Nhà văn Anh Đức, người con của đất phương Nam đã từ giã cuộc đời ngày 21/8/2014, ở tuổi 79. Nhà văn tên thật là Bùi Đức Ái, sinh năm 1935 tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, An Giang. Bùi Đức Ái tham gia cách mạng từ trẻ, mười tám tuổi làm ở báo Cứu quốc Nam Bộ. Ông bắt đầu nghiệp văn dưới sự dìu dắt của nhà văn Đoàn Giỏi. Dễ hiểu khi các tác phẩm của ông luôn gắn liền với mảnh đất và con người phương Nam.
Thời gian sau, Bùi Đức Ái ra Bắc tập kết, được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng truyền thụ kinh nghiệm sáng tác. Trong một chuyến đi thực tế, ông gặp bà Nguyễn Thị Huỳnh, nguyên mẫu của chị Tư Hậu và viếtMột chuyện chép ở bệnh viện. Truyện này được chuyển thể thành phim.
Đau đáu nỗi nhớ miền Nam nên ông trở lại chiến trường ngay trong đợt xung phong đầu tiên của anh em văn nghệ sĩ. Từ đây, ông lấy bút danh là Anh Đức. Nhà văn chính thức tiếp cận thực tế chiến trường miền Nam và cho ra đời những đứa con tinh thần đặc sắc mang hơi thở cuộc chiến.
Loạt ký sự Bức thư Cà Mau phản ánh cuộc sống chiến đấu nơi đây dưới hình thức trao đổi văn học qua thư với nhà văn Nguyễn Tuân. Còn tiểu thuyết Hòn đất làm nổi bật tinh thần kiên cường bất khuất người dân Kiên Giang, đặc biệt là hình ảnh người phụ nữ. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của Anh Đức, được giải văn học Nguyễn Đình Chiểu.
Anh Đức vừa viết văn vừa làm công tác quản lý. Ông nguyên tổng biên tập tạp chí Văn nghệ giải phóng, ủy viên ban thư ký Hội nhà văn Việt Nam. Hòa bình lập lại, Anh Đức vào Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2000, ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh vì những đóng góp cho văn học.
Đầu 2004 nhà văn bị tai biến dẫn tới hôn mê suốt bốn năm. Hồi tỉnh là một kỳ tích song sức khỏe thì không còn như xưa. Rạng sáng 22/8/2014, nhà văn Anh Đức đã qua đời tại bệnh viện Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh.
Khi biết được tin này, nhà thơ Vũ Quần Phương không khỏi hẫng hụt. Ông buồn bã kể lại: “Tôi biết tới nhà văn Anh Đức khi còn học trung học. Anh và Nguyễn Quang Sáng là lớp nhà văn đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám. Ảnh hưởng của các anh suốt từ Nam ra Bắc. Lớp kế cận chúng tôi luôn hướng tới, học tập theo các anh từ viết văn tới nhân cách con người”.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, ủy viên ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam thuộc lớp người mới trưởng thành sau chiến tranh cũng chia sẻ: “Thực ra tôi với nhà văn Anh Đức không có mối liên hệ nào ngoài chuyện tôi rất tôn trọng ông. Tôi từng say mê chị Tư Hậu và chị Sứ. Hai mẫu nhân vật gây ảnh hưởng không nhỏ tới những sáng tác của lớp hậu sinh chúng tôi”.
Nhà văn Anh Đức ra đi là một mất mát lớn của giới văn học Việt Nam. Lễ viếng ông diễn ra bắt đầu từ chiều 22/8 tại Trụ sở liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM. Tang lễ được tổ chức sau đó hai ngày.
“Năm ngoài anh Nguyễn Quang Sáng ra đi đột ngột khiến tôi rất đau lòng. Giờ lại đến anh Anh Đức. Vẫn biết anh đã yếu nhưng vẫn để trong tôi cảm giác trống vắng, chới với. Tuổi tôi cũng đã cao, càng thấy buồn vì lớp các anh đã ra đi gần hết, mất đi những gương mặt để bấu víu” - Nhà thơ Vũ Quần Phương.
TRUNG DŨNG
____________________
VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC NHÀ VĂN ANH ĐỨC KÍNH MẾN!
Trả lờiXóaTin buồn cho Văn đàn An Giang và cả nước. Lại một cây cổ thụ Văn chương của tỉnh An Giang nữa ra đi. Xin tiễn đưa...
Trả lờiXóaVô cùng thương tiếc. Xin chia buồn cùng gia quyến. Kính tiễn ông về cõi yên lành
Trả lờiXóa