Nhận xét về văn học trẻ ĐBSCL, nhiều người cho rằng: một mảnh đất “có nhiều chuyện để viết” nhưng đang thiếu người viết ấn tượng, tạo tiếng vang. Văn học trẻ đồng bằng hiện khá trầm lắng, có sự chênh lệch giữa các địa phương. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với nhà thơ trẻ Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang về thực trạng văn học trẻ ĐBSCL hiện nay.
Là một nhà thơ trẻ và thành công, từng là đại biểu 2 lần dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VII (2006) và VIII (2011), anh có thể chia sẻ cảm nhận về văn học trẻ ĐBSCL hiện nay?
- So với các địa phương khác trong cả nước, lực lượng viết văn trẻ ở ĐBSCL hiện nay khá khiêm tốn về mặt số lượng. Vài năm trở lại đây, văn học trẻ đồng bằng chỉ xuất hiện một vài cây bút trẻ tạo được tiếng vang trên văn đàn. Có thể “đếm trên đầu ngón tay” như Lê Minh Nhựt, Trương Thị Thanh Hiền, Diệp Bần Cò, Võ Mạnh Hảo, Huỳnh Thúy Kiều, Nguyễn Đức Phú Thọ, Lê Quang Trạng… Lực lượng này chủ yếu tập trung ở những nơi có phong trào sáng tác trẻ phát triển mạnh như: An Giang, Tiền Giang, Long An, Cà Mau… Còn phần đông chỉ mang tính nghiệp dư, chưa có sự đột phá, chưa tạo được dấu ấn riêng.
Về nội dung, theo tôi, văn học trẻ ĐBSCL đã bắt đầu bắt nhịp được hơi thở của cuộc sống đương đại. Mặc dù biên độ đề tài các tác giả trẻ khai thác trong tác phẩm được mở rộng tối đa nhưng hầu hết vẫn giữ bản sắc vùng miền.
Nhiều người cho rằng, văn học trẻ đồng bằng đang “lặng lẽ đến nao lòng”. Theo anh, đâu là nguyên nhân?
- Có lẽ sau hiện tượng “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, văn học trẻ ĐBSCL hầu như chưa có tác phẩm khác tạo được tiếng vang nên khiến cho nhiều người cảm thấy “nao lòng”. Tuy nhiên, sự trầm lắng này theo tôi không riêng gì của văn học trẻ ở ĐBSCL mà còn ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.
Điều có thể thấy là tuổi tác của lực lượng viết ở ĐBSCL đang ngày càng già đi trong khi lực lượng trẻ kế thừa vẫn đang thiếu vắng. Tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khu vực ĐBSCL tổ chức tại Tiền Giang đầu tháng 5 vừa qua, trong hơn 60 đại biểu tham dự thì số được gọi là trẻ như: Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh, Trương Thị Thanh Hiền, Lê Minh Nhựt… đếm không quá bàn tay, nhưng tuổi đời ai cũng đều đã ngoài 30.
Thử đi tìm nguyên nhân… Điều ai cũng có thể thấy đó là việc kiếm sống bằng văn chương ngày càng khó. Thử thách về “cơm áo gạo tiền” đã khiến không ít cây bút trẻ phải rẽ sang một hướng khác, hoặc chỉ xem văn chương như là cuộc dạo chơi ngắn ngủi. Trong khi đó, tình yêu và sự quan tâm dành cho văn chương của xã hội dường như không còn như trước đây, “đất” dành cho văn chương ngày càng bị thu hẹp, độc giả “mê” văn chương cũng không nhiều. Và một điều nữa là việc tìm kiếm, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ ở nhiều nơi dường như vẫn còn bị bỏ ngỏ, được chăng hay chớ…
Ở ĐBSCL hiện nay không thiếu những cuộc thi văn, thơ. Vị trí của các cây bút trẻ ra sao trong các cuộc thi này? Theo anh, liệu các cuộc thi đó có đủ sức “thử thách” tác giả trẻ chưa?
- Mục đích của hầu hết các cuộc thi văn chương là tìm ra tác phẩm có giá trị, đồng thời phát hiện những cây bút mới. Nhưng ở nhiều cuộc thi văn chương khu vực gần đây, tôi thấy ít có sự xuất hiện của những gương mặt thật sự mới. Tôi nghĩ một phần do tác phẩm của những cây bút trẻ chưa đủ sức nặng, mặt khác có vẻ như những cuộc thi này thiếu sức hút bởi những điều tiếng liên tục xảy ra.
Nên chăng trong hoạt động liên kết về văn học nghệ thuật ở ĐBSCL cần có những cuộc thi dành riêng cho các cây bút trẻ. Như ở Tiền Giang, cuộc thi Thơ trẻ Tiền Giang cho các cây bút trẻ dưới 35 tuổi qua 3 lần tổ chức đều rất thành công, phát hiện được nhiều gương mặt thơ đầy triển vọng. Tôi nghĩ, nếu có một “sân chơi” phù hợp, các cây bút trẻ sẽ dễ dàng bộc lộ mình hơn.
Dạo gần đây, nhiều cây bút trẻ chọn mạng internet làm “đất dụng võ”, anh suy nghĩ sao về xu hướng này?
- Theo tôi, đây là một xu hướng tất yếu khi mạng internet đang phát triển vượt bậc và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người. Nhiều bạn bè của tôi hiện nay sáng tác ngay trên smartphone (điện thoại thông minh) và sau đó lập tức đưa lên mạng để chia sẻ cùng mọi người. Theo quan sát của tôi, nhiều bạn trẻ cũng đã quen với việc đọc tác phẩm của bạn bè trên các mạng xã hội, và chia sẻ những cảm nhận của mình với tác giả. Nhiều tác phẩm văn học mạng đã tạo được tiếng vang và cũng đã có nhiều cây bút bước ra từ thế giới ảo. Văn chương mạng đang dần khẳng định vị trí.
Tuy nhiên, do ai cũng có thể tự do đưa tác phẩm của mình lên mạng nên nếu không có định hướng đúng đắn rất dễ dẫn đến “lệch chuẩn” về những giá trị văn chương. Đó là chưa kể việc phần lớn những tác phẩm này không có sự chọn lọc, nếu được phổ biến rộng rãi rất dễ dẫn đến tình trạng “nghiệp dư hóa” trong sáng tác.
Xin cảm ơn anh!
Người sáng lập Thotre.com
Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa sinh năm 1983, quê Chợ Gạo, Tiền Giang, là người sáng lập trang Thotre.com từ năm 2004. Trang web đã trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ của nhiều bạn trẻ yêu văn học. Đặc biệt, cuộc thi thơ online được tổ chức trên Thotre.com năm 2006 đã phát hiện ra nhiều cây bút trẻ, sau này thành danh như Lệ Bình Quan, Huỳnh Thúy Kiều, Hồ Huy Sơn, Lê Văn Lâm, Hoa Nip...
|
______________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét