|
Chùa Năng Quang |
Tôi về thăm chùa Năng Quang (thôn Năng Xã, xã Nghĩa Hiệp,
huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) vào một chiều đầu tháng mười. Những ngày này
chùa vẫn chìm trong tịch mịch. Chợt thấy lòng mình phẳng lặng như gương. Mọi thứ
xung quanh chùa, từ cành cây, ngọn cỏ, tượng phật, cổng chùa… đều trầm mặc
trong nắng chiều.
Chùa Năng Quang cách nhà tôi vài chục mét đã trở thành một
mảnh ký ức tuổi thơ tôi, để rồi giờ đây mỗi khi nhắc đến cái tên mộc mạc giản dị
ấy lại gợi về trong tôi cả một thời thơ bé. Hồi còn nhỏ tí cứ mỗi dịp lễ tết
tôi thường lon ton theo mẹ đi lễ chùa. Rồi những năm tháng đất nước còn khó
khăn, nhà khách của chùa là lớp học của chúng tôi. Vì lúc đó trường thiếu phòng
học nên nhà trường mượn phòng khách của chùa để làm lớp học, do chùa cách trường
tôi học chỉ có một trăm mét, Chúng tôi học ở đó được một năm lớp 3. Đến năm
1980 trường cấp 1 và 2 Tây Hiệp đã xây đủ phòng học, nhà trường không mượn
phòng khách của nhà chùa nữa. Mấy năm sau nhà khách của chùa bị mối ăn sập đổ.
Chùa Năng Quang được xây dựng rất lâu đời bên cánh đồng
lúa. Chưa tìm thấy sử sách nào ghi năm thành lập chùa. Theo các cụ cao niên ở
xóm thì chùa có từ thời mới lập làng. Lúc đó không gọi chùa mà gọi là Đình. Đình
có tên là Đình Năng Quang. Khi hỏi các cụ về năm lập làng, lập đình thì không
ai biết. Họ chỉ biết khi sinh ra đã thấy đình rồi. Theo họ lý giải thì đình có
trước làng. Bởi vì xóm đặt tên theo đình, xóm Gò Đình. Xóm tôi một bên là gò, một
bên là đình. Trước đình có một cây đa cổ thụ gốc to bằng cái nong phơi lúa, cao
ngất trời, cành lá sum sê, quanh năm tỏa bóng mát cả một vùng. Năm 1949 (năm Kỷ
Sửu) một cơn lốc đi qua (ngày đó dân xóm tôi gọi là Ông Cụt) đã nhổ cây đa, san
bằng ngôi đình và một số nhà cửa của nhân dân nằm ngay đường đi của cơn lốc. Ngôi
đình lúc bấy giờ chỉ còn là mặt nền. Bảy năm sau, năm 1956, nhân dân thôn Năng
Xã góp tiền xây dựng lại ngôi đình theo nền móng cũ. Nhưng không hiểu sao đình lại
chuyển thành chùa. Chùa Năng Quang. Tên Đình thì vẫn giữ, nhưng tên của thôn lại
đổi thành thôn Năng Xã.
Từ năm 1975 đến nay chùa trải qua nhiều biến cố, thăng trầm.
Chùa chưa có trụ trì. Chùa đóng cửa rồi mở cửa tự phát. Cứ mở cửa được vài ba
năm rồi lại đóng cửa. Gần đây nhất, năm 2000 có một ni cô ở xóm (xin giấu tên
vì ni cô không đồng ý để tên mình vào bài viết) thấy chùa u tịch nên đã đến ở, mở
cửa, quét dọn, để nhân dân trong xóm đến viếng hương vào những ngày sóc vọng.
Những năm tháng này chùa rất đông phật tử. Ngày nào chùa cũng có người viếng. Thấy
chùa xuống cấp, Ni cô đã vận động những Mạnh thường quân và Phật tử góp công,
góp của trùng tu lại chùa. Chùa hưng thịnh được hơn mười năm rồi lại trở về
dáng vẻ u tịch cho đến bây giờ. Hỏi vì sao thì ni cô bảo do không có nhân duyên
nên cô không ở lại chùa nữa. Đã gần mười năm nay chùa vắng bóng phật tử.
Thấy chùa không có trụ trì, nhân dân ở gần đã tự nguyện đến
quét dọn sân chùa, cổng ngõ và bơm thuốc mối xung quanh chùa để bảo tồn ngôi
chùa. Những ngày sóc vọng họ vẫn đến thắp hương cầu mong cho mưa thuận gió hòa,
nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Và ai cũng tự hứa với lòng mình phải làm những
điều thiện.
Phạm Văn Hoanh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét