* * *
Kỳ 2: Những bước nhập cuộc “không suôn sẻ” của dòng nhạc nhẹ Việt đương thời - sau Đổi mới đến nay.
Từ năm 1986, sau Đại hội VI của
đảng CS VN, với chủ trương “đổi mới”, đất nước VN có những biến đổi sâu rộng về
cả mặt tinh thần, tư tưởng lẫn văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội. Cũng như
giới văn nghệ sĩ nói chung, các nhạc sĩ được “cởi trói”, rồi dần dần đi đến “tự cởi
trói”, “chuyển mình” theo thời cuộc mới và sáng tác ca khúc của họ đa dạng,
phong phú hơn cả về nội dung, đề tài, thể loại, lẫn phong cách thể hiện.
Điều ấn tượng và dễ thấy nhất là khi bắt đầu thời
kỳ Đổi mới thì các loại nhạc: tiền chiến, tình khúc, rồi nhạc vàng... dần
dần được chính quyền, chính xác là giới quản lý văn hóa - nghệ thuật, xét lại
và cho phổ biến một cách hạn chế tuỳ theo tác giả và tác phẩm. Rồi sau đó, “mở
cửa” thả giàn để các dòng nhạc nầy và dòng nhạc - thị - trường - mới được sáng
tác, quảng bá và trình diễn công khai, gần như thả lỏng, không định hướng chặt
chẽ, không kiểm soát, quản lý.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, phó chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam trong chuyên
đề
“Âm nhạc thời kinh tế thị trường và thời
hội nhập (phần 1)” thì “yếu tố đầu tiên tác động đến đời sống âm
nhạc là những thay đổi thuộc về ý thức”. Theo bà, sự dịch
chuyển của đời sống âm nhạc lúc nầy “là
cả quá trình diễn ra từ từ và không thực sự dễ dàng, suôn sẻ với chủ thể sáng
tạo cũng như với giới quản lý văn hóa nghệ thuật”, khi từ quan điểm nghệ thuật
vốn bị ràng buộc quá chặt, bị chi phối hoàn toàn bởi những định kiến chính trị đã
kéo dài trong 30 năm chiến tranh và “hơn chục năm thời hậu chiến (1975-1986) sang
tinh thần chung là mở cửa, nhập cuộc và đổi mới”.
Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh
Châu (tài liệu đã dẫn) trong quá
trình nầy diễn ra các sự kiện âm nhạc tác động đến sự nhập cuộc của âm nhạc
thời Đổi mới. Xin nêu lại và bổ sung, phân thích thêm.
Sự kiện khá đặc biệt trong đời sống âm nhạc
khá phẳng lặng của những năm giữa thập niên 80 là những đêm tác giả của các
nhạc sĩ “lão làng” như Văn Cao, Đỗ Nhuận, Huy Du. Điều được cho là “mới” ở các
chương trình này là ngoài hành khúc, ca khúc thuộc diện bài hát truyền thống,
lần đầu tiên lọt vào danh mục biểu diễn là những tình ca cũ trong dòng “nhạc
tiền chiến” như Bến xuân, Suối
mơ, Thiên thai, Trương Chi, Buồn tàn thu của Văn Cao; Chim than, Đường lên ải Bắc của Đỗ Nhuận; Sóng
nước Ngọc Tuyền, Ba Vì năm xưa, Sẽ về Thủ đô, Những gác chuông giáo đường của Huy Du.
Sự kiện mở màn cho âm nhạc nhập cuộc là
chương trình Trần trụi 87 của
nhạc sĩ Trần Tiến diễn ra như một hiện tượng bất thường vào lúc những chương trình ca nhạc tuyên truyền ngợi
ca khô cứng giáo điều đã khiến người nghe mệt mỏi và dị ứng, và những chương trình nhạc tiền chiến lãng mạn, trữ
tình từng xoa dịu tâm lý căng thẳng thời hậu chiến cũng bớt đi sức thu hút ban
đầu. Sự bất thường khiến các nhà quản lý thấy bất an,
nhưng lại được công chúng hưởng ứng. Lần đầu tiên có một chương trình mang dáng
dấp một tùy bút âm nhạc, một phóng sự âm nhạc mang đậm cái tôi. Với phong cách rock tác động trực diện và hình thức biểu diễn
gọn nhẹ - có lúc chỉ cần tác giả hát với cây đàn guitar thùng, với những lời ca
táo bạo và xoáy vào tâm can (Ðồng hồ
báo thức, Trắng đen, Ý nghĩ trong phòng hải quan, Ðóa hoa tôi tìm, Trần trụi 87…),
chương trình đã lôi cuốn người nghe, nhất là giới trẻ vào câu chuyện tâm tình,
suy tư về những nỗi đau rất đời thường mà trước đó luôn bị tránh chạm tới như
một điều cấm kỵ. Dù bị phê phán dữ dội, thì Trần trụi 87 rút cục vẫn được nhìn nhận là sự hưởng ứng
kịp thời cho tư duy đổi mới, là lời khẳng định cho khả năng nhập cuộc của giới
nhạc.
Cuối thập niên 80, mặc dù đã bước vào giai
đoạn Đổi mới, nhưng quan niệm khắt khe cứng nhắc như một dư âm chiến tranh còn
đè nặng trong quản lý âm nhạc. Sự kiện đáng nhớ trong thời điểm là những tình
ca giá trị được tuổi trẻ yêu thích sau nầy trở nên nổi tiếng, chịu số phận lận
đận, bị phê phán, thậm chí bị cấm đoán, tác giả bị khiển trách, kể cả các nhạc
sĩ có uy tín như Hoàng Hiệp và Xuân Hồng từng là lãnh đạo Hội Âm nhạc TP HCM. Trong
trường hợp này có thể thấy người sáng tác “nhập cuộc” nhanh hơn người quản lý.
Và sự nhập cuộc - theo nghĩa tác phẩm phản ánh được tâm trạng công chúng đương
thời và được tiếp nhận trong đời sống xã hội không hẳn lúc nào cũng thuận buồm xuôi
gió.
Rồi, bốn đêm biểu diễn ca khúc tuyển
chọn Nửa thế kỷ ca khúc Việt
Nam vào năm 1994 như một cuộc tổng kết thành tựu quá khứ, qua đó thấy được sự nhìn nhận lại giá trị của
những bài hát lãng mạn thời đầu tân nhạc, cũng như sự khích lệ giới nhạc sĩ
nhập cuộc vào đời sống âm nhạc đương đại. Đó là thời điểm mà không khí “mở cửa”
và “đổi mới” có phần thông thoáng hơn..
Sự kiện âm nhạc được nhớ nữa là sự ra đời của
nhóm Những người bạn từ sáng kiến của nhạc sĩ Trịnh Công
Sơn năm 1991, ngay vào lúc cơn sóng nhạc hải ngoại đang ở cao trào mạnh mẽ, và
âm nhạc Việt nhiều năm khủng hoảng thiếu tình ca. Những người bạn gồm bảy nhạc sĩ TP HCM: Trịnh Công Sơn,
Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Thanh
Tùng đã đem đến cho công chúng những món ăn tinh thần mới, những ca khúc trữ
tình đầy sức sống không chỉ đi vào đời sống xã hội lúc đó, mà còn được yêu
thích cho tới nay, như Sóng về
đâu (Trịnh Công Sơn), Tình yêu mãi mãi
(Tôn Thất Lập), Xin làm người hát rong (Trần Long Ẩn)…
Có thể bổ sung thêm một sự kiện sau đó một năm trở thành
một hiện tượng âm nhạc ấn tượng bậc nhất của nhạc trẻ TP.HCM, và có tiếng vang khắp cả nước, khi ban nhạc gia đình Tam ca Ba
Con Mèo, gồm ba chị em (Phương Uyên, Cẩm Tú và Ngọc Diệp) do Phương
Uyên đứng đầu giành giải cao nhất tại liên hoan Pop-Rock 1992. Nhiều khán giả
đến nay vẫn nhớ phong cách rock cuồng nhiệt cùng những bài hát đã trở thành
“thương hiệu” 3 Con Mèo như Ngẫu
hứng ngựa ô (Trần Tiến), Cô bé u sầu (Nguyễn Ngọc Thiện)… và đặc biệt bài hát có
thể coi như tác phẩm đầu tay của Phương Uyên, báo trước một tài năng sáng tác
nổi bật, ca khúc Đến với tình
yêu. Giữa những năm 1990, đúng vào cuộc thăng hoa của nhạc Việt,
Phương Uyên nổi lên như một nhạc sĩ hàng đầu Việt Nam, cả về số lượng, chất
lượng bài hát và sự phong phú đề tài.
Nhiều bài hát Phương Uyên viết cho Ba Con Mèo nhanh chóng
trở thành những bài hit bậc nhất như: Mẹ yêu, Sài Gòn cô tiên năm 2000, Yêu yêu yêu, Bên nhau mùa đông, Tuổi
mộng mơ…
Sau đó, Phương Uyên trở thành nhạc sĩ sáng tác
nhạc quảng cáo nhiều bậc nhất Việt Nam và cũng rất đặc biệt là nhiều ca khúc
của Phương Uyên vốn viết cho quảng cáo sau đó đã ra với thị trường ca nhạc và
trở thành những bài hit. Rồi Phương Uyên vào vai vừa
ca sĩ, vừa nhạc sĩ trong đĩa nhạc Gia
đình tôi, với những bài hát được chính cô sáng tác từ những câu chuyện
của bản thân và gia đình, giàu tính riêng tư nhưng lại được đông đảo
khán giả yêu thích, vì cho thấy rõ nhất chân dung một Phương Uyên mạnh mẽ nhưng
vẫn rất nữ tính, dữ dội mà vẫn ngọt ngào. Có thể coi Phương Uyên là nữ nhạc sĩ
thành công nhất của thị trường nhạc Việt trong khoảng 25 năm trở lại đây với với phong cách rock cuồng nhiệt, sôi động , trẻ
trung nhưng không “sến” và thành công của cô tạo cảm hứng cho rất nhiều
nữ nhạc sĩ thế hệ sau, cũng như đã kích thích
rất nhiều ca sĩ tham gia sáng tác ca khúc, để ngày nay, khái niệm ca sĩ/nhạc sĩ
trở nên phổ biến và quen thuộc trong nhạc Việt.
Nhiều ban nhạc, nhóm nhạc nhẹ chuyên nghiệp được thành
lập trên cả nước. Năm 1993, Liên hoan Các ban
nhạc nhẹ toàn quốc được tổ chức tại Đà Nẵng với thành phần ban giám khảo là các
nhạc sĩ tên tuổi bao gồm nhạc sĩ Thanh Tùng, nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ Nguyễn Cường cùng những nhạc sĩ khác. Ban nhạc Phương Đông,
bao gồm ca sĩ Thanh Lam, nhạc sĩ Quốc Trung (keyboard, hòa âm - phối
khí chính), cùng "bộ sậu anh tài của nhạc nhẹ Hà Nội" lúc bấy giờ là
Ngọc Quân (trống), Vũ Hà (bass), Lương Bình (guitar chính) và Trần
Mạnh Tuấn (saxophone). Ban nhạc đã đoạt giải nhất tại cuộc thi. Hạng nhì
thuộc về Hoa Sữa,
ban nhạc của nhạc sĩ Vũ Quang Trung,
giúp giọng ca 17 tuổi Mỹ Linh khi ấy giành giải "Ca sĩ trẻ gây ấn tượng". Hạng ba của liên hoan đã thuộc
về nhóm nhạc rock Đen Trắng của
cặp đôi Ngọc Lễ và Phương Thảo.
Việt Nam thời đoạn nầy giao lưu với
âm nhạc thế giới ngày càng rộng rãi hơn
với mật độ dày hơn. Ấn tượng nhất là nhóm nhạc Rock Michall Learns To Rock (viết
tắt là MLTR) là một ban nhạc nổi tiếng Đan Mạch với các ca khúc bằng tiếng Anh, gồm có các “thần
tượng” của giới trẻ yêu âm nhạc: ca sĩ kiêm tay
đánh keyboard Jascha
Richter, tay trống Kåre Wanscher, tay guitar Mikkel Lentz, tay bass Søren Madsen. Họ
sang biểu diễn tại Hà Nội và TPHCM vào tháng 12 năm 1997 được sự nhiệt tình chào
đón của truyền thông và người hâm mộ. Sau nầy, họ còn sang Việt Nam đến lần thứ
ba và lần nào nọ cũng được các fan cuồng nhiệt tung hô ở sân bay, ở khách sạn
và hân hoan đổ nhau về sàn diễn để xem các thần tượng của mình biểu diễn.
Các sự kiện âm nhạc
trên hầu hết xảy ra ở TP HCM. Điều đó chứng tỏ rằng dòng nhạc nhẹ đương thời
khởi phát từ đây rồi tỏa ra cả nước.
Lúc nầy, quan niệm về nhạc nhẹ lúc này đã thay đổi từ chỗ phủ nhận hoàn toàn đến
tiếp nhận có chọn lọc rồi mặc nhiên chấp nhận và cuối cùng là chính thức công
nhận. Khái niệm "nhạc nhẹ" đã chính thức xuất hiện, được xếp
vào một trong ba nhạc chính (cùng với nhạc cổ điển thính phòng và nhạc dân gian)
và từ ngữ này được sử dụng nhiều trong
các báo chí, phương tiện đại chúng và cả trong các cuộc thi, liên hoan... với
những cụm từ: ca sĩ nhạc nhẹ, phong cách
nhạc nhẹ, ban nhạc nhẹ,… gần như đồng hóa với nhạc phổ thông. Đó là loại nhạc nhẹ nhàng, êm dịu có chức năng chủ yếu là
giải trí, có nội dung, hình thức đơn giản, dễ nhớ và thường có tính chất vui tươi, yêu đời, dễ dàng
được đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ tiếp nhận, yêu thích.
Lê
Thiên Minh Khoa
(Trích trong cuốn sách “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM” - nghiên cứu & nhận định của Lê
Thiên Minh Khoa - sắp xuất bản, 2018).
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét