Chiều
thứ bảy, tôi nhớ nhà. Nhớ con đê nhỏ ven sông với chiếc ghe bồng bông sớm chiều
hai lượt, nhớ tán bần ven sông đang mùa rộ trái, nhớ bập dừa nước thường lặn hụp
tắm sông mỗi chiều nước lớn và nhớ, nhớ nhiều lắm cái tên gọi thân thương Xóm Rẫy
quê tôi.
Cái
tên mà hàng chục năm nay người ta vẫn gọi dù chẳng còn ai ở xóm này theo nghề trồng
rẫy. Bên sông vẫn là cái lung tràm um tùm đọt choại, dây leo cứ chen chút ôm
sát thân tràm rồi vươn thẳng lên trên từng ngọn cây tán lá. Và cũng chính nơi
đây, nơi mà hồi xưa tôi cùng chúng bạn trốn má qua sông xúc từng con cá lia
thia, thọc từng trái bình bát, hái từng chùm đồi mồi hồng hồng, đỏ đỏ là đà sát
mặt sông. Và cũng ở nơi đây tôi được hưởng trọn cái vị chát, vị chua, cái vị bùi
bùi, ngọt ngọt của từng trái trâm, trái sắn đang căng tròn tim tím, chín từng chùm,
từng chùm một.
Tiếng
chim trao trảo rộn rã đấu đá nhau để tranh giành ổi chín, bầy chuột đồng ríu
rít, rột rẹt rột rẹt trong mấy bụi lùm kế mé nước và tiếng chim cúc cu cứ tục từng
hồi trên ngọn bạch đàn cao chót vót như một thứ quà mà thiên nhiên đã ưu đãi,
dành riêng cho những đứa trẻ đã và đang lớn lên nơi Xóm Rẫy quê tôi – Nơi có
con sông mênh mông, trong mát như tâm hồn trẻ nhỏ và được ướp đầy bông tràm khi
gió khẽ lùa qua.
“Ai ổi hôn, mười lăm ngàn hai kí hai kí mười
lăm ngàn” – Tiếng rao quen thuộc của một bà chị bán ổi vừa lướt ngang dãy trọ. Tiếng
rao ngọt ngào làm biết bao người mê mẩn nhưng lại đánh tan cái trống vắng lạ
lùng của một chiều thứ bảy, một chiều khó hiểu trong tôi.
Một
chiều mà tôi chỉ nghĩ về con Út, nghĩ về cái giọng cười giòn giã lộ rõ hai lúm
đồng tiền cùng một câu nói:
-
Mai mốt bên sông ổi chín Hai Mùi với anh Tú qua hái cho em ăn nha! – hihi…
-
Ừa, nữa tụi anh sẽ hái cho em ăn mà! – Câu nói không mấy gì lạ của hai thằng
anh đang tắm sông với cái việc sang bờ bên kia để hái cho đứa em mình vài trái ổi.
Nhưng
câu nói với cái hồn nhiên thanh khiết của một đứa trẻ lên năm khiến tôi với thằng
Mùi không khỏi bùi ngùi khi nghĩ về con bé. Đã một tuần rồi, một tuần rồi mà thằng
Mùi chưa lên nhập học và cũng đã một tuần… một tuần… ngày con Út… đi… xa…
Nhớ
bữa đó độ hơn năm giờ chiều đang lui cui sau bếp, không thấy con Út đâu nên
thím Chín má của thằng Mùi mới kêu nó đi kiếm con nhỏ. Thằng Mùi sang nhà tôi,
nhà cô Nga, nhà bác Bảy, rồi tới tận nhà ông Tám để kiếm nhưng không thấy con
Út đâu. Nó hỏi hết con Sen, con Đào, thằng Sửu, thằng Sung đến con Hương cuối
xóm đứa nào cũng lắc đầu. Rồi nó la lên cho cả xóm cùng đi kiếm, mọi người đều
túa ra đi kiếm khắp sau vườn, góc cây tới mấy chùm nhà chồi lá chuối nhưng đều
hông thấy. Rồi bỗng thằng Sửu hốt hoảng la lên:
-
Anh Mùi! Anh Mùi ơi! Anh Mùi!
Thằng
Mùi chạy tới rồi phóng cái đùng xuống sông, ông Tám, bác Bảy và tía con tui
cũng nhảy xuống mò, chổ đó là mặt đập dẫn nước từ sông vô ruộng nhà bác Bảy. Thằng
Mùi nhảy liền xuống nước chắc do nó thấy mấy cọng lục bình đã tướt lá thành từng
sợi, từng sợi nhỏ - thứ búp bê lục bình mà mấy đứa con gái ở quê hay chơi và
chiếc dép hồng hồng của em nó. Mọi người lặn mò một hồi lâu mà chưa gặp con Út.
Trời chập tối, ba của thằng Mùi đi đốn tràm trên nông trường vừa về tới liền nhảy
xuống cố hết sức tìm kiếm đứa con gái thân yêu trong nỗi tuyệt vọng đang đến gần.
Thím Chín quỵ xuống khóc nức nở trên bờ, miệng luôn cầu trời khẩn Phật. Chú
Chín lặn một hơi thiệt lâu rồi ngoi lên kế bụi nga gần mặt đập:
-
Con Út… nó… ở… đây nè! – Chú nói bằng cái giọng trầm trầm, nghèn nghẹn, run run
vì lạnh và đầy đau đớn của một người cha không cứu được con mình.
Người
ở trên bờ thì tiến gần lại chổ chú Chín bồng con Út lên, rồi lau chùi sình đất
cho con nhỏ, người dưới sông thì lội thiệt nhanh vào bờ. Còn thằng Mùi, nó chưa
chịu lên mà cứ đập nước đùng đùng rồi khóc thét đau đớn giữa lòng sông đục ngầu,
hôi mùi sình non, đất sét. Tôi lội sát lại nó an ủi đôi ba câu rồi kè nó lên bờ.
Thím Chín ngất xỉu không biết tự hồi nào, cô Nga và bác Bảy gái đang cố làm đủ
mọi cách để thím tỉnh:
-
Ráng tỉnh dậy, tỉnh dậy đi chị Chín! – giọng cô Nga vừa gấp gáp vừa lo sợ.
Cô vừa bứt tóc
mai vừa lay mạnh cho thím Chín mau tỉnh:
- Chị Chín. Chị
Chín. Chị chín ơi!
- Tỉnh dậy. Tỉnh
dậy! Tỉnh dậy đi chị Chín! Chị Chín ơi!
Càng
gọi, càng lay thì nước mắt của cô Nga càng tuôn ra nhiều hơn từng đợt, từng đợt
đọng xuống cằm rồi rớt lên màu áo bà ba đã ướt nhem nước mắt của thím Chín. Chắc
là cô Nga đã cảm đã thấm được cái nỗi đau kinh hoàng của một người mẹ vừa mất
đi nắm ruột do mình sinh ra. Cách đây ba năm, thằng Tý con của cô cũng vớt lục
bình rồi té sông ngay tại mặt đập này khi vừa tròn bốn tuổi. Bác Bảy gái đứng kế
bên liền la lên:
-
Ngưng tay! Ngưng tay Nga ơi! Vợ thằng Chín nó tỉnh tỉnh rồi kìa! – Bác Bảy gái
và cô Nga mừng húm lên nhưng không giấu được đôi hàng nước mắt vẫn còn nguyên
trên khuôn mặt nhơn từ thấm nhuần cái tình làng nghĩa xóm.
Chú
Chín bồng con Út, chú bước mà từng bước cứ nặng chịt như hàng trăm hàng ngàn kí
lô gam sắt đá giẫm lên từng ngọn cỏ, đọt rau đã rướm sình non lẫn mùi nước sông
trên con đê nhỏ xuôi hướng về nhà.
Thằng
Mùi đã lên bờ và đi lơ bơ lang bang như một kẻ không hồn, nó lủi thẳng về nhà
nó. Tôi chợt thấy đôi dòng nước mắt cứ len lén hiện lên khuôn mặt nhợt nhạt, lạnh
buốt không còn gì đau buồn hơn của nó. Tôi quay sang cùng bác Bảy gái và cô Nga
kè thím Chín về. Tôi cảm nhận được cái đau rờn rợn đang hiện hữu qua cái làn
hơi mới tỉnh lẫn cái đôi mắt đỏ hoe đã ráo dòng cùng một vài tiếng nấc đang men
theo từng bước chân như rụng, như rời của thím Chín. Cái tiếng nấc khó tả và rất
khó tả của một bà mẹ bị mất con. Cái tiếng nấc đắng nghét tận đáy lòng cứ hiện
rần rần trong từ câu từng chữ:
-
Út ơi! Út… Út ơi.......!
Xóm
Rẫy cái xóm yên bình của ngày nào bỗng lại buồn, buồn ơi là buồn. Và đâu đó lại
xuất hiện cái khoảng trống vô thanh, cái khoảng trống bao la đã đong đầy nước mắt
mà nỗi đau thì vẫn còn còn mãi theo thời gian. Cả xóm cũng đã mấy phen phải giật
mình tỉnh giấc chạy sang nhà kế bên để coi có chuyện gì, và rồi chỉ biết đứng
nhìn, nhìn một bà mẹ đáng thương đang gào thét, đang sờ soạn khắp nhà để tìm
hơi ấm của đứa con thân yêu vừa té nước chiều qua. Hay cái tiếng hét kinh hoàng
rồi chìm hẳn của những người cha không tìm gặp con mình khi con lũ cứ cuộn trào
khắp nẻo sông sâu ...
Cây
ổi bên bờ lung tràm vẫn trổ bông ra trái, vẫn chín hườm hườm rồi thơm phức một
khúc sông. Nhưng con Út, nó đã cách tôi với thằng Mùi một dòng sông. Cái dòng
sông mà mỗi chiều tụi tôi không thể nào ngậm từng đùm ổi lội về đưa cho con nhỏ
- dòng sông của cuộc đời, của số mệnh.
HOÀNG PHÚC
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét