Nắng
như đổ lửa xuống thị trấn Liên Nghĩa. Những ngôi nhà, biệt thự, hàng
quán đứng nép sát hai bên đường như đang gồng mình phơi dưới cái nóng
oi bức đến toát mồ hôi. Mới mãn Xuân thôi mà cả Nam Tây nguyên đã nghe
hừng hực. Những rừng núi, thung đồi, nương rẫy các huyện, thành trong
tỉnh nhuộm trong màu vàng chói. Cây cối chừng ủ rũ. Sông suối dần vơi
cạn. Tất cả đang ngóng chờ những cơn mưa đầu mùa như trẻ thơ
mong ngóng mẹ buổi chợ về
Hậu
vẫn lầm lụi bước qua từng hiên phố trong cái nắng khê nồng. Trên
tay cô vẫn còn nguyên xấp vé số chưa bán được tờ nào. Ngó các ngõ
đường ngang dọc trung tâm thị trấn thưa thớt vắng. Cô biết nguyên nhân
bởi đang mùa dịch bệnh đang hoành hành, người người sợ lây nhiễm nên
phải hạn chế đi lại. Nhìn màu nắng chói chang từ đầu công viên tượng
đài đến cuối con đường Thống nhất. Hậu lại liên tưởng đến nắng gió
quê nhà với lòng trĩu nặng âu lo.
Chưa
năm nào Tiền Giang của cô lại khô hạn đến thế. Hai nhánh sông Tiền,
sông Hậu mới ngày nào còn đầy ăm ắp, trong xanh mà bây giờ sắp cạn. Dòng
nước ngọt bị nhiễm mặn nặng nề khi phía thượng nguồn sông Mê Kông bị
các láng giềng đắp đập ngăn dòng nên triều cường xâm lấn. Những cánh
đồng phù sa hoảng hốt giật mình khô nứt nẻ. Từng chân ruộng lúa đang
kỳ thai nghén ngậm đòng, căng sữa bỗng chết nằm,
chết đứng vì thiếu nước trầm trọng. Người nông dân
miền Tây quê cô cẩn mẫn một nắng hai sương sớm chiều ra đồng nhìn
những ruộng lúa chết oan ức, tức tưởi mà xót xa, tiếc nuối bao
tháng ngày bỏ công chăm bón. Những vườn tược cây trái đang xanh, đơm
hoa kết nụ cũng tàn úa như uống phải nước mặn triều cường. Những
loài cây hấp hối lâm sàng khi cả mấy tháng trời không ngậm lấy một
gịot nước ngọt nào. Cây và người chốn quê cô đều khát cháy cổ họng.
Tất cả đang trong gian đoạn khó khăn nhất. Từng phút, từng giờ đang
cố sức chống chọi, tìm mọi cách vượt thoát cơn khô hạn lịch sử chưa
từng có và kêu gọi cộng đồng chung lưng đấu cật sẻ chia. Người nông
dân sống trên vựa lúa đồng bằng châu thổ mệnh danh trù phú nhất nước
mà ưu tư, lo lắng khi thấy cái đói, cái khát đang gõ
cửa đe dọa, rập rình.
Chính
vì sợ cuộc sống ngày mai lâm cảnh túng thiếu, Hậu đã bàn bạc và
được mẹ và chồng đồng ý cho phép tạm xa quê, đi phương khác kiếm
việc làm để ổn định kinh tế gia đình. Thế là cô tạm biệt quê nhà
thân yêu, khăn gói theo người bạn lên phố Liên Nghĩa này để tìm việc
làm, mong khá giả hơn để có tiền về lo cho mẹ già, con dại
và cả người chồng đang bệnh tật. Lúc đầu cô xin vào quán cà phê sân
vườn làm chân phục vụ chạy bàn. Nhưng rồi cảm nhận những ngộ nhận
không mấy tốt đẹp về những cô nhân viên quán cà phê. Khi những phức
tạp lăng nhăng dần phát sinh hé lộ nên cô xin nghỉ và chuyển sang đi
bán vé số dạo. Cực, nhưng tự do, độc lập, không bị ràng buộc, lệ
thuộc ai cả. Siêng đi, chịu khó sẽ bán được nhiều, thu nhập sẽ khá
hơn làm công ăn lương cố định.
- Ê!
Vé số.
Đang
lặng từng bước dưới cái nắng xế trưa với nỗi lo khi sắp đến giờ xổ
số, Hậu mừng rỡ khi nghe tiếng gọi. Người đàn ông vẻ đại gia vẫn
ngồi chễm chệ một mình trên xe 4 chỗ mới toanh, đắt tiền thò tay
ra cửa ngoắc ngoắc cô lại. Khi cầm xấp vé số từ Hậu đưa, anh ta nhìn
cô chầm chập, giọng hơi lơi lả:
- Anh
sẽ mua hết chừng này cho cưng nghen .
Hậu
nghe mừng rỡ, nghĩ hôm nay mình ra đường chắc gặp may. Cô gật đầu cảm
ơn và tính nhẩm số vé trên tay người đàn ông giàu có đang cầm để
tính tiền, thì anh ta tiếp giọng sổ sàng:
- Anh
sẽ mua hết, mua cả em luôn. Nào mời em lên xe đi cà phê cho vui. Ok.
Nghe
lời tán tỉnh bạo miệng và đề nghị bất ngờ của người đàn ông giàu
có, Hậu hơi ái ngại...
- Em
không biết uống cà phê
- Thì
em uống nước ngọt.
Người
khách sộp cứ nhiệt tình mời cô đâm phân vân thầm nghĩ:
Đi,
rồi việc gì sẽ xảy ra? Không đi, chắc chắc anh ta sẽ không mua tờ
nào, chắc chắn như thế. Sực nhớ tháng trước có chị đồng nghiệp
cũng được mời tương tự. Khi uống xong ly nước ở quán
cà phê chị xây xẩm như trúng gió, người đàn ông giả xưng chồng chở
chị vào khách sạn..
- Sao
em?
Nhìn
trong ánh mắt người đàn ông béo phị có gì đó như thèm khát. Linh
tính mách bảo Hậu sẽ có chuyện chẳng lành, cô lắc đầu và xin lại
xấp vé số.
Không
phải đó là lần đầu cô gặp trong cái nghề bán vé số cực cùng vất
vã, nhiều cạm bẫy trong xã hội. Có những lúc cô đỏ mặt
giả ngơ như không nghe những lời tán tỉnh, sàm sỡ của những ông khách
trong quán cà phê đèn màu hay quán nhậu khi cô bước vào mời mọc. Một
lần bị tấn công tình dục bằng ngôn ngữ, cô luống cuống nên bị khách
thừa cơ lúc cô mất cảnh giác lấy đi hết cả xấp vé số. Hôm đó Hậu
khóc thầm trách mình sao xui rủi. Biết sẽ phải nhịn nhiều bữa cũng
chưa bù đắp số tiền cho đại lý phát hành thì vô tình cô gặp một anh
thợ hồ đi ngang qua. Người thợ hồ tốt bụng xa lạ ấy biết hết chuyện
đã mua giúp Hậu số vé còn lại và tặng cho cô số tiền vừa bị mất.
Hậu ái ngại không dám nhận khi nghĩ rằng chẳng ai cho không mình thứ
gì mà không có mục đích. Thấy cô chối từ , người thợ hồ cười đôn
hậu giọng miền sông nước thân quen:
- Nói
thiệt tui vừa làm xong công trình, cũng kiếm được khá nhiều tiền
công. Thấy hoàn cảnh cô nên giúp đỡ, mà có nhiêu đâu, cô đừng ngại. Anh
ta lại cười vô tư:
- Mà
biết đâu chiều nay hên , trúng độc đắc thì tui giàu to. Cô cứ cầm,
nếu ngại, khi nào có tiền trả lại tui.
Cứ
nghĩ anh thợ hồ nói giỡn chơi ai ngờ anh trúng thiệt. Không phải
trúng độc đắc mà trúng giải nhất. Sáng hôm sau anh đi tìm Hậu báo
tin vui và lì xì cô năm triệu để gọi là sẻ chia may mắn. Thế là hai
người quen nhau, Hậu biết anh cũng người miền Tây nhưng khác tỉnh. Anh
khoe mình gốc gác Bến Tre, có cô vợ đẹp như dáng đứng bên cầu Rạch
Miễu tóc dài bay trong gió và hai thằng con xinh như thiên thần. Anh
cũng tạm xa gia đình lên đây thuê nhà ở trọ tìm việc mưu sinh như cô.
Có
một điều khiến Hậu xốn xang khi anh nói cô rất giống đứa em gái ruột
của anh đã mất. Nên mong muốn được kết nghĩa anh em, để sẻ chia buồn
vui, lỡ hoạn nạn có nhau khi cùng xa xứ.
Nhờ
khoản tiền anh thợ hồ tốt bụng giúp, Hậu gom góp cả tiền để dành
gửi về cho mẹ, cho chồng, con cũng đỡ phần túng thiếu. Sáng nay nghe
tin đại lý đóng cửa, tạm ngưng không phát hành vé số. Lý do là để
cách ly chống đại dịch. Lúc đầu Hậu hơi hoảng không biết sẽ làm gì
để kiếm tiền nuôi bản thân, gia đình, nhất là tiền thuê phòng cũng
hơn hai tháng chưa trả. Người chủ đại lý gọi vào động viên cố gắng
và đưa cô một phong bì bảo gọi là hỗ trợ trong nửa tháng không đi
bán. Hậu cầm mà rươm rươm nước mắt rối rít cảm ơn. Nghĩ xã hội này
vẫn còn đó bao tấm lòng biết san sẻ, lá lành đùm lá rách.
Đêm
nay, Hậu một mình trong phòng nhỏ, không thể nào chợp mắt, mọi nỗi
lo cứ ập tới đè nặng trong lòng. Thao thức trằn trọc suốt đêm khi
nghe tiếng chuông nhà thờ Liên Khương đỗ, biết đã gần sáng. Mọi khi
tầm này phố đã tấp nập người xe, nhộn nhịp. Còn bây giờ vắng lặng.
Sự im vắng không riêng ở xứ Tùng Nghĩa ân tình này mà cả khắp nơi
nghe sao buồn tênh. Mười lăm ngày vàng cho cả một dân tộc chiến đấu
với con covid-19. Tất cả mọi người hạn chế ra đừơng. Tạm ngưng mọi
hoạt động. Đó là mệnh lệnh của Chính phủ để mong cắt dứt cơn dịch
đang lây lan tốc độ
Hậu
cặm cụi nấu gói mì tôm cho bữa sáng thì nghe chị chủ nhà gõ cửa.
Nghĩ chắc chủ nhà đến hỏi tiền thuê phòng đã hơn 2 tháng chưa thanh
toán nên cô lúng túng khi biết mình chỉ có mấy trăm vừa được chủ
đại lý vé số tốt bụng hỗ trợ.
- Dạ,
Em chào chị..
Chị
chủ nhà nhìn vào nở nụ cười thật tươi:
- Em
đang nấu bữa sáng hả? Ăn gì ngon không?
Tưởng
chị chủ nhà hỏi thăm dò để lấy cớ đòi tiền thuê phòng. Hậu rào
đón trước:
- Tiền
thuê nhà chị cho em khất mươi hôm nha. Mấy ngày nay em không đi bán..
- Ôi
em! Chị có hỏi tiền nong gì đâu? Đang mùa dịch mà. Biết em và mọi
người thuê phòng nhà chị gặp nhiều khó khăn, nên gia đình anh chị đã
bàn, thống nhất giảm tiền thuê phòng và miễn tiền phòng cho các em
nửa tháng đang cách ly. Và cũng có chút ít quà cho các em, mỗi
người mươi ký gạo với vài trăm nghìn lấy thảo, mình chia sẻ trong cơn
dịch bệnh nghe em. Cầm quà tặng của chị chủ nhà đầy lòng nhân hậu,
Hậu nghe ấm tình người những ngày tháng tha phương nơi thị trấn nghĩa
tình này.
Đang
nhai bát mì tôm, cô bé thuê phòng kế bên chạy qua gọi chị Hậu ơi chị
Hậu hỡi. Nó khoe vừa được chị chủ nhà trọ cho tiền nên mời rủ đi
uống cà phê cho vui. giảm stress, giảm bớt lo toan. Chưa kịp ừ và cũng
chưa kịp thay đồ, Hậu nghe chuông điện thoại. Bắt máy, cô sững sờ,
mặt mày tái mét, rồi nức nở gục xuống bên giường
Hay
tin chồng Hậu dưới quê vừa mới mất. Cả khu phòng trọ xúm lại an ủi,
dỗ dành, động viên, rồi kẻ ít, người nhiều gom góp chút tiền lo cho
cô về quê. Nhưng ngặt nỗi những nhà xe khách nội tỉnh, liên tỉnh gì
cũng đã ngưng hoạt động từ hôm kia... Mọi
người chưa biết tìm cách nào để Hậu kịp về lo hậu sự, đưa tiễn lần
cuối người chồng bệnh tật xấu số thì tình cờ anh thợ hồ ghé thăm.
***
Một
buổi sáng thị trấn Liên Nghĩa còn tinh mơ, khi những biệt
thự, nhà hàng, chợ quán còn cửa đóng, then cài say nồng giấc ngủ. Cả
phố phường còn chìm đắm trong màu sương lạnh, trắng như dải lụa vắt
ngang vầng trán núi R'Chai. Người ở gần bên dãy nhà trọ bình dân khu
chợ đầu mố́i nông sản Đức Trọng nghe tiếng xe máy nổ giòn tan. Giọng
người đàn ông miền Tây nhỏ nhẹ trong sớm mai chưa kịp hừng đông ấm
áp, thật hiền: Đi thôi em! Tranh thủ đi cho kịp giờ... Chắc nơi quê nhà
chú ấy vẫn chưa nhắm mắt, vẫn còn nằm chờ đợi em về..
Đức
Trọng, 3/4/2020
Lê
Huỳnh Túy Tâm
...Giọng người đàn ông miền Tây nhỏ nhẹ trong sớm mai chưa kịp hừng đông ấm áp, thật hiền: Đi thôi em! Tranh thủ đi cho kịp giờ... Chắc nơi quê nhà chú ấy vẫn chưa nhắm mắt, vẫn còn nằm chờ đợi em về...
Trả lờiXóaCái chất miền tây nam bộ là thế đó, hào sảng và cởi mở. Câu chuyện chạm đến cảm xúc và biết đâu nếu có hồi kết thì có thể sẽ có những điều viên mãn và tốt đẹp đến với họ một cách có hậu!