Cái
nắng chang chang ươm vàng từng tàu dừa xanh đang nhè nhẹ rung lên giữa nền trời
bao la xanh ngây ngất, bỗng rộ lên tiếng gà nhảy ổ cục ta cục tác chen lẫn tiếng
xoong nồi đổ tháo vang lên inh ỏi trên giàn bếp, rồi chìm hẳn vào từng bóng nắng
chói chang đang rớt dài, đang rãi đều khắp sân vườn, bờ ao, đến tận đầu ngỏ, rồi
nhẹ nhàng hôn lên từng bụi chuối, lùm cây cho tới những vườn chôm chôm đang hườm
hườm chín ửng.
Những
cơn gió từ mặt sông ùa lên làm rung rinh từng ngọn trúc, đọt cau khiến con người
ta chỉ biết đánh một giấc thiệt đã trên chiếc võng thân quen dưới bóng cây xoài,
cây mận, hay một góc sau vườn rồi chìm sâu vào từng lời ca tiếng nhạc được phát
ra từ chiếc radio đã nhuốm màu năm tháng.
Như
thói quen thường ngày của người dân Bàu Lá, Hương cũng ôm một chiếc Radio, cũng
đong đưa kẻo kẹt bên hông hè. Nhưng Hương không ngủ mà lại bồn chồn, rầu rầu và
lo lắng cho sáng ngày mốt - ngày người ta tới nhà coi mắt Hương.
Gió
lùa hơi mạnh qua tán mù u cạnh con mương dẫn nước ra sau vườn, làm những trái
mù u già rụng lủm chủm lủm chủm, rồi im phăng phắc chỉ còn tiếng võng mà Hương
đang đung đưa. Tiếng võng cũng tự nhiên nhỏ dần, nhỏ dần lại để nhường chổ cho
những dòng suy nghĩ và cái ký ức kinh hoàng nhuốm đầy máu và nước mắt của Hương
và Trà – cái ký ức tám tuổi đầu nhưng không còn là con gái. Nước mắt của Hương
bỗng tuôn ào ào ướt cả đôi má hồng hồng của tuổi hai mươi, từng dòng, từng dòng
cứ chảy nghiêng về một bên cằm rồi ngấm vào đôi ba mắt võng, cũng có vài giọt rơi
rớt xuống nền lá tre khô nghe đằng đắng rát lòng.
Hương
sợ lấy chồng, sợ bị như Trà, sợ bị người ta trả về vì không còn cái thứ quý giá
nhất của đời con gái. Ai sẽ tin Hương? Và ai sẽ chấp nhận và cảm thông cho cái
sự thật phũ phàng đã khứa nát tuổi thơ của Hương? Vào một buổi trưa cũng gió
mát hiu hiu cũng lạc xạc đám dừa nước ven sông, khi đó Hương và Trà chỉ mới tám
tuổi cả hai đang chăm chú và mãi mê chơi búp bê lục bình sau bụi tre và khóm
trúc. Bỗng hai tên sỉn rượu đang đi làng xàng ven đê nhàu tới và cướp đi cái giọt
máu đầu đời – cái giọt máu trong trắng đỏ thắm sự hồn nhiên và ngây thơ của hai
cô bé đang nhợt nhòa nước mắt, trong một tâm trí bấn loạn và bất lực.
Là
một vùng sâu tách biệt với các vùng khác không chỉ hoang vắng mà Bàu Lá còn thưa
dân, thưa đến nổi chỉ có hơn chục căn nhà nằm rãi rác sau tán bần và dừa nước
ven sông. Người lớn thì đi làm đồng từ sáng tinh mơ đến chạng vạng mới về, con
nít thì ở nhà rồi xúm lại chơi trò này trò khác, đói bụng thì tụi nó dô nhà lục
nồi kiếm khoai, kiếm cơm. Chứ đâu có ai ngờ lại có chuyện như vậy.
Hương
không nhớ rõ hai tên sỉn rượu của ngày đó là ai nhưng Hương chỉ biết là bọn họ
đã đi tù và chưa được thả ra. Nhiều lúc ngủ say Hương lại mơ thấy cái trận bão
kinh hoàng của đời mình, đó là hình ảnh hai đứa trẻ đang ngồi ôm nhau, khóc sưng
cả mắt và đỏ cả mặt trên nền lá tre khô đã loang màu của máu. Dù được quan tâm,
được gia đình chăm sóc nhiều hơn, nhưng những dĩ vãng đau buồn của ngày xa xưa ấy
vẫn là cái bóng vô hình, cứ ám ảnh, cứ đeo bám và cũng có khi nó phũ phàng tước
đoạt niềm tin, niềm hi vọng mong manh của một đời người.
Hương
nhớ rất rõ ngày Trà làm cô dâu, bữa đó đàn trai từ vàm sông Ông Kẹ nườm nượp vỏ
lãi và ghe tam bản vào Bàu Lá rước dâu. Đàn trai đàn gái không ngớt lời chúc mừng
cho cô dâu chú rễ. Và rồi Trà cũng theo đàn trai về làm dâu bên vàm sông Ông Kẹ.
Đột nhiên xế chiều ngày hôm sau lại thấy Trà đội chiếc nón lá và xách một giỏ đồ
bước đi lia lịa trên con đê về Bàu Lá. Mỗi lần thấy có người là Trà phới chiếc
nón lá xuống che mặt và bước đi thiệt lẹ. Hương đang ngồi lựa củi trước sân thấy
bóng dáng ai lướt ngang sao mà giống con Trà nhà thím Tư quá. Hương đứng dậy và
kêu thiệt gấp:
-
Trà. Trà mày đứng lại coi!
Nghe
có người kêu tên mình nên trà hoảng hốt liền bỏ chạy một mạch, từ trong sân
Hương nhàu lên con đê rượt theo, chạy một hồi qua ba bốn lùm chuối Hương chụp
được tay Trà rồi thở hổn hển nói:
-
Trời trời mày mới đám cưới hôm qua sao tự
nhiên bữa nay về đây là sao?
Trà
không trả lời liền mà buông thẳng cái nón lá và cái giỏ đồi rồi ôm Hương mà
khóc. Hương vừa ôm vừa vỗ nhẹ nhẹ vào lưng Trà đễ trấn an bạn.
-
Mày bình tĩnh mà nói tao nghe có chuyện
gì đã xảy ra.
Trà nấc nấc hai
ba cái rồi vừa khóc vừa nói:
-
Tao bị nhà chồng đuổi về vì hông còn
trinh tiết. Tao phân trần cả buổi sáng về cái sự thật nghiệt ngã lúc tám tuổi
mà hông có ai tin tao hết. Tao khổ quá Hương ơi, bị đuổi nên tao chỉ còn biết về
nhà má tao mà thôi. – Nước mắt của Trà đã ướt đẫm một bên vai của Hương.
Hương
quơ tay lên lau lau nước mắt trên mặt Trà và lau vội dòng nước mắt trên mặt
mình rồi nắm chặt tay Trà và nói:
-
Thôi nín đi, để tao đưa mày về đẳng.
Trà khum người xuống xách cái giỏ đồ và chiếc
nón lá cùng Hương đi về nhà.
Trà
về nhà được vài hôm thì Bàu Lá lại hết hồn với cái tin “Con Trà con bà Tư Xuyến,
uống thuốc sâu tự tử vì bị bên chồng đuổi về”. Tiếng khóc, tiếng trống, tiếng
gió, tiếng lá dừa nước “lạch cạch, lạch cạch” cùng men theo làn khói mờ ảo như
một dấu chấm vọng lên rồi vụt mất giữa nền trời Bàu Lá.
Bây
giờ với Hương lại là một dấu chấm hỏi. Dấu chấm hỏi cho ngày mai, ngày mốt và
tương lai. Bên hông hè tiếng võng lại kẻo cà kẻo kẹt Hương không biết nhà ai
đang châm trà mà hương trà hòa quyện vào từng làn gió, thoang thoảng trên từng
tán cây. Nhưng không hiểu tại vì sao khi hít vào thì Hương lại cảm nhận được
cái vị chát, vị đắng, đắng hơn chữ đắng và chát hơn chữ chát, như chính cuộc đời
của Hương và Trà, cùng cái dấu chấm hỏi giữa lưng chừng hư không. Nhưng Hương
chưa hề biết là Hương vừa chết. Căn bệnh tim quái ác xuất hiện từ hồi tám tuổi,
sau cái lần bị tên sỉn rượu cướp đi cái ngàn vàng. Và giờ nó đã cướp mất Hương
trong lần đau cuối cùng trên chiếc võng thân yêu và mùi hương trà nhè nhẹ, lâng
lâng.
HOÀNG PHÚC
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét