Ông Mười Ba nằm lim dim trên trên chiếc ghế bố trước hiên nhà tận hưởng những tia nắng đầu ngày ấm áp. Sáng nào hai thằng cháu nội cũng đưa ông ra đây sưởi nắng. Ông thích nằm một mình. Buổi sáng nắng sớm chiếu xiên qua mái nhà bao trùm lấy cái ghế nơi ông nằm.
Nhưng chỉ một chốc sau, khi mặt trời lên cao một tí, thì cái chỗ nằm của ông và cả cái khoảng sân lại được cây khế già che nắng, tỏa bóng mát rười rượi, nên bọn chúng cũng an tâm đi làm. Ông nằm nghỉ ngơi cho đến giờ cơm trưa mới vào nhà. Sáng nào trước khi đi làm hai thằng cháu cũng đòi quét sân cho nội. Ông lại bảo cứ để lá vàng và hoa khế tím rụng thế. Những khi chập chờn nửa tỉnh nửa mơ, ông thích nghe tiếng bước chân của ai đó khi đi vào sân. Nó luôn luôn luôn gợi nhớ. Cái âm thanh xào xạc của những chiếc lá khô với ông luôn là tiếng vọng của những tháng ngày hừng hực sức sống, những tháng ngày bằng đôi chân của mình ông đã bươn chải khắp nơi để tìm lấy giấc mơ đời mình. Vậy mà giờ đây ông đã ở cái tuổi tám mươi chín rồi. May mắn ông vẫn rất minh mẫn, chỉ có mỗi thứ là cái bộ khung xương già nua của ông giờ rệu rã. Nó không còn nghe theo sự điều khiển của ông nữa. Lực bất tòng tâm. Đã hai tháng, ông không bước chân xuống giường, mọi nhu cầu sinh hoạt di chuyển đều phải có người giúp. Mấy hôm nay ông nghe trong người mọi thứ đều rã rời. Cả ngày ông chẳng làm gì ngoài việc nằm đây chờ đợi cái phút giây đi vào cõi vĩnh hằng. Ông hiểu rõ điều đó và sẵn sàng khi nó đến. Ông không biết lúc chết cảm giác người ta thế nào. Có lẽ đớn đau, ngột ngạt lắm ? Gì thì cũng một thoáng chốc rồi tắt lịm. Thanh thản. Lúc này ngay cả nghĩ suy cũng làm ông thấy mệt nhọc. Một chốc ông lại chìm vào những cơn mơ màng nửa thức, nửa ngủ. Trong cơn mơ màng ấy, ông luôn thấy lại quá khứ. Nhưng không có thứ gì rõ ràng. Những mẩu ký ức không đầu không đuôi, luôn mờ ảo như những thước phim cũ. Ngay cả những khuôn mặt người cũng nhạt nhòa, không một chút đường nét. Nhưng chính những mẩu ký ức không đầu không đuôi chập chờn trong mơ ấy, nó lại gợi cho ông những kỷ niệm tưởng chừng đã ngủ yên mỗi khi ông giật mình trở lại với thực tại.
Ông là út thứ mười ba của một gia đình có đến mười hai người con. Cha ông, một lão đồ nho thức thời nhưng đông con và nghèo nên chỉ có thể cho ông học hết bốn năm chữ quốc ngữ với một ông giáo trong làng, đủ để có thể đọc viết thành thạo. Bù lại ông rất giỏi võ. Được sự chân truyền của chính cha mình - một thầy đồ giỏi võ, và những người bạn của ông, mười lăm tuổi ông đã không có đối thủ trong vùng. Nhưng số phận lại trớ trêu với ông, năm mười bảy tuổi, cha mẹ ông lâm bạo bệnh rồi lần lượt qua đời. Bơ vơ giữa đời. Những người anh chị đều đã có gia đình và đều nghèo, ai cưu mang ông bây giờ. Vậy là ông ra đi, bỏ lại ngôi làng đã gắn bó cả thời niên thiếu, bỏ lại căn nhà của cha mẹ mà ông đã sống đơn độc với con chó mực để chờ đợi ngày mãn tang. Một thân mình, một tay nải ông bắt đầu kiếm sống bằng nghề dạy võ. Nơi nào có sân võ, hầu như đều có mặt ông. Không bao lâu ông nổi tiếng khắp vùng. Nhưng rồi súng ống tràn vào, xem chừng những thứ ấy đắc dụng hơn nhiều so với những bài quyền hay đao kiếm. Các sân võ dần dần đóng cửa và cũng chẳng còn ai mời ông làm võ sư nữa.
Ông lại bắt đầu làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Cái nghiệp võ đã không còn có thể đeo mang, lại chỉ được học hành võ vẽ, nên ông hiểu rằng mình chỉ là kẻ dốt nát trong một xã hội đang tiếp nhận những cái mới bởi những kẻ tóc vàng da trắng từ trời Âu sang đây. Ông bắt đầu chú ý đến việc đọc sách. Với điều kiện và nhận thức của mình, ông đọc bất cứ thứ gì gọi là sách mà ông có thể có được. Là một người không được tới trường, ông lại rất tự hào vì ông cảm nhận mình là người đọc nhiều sách nhất trong cái xứ xở này. Ông đọc tất tần tật, từ báo, truyện, tiểu thuyết cho đến chính luận, triết học...ông đều không bỏ qua. Ông thuộc thơ Nguyễn Du, biết tên các nhà văn Mỹ, thuộc làu Tứ Diệu Đế của Thích Ca và biết cả ở Hy Lạp có cuộc chiến thành Troia cùng với những triết gia vĩ đại. Tuy nhiên ông cũng hiểu rằng ông chỉ lĩnh hội được một phần rất nhỏ trong cái mớ kiến thức ngồn ngộn mà ông đã đọc cả đời mình. Ông trân trọng tất cả họ, những tinh hoa của loài người, nhưng ông lại có cách nghĩ, cách sống của ông. Tất cả các triết lý, các quy định, luật lệ, các thành tựu của cuộc sống cũng chỉ là sản phẩm trí tuệ con người phục vụ cho con người. Những thiên đường, địa ngục hay cõi niết bàn, nước chúa...với ông cũng chỉ là do con người nghĩ ra. Nếu một ngày nào đó, một tảng thiên thạch vô tình rong chơi vào trái đất và cái thảm họa diệt vong hai mươi ba triệu năm trước đối với những con khủng long lập lại, thì những thứ ấy cũng tan biến vào trong hư vô. Tất cả cũng từ con người, và chỉ vì con người mà ra. Qua bao nhiêu năm lăn lộn trong cuộc sống với những thăng trầm đau khổ, ông hiểu con người sinh ra trong cõi thế gian này phải chịu bao nhiêu những ràng buộc, buồn vui, sướng khổ. Nên họ xem tôn giáo chính là cứu cánh, giúp cho họ vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống. Mặt khác tôn giáo đóng một vai trò không nhỏ trong sự ổn định trật tự xã hội. Với những ràng buộc đạo lý và niềm tin, tôn giáo đã giúp cho con người không vượt qua những quy định đạo đức, luật lệ xã hội. Tuy nhiên với tôn giáo ông chỉ là kẻ đứng ngoài vỗ tay hoan hô, ông chẳng thích bị ràng buộc bởi những nghi lễ chút nào cả.
Ông choàng tỉnh bởi tiếng bước chân xào xạc. Cái âm thanh nầy luôn đánh thức ông những khi ông mơ màng nửa ngủ nửa thức. Ông mở mắt nhìn. Khách của thằng con trai. Đã nhiều năm ông chẳng có ai đến thăm. Những người bà con, những người bạn và cả những người đàn bà đi qua cuộc đời ông đều đã vào cõi hư không vô tận. Mấy năm nay ông chỉ sống với những hoài niệm, những ký ức. Đôi khi ông tự hỏi sao ông lại được sống lâu hơn những người kia vậy. Mà cũng để làm gì chứ. Ngày ngày nằm đây ngắm nhìn thiên hạ, chỉ ăn rồi ngủ. Cả cái nghĩ suy cho có đầu có đuôi cũng chẳng trọn vẹn, vậy thì có ích chi. Chỉ là những tháng ngày tồn tại như một thực thể. Ga cuối cùng của hành trình đời người đã ở ngay trước mắt.
Mặt trời đã lên khá cao, giờ này hai thằng cháu của ông cũng sắp đi làm về. Ông cảm nhận được điều này bởi cái bóng nắng tỏa xung quanh gốc khế. Lúc xa, lúc gần, lúc nghiêng, lúc thẳng. Cả cuộc đời ông cũng thế, cũng năm chìm bảy nổi. May mắn những ngày cuối đời có được chút nắng hoàng hôn ấm áp yên bình. Ông tự hỏi nằm đây đợi lúc lìa trần, có hạnh phúc hơn những bạn bè, những người thân đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ để có thể chiêm nghiệm sự chết sống như ông. Ông cũng chẳng thấy mình hơn họ điều gì. Sống nhiều hơn hay ít hơn thì có ý nghĩa chi đây. Ngày tháng đi qua vô tình, đời người có dài bao nhiêu cũng chỉ là khoảnh khắc. Chín mươi năm là bao so với trời xanh mây trắng. Năm tháng đời người tưởng như dài nhưng nắng sáng chưa tan đã thấy bóng chiều tà. Dong ruổi một đời ông cũng đã quá mệt mỏi với cơ thể già nua này, có dài hơn nữa thì ích chi đây. Mấy đứa con cháu đều yêu thương ông, luôn làm ông vui mỗi khi có thể. Bọn chúng muốn ông được sống lâu để chúng làm trọn đạo hiếu, cái mà ông cũng dạy cho chúng. Một phần ông cảm thấy vui, còn một phần ông lại thấy buồn cho kiếp người. Xế chiều của đời người chỉ là tháng ngày đợi chết thôi sao ?!
Một cơn bấc len nhẹ vào sân làm ông Mười Ba rùng mình. Hôm nay đã là rằm tháng Chạp rồi, nửa tháng nữa là đến Tết, ông lại đếm thêm một tuổi nữa. Mà chắc gì. Mọi năm trước giờ này ông đã trảy xong lá cả hai cây mai cuối vườn, năm nay ông đành chịu. Hai đứa cháu hứa chiều nay sẽ làm xong cho nội. Hai cây mai ông trồng ba mươi năm trước, khi gia đình ông chuyển đến đây. Ông luôn thích thú ngắm nhìn những cây mai rụng lá chỉ còn trơ lại những cành. Rồi một sáng, từ trên những cành gân guốc, sần sùi ấy, những mầm sống, chồi xanh vươn lên. Cuộc sống tiếp tục sinh sôi nảy nở. Ông thán phục và ngưỡng mộ nhìn hai cây mai già nua ươm đầy những nụ hoa. Năm nào chiều ba mươi tết ông cũng tự tay chọn một cành mai đẹp nhất cắm vào cái lục bình to để trên bàn thờ tổ tiên. Vậy mà năm nay ông đã không còn làm được những công việc quen thuộc ấy nữa rồi. Như một cỗ máy mà tất cả các linh kiện của nó đã ở vào thời kỳ vận hành cuối cùng, chẳng biết sẽ dừng lại lúc nào. Đã bao lần ông mệt mỏi chìm vào trong giấc mơ màng và mong mình đừng dậy nữa. Nhưng rồi ông lại tỉnh giấc với sự mệt mỏi đến rã rời từng thớ thịt. Những ký ức hiện về không đầu không đuôi trong cơn chập chờn thức ngủ, lại càng làm ông buồn thắt gan thắt ruột. Ông lại chìm vào những cơn mơ tỉnh không đầu không đuôi…
Ông ủng hộ tôn giáo, nhưng không đặt niềm tin vào đó. Ông không có ý niệm về việc chuẩn bị cho một cuộc sống kiểu như lên thiên đường hay hưởng phước kiếp sau. Với ông, con người chỉ được sinh ra một lần và chỉ một lần. Từ xưa đến giờ có bao giờ ông nghe có ai đó chết rồi lại có thể trở lại thế gian trong một cuộc sống khác. Còn cõi niết bàn hay nước chúa, đã có tín đồ nào từ đó quay về để chứng minh sự hiện hữu của nó. Ông sống trọn vẹn cho lần rong chơi duy nhất đến thế gian, rồi có đi đâu về đâu cũng chẳng có gì quan trọng. Ông cho rằng mình may mắn được một lần làm người, nên ông luôn tâm niệm cần phải sống cho trọn kiếp người mà trong đó điều quan trọng là cái đạo làm một con người. Những gì có liên quan việc đối nhân xử thế trong những cuốn sách mà ông đọc trong đời mình, ông đều ghi nhớ hoặc thu thập lại, rồi sau đó nghiền ngẫm, nghỉ suy. Trên bước đường đời nhiều nỗi thăng trầm của mình, ông luôn luôn ửng xử trên tinh thần tôn trọng người khác, có tình có nghĩa. Chẳng phải ông làm thiện làm phước cho đời, mà cái chính là ông muốn có một cuộc sống thanh thản cho tâm hồn mình. Mỗi chiều về có thể ngồi uống trà, nhìn mây lãng đãng. Buổi tối có thể có được một giấc ngủ sâu không phiền hà day dứt. Cũng nhiều khi ông cảm thấy buồn lòng vì người ta càng ngày càng ít độ lượng với nhau. Mà trách cứ gì cơ chứ. Đâu phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của một cơ hội làm người. Vậy mới là cuộc sống. Ông đã đi một cuộc đời mà giờ đây ở cuối đường dong ruổi, ông không cảm thấy mình áy náy hay mắc nợ với ai đó trong đời.
Hai con chim Trao trảo lại cãi nhau chí chóe trên cây trứng cá sân nhà bên làm ông choàng tỉnh. Ngày nào giờ này bọn chúng cũng bay về ăn trứng cá chín. Không biết bọn chúng đang giành ăn hay cãi nhau về tương lai giống loài. Cũng chẳng phải chuyện của ông. Ông mệt mỏi mở mắt. Mặt trời đã gần ở đỉnh đầu. Ánh nắng lốm đốm xuyên qua kẽ lá, rọi vào khoảng sân chỗ ông nằm như những chùm hoa nắng. Thỉnh thoảng, một cơn gió làm lay động tán cây, những chùm hoa nắng lại chập chờn ẩn hiện nhảy múa quanh ông. Ông gọi đấy là vũ điệu cuộc sống, hàng ngày ông thích ngắm nhìn chúng. Nhưng hôm nay cơ thể của ông dường như không còn muốn cảm nhận cái nhịp đập cuộc sống nữa rồi. Những khớp xương vốn đã lỏng lẻo, giờ như sắp long ra, vỡ vụn. Từng thớ thịt da nghe chừng ê ẩm như vừa bị một trận đòn hội chợ. Cả đến trở mình thôi đã thấy quá nhọc nhằn. Làm sao gọi là sống chứ.
Hai thằng cháu nội đi làm về rất đúng giờ. Chúng tíu tít hỏi thăm sức khỏe ông rồi đưa ông vào nhà. Giờ cơm trưa nên cả nhà tề tự đông đủ. Ông sống với vợ chồng thằng con trai thứ tư và hai đứa cháu nội. Cuộc sống hiện tại buộc chúng phải luôn tất bật, phải hòa vào trong cái nhịp sống xã hội ngày càng hối hả này. Thì cũng phải thôi, cuộc sống đâu thể đứng yên mãi được. Cái thời của ông đã đi qua rồi, có cố níu kéo cũng chỉ là chút tàn tro hoài niệm.
Trưa nay ông Mười Ba bỏ buổi ăn. Cả ly sữa ông cũng chẳng hớp được ngụm nào. Miệng ông đắng chát, khô ráp. Ông thở mệt nhọc từng chập, từng chập. Ông chỉ muốn ngủ. Mấy tháng nay ông luôn đấu tranh với thân thể già nua này và hy vọng sẽ lại bước xuống giường. Nhưng hôm nay cái hy vọng mỏng manh ấy cũng mất đi. Ông đã không còn muốn đấu tranh nữa. Cuộc sống có những quy luật vượt khỏi tầm tay con người. Có thấu hiểu, có ngộ đến đâu cũng phải chấp nhận với sự khắc nghiệt ấy của tạo hóa. Ông đã sống gần một thế kỷ, đến lúc hạ màn kết thúc rồi, vở kịch đời người cũng đủ quá kiếp phù trầm. Ông nhìn những thứ quen thuộc trong căn nhà mình đã sống bao năm nay. Tất cả đều nhạt nhòa, chẳng có một chút đường nét, đầu óc ông cũng chập chờn nửa tỉnh nửa mơ. Dường như có đông con cháu của ông đến, ông nghe nhiều tiếng người thì thầm trao đổi, cố giữ sự yên tĩnh cho ông. Bọn chúng nó muốn đấu tranh để giành sự sống cho ông. Đó là trách nhiệm làm người của chúng nó. Nhưng giờ này thì có ích chi. Mà chẳng phải là chuyện của ông nữa rồi. Ông chẳng còn nợ nần ai hay trách nhiệm gì đối với cuộc đời này nữa cả. Ông chỉ quá mệt mỏi cái thể xác này, chứ trong tâm hồn ông thấy thật sự thanh thản, chẳng có gì phải hối tiếc hay băn khoăn. Tre tàn để măng mọc đó là quy luật. Cưỡng cầu những điều không thể thì có ích chi.
Ông Mười Ba không tin vào chuyện linh hồn. Trong những cơn mơ chập choạng, ông thấy lại cha mẹ ông, vợ ông. và rất nhiều những người thân quen cũ đã khuất. Ông biết rằng đó không phải là hồn về ứng mộng mà đó chỉ là ký ức, là những hoài niệm được cất giữ trong sâu thẳm con người ông. Nó chỉ là sự phản chiếu của quá khứ. Chết là một sự kết thúc. Sẽ chẳng còn lại gì ngoài sự trống không sau cái giây phút sự sống chấm hết. Ông là con út trong gia tộc nên ông phải thực hiện nghĩa vụ thờ cúng tổ tiên. Ông thực hiện rất trọn vẹn trách nhiệm của mình. Nhưng ông xem những lễ nghi, những cỗ bàn bày biện trong các dịp lễ tết giỗ chạp là một nét văn hóa, là bản sắc dân tộc cần giữ gìn. Chứ làm gì có linh hồn tổ tiên nào về ăn uống chứng giám. Khi thể xác đã không còn thực hiện chức năng hoạt động nữa thì linh hồn cũng sẽ phải tan biến vào hư vô. Cả đời mình ông đâu có thấy một linh hồn nào tồn tại giữa thế gian. Cách đây mấy chục năm trái đất chỉ có một tỷ người, bây giờ đã hơn năm tỷ. Như vậy linh hồn cũng được sinh ra chứ đâu phải tồn tại để rồi luân chuyển từ thể xác này sang thể xác khác. Cái gì có sinh thì phải có diệt. Ông xem chuyện hồn xác giống như con rô-bot của thằng cháu nội ông. Cái dòng điện cũng như linh hồn con người điều khiển những thiết bị của cơ thể để nó hoạt động. Dĩ nhiên có sự khác biệt vì con người là một cỗ máy sống, có tư duy. Nhưng khi linh hồn lìa đi, dòng điện không còn, thân xác còn lại khác chi con rô-bot vô tri vô giác kia. Được một lần làm người với những buồn vui sướng khổ rồi tan biến vào hư vô thế cũng đủ quá rồi.
Ông lại chìm vào trong cơn thức ngủ. Trong mơ ông thấy nhiều người vây quanh ông chăm sóc, yêu thương ông, dành cho ông những tình cảm tốt đẹp nhất của con người. Ông lại thấy hai thằng cháu đứng dưới mấy cội mai trổ đầy những nụ hoa và chồi non xanh biếc. Nắng rực rỡ quá. Ông thấy hai con chim Trao trảo hót vang rồi tung cánh bay về hướng ánh sáng chói lòa của mặt trời. Trong khoảnh khắc, ông thấy mình tràn đầy sinh lực, hết sức nhẹ nhàng bay vút lên trời xanh lồng lộng mây trời. Ông thích thú tận hưởng cảm giác yên bình, thanh thản đến lạ kỳ. Ông thầm cảm ơn đây không phải là giấc mơ không đầu không đuôi của những mẩu vụn vặt ký ức thường ngày. Ông mỉm cười vươn tay về phía cuối chân trời nơi có quầng sáng chói lòa rực rỡ.
PHAN VÕ HOÀNG NAM (tác giả giữ bản quyền)
___________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét