Có lẽ không ai
mong tết bằng trẻ con, bởi ngoài việc được mặc quần áo mới, tha hồ ăn bánh mứt
lại rủng rĩnh tiền lì xì. Sướng nhứt là trong mấy ngày tết có lỗi lầm chút đỉnh
cũng được người lớn bỏ qua.
Bởi vậy, cứ đầu
tháng mười âm lịch, khi gió chướng non ùa về, mấy đọt xoài nhú bông… nghe tiếng
cu kêu ngoài vườn là trẻ con bắt đầu đếm ngược thời gian và lâu lâu lại hỏi
người lớn còn mấy ngày nữa thì tết?
Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Kêu mau đến tết dựng nêu ăn chè…
Câu này chẳng biết có gọi là ca dao không, cũng ít khi
nghe ai hát ru con? Ấy vậy mà trẻ con thuộc nằm lòng dù quanh năm chẳng ai nhắc
tới.
Mặc kệ người lớn lo âu chuyện cơm áo nợ nần. Bọn trẻ
chỉ mong mau đến tết. Tiếng cu càng thúc, lòng con trẻ nôn nao đêm không ngủ
được.
Chim cu có nhiều loại, cu đất, cu cườm, cu xanh… Con
đực loại nào cũng hiếu chiến. Chúng đá nhau dữ dội, không phải để giành quyền
giao phối hay tranh chấp lãnh thổ mà vì… tiếng gáy! Nhưng cũng chỉ ở vào mùa
này thôi còn các mùa khác chúng sống rất hòa thuận với nhau, trong đàn tuyệt
nhiên không có chiến tranh trừ với các con trống khác đàn.
Cu thường sống cặp đôi chung thủy, mỗi lần chỉ đẻ có
hai trứng. Qua hết mùa khô thì ngưng. Giống cu đất lười biếng, làm tổ qua quýt
trên các chạc cây với vài cọng cỏ cứng, vài cành cây khô nhỏ. Vậy mà trứng ít
khi lọt xuống đất, mặc dù mùa này gió chướng dữ lắm…
Muốn bắt chim cu cần phải có con mồi. Người ta bắt
chim non từ khi chưa “giập bọng cứt” về nuôi, đến lúc lớn lên, lựa những con
trên cổ có chùm lông nhiều màu sắc, gọi là trỗ cườm. (Khác với gà trống gọi là
trỗ mã!). Chim cu nuôi nhốt cho ăn thóc ngâm, dùng vải che kín lồng đem treo ở
hiên nhà nơi có hướng gió để chim tập quen những tiếng kêu của đồng loại. Thỉnh
thoảng cho ăn đậu xanh thì chim mới sung. Nhưng giống này “bạc bẽo” lắm, nuôi
bao nhiêu năm cũng không quen lồng, nếu “xổng” ra là bay mất, đừng mong trở về
như các loài chim khác.
Muốn gác cu phải có “lục”. Đó là một cái lồng giống
như phân nửa cái hình tròn để nhốt chim mồi. Một bên lưới để sập lại, bên dưới
làm một cái cần đạp. Con “chim bờ” nghe tiếng con mồi kêu tưởng có kình địch
tìm hướng sà tới, sa nhằm cần đạp… Thế là xong!
“Chim bờ” khó nuôi thành chim mồi hay huấn luyện để
đá, người ta chỉ lựa mấy con có cườm nuôi để nó gáy nghe chơi.
Nếu không dùng “lục” để bẫy thì dùng lưới “rập”. “Rập”
là hai miếng khung lưới hình chữ nhựt. Rộng hẹp tùy ý. Phía hai khung lưới buộc
sợi dây để giựt, lựa chỗ có nhiều chim hay sà xuống ăn mồi hoặc rãi lúa mà nhữ.
Đợi lúc chim mê ăn, cầm đầu dây giựt mạnh. Hai khung lưới sập lại. Kiểu này bắt
được nhiều chim hơn nhưng hầu hết là “con bỗi” chỉ quay chão hay rô-ti nước dừa
hoặc băm “tàn thây” nấu cháo đậu xanh!
Đi gác cu cũng lắm công phu, rình mò nghe ngóng chỗ
nào có tiếng gáy, phải nhiều kinh nghiệm lựa những con có tiếng kêu hay, mới
không uổng công chờ. Đôi khi mấy ngày không bắt được con nào… Bởi vậy có câu: “Trên
đời có bốn cái ngu/ Làm mai,
lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”! Mấy chị có chồng mê chơi cu thì coi như cuộc
đời héo hắt, không nhờ vã được gì.
Vậy mà trẻ con đứa
nào cũng thích… nuôi cu. Thật tình, có con chim để bầu bạn, mỗi lần cho ăn lấy
ngón tay cù vào chòm lông dưới ức, nghe nó “gù” cũng khoái. Nhứt là đầu tháng
mười âm lịch trở đi, nghe tếng cu gáy ngoài vườn, là tín hiệu của tết, đợi
“dựng nêu ăn chè”; lòng trẻ thơ làm sao không nôn nã?
Bây giờ cây nêu đã
biến thành… cây mía (cho gọn và dễ làm) song mấy nhà còn giữ tục lệ này?.. Nhưng
tiếng chim cu thì vẫn còn – dù mỗi ngày ít đi vì đang là món đặc sản ở các quán
nhậu – còn trẻ con thì không mấy nôn nao, bởi lẽ thịt cá bánh kẹo ngày nào cũng
có, tiền bạc thì sẵn cha mẹ cho hằng bữa; tiếng chim ngày ấy chỉ còn vọng từ ký
ức của những người lớn tuổi mà thôi!
NGUYỆT LÃNG (tác giả giữ bản quyền)
_______________________________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
MỪNG XUÂN NHÂM THÌN 2012 & NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ X
>> Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh phía dưới để vào mục lục số đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét