Cuộc
hành trình từ Thành phố Long Xuyên bằng xe Honda đến Sa Đéc, rồi Vĩnh Long để
qua Chợ Lách Bến Tre, tuy đoạn đường không xa lắm, không đầy 100km, nhưng phải
qua 2 con phà (phà Vàm Cống, Đồng Tháp và phà Đình Khao, Vĩnh Long).
Lâu
lắm không có dịp ngang qua Thành phố Vĩnh Long, lần nầy đến thấy thay đổi khác
xưa nhiều, đường thì mở rộng và thêm những giao lộ mới, khu du lịch Trường An
trông rộn rịp, công viên và bờ kè của Thành phố dọc theo dòng sông Tiền tạo một
dáng vẻ mỹ quang và lồng lộng gió, đến phường 4 có Văn Thánh Miếu, nơi thờ các
danh sĩ văn học yêu nước…Được biết trong khu vực Miền Đông, Tây Nam bộ có 3 Văn
Thánh Miếu, như; ở Biên Hòa (Đồng Nai), ở Gia Định (TP. HCM), và ở Vĩnh Long, cả
ba cùng hình thành vào Tiểu khu 19.
Đến
vòng xoay, hướng đi Long Hồ, Cần Thơ, và Phà Đình Khao, mà lâu nay nghe người
ta thường gọi là bắc Cổ Chiên. Thật ra, trước năm 1975 đã có tên Đình Khao, là
một ngôi đình tại xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, nơi đây sau khi quân lính hoàn
thành nghĩa vụ cùng tập họp tại đây để được khao, lâu sau được người quen gọi
là Đình Khao. Đình Khao được xây dựng từ thời Gia Long 1817. Còn sông Cổ Chiên
là địa danh của một nhánh sông mà tôi thường mơ ước muốn đến để thấy tận mắt đã
từ lâu mà chưa có dịp.
Dòng
Cổ Chiên là nhánh sông phía Nam của sông Tiền, ngã ba sông là ranh giới của ba
tỉnh, như : Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre, từ chân cầu Mỹ Thuận phía Thành phố
Vĩnh Long chảy dài 82km theo hướng Tây-Bắc, Đông-Nam rồi đổ xuôi ra biển, hai
bên bờ Cổ Chiên có nhiều cồn, cù lao, như : cù lao Nai, cồn Dung, cồn Lớn…thuộc
tỉnh Bến Tre. Cù lao Long Hòa, cồn Long Trị, cồn Bần (Thủy Tiên)… thuộc tỉnh
Trà Vinh, cù lao An Bình, cồn Dài… thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Địa
danh dòng Cổ Chiên có nhiều thuyết, thế nhưng có thuyết cho rằng tên con sông
liên quan đến một sự kiện lịch sử khi vào cuối thế kỷ XVIII (1785), lúc đại bại
trận Rạch Gầm-Xoài Mút, là hai nhánh sông nhỏ của sông Tiền trong khu vực của tỉnh
Tiền Giang ngày nay. Tàn quân của Nguyễn Ánh tháo chạy theo đường sông xuống
phía Nam, nhưng khi đến đoạn sông nầy thì bị chiến thuyền của quân Tây Sơn đuổi
nà theo, đoàn thuyền quân Nguyễn Ánh phải tìm cách thoát nạn nguy chết, nên cố
đánh rớt “Trống, Chinh” hết xuống đoạn sông nầy, vì Trống là Cổ, còn Chinh nói
trại thành Chiên, ghép thành Cổ Chiên, như ngày nay thành địa danh của dòng
sông nói trên.
Phà
vượt ra giữa dòng, nhìn thẳng về phía ngã ba sông, thấy một màu xanh đầy sinh lực
của cây trái, bởi do sự hội tụ bồi đắp phù sa tự ngàn năm cho quê hương ngàn dặm.
Bỗng nhớ đến lời bài ca “Con Sông Quê” do ca sĩ Anh Thơ biểu diễn, có đoạn :
“…Qua
nửa đời phiêu dạt,…
Ơi
con sông dạt dào như lòng mẹ,
Chở
che con qua chớp bể mưa nguồn…
Một
dòng sông xanh chảy mãi đến vô cùng”.
Lời
ca như trầm xuống trong lòng, vì lúc nầy gợi nhớ đến cuộc đời của mẹ, một tấm
lòng chất phát, mộc mạc chân quê, vì con mà mẹ một đời tận tụy, chở che cho
con, dù đã phải trải qua bao chớp bể mưa nguồn, mặc dầu hôm nay con đã quá nửa
đời người, và mẹ bây giờ đã hóa ra người thiên cổ, nhưng cũng như những hạt phù
sa mãi mãi vẫn bồi đắp cho muôn bến đời bao sắc màu, nguồn sinh lực muôn trùng,
và luôn tươi mát, cho cây đời thêm xanh và xanh đến tận vô cùng…!
Hai
bên đường xanh rợp bóng cây, không mấy chốc đã đến cầu Phú Phụng, một cây cầu
trông như mới vừa hoàn thành công trình, kế nữa là chợ và Đình Phú Phụng, rồi
chùa Quang Minh, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, Quang Minh là một
ngôi chùa đã trên 100 năm, dáng vấp vẫn còn thô sơ nép mình dưới tàng đại thụ bồ
đề. Huynh đệ gặp lại đã hơn 18 năm, mừng vui qua đôi điều thăm hỏi, ánh nắng
chiều đã rót vàng trên thềm chùa sau một cơn mưa khá to, như để làm bớt đi những
ngày oi bứt của thời tiết đầu mùa.
Tối
nay, vầng trăng ngà mùng tám lung linh chếch nghiêng mái chùa, nghe tiếng chim
giang hồ như đang xếp cánh đâu đây, thỉnh thoảng những ngọn gió lùa qua mang
theo những hương hoa cỏ, hương của miệt vườn, và hương của cả những tấm lòng
trong cuộc đời, như để hòa vào hương vị bất tuyệt của đạo lý giác ngộ tự ngàn
xưa và cho cả ngàn sau muôn trùng diệu lý, chợt nhớ đến lời thi kệ của Ngài Trần
Thái Tông :
“Thiên
giang hữu thủy, thiên giang nguyệt…”
(Ngàn
sông con nước lưu giao
Mênh
mang muôn dặm nơi nào không trăng).
Dù
có đi đâu, qua muôn rạch trăm sông, mỗi bước vào đời ngược xuôi ngàn dặm, vẫn hằng
thắp sáng lẽ sống chơn thường giữa bao lớp bể dâu vô thường sanh diệt, nơi nào
mà không vầng trăng hiền diệu quê hương, vầng trăng trong sáng tư duy cuộc sống,
vầng trăng thanh bình theo từng nhịp thức thời gian, vầng trăng diệu pháp tươi
mát huyền diệu muôn trùng luôn hiển lộ, sự bình an nào không tự nơi mình, nó vẫn
theo mình trong từng hơi thở, bước đi, dù đang đi giữa cuộc đời không ít bề bộn
và lao xao, vẫn thấy và biết rằng :
“Bước
những bước thăng bằng
Trên
đường không thăng bằng”
Nghỉ
một đêm trong khuôn viên chùa yên tịnh, sáng mai sẽ có buổi nói chuyện về đạo
lý tình người trong cuộc sống với hơn 100 phật tử gần xa đến dự khóa tu cố định
hằng tháng tại đạo tràng, buổi nói chuyện như để tụng lên một bài kinh muôn thuở
bình an cho mình và cho cuộc đời :
“Như
giữa đống rác nhớp
Quăng
bỏ trên đường lớn,
Chỗ
ấy hoa sen nở,
Thơm
sạch, đẹp ý người”.
Bến
Tre, trung tuần tháng tư 2014
MẶC PHƯƠNG TỬ (tác giả giữ bản quyền)
______________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét