Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Khi lấy tiền trả mua chai nước lọc thì mới biết chiếc ví không còn nữa.
Hoảng hốt, Lê tìm khắp túi trên, túi dưới, trong ngoài, nhưng nó không cánh mà
bay, đã bị kẻ gian lấy cắp tự lúc nào. Ảnh Internet
Lê nhớ rõ lúc nằm trên xe, cả điện thoại vẫn còn cộm trong quần. Có thể lúc anh và một số hành khách xuống, kẻ xấu lợi dụng lúc lộn xộn, sơ hở đã ra tay, chắc chắn là như thế!
Thấy anh bảo mất hết tiền và điện thoại, dù thương thật lòng nhưng gã xe ôm cũng không thể "ôm rơm nặng bụng" chở” từ thiện" với quãng đường dài bảy, tám cây số giữa đêm hôm vắng vẻ khi giao thừa cận kề chỉ còn chưa đầy hơn tiếng đồng hồ.
Buồn, Lê ngồi lục lại túi xách đựng áo quần lần nữa, bàn tay vô tình chạm một tấm thẻ nhỏ như card visit, cầm lên xem thấy thẻ atm của mình, anh mừng như được của. Thế là vẫn còn hên, tết này về thăm mẹ và em gái vẫn có chút ít tiền để làm quà, mừng tuổi đầu năm. Lê tự cảm ơn nhờ sự đãng trí của mình vô ý bỏ quên cái thẻ trong túi xách không thì nó cũng đi ăn tết ở nhà kẻ khác rồi. Thẻ, chủ yếu là tiền nhuận bút cả năm anh dành dụm. Nhưng muốn có tiền mặt phải đợi đến sáng mai mới rút được. Bây giờ không điện thoại, không tiền thì chịu, biết có xin nhờ quá giang gì gì cũng khó có thể khi chẳng một ai thân quen. Lê quyết định khoác túi xách lên vai lầm lũi bước.
Đêm cuối năm đường quê vắng lặng, sự yên vắng của đất trời giữa thời khắc bàn giao. Lắng nghe cỗ xe thời gian trong không gian dịch chuyển mơ màng, có thể đấng tạo hóa ở đâu đó đang nhìn anh, nhìn xuống cõi nhân gian, đếm bao sinh linh cười khóc được mất, đến rồi đi trong cõi ta bà đổi thay triền miên vô hạn...
Đường vắng, bây giờ mọi người, mọi nhà chắc đang quây quần bên mâm cỗ tất niên, rước đón ông bà từ chiều. Bầu trời đêm cuối năm ông trăng cũng lo về ăn tết nên chi tối đen như hũ nút, chỉ có vạn tinh tú cắt phiên trực trên nền trời xa thẳm. Những vì sao nhấp nháy như thầm bảo anh không việc gì phải lo lắng. Bởi cuộc đời là sự rủi may, thành bại, có không thường xuyên, chẳng có gì phải buồn hỡi chàng trai xứ Quảng! Anh lặng lẽ đi trong bóng đêm, hy vọng mình sẽ có mặt ở nhà trước lúc giao thừa, hẳn mẹ và em gái sẽ mừng dù về muộn và sẽ không biết anh mất hết giấy tờ tiền bạc. Sự xui rủi cuối năm biết đâu lại gánh thay những tồi tệ khác thì sao? Mẹ thường nói: Của đi thay người, nên anh chẳng tiếc gì nữa! Hy vọng năm mới đến, mọi việc sẽ hanh thông suôn sẻ ,những ước mơ viên mãn như cây đông trụi lá lại sum suê chồi lộc xanh mùa.
Đang miên man nghĩ bâng quơ cho mau đến nhà thì anh nghe phía sau có tiếng bước chân ai đó đuổi theo có vẻ gấp gáp, anh đứng lại quay nhìn. Một bóng trăng trắng cách mặt đất non thước đang tiến về phía anh, Lê hơi sờ sợ không lẽ là ma? Có thể hồn ma, bóng quế đang nhập cõi trần giữa lúc giao thừa khi nhà nhà cúng rước ông bà chiều cuối năm chăng? Nếu không có, Tổ tiên xưa sao phải dựng cây nêu để trừ tà, âm khí? Lòng hơi chờn chợn, phân vân chưa biết xử trí như thế nào thì bóng trắng đã đến gần Lê mới biết chỉ một người đàn bà đội nón lá, mặc áo bà ba trắng, quần đen, hình như cũng làm ăn xa như anh cuối năm về thăm quê, đón tết. Nhưng lúc đó anh không nghĩ có lý nào cô ta cũng bị mất hết giấy tờ tiền bạc như anh? Cớ gì phải đi bộ trong đêm hôm trừ tịch?
Thấy người đàn ông phía trước dừng lại, người đàn bà vẫn thản nhiên bước tới, lúc ngang qua anh, cô ta liếc mắt nhìn, miệng mỉm cười bí ẩn. Một âm giọng như từ cõi xa thẳm vọng bên tai:
- Chào anh, anh về đâu mà khuya vậy?
Câu hỏi này đáng lẽ dành cho anh mới đúng. Nhưng anh thật thà:
- Tôi về số sáu, còn cô?
- Số sáu là làng Kỳ Lam? Anh ở xóm trong hay xóm ngoài?
Nghe cô gái hỏi, chẳng lẽ người cùng thôn? Lê ý tứ nhìn cho rõ mặt cô ta dẫu ánh sáng sao trời chỉ lờ mờ chiếu rọi, chưa kịp xác định người đi bên mình là ai thì tiếng cô gái như reo :
-Ủa? Anh Lê phải không? Em đây, con Huỳnh con của bà Năm tráng mỳ nè!
Rồi không đợi anh trả lời, Huỳnh rút trong túi ra một chiếc ví đưa anh:
- Có phải cái này của anh không?
Lê ngạc nhiên vô cùng. Sao Huỳnh lại có nó? Anh nhớ rất rõ là khi xuống xe lục tìm khắp mà không thấy, Huỳnh thì đâu có đi cùng chuyến?
- Sao Huỳnh lại có nó?
Cô gái mỉm cười bí ẩn:
- Thì phải của anh thì anh cứ nhận. Hì hì
Lâu, anh đâu có gặp Huỳnh và cô ta cũng thế, sao biết là của anh mà chạy theo đưa lại. Nhưng lúc đó nhìn thấy giấy tờ, tiền bạc còn nguyên, anh mừng quá nên không nghĩ sự việc kỳ lạ này, chỉ biết cảm ơn rối rít.
Huỳnh, con thím Năm tráng mì quảng thì anh biết, lúc còn cắp sách đến trường thường sang nhà anh, bởi Huỳnh là bạn thân của em gái anh. Cả chục năm không gặp nên không nhớ cho lắm.
Tò mò, anh hỏi: - Thế em đi đâu mà về khuya vậy?
Huỳnh đưa mắt nhìn anh, cô ta im lặng một lát rồi kể mình lấy chồng tận miền Tây sông nước. Mười mấy năm xa quê, tết này mới được nhà chồng cho phép về thăm. Vì vượt quãng đường quá xa cả nghìn cây số nên xe về muộn, khi đến chỗ xuống thì chẳng còn taxi xe ôm gì cả, vắng quá cũng sợ nhưng đành bấm bụng cuốc bộ, tình cờ thấy chiếc ví bên bụi cỏ, mở ra xem mới biết là của anh, chắc vừa mới rớt nên em chạy theo.
Hai người cùng xóm một nam, một nữ lâu ngày gặp lại trong đêm cuối năm như hai bóng âm dương lầm lũi giữa không gian huyền tịch, kể cho nhau nghe cuộc sống riêng mình. Ngày anh khoác ba lô lên đường làm nghĩa vụ thì Huỳnh nghỉ học lấy chồng xa. Những lần về phép có nghe em gái kể số Huỳnh không được hạnh phúc cho lắm. Vợ chồng lấy nhau gần mười năm vẫn không có con cái. Có người bảo do anh chồng miền Tây nghiện rượu bia, hút xách nên vô sinh. Lại có người ác mồm ác miệng đổ thừa do Huỳnh: Cây độc không trái… Gia đình chồng nghe lời thiên hạ đàm tiếu hất hủi con dâu, quá uất ức, mấy lần Huỳnh nhảy sông nhưng may có người thấy cứu kịp nên không chết. Huỳnh nằng nặc đòi ly dị nhưng anh chồng không cho, lý do là Huỳnh xinh đẹp như hoa đồng cỏ nội lại siêng năng, giỏi giang, con gái miền Tây khó sánh, anh chồng dù nhu nhược nhưng vẫn thương vợ…
Mãi chuyện trò cả hai đã đến đầu thôn mà không hay. Trong không gian khuya xa gần đã lác đác tiếng pháo.. bầu trời quê nở những chùm hoa đủ sắc màu đón mừng năm mới đang về .
- Sắp Giao thừa rồi anh. Giọng Huỳnh khẽ nhắc, trong lòng anh bỗng nghe nôn nao, háo hức như thuở tuổi thơ mỗi lần tết đến.
Đang đi, Huỳnh bỗng dừng lại bảo anh về trước khi thấy bên bờ ruộng một bàu bông súng đang nở. Cô mỉm cười giơ tay vẫy chào anh rồi thản nhiên rẽ xuống lối cỏ đến bên bờ cúi xuống với tay cầm mấy bông hoa ngắm nghía. Những bàu bông súng xóm anh thì nhiều, đó là tác phẩm của máy bay Mỹ ném bom xuống trong thời chiến tranh, những hố bom dày đặc, sâu hoắm từ những lần B52 rải thảm thành bàu, thành hồ. Lâu năm bông súng tự nhiên mọc đầy, lũ cá rô, cá tra đồng trôi theo dòng lũ tụ về dưới tàn lá xanh định cư sinh sống. Người quê anh đi làm về thường ngắm bàu hoa súng tím giống hoa sen nghe thư thái tâm hồn. Có người ví von cái tàn ác, cái bạo tàn bao giờ cũng phải tàn lụi dưới cái Chân- Thiện- Mỹ.
Anh về đến nhà tiếng pháo đã râm ran. Cả xóm quê dường như thức đón giây phút thiêng liêng chuyển giao cũ mới của đất trời. Mẹ và cô em gái đang thắp hương trước sân, mừng thấy anh có mặt. Mẹ anh tết nào cũng sắm bình bông nải quả đặt trên chiếc bàn gỗ nhỏ trước sân cúng lễ, mẹ bảo giờ Hành Khiển là thiêng liêng nhất, linh nghiệm nhất, cầu mong gia đạo an lành, con cháu làm ăn sẽ phát tài phát lộc.
Sáng đầu xuân cả nhà anh dậy thật sớm làm bữa cơm chay dâng tổ tiên. Trước khi ngồi ăn, anh lục tìm cái ví hồi khuya Huỳnh nhặt được đưa lại định lấy tiền mừng tuổi mẹ, tuổi em, nhưng tìm hoài cũng chẳng thấy đâu cả… Thấy anh trai cứ lục trong túi áo quần rồi túi xách, em gái ngạc nhiên:
- Ủa? Anh hai tìm gì vậy, lại ăn cơm kẻo nguội.
Lê kể lúc xuống xe mất ví và gặp Huỳnh nhặt được cho lại... em gái vừa nghe sửng sốt, mắt tròn xoe:
-Trời! Anh gặp... Huỳnh? Thật... không? Không... giỡn... à nghen! Rứa có chiếc ví không? Không có phải không!
Cô em gái nhìn anh lo lắng rồi kể năm đó từ miền Tây về quê ăn tết, Huỳnh vui như trẻ thơ được quà mẹ chợ về. Chiều ba mươi ấy thấy bông súng nở tím trên đồng quê, thích quá cô ta xuống bàu định bẻ mấy bông về chưng, không may trượt chân té xuống vực sâu. Cái bàu to nhất đầu thôn mà anh bảo khuya qua Huỳnh dừng lại đó! Khi bà con trong xóm phát hiện vớt lên thì cô ấy không thể nào sống lại.
Dừng một lát nhìn anh trai trong trạng thái lo âu, em gái kể tiếp:
- Đầu năm, lẽ ra em không kể chuyện này, nhưng anh đâu có biết? Huỳnh yêu anh từ khi bọn em còn học cấp ba kìa. Anh vô tình không để ý và không biết gì cả. Ngày anh đi bộ đội, Huỳnh buồn như kẻ thất tình, rồi cô biệt xứ, lấy chồng xa. Nhưng có một chuyện động trời em nghe mẹ kể. Huỳnh là em cùng cha khác mẹ với anh em nhà mình. Khi thím Năm biết nó yêu anh, thím cấm cự tuyệt mà không nói lý do. Không tin anh hỏi mẹ.
Mẹ anh nãy giờ im lặng ngồi xới cơm ra chén, nghe hai anh em nói chuyện.Trong trái tim già nua quá khứ hiện về. Xưa, mẹ và thím Năm là đôi bạn thân thiết đẹp nhất nhì trong thôn. Đi đâu cũng cặp kè nhau như đôi nhân tình. Ngày mẹ mang bầu sắp sinh em gái, Năm thường sang nhà phụ giúp chăm sóc cho bạn. Lúc mẹ ở cữ, nhà chỉ có chồng và Năm thường tới lui kể cả đêm hôm. Có lẽ: "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén" Sự việc đổ bể, khi: "Cây kim trong bọc có ngày cũng lòi ra..."
Thấy mẹ trầm tư, anh hỏi: Có thật không mẹ? Mẹ gật đầu rồi thúc:
Cha con đã mất lâu rồi, chồng thím Năm và con Huỳnh cũng đâu còn nữa? Thôi! Đừng nhắc chi chuyện cũ trong ba ngày tết mất vui. Hai đứa ăn cơm rồi đi chúc tết xóm làng, nhất là thằng Lê lâu ngày trở lại
Những ngày nơi cố hương. Chiều chiều anh ra bàu bông súng nơi Huỳnh trượt ngã năm nào thắp mấy nén nhang cho cô em xấu số. Trong nắng chiều Xuân vàng như áo lụa nghe gió đồng miên man thổi như lời u tình của người quá cố. Bóng cá quẫy làm chao động những bông súng tím trên mặt nước cứ ngỡ bàn tay ai đó đang vuốt ve cầm nắm. Ngó phía đường thôn thấy một người con gái nón trắng, bà ba đang về quê chúc tết, anh cứ ngỡ Huỳnh chạy theo trong tối ba mươi trao anh chiếc ví.
Lê lại nghĩ: Phải chăng chiếc ví của anh không có ngăn nào cất giữ một tình yêu tội lỗi cùng huyết thống nên em linh cảm trả lại? Chiếc ví mà cả đời người ai cũng ấp e mong chứa đựng đầy bạc tiền nhưng nghĩa tình thì quên, nếu có cũng ít ỏi, hạn hẹp, thậm chí vô cùng bạc bẽo. Chiếc ví đã mất như anh đã mất đứa em gái cùng cha khác mẹ. Đứa em đáng thương sinh phận bạc hồng nhan… Mười hai bến nước trong đục biết đâu mà chọn lựa?
Những ngày cuối chạp năm Canh Tý
Lê Huỳnh Túy Tâm
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét