, ráng mau mạnh giỏi còn lo cho sắp nhỏ! Ờ… vụ cái đơn…
Vẻ nôn nóng, gương mặt hốc hác của Hạnh như bừng sáng tia hy vọng:
- Sao… sao rồi bác Tư?
Lúng túng quấn điếu thuốc rê,
lão Tư ngập ngừng:
- Thằng thư ký ở xã… nhận đơn rồi, biểu chờ đợt xét duyệt. Thây kệ, cháu
cứ lo làm ăn, chừng nào tới thì tới, đừng trông ngóng nghen! Ờ… bác đem con cá
tính… cúng cho nó, thấy lề mề, khinh khỉnh phát ghét nên xách về luôn. Con
người bây giờ khác xưa nhiều quá!
Hạnh bật cười:
- Bác thiệt là… Phải chi bác gởi biếu con cá, có khi chuyện nhờ cậy lẹ
hơn!
- Thôi bỏ chuyện đó đi! Giờ bác về lo mồi cho mấy cái vó cua… Ờ, thằng
chồng bây lâu nay có tin gì không?
Xoa đầu đứa con nhỏ, Hạnh rơm rớm nước mắt, lắc đầu:
- Từ ngày ảnh theo người ta đi biệt lúc thằng Thuận mới ba tuổi, bốn năm
nay chẳng có tin tức gì… Họ hàng thì coi như không còn ai liên lạc, chắc họ
cũng đầu tắt mặt tối như mình. Lúc đầu cháu buồn dữ lắm, sau rồi cháu nghĩ chắc
số kiếp mình phải khổ, phải cô quạnh một thân một mình nuôi con, đành chịu.
Thôi… cũng van vái cho ảnh khỏe mạnh, làm đủ ăn đủ sống, miễn sao đừng cực khổ
như con. Phần số ai nấy hưởng, nấy chịu…
Nghe sống mũi cay cay, lão Tư cầm nón lá đứng lên:
- Bác về! Ông Tư về nghen hai đứa Hiếu, Thuận… Mau lớn phụ với mẹ bây!
Đi một đổi ra tời đường bờ, lão Tư ngoái lại thấy ba mẹ con đứng bên
liếp cửa hướng mắt trông theo. Lòng lão bồi hồi, thương cảm…
*
Cột xuồng bên gốc cây mắm lớn, lão Tư giũ chiếc chiếu cũ cho thẳng rồi
nằm xuống, ngẫm nghĩ sự đời. Mái lá che bên trên lợp thưa, ánh trăng hạ tuần
lặng lẽ chiếu ánh sáng mềm dịu, êm đềm. Mới ngày nào độ tuổi thanh niên, rồi
trung niên, trôi giạt tứ xứ, giờ đã là một lão già gần tám mươi, thời gian… Những
kỷ niệm vui ít, buồn nhiều cứ đan xen vào nhau chẳng theo lớp lang, trình tự
nào. Dòng tình cảm chứa chan chợt đắm đuối theo câu ca dao còn nhớ: “Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc/ Gió nào độc
bằng gió Gò Công/ Thổi ngọn đông phong cho lạc vợ xa chồng/ Đềm nằm nghĩ lại…
nước mắt hồng tuôn rơi!”. Mấy chục năm trước lão Tư cũng có vợ, người vợ
hiền lành cùng đứa con trai kháu khỉnh. Đi làm thuê làm mướn cho người ta, tối
về bên mâm cơm đạm bạc, ánh đèn dầu ấm cúng, tiếng vợ hỏi han, tiếng trẻ bi bô
tập nói; lão thấy mình hạnh phúc không gì bằng. Rồi một lần đi cắt lúa xa, nghe
tin xóm nhà bị máy bay dội bom, lão thất kinh hồn vía chạy một hơi về. Về để
thấy xác vợ con mình đắp chiếu ngoài sân, căn nhà lá thì còn ngùn ngụt khói.
Lão đấm ngực kêu trời, nước mắt ràn rụa, oán trách đất trời vô tâm, con người tàn
nhẫn. Vợ con lão có tội tình gì, ham muốn gì? mà phải thế thân gánh chịu, lúc
ấy lão ước chi mình chết cùng vợ con có lẽ tốt hơn chịu nỗi đau xót tột cùng
này. Chôn cất người thân xong, lão bỏ xứ đi luôn tới nơi này tìm đất hoang dựng
mái chòi, mua chiếc xuồng bập bềnh sông nước tìm kế sinh nhai, đắp đổi qua
ngày. Chừng chục năm sau hết giặc, lão quen nước quen cái ở lại luôn, không về
xứ cũ. Lão ít ngủ trong chòi, bởi nó gợi nhớ hình ảnh, hơi hướm ngày xưa đủ đôi
đủ bạn. Ôi! thời nào cũng có, cũng còn cảnh cơ cực, cảnh đói nghèo, lão nghĩ
vậy. Như ông Hai mù hai mắt, sống với thằng cháu nhỏ. Lớn lên, nó bỏ lên thành
phố tìm việc làm, họa hoằn đôi ba tháng mới về cho ông một hai trăm ngàn, chút ít
quà bánh… rồi đi. Nhờ bà con thương cưu mang, phụ trợ, ông Hai mù sống vật vờ
như cái bóng, buồn thảm. Gần tết năm rồi, ổng treo cổ chết cho xong một kiếp người
bất hạnh. Chòm xóm góp tiền, góp gạo làm cái đám ma không kèn không trống, sáng
sau chôn liền ở nghĩa địa miếu Bà. Chắc có cái huông, mới tháng trước đây con
bé Hiền chưa tới mười tám tuổi cũng hủy mình bằng thuốc trừ sâu. Nhà nghèo, ăn
uống kham khổ, vậy mà con nhỏ xinh gái, trắng trẻo, dễ thương. Thấy lão Tư uống
rượu, lần nào nó cũng khuyên: “Ông Tư ơi! ông đừng uống say, một mình ở xuồng đêm hôm lỡ có bề gì…”.
Lão giả bộ chép miệng thèm thuồng cầm chai đưa lên miệng, con nhỏ làm mặt giận
lão mới thôi. Ba má nó nghe lời bà nào đó ở thành phố về làm môi giới lấy chồng
Đài Loan, ngày đêm thúc hối, ép uổng con Hiền đi cho họ coi mắt. Còn ba ngày
tới hẹn, sáng sớm con nhỏ ra bờ ruộng vắng uống thuốc tự vẫn, cả xóm túa đi tìm
tới chiều mới gặp xác nằm còng queo. Cay nghiệt quá chừng!
Còn cô Hạnh bị chồng bỏ, chắc không phải hết thương mà vì cùng quẫn quá
nên lạc lòng sa ngã thôi. Một mình quần quật nuôi nấng hai con bốn năm nay, Hạnh
làm đủ thứ nghề, nếu được coi là nghề: làm cỏ ruộng, cắt lúa mướn, đắp bờ, gồng
gánh… Tuổi mới băm mấy mà sự lam lũ khiến cô héo hắt, đen sạm, trông già hơn
tuồi rất nhiều. Ba tháng nay có cơ sở chuyên làm sản phẩm mỹ nghệ từ cọng lục
bình tổ chức thu mua nguyên liệu, giá cả rẻ rề, nhưng nhờ vậy Hạnh có việc làm
thường xuyên. Lão Tư vái trời cho cơ sở đó làm ăn sung túc dài lâu, bà con
nghèo được nhờ. Sáng sáng, Hạnh lội cặp mé rạch, mé kinh để vớt cắt lục bình
cột thành bó để trên bờ rồi lội cắt tiếp, sắp dài dài. Chừng trưa sắp nghỉ thì
vác nhiều chuyến cho tới hết, về nhà rải phơi, dặn tụi nhỏ coi chừng mưa gom vô.
Rồi ăn ba hột cơm dằn bụng, đi làm tiếp. Hôm kia gặp lão Tư, Hạnh khoe:
- Trên kinh Bình An lục bình dài cọng, cơ sở mua giá cao mà ở đó dân có
nghề nghiệp khá, họ đời nào chịu lội lặn cắt bán như mình. Cháu tính bữa nào
lên đó…
Lão Tư chặn ngang:
- Ở đây gần nhà, cháu đi chi cho xa? Với lại kinh rạch chỗ mình sâu cạn
ra sao biết rõ, chỗ lạ nguy hiểm lắm nghen cháu!
- Cảm ơn bác Tư lo cho cháu, cẩn thận một chút chắc hổng sao đâu bác!
- Ờ thôi, nhớ đừng ham làm mà lội ra xa là được!
Nghĩ ngợi lan man một lúc mệt trí, lão Tư thiếp dần vào giấc ngủ. Chiếc
xuồng lay động nhịp nhàng theo dòng nước nhẹ…
*
… Hai đứa con Hạnh thấy quá trưa mà mẹ không về nhà, chúng lo lắng đi
tìm khắp xóm, gặp ai cũng thút thít hỏi thăm. Gặp lão Tư, chúng kéo tay mếu máo
kể lể khiến lão phập phồng trong dạ. Linh tính mách lão điều chẳng lành đang ập
đến với người đàn bà đơn chiếc. Nhớ lời Hạnh nói hôm trước, lão biểu hai đứa ở
lại, rồi cùng vài người sốt sắng chống xuồng ngược nước lên kinh Bình An. Quả
là nơi đây lục bình tươi tốt, dày đặc, những chùm bông màu tím phơn phớt rung
rinh theo gió. Đi cặp bờ quan sát dấu vết, không thấy người mà chỉ thấy mấy bó cọng
lục bình đã cắt gọn gàng nằm cách khoảng. Mọi người hối hả lội xuống vẹt từng
cụm lục bình như đan dính vào nhau để tìm kiếm. Lão Tư thật sự thấp thỏm, sợ
hãi trong lúc khua khoắng chân dưới nước. Lão sợ chạm vào cái hình ảnh đang
thấp thoáng hiện diện trong liên tưởng. Một ông chợt hốt hoảng kêu lên, phát
hiện điều gì đó là lạ. Xúm nhau kéo giạt đám lục bình chằng chịt, họ đưa lên bờ
xác Hạnh tái xanh bị kẹt bên dưới, cô đã chết từ lâu…
Cùng bà con chòm xóm tổ chức chôn cất Hạnh xong, đám ma nhà nghèo cũng
khiến lão Tư mệt nhừ người. Hai đứa nhỏ tạm thời được vợ chồng thầy giáo Hải
ngoài xã nhận nuôi, chờ xem có thân nhân đến nhận, bằng không sẽ tính sau. Nỗi
buồn thương cho số kiếp một con người cứ canh cánh trong tâm can lão, chuyện
đăng đó, vó cua lão gát lại vài hôm cho nguôi ngoai. Chiều nay lão Tư bỗng dưng
chống xuồng lên kinh Bình An, ngồi ở mũi nhâm nhi chai rượu trắng. Cặp mạn có
giề lục bình, nước trong leo lẻo, thấy bầy ròng ròng non màu vàng cam đang trồi
lên hụp xuống, lão vất cục cơm ngay giữa coi chơi. Con cá lóc mẹ lởn vởn đàng
xa nhanh chóng bơi lại gần đám con như để bảo vệ. Lão Tư ngồi sát be xuồng, tay
nắm chặt con dao dài, tay thả nhẹ thêm cục cơm xuống. Bầy ròng ròng túa lại rồi
giản ra không ngừng, con cá mẹ lừ lừ gan góc bơi sát mạn xuồng. Vừa tầm, lão Tư
nhè nhẹ lên gân định vung dao chém, cú chém thành thạo khó mà trật. Trong tích
tắc, tự dưng lòng lão nhói đau thắt cả gan ruột, cùng nỗi buồn, nỗi khổ tâm
cùng cực bấy lâu vỡ òa làm lão như kiệt sức. Thu tay dao, lão thở hắt một hơi,
tặc lưỡi ném cục cơm ra xa cho mẹ con
bầy cá tản đi khuất. Rót đầy chén rượu, lão hớp lưng nửa, còn bao nhiêu chầm
chậm đổ xuống dòng kinh, miệng lầm bầm lời van vái. Van vái điều gì? với ai?
cho ai? tuyệt nhiên chỉ mình lão biết!. Những
cánh chim kiếm ăn về muộn, chấp chới bay xa. Mặt trời dần lặn, ráng chiều đỏ
ửng như màu máu tím bầm…
NGUYỄN KIM
_______________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét