Cầm lá đơn sa thải
trên tay ông dường như đoán biết trước có ngày này. Kể từ khi dịch ngày càng rộng
hơn thì công ty bắt đầu cắt giảm giờ làm, ngày làm, sau đến cùng tận thì cắt giảm
cả lương của nhân viên. Tuy nói là “hoàn toàn tự nguyện” nhưng rõ ràng cái quyết
định đó chỉ mang tính chất thông báo chứ không ai có quyền ý kiến được. Kỳ thực,
công ty thời gian này cũng lâm vào tình trạng khó khăn chung. Ông biết không sớm
thì muộn đợt sa thải quy mô lớn này cũng xảy ra vì chỉ trong vòng một tháng qua
công ty đã lỗ khá nhiều tiền. Nhưng ông thong cảm cho công ty thì ai thông cảm
cho ông? Ông lo cho người vợ đang nằm bệnh ở nhà và hai đứa con sinh đôi chuẩn
bị năm tới bước vào giảng đường đại học rồi tặc lưỡi: “Ít lương thôi đành chứ
bắt nghỉ luôn này thì làm khó quá”.
Dịch đến là điều
không ai tránh khỏi nhưng dường như tất cả đều cùng nằm trong một kế hoạch Ông
dường như biết cái cớ để nhiều người sa thải ông liên quan đến sự trung thực của
ông, và cả sự ganh tị khi tất cả cùng một xuất phát điểm nhưng rốt cuộc ông lại
là người thăng tiến nhanh hơn. Tôi vẫn hay hỏi ông có trách giận khi người ta đẩy
ông vào bước đường cùng, ông chỉ cười: “Rồi đây nắng mai sẽ về”. Nắng mai của
ông là gì tôi không biết, chỉ biết lúc này gia đình chúng tôi lầm vào cảnh khốn
cùng.
Đường về nhà dài
thêm, chiếc khẩu trang ông kéo vội lên để đề phòng dịch bệnh. Nghĩ về chiếc khẩu
trang ông lại chợt thấy nó là thứ xa xỉ phẩm hiện giờ. Về đến đầu ngõ, tiếng bà
Hường đon đả mời chào người ta vào uống rượu ở quán bé con con của bà, thấy ông
bà buôn chuyện:
- Ế chỏng
chơ, trước quán nhỏ cũng được dăm ba người vào ra, nay trốn dịch cả rồi bác ạ.
Ông tính uống tí
rượu để quên đi cái suy nghĩ ngập tràn hiện tại nhưng mùi rượu xộc lên quá đỗi xa
lạ khiến ông chợt muốn nôn. Ông bỏ rượu dễ cũng đã gần hai chục năm, khi vợ ông
trong một cơn sinh khó, ca sinh đôi ông đã nguyện chỉ cần mẹ tròn con vuông ông
từ bỏ hết mọi hơi men. Vậy mà ông làm được, cái sự ấy nổi đến mức ngay cả bà Hường
khi vắng khách cũng không hề mời chào ông lấy một ly. Có gã say khướt tạt vào
mua điếu thuốc, thấy quán có khách mời ông một điếu ông cũng chối, bà Hường vừa
lấy đưa khách vừa cười:
- Ổng
không hút đâu, bỏ thuốc từ khi nguyện con vào đại học được cả hai đứa thì từ hẳn.
Tiếng gã kia tặc
lưỡi rõ to, còn ông thì mỉm cười đứng dậy đi về, ông chỉ quan tâm gia đình ông
Nghĩ gì chứ đâu
cần quan tâm thiên hạ nghĩ gì về ông.
Ông giấu tiệt với
vợ con chuyện bị sa thải, ngay ngày hôm sau đã lang thang khắp các hang cùng
ngõ hẻm để đi kiếm việc. Ở cái tuổi ngũ tuần đâu dễ kiếm được việc, hơn nữa, thời
gian này dịch bệnh tràn lan, hàng quán đã đóng cửa gần hết, ngay cả họ cũng khổ
nói chi ông. Ông nghĩ mãi rồi quyết định
sửa cái xe máy cũ ở nhà để đi xe ôm, đầu chắc mẩm: “Nhiều người giờ sợ chở phải
người bệnh hay gì nên mình sẽ có nhiều việc hơn”, thậm chí sau này khi bị phát
hiện ông vẫn nói với tôi: “Ba trước là vì sinh nhai, sau là vì xã hội, nếu ai
cũng tránh né việc không ai làm, vậy những người cần họ như thế nào?”. Ây thế
mà trong thời gian dịch bệnh khi tất cả đều cố gắng ở nhà nhiêu nhất có thể, ba
tôi lại lao ra đường để đi làm. Ông thậm chí hay giúp chở bệnh nhân và bác sĩ,
vì đối với ông, không chỉ kiếm được tiền mà còn có thể giúp mọi người khi những
người đó là những người thường bị tránh né. Tôi lúc ấy chỉ biết dặn dò ba phòng
bị cẩn thận, giặt sạch những cái khẩu trang vải và nhắc ba rửa tay cồn sau mỗi
cuốc xe bằng những đồ ba được tặng vì hỗ trợ y bác sĩ nhiều.
Sau rồi, ông còn
làm thêm ba gác, chở đồ cho người ta vì sức khỏe ông dần yếu không thể đi xe ôm
nhiều được nữa, chỉ có thể làm công việc gần nhà. Xóm tôi đoàn kết, tính ba lại
cần cù nhiệt huyết nhiều người thương nên ông thường được cho đồ ăn về, có người
lại dúi tiền cho ông và ông vẫn hay trêu tôi: “Thấy nắng mai ba nói chưa?”. Tôi
chợt hiểu dường như người tốt sẽ gặp được người tốt.
Nhưng rồi ba gác
cũng không ai đi, khi chúng tôi hỏi han tới ông lại gạt tay bảo ráng ở nhà ôn tập
cho thật tốt, mọi thứ cứ để ba lo. Mùa dịch đồ ăn mua đều đắt đỏ, ở nhà thì lại
không có gì làm, không có gì ăn, mọi thứ dường như đổ ập trên vai ba. Đàn ông
lúc này đôi khi lấy rượu hoặc thuốc lá để xuyên đêm, ông lại ngồi vò võ lấy giấc
ngủ của vợ con làm mộng mị…
***
Ông cầm quyết định
nhận làm bảo vệ của một chung cư chạy ào vào nhà khoe như đứa trẻ. Có việc làm
lúc này là một may mắn, hơn nữa dù ít tiền nhưng đây lại là công việc ổn định lương lậu đàng hoàng, lại có hợp đồng rõ
ràng. Ông nói với tôi tất cả như một giấc mơ, đó là lúc ông đi cuốc xe cuối
ngày có chở “nợ” một vị khách vào tuần trước. Người đó bắt taxi và các xe ven
đường nhưng không ai chở vì ông ấy nói quên mang tiền. Đêm đã khuya rồi, ai
cũng vội về nhà, hơn nữa kinh tế khó khăn, xăng cộ đắt đỏ. Trên đường thuận đường
về nhà ba nghĩ sao lại không đành lòng nên đồng ý chở, lúc ông ấy nằng nặc xin
điện thoại ba cũng ậm ừ bào thôi làm phước cũng thuận đường. Nào ngờ ông ấy lại
là chủ chung cư mới mở, bảo vệ vừa nghỉ tháng trước vì về quê nên cũng đang thiếu
người. Lúc ông kể tôi nghe chuyện người kia nói sẽ báo đáp tôi còn đùa ông mơ mộng,
ông cũng chỉ cười:
- Ba
cũng giúp người ta chứ ba không nghĩ sẽ được báo đáp rồi mới giúp.
Người đàn ông
trong câu chuyện tôi vừa kể, là ba tôi. Tôi không tin vào những câu chuyện cổ tích
trong cuộc đời nhưng ba tôi đã dạy cho tôi bài học lớn, ông không bắt tôi giúp
người ta để được đền đáp, ông dạy cho tôi một lối sống lạc quan để vượt qua được
gian khó lúc này. “Và rồi nắng mai sẽ về”, nó đã về thật trên cuộc đời ba tôi.
Lê Hứa Huyền Trân
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét